15 ngày, hơn 1.300 tài xế bị xử phạt nồng độ cồn ở mức cao nhất
60 tài xế ôtô và 1.270 người lái xe máy bị xử phạt ở mức cao nhất về vi phạm nồng độ cồn trong 15 ngày.
Cảnh sát kiểm tra nồng độ cồn của lái xe. Ảnh: Bá Đô
Ngày 16/1, đại diện Cục Cảnh sát giao thông ( Bộ Công an) cho biết trong nửa tháng qua, cảnh sát giao thông toàn quốc kiểm tra, xử lý gần 6.300 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền trên 21 tỷ đồng.
Trong số này có 60 tài xế ôtô và 1.270 xe máy bị xử phạt ở mức cao nhất về vi phạm nồng độ cồn (vượt quá 0,40 mg/lít khí thở), với mức phạt tài xế ôtô từ 35 đến 40 triệu đồng và xe máy 8 triệu đồng.
Trong số các tài xế vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất, có nhiều công chức vi phạm và bị cảnh sát gửi giấy về cơ quan để xử lý. Đơn cử, Công an tỉnh Thái Bình xử phạt một Phó giám đốc Bệnh viện 35 triệu đồng vì vi phạm nồng độ cồn, tước giấy phép lái xe 23 tháng, tạm giữ phương tiện 7 ngày. Tại Quảng Bình, lực lượng chức năng cũng xử phạt một Phó trưởng phòng giáo dục và đào tạo cấp huyện 35 triệu đồng. “Phòng Giáo dục và đào tạo đang xem xét kỷ luật về mặt Đảng và chính quyền đối với trường hợp vi phạm này”, đại diện Cục CSGT nói.
Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông cho hay, sau 2 tuần xử phạt theo nghị định 100, tai nạn giao thông đã giảm mạnh. Cả nước xảy ra 322 vụ tai nạn giao thông, làm chết 249 người, 158 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước đã giảm 31 vụ, giảm 38 người chết, giảm 57 người bị thương.
“Toàn quốc không có vụ tai nạn nghiêm trọng liên quan đến rượu, bia trong 2 tuần qua, trong khi những năm trước, thời điểm trước Tết thường có nhiều tai nạn nghiêm trọng do rượu, bia”, ông Đức nói và nhận định các quán nhậu vắng cho thấy ý thức chấp hành pháp luật của người dân về an toàn giao thông đã nâng lên.
Video đang HOT
Trả lời về lo ngại mức phạt cao sẽ khiến người vi phạm “chung chi” với cảnh sát giao thông, Thiếu tướng Lê Xuân Đức nói hoạt động của CSGT theo kế hoạch của các cấp có thẩm quyền và chịu sự giám sát của người dân; nếu CSGT vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm. Hai tuần qua, Cục CSGT chưa nhận được khiếu nại về bất cứ trường hợp vi phạm nào.
Bác sỹ Gia Anh, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Việt Đức, cũng chia sẻ, mỗi năm, bệnh viên này mổ cấp cứu 10.000 ca, trong đó có 75% ca liên quan tai nạn giao thông và 60% bệnh nhân có nồng độ cồn trong máu. Bệnh nhân vào Bệnh viện Việt Đức thường là ca rất nặng, tỷ lệ chấn thương cao.
Hai tuần vừa qua, số vụ cấp cứu vào bệnh viện Việt Đức do tai nạn giao thông giảm hẳn, số bệnh nhân có nồng độ cồn giảm 10% trong số ca cấp cứu.
“Hàng chục năm qua, tôi chứng kiến nhiều vụ tai nạn rất đau thương, vợ mất chồng, chồng mất vợ, bố mẹ mất con. Giảm tai nạn giao thông là giảm tải cho cả ngành y tế. Chúng tôi mong rằng nghị định 100 được thực thi nghiêm túc về lâu dài”, ông Gia Anh bày tỏ.
Nghị định 100 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (thay thế Nghị định 46 năm 2016), có hiệu lực từ 1/1/2020.
Theo đó, chỉ cần có nồng độ cồn vượt mức 0, lái xe sẽ bị phạt. Mức phạt cao nhất với người đi xe đạp là 400.000 đến 600.000 đồng; xe máy 6 đến 8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22 – 24 tháng; ôtô 30 đến 40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22 – 24 tháng.
