2 cách cắm hoa cúc trưng bàn thờ ngày Tết vừa đơn giản vừa đẹp, vụng mấy cũng làm được!
2 cách cắm hoa cúc này sẽ giúp bạn có thêm gợi ý để tạo ra bình hoa lý tưởng chỉ trong vài phút.
Mỗi dịp Tết đến, xuân về, bên cạnh không gian sống trong nhà cần được trang hoàng, tô điểm mà bàn thờ tổ tiên cũng cần được chăm chút, tôn nghiêm với những bình hoa tươi thắm. Hoa cúc – biểu tượng của sự trường thọ, may mắn và sum vầy, luôn là lựa chọn hàng đầu để cắm trên bàn thờ ngày Tết. Hãy cùng khám phá những bí quyết để cắm hoa cúc không chỉ đẹp mà còn mang đậm ý nghĩa truyền thống và phong thủy, qua đó, gửi gắm niềm tin vào một năm mới an lành, thịnh vượng.
Cắm hoa cúc trưng bàn thờ ngày Tết.
1: Cách cắm hoa cúc tím
* Nguyên liệu cần chuẩn bị:
- 1 chiếc bình cao, dáng hình trụ, miệng hơi loe tròn.
- 1 miếng mút xốp.
- 1 cuộn băng dính nhỏ.
- 1 chiếc kéo.
* Các bước tiến hành:
- Đầu tiên, bạn hãy nhúng miếng mút xốp vào nước trong khoảng 30 phút để mút ngậm no nước.
- Sau đó, đổ nước vào bình, lưu ý để mức nước ngập miếng xốp. Với cách này, mút xốp sẽ có thể hút nước trong bình và làm ẩm bề mặt, cung cấp cho hoa tươi lâu hơn ngay cả khi bạn không tưới thêm nước cho hoa. Tuy nhiên, bạn có thể không cần cho nước mà thay vào đó là tưới hoa hàng ngày là được.
- Tiếp theo, hãy lấy 1 miếng mút xốp cắt vừa miệng bình rồi cố định lại bằng băng dính.
- Bước kế tiếp, bạn hãy lấy hoa đã sơ chế sạch và ngâm trong nước chừng 30 phút ra cắm.
- Để bắt đầu công đoạn này, bạn hãy chọn 1 cành hoa thẳng và dài nhất cắm vào vị trí chính giữa làm tâm bình. Lưu ý cắm lùi xuống phía dưới cùng để có chỗ cắm cho những bông hoa sau đó và cắt chéo gốc 1 góc 45 độ để hoa dễ hút nước cũng như dễ cắm vào xốp hơn.
- Theo thứ tự lần lượt, bạn cắm những bông hoa tiếp theo, tỉa theo chiều thấp dần sang bên. Chú ý căn chỉnh sao cho 2 bên trông thật cân đối. Cứ làm như vậy cho tới khi hết hoa, bạn sẽ có ngay 1 bình hoa đẹp trưng lên bàn thờ.
Với kiểu cắm hoa này, bạn có thể để lại lá (chỉ tỉa những chiếc lá héo úa, dập nát) trang trí thêm cho bình hoa trông thật đầy đặn và rực rỡ.
Sau khi cắm xong hoa hãy đan xen thêm lá cho bình hoa thêm rực rỡ nhé!
2: Cách cắm hoa cúc vàng
* Nguyên liệu cần chuẩn bị:
Về cơ bản, nguyên liệu cần chuẩn bị cho 2 cách cắm là giống nhau. Tuy vậy, bình hoa dùng để cắm theo kiểu này nên cao hơn 1 chút để cân xứng với hoa và lá.
- 1 chiếc bình cao, dáng hình trụ, miệng hơi loe tròn.
- 1 miếng mút xốp.
- 1 cuộn băng dính nhỏ.
- 1 chiếc kéo.
- 1 ít lá cau non.
* Các bước tiến hành:
- Đầu tiên, bạn hãy nhúng miếng mút xốp vào nước trong khoảng 30 phút để mút ngậm no nước.
