1/5 dân số thế giới sẽ phải chờ vaccine COVID-19 tới năm 2022
Ít nhất 1/5 dân số thế giới có thể không được tiếp cận với vaccine COVID-19 cho đến năm 2022.
Y tá tại Florida được tiêm vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer- BioNTech sau khi loại vaccine này được cấp phép sử dụng. Ảnh: AP
Dẫn kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học Y tế Cộng đồng Bloomberg Johns Hopkins, hãng tin AFP đưa tin các quốc gia giàu có – chiếm 14% dân số toàn thế giới – đã đặt hàng hơn nửa số vaccine sản xuất trong năm tới.
Với hy vọng vaccine ngừa COVID-19 có thể chấm dứt đại dịch đã cướp đi sinh mạng của khoảng 1,6 triệu người, các quốc gia bao gồm Mỹ, Anh và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã bắt đầu triển khai các chương trình tiêm chủng hàng loạt. Mong muốn tăng cơ hội tiếp cận với ít nhất một trong số hàng chục loại vaccine đang được phát triển, nhiều quốc gia đã đặt hàng các loại vaccine khác nhau. Tuy nhiên, giới quan sát lo ngại rằng những quốc gia nghèo hơn sẽ bị bỏ rơi trong cuộc chạy đua tiếp cận vaccine ngừa COVID-19 này.
Mỹ, quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch COVID-19 chiếm 1/5 tổng số ca mắc trên toàn cầu được cho là đặt trước 800 triệu liều vaccine. Trong khi đó, 3 quốc gia gồm Nhật Bản, Australia và Canada đã đặt hàng trước tổng cộng hơn một tỷ liều, mặc dù số ca mắc tại các nước này chỉ chiếm gần 1% số ca toàn cầu.
Video đang HOT
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí của Hiệp hội Y khoa Anh vào ngày 15/12, vài ngày trước khi COVAX, sáng kiến toàn cầu về phân phối công bằng vaccine ngừa COVID-19, thông báo họ sẽ bảo đảm phân phối gần 2 tỷ liều vaccine tới các nước có thu nhập trung bình và thấp. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 190 quốc gia tham gia sẽ được “tiếp cận vaccine trong nửa đầu năm 2021, với các đợt giao hàng đầu tiên dự kiến bắt đầu vào quý I năm 2021″.
Chương trình này đã đăng ký với các nhà phát triển vaccine bao gồm AstraZeneca, Johnson & Johnson và Viện Serum Ấn Độ. Các cuộc đàm phán vẫn đang được triển khai với các công ty dược phẩm khác, bao gồm Moderna và Pfzier-BioNTech.
Nghiên cứu cũng chỉ ra chiến lược của các quốc gia nhằm đa dạng nguồn cung vaccine. Mỹ, Anh, Liên minh châu Âu và Canada đã đặt hàng với ít nhất 6 hãng sản xuất khác nhau, trong khi Nhật Bản đặt hàng từ ít nhất 4 hãng và Brazil đặt hàng từ ít nhất 3 hãng.
Giá thuốc và nhiệt độ bảo quản vaccine cũng là một vấn đề cần cân nhắc. Hơn 40% các đơn đặt hàng trước từ các nước giàu liên quan tới vaccine do Đại học Oxford và AstraZeneca phát triển, vốn có thể bảo quản trong tủ lạnh và có giá rẻ nhất. Chỉ các nước giàu mới có thể đặt hàng các vaccine của Pfizer/BioNTech và Moderna. Hai loại vaccine này sử dụng công nghệ di truyền tiên tiến và có tỷ lệ hiệu quả hơn 90% song chúng đắt hơn nhiều so với thuốc Oxford và cần được bảo quản trong nhiệt độ siêu thấp.
