19 tuổi, tự ý ra mắt nhà người yêu
Món quà Tết tôi biếu gia đình anh chỉ vỏn vẻn: một gói chè Thái Ngyên, một chai nước mắm và một gói bột canh.
Tôi là một cô gái 9X đời đầu và lẽ dĩ nhiên là tôi cũng “can đảm” hơn so với thế hệ anh chị đi trước. Chẳng thế mà cứ mỗi lần Tết đến, nhớ lại chuyện năm nào, tôi lại bật cười về sự “can đảm” đến ngốc nghếch của mình. Ấy là năm đầu tiên tôi “tự mình ra mắt” gia đình nhà người yêu.
Anh hơn tôi 16 tuổi. Số tuổi đó chưa hẳn đã là một khoảng cách quá dài, nhưng cũng đủ để làm nên rào cản giữa chúng tôi. Biết tôi yêu anh, mẹ tôi đã phản đối kịch liệt. Bà phân tích cho tôi rất nhiều, rất nhiều. Giữa ba và mẹ tôi chỉ cách nhau tám tuổi, nhưng đã có những chênh lệch không thể lấp đầy, đằng này tôi với anh chênh nhau tận 16 tuổi! Tôi biết ba mẹ thương con, tôi hoàn toàn thấu hiểu những nỗi lo lắng ấy của ba mẹ. Nhưng tôi không thể nghe lời bởi trái tim minh đã thực sự lạc nhịp. Tôi yêu anh, đó là một tình yêu đích thực chứ không phải là thứ tình cảm ngưỡng mộ một người đàn ông hài hước và có vốn sống phong phú.
Nhưng anh không can đảm hay “mù quáng” được như tôi. Anh là một người đàn ông trưởng thành và anh lý trí của anh đã thắng, hoặc tình yêu của anh dành cho tôi cũng không đủ nhiều. Anh nói lời chia tay, tôi đau đớn, nhưng vẫn muốn níu kéo anh ở lại.
Và Tết năm đó, tôi đã tự mình ra mắt.
Lúc đó, tôi mới là một cô gái 19 tuổi. Tuổi đó còn quá trẻ, quá bồng bột nhưng người ta sống và yêu bằng tất cả những gì thôi thúc trong trái tim mình.
Tôi đạp xe 13 cây số để sang nhà anh, với những gói quà Tết mà tôi đã cẩn thận lựa chọn với suy nghĩ của một cô nhóc 19 chưa đủ trải nghiệm nhưng thừa sự ngông cuồng: một gói chè Thái Nguyên, một chai nước mắm và một gói bột canh. Tất cả vỏn vẹn chỉ có thế. Tôi đang là sinh năm nhất và những món quà đó là giá trị của những đồng tiền tôi đã tiết kiệm được trong những ngày đi học.
Video đang HOT
Tôi càng theo đuổi thì anh càng vô tâm, hờ hững (Ảnh minh họa)
Sự xuất hiện đột ngột của tôi trước cổng nhà đã khiến anh rất ngạc nhiên. Anh không nỡ bảo tôi về. Anh dắt chiếc xe đạp xanh của tôi dựng ở sân rồi nói tôi vào trong nhà ngồi uống nước. Khi cái đầu nóng của tôi dịu bớt lại thì tự bản thân tôi cảm thấy xấu hổ. Không biết ba mẹ sẽ có cảm giác như thế nào khi biết tôi một mình sang đây với ý nghĩ là sẽ ra mắt gia đình người ta?
Một cành đào Tết dịu dàng nở, màu sắc hồng phải sáng lên dưới những ngọn đèn nháy. Một đĩa bánh mứt đầy, rất đậm không khí Tết nhưng tôi không cảm thấy điều ấy. Trước mặt tôi chỉ có anh đang lặng lẽ ngồi nhìn túi quà mà tôi chuẩn bị.
Cái gì tự ý mình làm thường cũng không có kết quả tốt đẹp. Ngồi trước mặt tôi là một người đàn ông đủ chín chắn, đủ khôn ngoan để biết những gì cần nắm giữ và cần buông tay. Anh hơn tôi 16 tuổi và dù tình yêu có thể xóa nhòa mọi khoảng cách thì nó vẫn bị mắc lại bởi những ánh mắt của người đời. Và thứ tình cảm đó, tôi càng đuổi theo thì anh lại càng vô tâm, hờ hững. Cho đến bây giờ, tôi cũng vẫn không hiểu nổi là anh yêu tôi và muốn hy sinh vì tôi, hay đơn giản là tình yêu của anh dành cho tôi không đủ để thắng mọi dị nghị của người đời.
Cũng may cho tôi, lần ấy bố mẹ anh đi chúc Tết không có nhà. Chúng tôi cứ ngồi như thế, như thế mãi, khi ánh mặt trời mùa xuân đã au đỏ báo gần cuối chiều. Tôi nhấp một miếng mứt bí, thấy cổ họng mình đắng nghét lại. Những giọt nước mắt tôi đã cố gắng ngăn không cho chảy xuống. Tôi là một cô nhóc 19 tuổi ngông cuồng không thể khóc.
