17,6 tỷ USD vốn FDI đăng ký vào Việt Nam trong 10 tháng
Tính chung trong 10 tháng, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 17,6 tỷ USD, giảm 8,7% so với cùng kỳ…
Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố số liệu thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài ( FDI) vào Việt Nam, tính đến ngày 20/10/2016.
Theo đó, trong 10 tháng, cả nước thu hút được gần 12,3 tỷ USD với 2.061 dự án được cấp mới, giảm 1,3% so với cùng kỳ.
Số dự án điều chỉnh vốn là 967, lượng vốn tăng lên đạt 5,3 tỷ USD, giảm 22,1% so với cùng kỳ.
Tính chung trong 10 tháng, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 17,6 tỷ USD, giảm 8,7% so với cùng kỳ.
Nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút nhiều nhất dòng vốn FDI, với 12,8 tỷ USD, chiếm 72,9% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 10 tháng.
Hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai, với 983 triệu USD. Hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ đứng thứ ba, với 657,6 triệu USD.
Có 65 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Hàn Quốc dẫn đầu với 5,6 tỷ USD, chiếm 31,9% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.
Video đang HOT
Nhật Bản đứng vị trí thứ hai với tổng vốn 1,92 tỷ USD, chiếm 10,9% tổng vốn đầu tư đăng ký. Singapore đứng vị trí thứ 3, đạt 1,73 tỷ USD.
Trong 10 tháng, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 54 tỉnh thành, trong đó Hải Phòng là địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất, với 43 dự án cấp mới và 34 lượt dự án điều chỉnh vốn, tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,73 tỷ USD, chiếm 15,5% tổng vốn đầu tư.
Hà Nội đứng thứ hai, với tổng vốn đạt 2,03 tỷ USD, chiếm 11,5%. Tiếp theo là Đồng Nai, Bình Dương…
Có thể kể đến một số dự án lớn được cấp phép trong 10 tháng, như:
Dự án LG Display Hải Phòng, tổng vốn đầu tư 1,5 tỷ USD do LG Display (Hàn Quốc) đầu tư với mục tiêu sản xuất và gia công sản phẩm màn hình OLED nhựa cho các thiết bị di động như điện thoại di động, đồng hồ thông minh, máy tính bảng….
Dự án LG Innotek Hải Phòng, tổng vốn 550 triệu USD do LG Innotek (Hàn Quốc) đầu tư với mục tiêu sản xuất mô-đun camera tại Hải Phòng.
Dự án phát triển tổ hợp cảng biển và khu công nghiệp tại khu vực đầm nhà Mạc, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, do Công ty TNHH Tập đoàn quốc tế CDC (Cayman Islands) đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký 315,46 triệu USD.
Dự án thành phố Amata Long Thành, tổng vốn đầu tư đăng ký 309 triệu USD, do nhà đầu tư Thái Lan đầu tư với mục tiêu đầu tư xây dựng khu đô thị dịch vụ theo quy hoạch tại Đồng Nai.
(Theo VnEconomy)
Kiều hối 10 đồng thì 7 đồng chuyển về qua đường "chợ đen"
"Có người muốn chuyển về 10 đồng, nhưng chỉ có thể chuyển qua ngân hàng chưa đến 3 đồng, còn 7-8 đồng còn lại phải chuyển qua đường khác (chợ đen)", Trưởng đại diện Hội doanh nghiệp Việt kiều Ba Lan tại Việt Nam chia sẻ. Qua đó cho thấy, số liệu kiều hối về Việt Nam trên thực tế có thể cao hơn rất nhiều con số báo cáo.
Trong giai đoạn 1991 - 2014, lượng kiều hối lũy kế vào Việt Nam ước khoảng 92 tỷ USD, cộng thêm khoảng 10 tỷ USD vốn Việt kiều đầu tư về nước thông qua FDI thì tổng lượng kiều hối lũy kế vào Việt Nam trong giai đoạn này rơi vào khoảng 102 tỷ USD, gần tương đương so với tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thuần vào Việt Nam cùng giai đoạn này (khoảng 100 tỷ USD).
Thế nhưng, về hiệu ứng và thành quả thì FDI lại đang thể hiện tích cực hơn nhiều so với kiều hối.
Là nguồn lực quan trọng nhưng phần lớn kiều hối chuyển về nước vẫn phải đi theo đường xách tay, chợ đen (ảnh minh họa)
Chia sẻ tại hội thảo khoa học quốc gia "Mối quan hệ giữa kiều hối và hoạt động đầu tư tại Việt Nam" mới đây, PGS.TS Phạm Văn Hùng - Trưởng khoa Đầu tư, trường ĐH Kinh tế Quốc Dân cho biết, kiều hối sẽ bổ sung nguồn trực tiếp cho đầu tư kinh doanh, góp phần gia tăng tiêu dùng, tăng tổng cầu, thúc đẩy gia tăng đầu tư. Cùng với đó, kiều hối cũng làm gia tăng đầu tư gián tiếp khi đầu tư vào các tài sản như bất động sản.