- Sau đó, đổ nước vào bình rồi lấy 1 miếng mút xốp cắt vừa miệng bình, đặt sao cho đầu đỉnh nhọn lên trên cùng và cố định lại bằng băng dính.
- Bước kế tiếp, bạn lấy lá cau non, tỉa lại cho lá gọn hơn và phần đỉnh nhọn tạo thành 1 hình tam giác.
- Sau bước này, hãy chọn 1 chiếc lá dài nhất cắm làm tâm và những chiếc lá khác cắm thấp dần đều sang 2 bên.
- Khi đã cắm đủ lá cho bình hoa, hãy dùng hoa đã sơ chế sạch và ngâm trong nước chừng 30 phút ra cắm.
- Tương tự như cách cắm trên, bạn hãy chọn 1 cành hoa thẳng và dài nhất cắm vào vị trí chính giữa làm tâm bình. Lưu ý cắm lùi xuống phía dưới cùng để có chỗ cắm cho những bông hoa sau đó và cắt chéo gốc 1 góc 45 độ để hoa dễ hút nước cũng như dễ cắm vào xốp hơn.
- Theo thứ tự lần lượt, bạn cắm những bông hoa tiếp theo, tỉa theo chiều thấp dần sang bên. Chú ý căn chỉnh sao cho 2 bên trông thật cân đối. Cứ làm như vậy cho tới khi hết hoa là được.
2 cách cắm này sẽ giúp tạo ra 1 bình hoa cỡ lớn dù số lượng hoa không nhiều, trông sang trọng và trang nghiêm, thích hợp để bày trên bàn thờ vào dịp Tết.
Chúc các bạn thành công với 2 cách cắm hoa cúc cực dễ này nhé!
Bí quyết để cắm hoa Tết vừa đẹp vừa bền
Khi cắm các loại hoa thân gỗ nên chọn những bình thân cao để làm nổi bật dáng bay bổng của cành hoa.
Trong những ngày Tết, hầu như gia đình nào cũng chuẩn bị những bình hoa xinh đẹp để cắm trong nhà. Những bình hoa rực rỡ, tươi mới không chỉ làm đẹp không gian mà còn mang đến không khí ấm áp, tươi vui, đón chào một năm mới với nhiều điều tốt đẹp.
Chị Yến Nguyễn (Hà Nội), thường xuyên chia sẻ những bí quyết để giữ hoa tươi lâu và tạo ra những bình hoa thật ấn tượng. Theo chị, để có một bình hoa đẹp, việc lựa chọn loại bình và xử lý hoa trước khi cắm đóng vai trò rất quan trọng.
Chị Yến Nguyễn (Hà Nội)
Chị chia sẻ: "Khi cắm các loại hoa thân gỗ như tuyết mai hay tiểu tú cầu, mình thường chọn những bình thân cao để làm nổi bật dáng bay bổng của cành hoa. Trước khi cắm, cần cắt bỏ phần gốc cũ, độ dài ngắn tùy thuộc vào chiều cao và không gian trưng bày. Nên cạo lớp vỏ bên ngoài để lộ phần thân xanh, sau đó chẻ gốc làm đôi hoặc làm tư (nếu thân lớn) để hoa hút nước tốt hơn, giúp hoa bung nở rực rỡ".
Đặc biệt, tuyết mai rất ưa nước nên phải luôn giữ bình đầy nước và châm thêm nước mỗi ngày. Với các loại hoa này, để bình hoa thêm đầy đặn và nở đẹp, chị khuyên nên cắm từ 2 đến 4 bó. "3-4 bó sẽ đẹp nhất vì khi hoa nở trắng cành, bình hoa sẽ mãn nhãn hơn rất nhiều", chị nói.
Ngoài các loại hoa thân gỗ, chị Yến cũng chia sẻ cách chọn bình cho từng loại hoa khác: "Với hoa cúc, thược dược hay hoa hồng, mình chọn những bình thấp, có phần bụng phình to để tôn lên vẻ mềm mại. Riêng hoa ly, dùng bình pha lê sẽ giúp khoe được trọn vẹn dáng cành và tạo cảm giác sang trọng hơn".
