18 cột mốc quan trọng nhất trong lịch sử ngành di động
Để ra đời những sản phẩm tiên tiến như ngày nay không hề đơn giản chút nào đâu teen ạ.
Không thể phủ nhận một sự thực rằng thành công của các thiết bị di động ngày nay là hệ quả của nhiều thập kỷ liên tục đổi mới trong công nghệ. Tại đó bao gồm cả sự đóng góp của những chiếc laptop nặng tới hơn 10 kg, màn hình LCD đơn sắc và cả tá thiết bị vốn đã trở nên lỗi thời. Hãy cùng chúng tớ điểm qua 18 dấu mốc quan trọng trong cuộc hành trình kỷ nguyên mobile này nhé!
Handy-LE (1971): Chiếc máy tính bỏ túi đầu tiên trên thế giới đến từ Busicom. Nghe có vẻ “chẳng lên quan”, nhưng Handy-LE chính là thiết bị tiên phong giúp con người tính toán và bạn có thể dễ dàng cầm trên tay hay để trong túi sách.
Parker Bros (1978): Giống như bộ đồ chơi máy tính phổ biến sớm nhất, Parker Bros trở thành niềm đam mê của những ai lớn lên vào khoảng cuối thập niên 70 và đầu những năm 80. Hệ thống hỗ trợ 6 trò chơi và sử dụng các đoạn mã lập trình đơn giản.
Osborne 1 (1981): Một chiếc máy tính mà bạn có thể miễn cưỡng mang theo khi cần. Osborne 1 nặng tới 10,58 kg, trang bị màn hình 5 inch, ổ đĩa mềm, bàn phím và cả tay cầm để tiện “mang vác”.
Grid Compass 1100 (1982): Sản phẩm được xem như chiếc laptop dạng vỏ sò đầu tiên, và nhanh chóng trở thành hình mẫu cho các máy tính xách tay ngày nay khi có màn hình nằm phía trên bàn phím.
Video đang HOT
TRS-80 Model 100 (1982): Cũng không thể bỏ qua TRS-80 Model 100 khi dòng máy từng rất được phổ biến và ưa chuộng tại thời điểm ra mắt, đặc biệt với cánh báo chí. Nhà sáng lập Microsoft Bill Gates cho hay ông cũng đã từng viết rất nhiều chương trình cho sản phẩm này.
Psion Organiser (1984): Chiếc máy tính cầm tay đầu tiên vào thời bấy giờ, Psion Organiser trang bị công cụ tính toán, lịch và ngôn ngữ lập trình cơ bản. Hệ thống được coi như người tiền nhiệm của các máy Symbian do Nokia phát triển.
Psion Series 3 (1991): Tiền thân của thế hệ netbook hiện nay, Psion Series 3 mang đến khả năng xử lý văn bản, bảng tính, danh sách liên lạc, chương trình vẽ, máy tính và đồng hồ.
Palm Pilot 1000 (1996): Sau đó 5 năm, Palm giới thiệu sản phẩm cầm tay rất được ưa chuộng giúp khách hàng lên lịch làm việc, lưu trữ danh sách liên lạc và các ghi chú vắn tắt trong ngày. Thế hệ sau của sản phẩm cũng là người đi tiên phong trong việc chuyển giao thông tin qua kết nối hồng ngoại.
Panasonic Toughbook CF-25 (1996): Thiết kế chắc chắn, chịu ẩm và bụi, chống va đập và nhiệt độ cao, Panasonic Toughbook CF-25 trở thành dòng laptop dành riêng cho các cuộc chiến và được sĩ quan quân đội hay cảnh sát sử dụng rộng rãi.
Apple iBook G3(1999): Những sản phẩm bắt mắt của Apple với sắc màu rực rỡ không chỉ đẹp mà còn là mẫu laptop sớm nhất trang bị Wi-Fi, giúp mở ra thời kỳ hoàng kim của Internet không dây ngày nay.
Acer TravelMate TM-100 (2002): Rất bất ngờ nhưng ngay từ năm 2002, Acer đã giới thiệu đến thế giới dòng thiết bị lai giữa laptop và máy tính bảng, dù sản phẩm vẫn đòi hỏi phải có bút đi kèm. Thậm chí, hệ thống rất ấn tượng với hệ điều hành Windows XP được thiết kế riêng cho Tablet PC.
RIM BlackBerry 5810 (2002): Kế đến là mô hình smartphone đầu tiên của RIM với thiết bị có tên BlackBerry 5810. Theo đó, chú dế sở hữu khả năng nghe gọi và e-mail, tiền đề để RIM vượt lên dẫn đầu làng smartphone vài năm sau đó.
Samsung Q1 (2006): Samsung Q1 là máy tính siêu di động sớm nhất thế giới với màn hình 7 inch, chíp xử lý 900 MHz và 500 MB RAM. Tuy không cạnh tranh nổi với các sản phẩm smartphone hay tablet hiện giờ nhưng máy vẫn còn được sản xuất bởi OQO và General Dynamics.
Eee PC 4G Netbook (2007): Đúng vậy, đây chính là netbook đầu tiên trên thế giới và là laptop đầu tiên trang bị ổ lưu trữ thể rắn SSD. Ngày nay, tuy netbook đang bị áp đảo bởi máy tính bảng nhưng đóng góp của hệ thống vẫn rất đáng ghi nhận khi cho phép chúng ta tiếp cận với máy tính dễ dàng và chi phí thấp hơn.
Apple iPhone (2007): Với giao diện cảm ứng, siêu phẩm của Apple đã biến smartphone thành một chiếc máy tính mini. Cho dù đã trình làng phiên bản thứ 4 nhưng độ “hot” của chú dế vẫn không hề suy giảm.
Apple App Store (2008): Không phải một thiết bị nhưng kho lưu trữ của Apple giống như người đi tiên phong trong việc bán ứng dụng trực tuyến và gây nên cơn sốt mang tên các nhà phát triển bên thứ 3.
Apple iPad 1 và iPad 2 (2010-2011): Dòng máy tính bảng được bán nhiều nhất ngày nay với 15 triệu iPad tiêu thụ trong năm 2010 và iPad 2 thì đang “cháy hàng” trầm trọng. Dường như “quả táo cắn dở” đang đưa thế giới vào kỷ nguyên hậu PC đúng như những gì Steve Jobs tuyên bố.
Motorola Atrix 4G (2011): Cuối cùng trong danh sách là mẫu smartphone lai của Motorola. Khi bạn kết nối hệ thống với màn hình, chuột và bàn phím ngoài, máy có thể làm việc như một chiếc máy tính thực sự nhờ khả năng truy cập vào 1 máy tính ảo qua Internet của Atrix 4G. Đây được xem là tương lai của công nghệ, dù sự thành công hay thất bại vẫn còn quá sớm để bàn tới.
Theo Pháp Luật XH