18 nghị sĩ các nước lập liên minh đối phó Trung Quốc
18 nghị sĩ từ 9 cơ quan lập pháp tuyên bố thành lập Liên minh Nghị viện về Trung Quốc, nhằm “cải cách cách các nước dân chủ tiếp cận với Trung Quốc”.
Nhóm các nghị sĩ tuyên bố thành lập Liên minh Nghị viện về Trung Quốc (IPAC) hôm nay trong bối cảnh nhiều quốc gia phương Tây phản đối quyết định của Bắc Kinh về việc áp luật an ninh Hong Kong, cũng như chỉ trích sự thiếu minh bạch của Trung Quốc về đại dịch Covid-19.
IPAC gồm 18 nhà lập pháp từ Nghị viện châu Âu và các nước Mỹ, Anh, Đức, Canada, Australia, Nhật Bản, Na Uy, Thuỵ Điển, với các thành viên duy trì lập trường hoài nghi về Trung Quốc.
Trong các thành viên liên minh có hai thượng nghị Mỹ là Marco Rubio và Robert Menendez, hai nghị sĩ tại Nghị viện châu Âu là Reinhard Butikofer và Iain Duncan Smith. Ông Smith cũng là cựu lãnh đạo đảng Bảo thủ, Anh. Liên minh kỳ vọng các nhà lập pháp ở các quốc gia khác sẽ gia nhập tổ chức thời gian tới.
Thượng nghị sĩ Marco Rubio trong một phiên điều trần tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ tháng 10/2019. Ảnh: Reuters.
Video đang HOT
“Cách chúng ta phản ứng với việc Trung Quốc nỗ lực định hình lại thế giới chính là câu hỏi chính sách đối ngoại trong thời đại chúng ta”, thượng nghị sĩ Mỹ Rubio nói, thêm rằng, thách thức này “lớn hơn nhiều so với bất kỳ quốc gia, chính quyền hay đảng phái chính trị nào”.
IPAC cho biết họ sẽ tập trung vào 5 lĩnh vực hoạch định chính sách liên quan Trung Quốc, gồm: Bảo vệ trật tự dựa trên các luật lệ quốc tế, giữ vững các quyền con người, thúc đẩy công bằng thương mại, phát triển các chiến lược an ninh bổ sung và bảo vệ chủ quyền quốc gia. Tuyên bố chung của IPAC cho rằng “Trung Quốc hiện là một thách thức toàn cầu”.
Hai nghị sĩ Rubio và Menendez duy trì lập trường cứng rắn với Trung Quốc tại quốc hội Mỹ, thúc đẩy những nỗ lực lập pháp nhằm đối đầu với Trung Quốc, trong đó có vấn đề người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và vấn đề Hong Kong.
Hai nghị sĩ này năm ngoái đề xuất dự luật kêu gọi trừng phạt các quan chức Trung Quốc, chịu trách nhiệm giam hàng loạt người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm Hồi giáo khác ở Tân Cương. Dự luật đã được lưỡng viện Mỹ thông qua và chờ Tổng thống Trump phê chuẩn.
Rubio và Menendez cũng nằm trong nhóm các thượng nghị sĩ đề xuất Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong năm 2019. Dự luật này đã được thông qua vào tháng 11 năm ngoái.
Ông Michael Brand, một đại diện của Đức tại IPAC, là người phát ngôn nhân quyền của đảng Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) của Thủ tướng Angela Merkel. Ông Brand từng phản đối Đức “quỵ lụy” Trung Quốc.
Nghị sĩ Mỹ tố Trung Quốc dùng Huawei chia rẽ Mỹ - Anh
Thượng nghị sĩ Mỹ Cotton cảnh báo nguy cơ từ việc để Huawei phát triển mạng 5G tại Anh, cho rằng nó có thể gây chia rẽ Washington - London.
"Tôi hy vọng mối quan hệ đặc biệt vẫn được duy trì, dù tôi e rằng Trung Quốc đang âm mưu chia rẽ chúng ta bằng cách dùng Huawei", thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Tom Cotton phát biểu trước Ủy ban Quốc phòng quốc hội Anh hôm 2/6. Ông là một trong các thành viên quốc hội Mỹ đang gây áp lực nhằm ngăn Anh cho phép Huawei tham gia phát triển mạng 5G.