Không chỉ dừng lại ở cách cắm, chị còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chọn hoa chất lượng. Chị thường mua hoa từ các shop uy tín hoặc tự tay đi chợ hoa để lựa chọn những bó hoa ưng ý nhất.
Trước khi tiến hành cắm, chị luôn thực hiện quy trình sơ chế hoa một cách cẩn thận. Chị chia sẻ: "Mình thường loại bỏ hết phần lá, chỉ giữ lại vài lá gần cổ bông để tập trung dinh dưỡng nuôi hoa. Sau đó, mình phân loại các cành theo chiều cao, độ cong và thẳng để dễ dàng sắp xếp khi cắm. Sau khi sơ chế, mình dốc ngược bó hoa xuống, xả nước sạch dưới vòi sen khoảng 3-5 phút để làm sạch, rồi ngâm vào xô nước có dưỡng chất qua đêm trước khi cắm vào bình".
Đối với thược dược, chị Yến chia sẻ một mẹo thú vị: "Luộc phần gốc thược dược (khoảng 10cm) trong nước sôi 100 độ, tắt bếp ngâm với nước khoảng 2 tiếng, sau đó cắt bỏ phần thân chín, rồi ngâm lại trong nước lạnh 1 tiếng trước khi cắm. Kết quả là hoa tươi rất lâu và đẹp bất ngờ".
Ngoài ra, chị còn áp dụng một bí kíp nhỏ nhưng rất hiệu quả: "Cho vài giọt dung dịch diệt khuẩn vào nước cắm hoa, kết hợp với nước dưỡng hoa, nước cắm không bị mùi hôi và bình hoa luôn sạch sẽ. Có những bình cúc mình cắm cả tháng mà nước vẫn trong, không hề có mùi, rất tiện lợi và tiết kiệm thời gian cho những bà nội trợ bận rộn như mình".
Với những bí kíp này, chị Yến đã cắm được những bình hoa đẹp rực rỡ, có độ bền cao.
Dưới đây là một số gợi ý những bình hoa xinh từ chị Yến:
Hoa cúc với vẻ đẹp đơn giản bỗng trở nên rực rỡ hơn khi được kết hợp nhiều màu sắc khác nhau trong một bình hoa.
Khi chọn bình để cắm hoa hồng cành ngắn, nên ưu tiên những bình cổ ngắn và có thân tròn.
Những bình cao thích hợp cho các cành hoa có thân dài.
Cắm một bình hoa hồng rực rỡ góp phần làm không khí ngày lễ thêm phần ấm cúng và tràn đầy sức sống.
Bí quyết để hoa cắm được tươi lâu là lựa chọn những bông hoa chất lượng và thực hiện các bước dưỡng hoa trước khi cắm.
Cẩm chướng là một loài hoa có độ bền cao, rất phù hợp để cắm trong dịp Tết.
Hoa thược dược mang đến cảm giác hoài cổ.
Bình cẩm nhã nhặn điểm tô cho không gian nhà thêm phần sang trọng.
Mùa xuân rực rỡ với sự kết hợp hoàn hảo giữa hoa ly kép, cẩm tú cầu và cúc.
Bình ly kép hồng nở rộ và tỏa hương thơm ngát, mang đến không khí tươi vui chào đón mùa xuân.
Học mẹ đảm cách cắm hoa lay ơn trưng bàn thờ Tết siêu đơn giản mà hoa vẫn nở đều, dáng đẹp ngỡ ngàng Tết này cắm lay ơn "chuẩn không cần chỉnh" với mẹo giữ hoa tươi lâu, dáng đẹp miễn chê sau đây. Tết đến xuân về, bàn thờ gia tiên không thể thiếu những bình hoa tươi thắm. Hoa lay ơn là một trong những loại hoa được ưa chuộng để trưng bày trên bàn thờ vào dịp Tết Nguyên đán. Với vẻ đẹp...