Theo Bá Đô – Đoàn Loan (VNE)
Hà Nội tung 30 tổ CSGT xử lý vi phạm nồng độ cồn
Với 30 tổ công tác thực hiện chuyên đề theo Nghị định 100, CSGT Hà Nội cho biết sẽ xử lý nghiêm tài xế vi phạm nồng độ cồn, bất kể họ là ai, làm việc ở cơ quan nào
Với hơn 5.400 trường hợp bị xử lý từ 1/1 đến nay, CSGT Hà Nội đã xử phạt gần 3,2 tỷ đồng, tạm giữ 566 phương tiện, gần 1.900 bộ giấy tờ và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 413 trường hợp.
Theo thống kê, các lỗi phổ biến gồm không đội mũ bảo hiểm (1.290 trường hợp), dừng đỗ xe sai quy định (444 trường hợp). Lỗi vượt đèn đỏ có 377 trường hợp và 213 tài xế vi phạm nồng độ cồn.
CSGT Hà Nội kiểm tra nồng độ cồn với người điều khiển phương tiện giao thông. Ảnh: Việt Hùng
Đại tá Dương Đức Hải, Trưởng phòng CSGT Công an Hà Nội, cho biết đơn vị đã tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Con số thống kê cho thấy số người vi phạm bị CSGT Hà Nội xử lý chiếm 21% tổng số trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị xử phạt trên toàn quốc.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường 30 tổ công tác làm nghiêm, xử lý người tham gia giao thông vi phạm ở bất kỳ cơ quan, đơn vị, chức vụ nào để hướng đến năm 2020 đã uống rượu bia là không lái xe", đại tá Hải thông tin.
Trước việc một cán bộ CSGT bị tố vừa lái xe vừa nghe điện thoại, đại tá Dương Đức Hải khẳng định người này không thuộc quản lý của Phòng CSGT Công an Hà Nội. Tuy nhiên, đơn vị sẽ tiếp thu ý kiến phản ánh của các cơ quan báo chí và lấy đó làm bài học để cán bộ, chiến sỹ Phòng CSGT không mắc phải.
Đại tá Dương Đức Hải, Trưởng phòng CSGT Công an Hà Nội. Ảnh: Hồng Quang
Về kế hoạch đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn Hà Nội trong dịp Tết Nguyên đán, lãnh đạo Phòng CSGT cho biết sẽ triển khai các chuyên đề như xử lý xe quá khổ, quá tải, điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm, sử dụng rượu bia tham gia giao thông...
Ngoài ra, CSGT sẽ tuyên truyền các quy định về trật tự an toàn giao thông, xử lý các thành phần cộm cán, ngông nghênh vi phạm giao thông.
"Các cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ cần tập trung giải thích, tuyên truyền cho những người yếu thế để người dân chấp hành. Những người yếu thế chúng ta phải bảo vệ họ. Còn những thành phần ngông nghênh, thách thức thì cần phải xử lý nghiêm", ông Hải nói.
Năm 2019 tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn Hà Nội đã giảm cả 3 tiêu chí. Theo thống kê, toàn thành phố xảy ra 1.272 vụ tai nạn (giảm 6,7%) làm 508 người chết (giảm 6,6%) và bị thương 847 người (giảm 7,5%).
Lực lượng CSGT Hà Nội đã xử lý trên 555.000 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, xử phạt trên 165 tỷ đồng, tạm giữ trên 18.000 lượt phương tiện và gần 120.000 bộ giấy tờ.
Đặc biệt trong thời gian diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên, đơn vị đã đảm bảo tuyệt đối an toàn cho 632 đoàn đại biểu với hơn 3.500 lượt dẫn đoàn. Góp phần vào thành công sự kiện đối ngoại quan trọng nhất của Việt Nam năm 2019.
Theo Hồng Quang (Zing)
Nghị định xử phạt nồng độ cồn có hiệu lực chỉ sau 2 ngày ký: Vì sao? Văn bản luật cấp Trung ương được quy định có hiệu lực sau 45 ngày kể từ khi ký ban hành. Nghị định 100 là trường hợp đặc biệt khi chỉ sau 2 ngày thông qua đã có hiệu lực. Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (thay thế...