Washington từng nhiều lần bày tỏ lo ngại về độ bảo mật của các thiết bị Huawei, nói rằng chúng có thể sử dụng để đánh cắp bí mật của phương Tây và dọa ngừng chia sẻ thông tin tình báo quan trọng với những đồng minh sử dụng mạng của tập đoàn này.
Huawei nhiều lần phủ nhận cáo buộc của Mỹ. Phó Chủ tịch Huawei Victor Zhang nói rằng Washington đã không đưa ra được bằng chứng cho những cáo buộc nhằm vào tập đoàn Trung Quốc.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Tom Cotton tại trụ sở quốc hội Mỹ tháng 5/2018. Ảnh: Reuters.
Chính phủ Anh thông báo sẽ cho phép Huawei tham gia phát triển hạ tầng 5G ở nước này, nhưng tập đoàn Trung Quốc bị giới hạn ở mức 35% và sẽ không được tiếp cận các hệ thống lõi nhạy cảm. Truyền thông Anh tháng trước cho biết Thủ tướng Boris Johnson đã yêu cầu giới chức lên kế hoạch loại bỏ hoàn toàn sự liên quan của Trung Quốc trong hạ tầng mạng 5G tại nước này trước năm 2023.
"Tôi thực sự hy vọng rằng nếu chính phủ Anh không đảo ngược được hoàn toàn quyết định, họ cũng giảm thiểu sử dụng công nghệ Huawei và đặt ra thời hạn ngắn hơn. Tôi hoan nghênh quyết định nhằm loại bỏ hoàn toàn ảnh hưởng của Trung Quốc vào mạng công nghệ trước năm 2023, mong các bạn hãy cố gắng và làm điều đó sớm hơn nữa", Cotton nói trước quốc hội Anh.
Thông tin được đưa ra trong bối cảnh quan hệ London - Bắc Kinh trở nên căng thẳng liên quan tình hình Hong Kong. Thủ tướng Johnson hôm 2/6 cảnh báo nước này sẽ cấp hàng triệu thị thực cho người Hong Kong, thậm chí quốc tịch Anh, nếu Trung Quốc quyết ban hành luật an ninh riêng cho đặc khu.
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cùng ngày cho rằng Trung Quốc có nguy cơ phá hủy một trong những "viên ngọc quý" của nền kinh tế châu Á nếu áp luật an ninh Hong Kong.
Luật mới đang được Ủy ban Thường vụ quốc hội Trung Quốc xây dựng, dự kiến ban hành trong vài tuần tới, trong đó cấm các hành vi và hoạt động ly khai, lật đổ, khủng bố, can thiệp nước ngoài ở Hong Kong. Luật cũng cho phép các cơ quan an ninh và tình báo của Trung Quốc đại lục thiết lập cơ sở trong đặc khu.
Thượng nghị sĩ Cotton hồi tháng 4 từng đề xuất cấm công dân Trung Quốc đến Mỹ học về công nghệ cao và nghiên cứu khoa học. Ông lập luận rằng các sinh viên Trung Quốc đến Mỹ để hưởng nền giáo dục nước này, sau đó trở về Trung Quốc để "cạnh tranh với công việc và ăn cắp ý tưởng sáng tạo của Mỹ".
Cotton được đào tạo luật ở Harvard, là cựu quân nhân, đại diện cho bang Arkansas tại thượng viện Mỹ từ năm 2015. Ông là một trong những nghị sĩ khởi xướng kiện Trung Quốc lên tòa án liên bang Mỹ, đòi nước này phải chịu trách nhiệm về Covid-19.
Thượng nghị sĩ Mỹ cảm ơn 'những người bạn ở Việt Nam' tặng khẩu trang y tế Thượng nghị sĩ Tom Cotton cảm ơn "những người bạn ở Việt Nam" đã hỗ trợ 250.000 khẩu trang y tế chống dịch COVID-19. Hôm 16/4, ông Tom Cotton, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hoà bang Arkansas đăng tải dòng tweet: "Chúng ta mãi mãi cảm ơn sự hỗ trợ từ những người bạn ở Việt Nam. Xin cảm ơn!". Lời cảm ơn...