Tôi lại đạp những vòng xe. Dọc đường, những đoàn người xúng xính trong những bộ cánh đẹp nhất rủ nhau đi chúc Tết. Họ vui mừng và cười nhưng nước mắt thì thấm ướt mi tôi. Dù tôi có cứng đầu đến đâu thì tôi vẫn là một đứa trẻ.
Những năm tháng sau này, tôi không biết nên khóc hay nên cười vì sự khờ dại ấy của mình. Tôi giờ cũng chẳng lớn hơn so với ngày ấy là bao nhưng những gì đã trải qua khiến cho lòng nhiệt tình của tôi cũng đã giảm đi một nửa. Có lẽ trong cuộc đời tôi, lần “tự ý ra mắt” ấy sẽ là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng.
Trong cuộc đời tôi, sự nhiệt thành ấy đối với tình yêu là lần đầu tiên và cũng sẽ là lần cuối cùng.
Câu chuyện của tôi kết thúc như bây giờ không biết là có hậu hay không. Nhưng qua Tết này, anh ấy sẽ cưới vợ. Một cô gái hơn tôi bốn tuổi. Tôi không biết cô gái ấy có lấp đầy được sự “không hợp nhau” giữa hai người không. Nhưng dù sao tôi cũng chúc phúc cho hai người, dù với tôi, một nửa trong lòng đã rạn vỡ.
Tôi vẫn là một cô gái trẻ. Một mùa xuân nữa sẽ đến và tô hồng đôi má tôi. Tôi tự an ủi mình thế.
Và tôi để góc khuất trong lần đầu ra mắt kia sẽ theo gió xuân bay cùng với cánh bướm ngoài kia.
Theo 24h
Nhà giàn mùa biển động
Từ mũi tàu, nhà giàn sừng sững như ngay trước mắt, ấy vậy mà như hai bàn tay gần nhau trong gang tấc mà không thể chạm vào nhau sau cả năm dài xa cách. Vì sự đỏng đảnh của thời tiết mà bao tâm tư, tình cảm đành phải thể hiện bằng cách khó ai nghĩ tới, đầy da diết, và những giọt nước mắt giấu sau những nụ cười lúc từ biệt.
Chuyển quà lên nhà giàn bằng dây
Đại tá Trương Công Thế, Phó Chính ủy Vùng B hải quân đã từng chia sẻ những ngày đầu nhận quà khắp mọi miền đất nước đi chúc tết nhà giàn, nhân dân nhiều địa phương đã gọi điện thắc mắc: sao ra tận nơi rồi lại còn chúc tết "qua loa", hát "qua loa", quà lại buộc dây kéo lên thế? Làm việc kiểu đấy là không được đâu! Thế mới biết đồng bào cả nước quan tâm đến đời sống cán bộ, chiến sỹ DK1 thế nào.
Thực tế, quà tết thường đưa ra sát dịp cuối năm, dịp mà nhiều dân đi biển vẫn gọi là mùa gió chướng, sóng yên được chốc lát là mưa giông kéo đến lúc nào. Trong chuyến đi này, nhiều lần, mỗi khi tàu thả neo cánh phóng viên chúng tôi lại nhào ra để "đánh giá" mức độ sóng với niềm hi vọng sẽ được lên nhà giàn. Rồi khi chứng kiến tận mắt con xuồng được hỗ trợ bằng dây neo tứ bề ngay sát mạn thuyền mà vẫn "chồm" lên, chồm xuống trong bọt trắng xóa của những lớp sóng tràn qua mạn tàu, mới thấy nguy hiểm luôn cận kề với cả những người lính dày dạn kinh nghiệm.
Thượng tá Lê Đình Việt , Phó Chủ nhiệm chính trị Vùng B Hải quân không thể nào quên lần nhận nhiệm vụ trên tàu HQ - 617 trực tại cụm Ba Kè năm 1990. Lúc đó trên nhà giàn có đồng chí cùng học, cũng là người bạn rất thân đang là chính trị viên. Bỗng bão đến bất chợt, mưa to gió lớn, sóng tràn qua cả thành tàu, nhà giàn bị đổ. Nhận lệnh từ đất liền, các anh cắt ngay phao, liên tục chạy quanh trong sóng gió để kiếm tìm đồng đội... Sóng gió tan đi, nhà giàn đổ nghiêng nằm đó mà người không còn nữa... "Biết bao đồng chí của tôi đã hy sinh. Bạn tôi quê Hà Nội, bao dự định với người yêu, gia đình nằm lại với biển khơi. Đó là một trong nhiều mất mát mà người lính DK1 phải chịu đựng, cũng là nơi rèn ý chí, quyết tâm để luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cũng như không để mất mát một đồng chí, đồng đội nào nữa...", Thượng tá Lê Đình Việt xúc động.