Tuy nhiên, mặt trái của kiểu hối đó là đầu tư kiều hối dễ thái quá vào những tài sản có tính đầu cơ cao, tạo tâm lý trông chờ vào hỗ trợ của thân nhân, thường làm thay đổi hành vi tiêu dùng, làm tăng giá, tăng khoảng cách giàu nghèo, tăng rửa tiền...
Mặc dù vậy, theo GS.TSKH Nguyễn Mại thì trong bối cảnh nợ công đã chạm mức kịch trần, Việt Nam đang có xu hướng giảm vốn ODA, kiều hối vẫn là một nguồn lực rất quan trọng và cần có chính sách tốt hơn để người Việt ở nước ngoài gửi tiền về nước, tích cực đầu tư vào sản xuất.
Trong khi đó, chuyên gia Nguyễn Minh Phong nhận định, hạn chế của chính sách hiện nay là đối xử chưa thật sự công bằng với Việt kiều cũng như nguồn kiều hối tham gia vào quá trình phát triển kinh tế. Do đó, việc huy động nguồn lực kiều hối có hiệu quả hay không phụ thuộc vào việc có thực coi trọng và giải tỏa vướng mắc từ tư duy chính sách đến hành động.
Ông Phong khẳng định, xây dựng thể chế kinh tế thị trường là phải cởi trói cho khu vực tư nhân cả trong và ngoài nước một cách triệt để và đầy đủ hơn.
Với kinh nghiệm 30 sinh sống ở nước ngoài, 10 năm ở Ba Lan, ông Lê Thanh Bình, Trưởng đại diện Hội doanh nghiệp Việt kiều Ba Lan tại Việt Nam chia sẻ, muốn kêu gọi đầu tư thì phải quan tâm nhiều hơn tới doanh nghiệp Việt kiều đang đầu tư ở trong nước.
"Tiền kiều hối bên kia còn nhiều lắm. Có người muốn chuyển về 10 đồng, nhưng chỉ có thể chuyển qua ngân hàng chưa đến 3 đồng, còn 7-8 đồng còn lại phải chuyển qua đường khác (chợ đen). Quan trọng là phải có giải pháp để hoạt động chuyển kiều hối về Việt Nam được thuận lợi hơn", ông Bình cho biết. Điều này nghĩa là con số thực tế về kiều hối có thể cao hơn rất nhiều các số liệu thống kê.
Lý giải nguyên nhân này, ông Từ Như Phong, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chuyển tiền toàn cầu VietinBank cho rằng, thực tế thì các ngân hàng rất khuyến khích việc kiều bào chuyển tiền về nước theo con đường chính thức là qua các ngân hàng.
Tuy nhiên, do vướng phải nhiều rào cản từ luật phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố thế giới. Nhiều quốc gia hiện nay đang quy định hạn mức mỗi lần chuyển tiền ra nước ngoài cho mỗi công dân. Chẳng hạn ở Mỹ chỉ cho phép mỗi cá nhân được chuyển một khoản nhất định. Nếu chuyển với tần suất lớn có thể sẽ bị theo dõi để xem luồng tiền sạch hay bẩn. Đó cũng là một phần lý do khiến bà con kiều bào không dám gửi nhiều tiền về nước.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc bà con kiều bào thường xuyên phải gửi tiền về nước thông qua kênh không chính thức (chợ đen) là một thực tế và cũng là nguyên nhân quan trọng gây ra việc chênh lệch số liệu giữa nhiều báo cáo thống kê về kiều hối.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, lượng kiều hối ở Việt Nam 80% là có nguồn từ Việt kiều gửi về, còn lại là từ các nguồn như lao động xuất khẩu, người Việt làm việc ở nước ngoài. Trong khi đó, theo đánh giá của ông Nguyễn Mại, hiện có đến 5% người Việt Nam ở nước ngoài, con số này là lớn so với nhiều nước, trong đó có cả Trung Quốc.
Bích Diệp
Theo Dantri
Làm gì với 12 tỉ USD kiều hối/năm? Việt Nam cần có chính sách toàn diện hơn để hướng dòng kiều hối trên 12 tỉ USD/năm chảy vào sản xuất - kinh doanh bởi đây là nguồn lực quan trọng cho đất nước. Ngày 29-9, tại Hà Nội, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (KTQD) phối hợp với Hiệp hội Các nhà đầu tư nước ngoài (VAFIE) tổ chức hội thảo...