Thời nào cũng vậy, sóng gió không thể nói trước luôn là câu cửa miệng của người đi biển. "Vận chuyển từng túi quà, gói hàng không bị ngấm nước biển, bị va đập là nhiệm vụ của chúng tôi, chỉ cần thất lạc hay làm hỏng một túi quà là cả chuyến đi coi như không trọn vẹn", Thượng úy Nguyễn Chiến Chinh, thủy thủ tàu HQ-624 chia sẻ. Mỗi khi sóng gió trên cấp 7, để đảm bảo an toàn chỉ có những thủy thủ lão luyện cả về kỹ thuật lẫn thể lực mới được tham gia "cấp hàng" vì chỉ cần một sai sót cũng dẫn đến mất mát không đáng khi xuồng luôn bị sóng đánh đập vào mạn tàu dữ dội. Lúc đó xuồng không thể tiếp cận vì sóng dồn, cách nhà giàn 100 mét sẽ gặp phao buộc dây do nhà giàn ném trôi theo sóng ra. Mỗi thủy thủ trên xuồng buộc những túi hàng theo khoảng cách quy định rồi buông ra để nhà giàn kéo lên. Để tránh việc hàng hóa, quà tặng bị ướt, có những túi nilon đặc biệt sản xuất riêng cho DK1. 2 lớp nilon bên trong, 1 lớp bao đay bên ngoài, hàng hóa sẽ không bị ảnh hưởng. Ngay cả khi xuồng tiếp cận được chân nhà giàn sóng dồn vẫn đưa xuồng nhấp nhô, va đập liên tục... Nhìn nhau mà cũng chỉ hỏi thăm được vài câu rồi lại lên đường làm nhiệm vụ.
Thượng tá Lê Đình Việt kể lại chuyến tàu ra chúc tết các nhà giàn hồi năm 2008. Khi mưa gió nổi lên, sóng to không thể hạ được xuồng, đành phải đọc thư chúc tết của Đảng ủy Bộ tư lệnh Vùng B Hải quân qua máy bộ đàm. Sau đó, trong đoàn có cô ca sỹ khi hát "qua loa" thấy các chiến sỹ nhà giàn không ngại mưa gió đứng cả ra ban công để nghe cô đã bước ra ngoài hành lang, cầm micro hát trong mưa gió. Cô hát nhiều bài lắm, vừa hát vừa khóc, nước mắt nhòe trong mưa gió...
Nữ phóng viên Thông tấn xã Việt Nam hát chúc tết các chiến sỹ nhà giàn DK1/7 qua bộ đàm
Chiều 16-1-2013, tàu HQ-624 đến cụm Huyền Trân. "Nàng" Huyền Trân vốn dịu dàng êm ả là thế mà hôm nay sóng gió lên cao, trên trời nhiều đám mây đen kéo đến báo hiệu sắp có cơn giông. Sau khi chuyển quà qua dây, các đồng chí trong đoàn công tác chúc tết cán bộ, chiến sỹ nhà giàn DK1/7. Các nữ phóng viên thay nhau hát tặng các anh những bài hát về người lính hải quân, về mùa xuân mà mắt đỏ hoe. "Tâm nguyện chúng tôi là muốn trực tiếp trao quà tận tay các đồng đội kiên cường giữa biển khơi nhưng an toàn cho cán bộ, chiến sỹ luôn là ưu tiên hàng đầu. Chúc tết "qua loa" nghẹn ngào lắm, khó tả hết được cảm xúc lúc đó...", Đại tá Tô Văn Thư, Phó Tham mưu trưởng vùng B hải quân, trưởng đoàn công tác tâm sự.
Gần tết, biển càng động mạnh với những cơn bão, áp thấp, hay đơn giản chỉ cần một đợt không khí lạnh tràn về. Thấy những đám rong rêu nổi từng quãng trên mặt nước..., Đại úy Trần Quang Đông, Thuyền trưởng tàu
HQ -624 nói : "Biển sắp động rồi". Tàu nhổ neo, đi một vòng quanh nhà giàn DK1/7, ba hồi còi kéo vang, từ nhà giàn vang lên tiếng tù và từ biệt... những cánh tay vẫy chào tha thiết, cười đấy mà trong lòng mặn chát, "Giữ sức khỏe, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhé!", những người con trung kiên của đất nước.
Theo ANTD
Mang Xuân tin yêu đến nhà giàn Sáng 13-1, tại Vũng Tàu, Vùng B Hải Quân đã tổ chức 2 chuyến tàu HQ 624 và HQ 626 chở đoàn công tác đi chúc tết, tặng quà cán bộ, chiến sỹ các nhà giàn DK1 dịp xuân Quý Tỵ. Tàu HQ-624 sẽ đi chúc tết các nhà giàn Cụm Tư Chính, Phúc Nguyên, Quế Đường, Huyền Trân, Ba Kè tàu HQ-636...