WHO liên lạc chặt chẽ với Anh về biến thể mới của virus SARS-CoV-2
Ngày 19/12, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết đang liên lạc chặt chẽ với nhà chức trách Anh về biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại London, Anh, ngày 2/12/2020. Ảnh minh họa: THX/TTXVN
Trên mạng Twitter, WHO nêu rõ giới chức Anh sẽ tiếp tục chia sẻ thông tin, kết quả nghiên cứu và phân tích hiện nay với tổ chức này. WHO sẽ cập nhật tới các nước thành viên và người dân về đặc tính và ảnh hưởng của biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Trước đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson và các nhà khoa học đánh giá biến thể mới của virus SARS-CoV-2 tại Anh có khả năng lây nhiễm nhanh hơn tới 70%, nhưng không dẫn đến tỷ lệ tử vong cao hơn và vaccine vẫn sẽ hoạt động hiệu quả với biến thể mới. Do sự gia tăng các ca mắc COVID-19 liên quan đến biến thể mới của virus SARS-CoV-2, Thủ tướng Johnson đã tái áp đặt lệnh phong tỏa tại vùng England và hủy các kế hoạch nới lỏng hạn chế vào dịp Giáng sinh.
Trong bối cảnh dịch đang bùng phát mạnh tại Mỹ và các biện pháp hạn chế mới tại Anh, công ty công nghệ Apple đã quyết định tạm thời đóng cửa toàn bộ 53 cửa hàng tại bang California và 16 cửa hàng tại Anh. Khách hàng sẽ vẫn có thể đến nhận đơn hàng đặt sẵn trong vài ngày tới. Hiện chưa rõ khi nào những cửa hàng này sẽ mở lại.
Liên quan đến vấn đề vaccine, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ (CDC) ngày 19/12 cho biết đang theo dõi báo cáo về các trường hợp dị ứng với vaccine ngừa COVID-19, đồng thời đưa ra khuyến cáo đối với những người có tiền sử dị ứng.
Theo CDC, bất kỳ ai có phản ứng nghiêm trọng với vaccine ngừa COVID-19 không nên tiêm liều thứ hai, đồng thời định nghĩa tình trạng dị ứng nghiêm trọng là cần phải sử dụng epinephrine hoặc điều trị tại bệnh viện. CDC nêu rõ người có phản ứng dị ứng nghiêm trọng với bất kỳ thành phần nào của vaccine ngừa COVID-19 cũng phải tránh các loại vaccine có công thức sử dụng các thành phần này.
Một nhân viên y tế được tiêm vaccine phòng COVID-19 tại bệnh viện ở San Diego, California, Mỹ, ngày 15/12/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Hiện Mỹ đã phê duyệt quyền sử dụng khẩn cấp đối với 2 vaccine ngừa COVID-19 do Moderna và Pfizer/BioNTech sản xuất. Những người có tiền sử dị ứng mạnh với vaccine cần phải tham khảo với bác sĩ trước khi tiêm vaccine. Trong khi đó, những người dị ứng nặng với thực phẩm, vật nuôi và các điều kiện môi trường, hay những người dị ứng với uống thuốc, hoặc trong gia đình có người từng dị ứng nặng vẫn có thể tiêm vaccine.
Mỹ đã triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 do Pfizer/BioNTech sản xuất trong tuần này. Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) đang điều tra 5 trường hợp bị dị ứng sau khi tiêm vaccine của Pfizer/BioNTech. FDA cũng khuyến cáo không nên tiêm vaccine của Moderna cho những người từng có phản ứng nghiêm trọng với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
Trước đó, giới chức y tế Anh cũng khuyến cáo bất kỳ ai có tiền sử mẫn cảm, hay từng phản ứng nghiêm trọng với thuốc hoặc thực phẩm, không nên tiêm vaccine của Pfizer/BioNTech.
Cùng ngày, Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã thông qua việc sử dụng vaccine ngừa COVID-19 do Moderna sản xuất cho các phi công và nhân viên kiểm soát không lưu. FAA nêu rõ phi công và nhân viên kiểm soát không lưu không được phép bay hoặc thực hiện các nhiệm vụ an toàn liên quan trong 48 giờ sau khi tiêm. Cơ quan này sẽ theo dõi phản ứng của bệnh nhân đối với mỗi lần tiêm và có thể điều chỉnh chính sách để đảm bảo an toàn hàng không.
Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Hàn Quốc có thể sẽ bắt đầu tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân trong quý I/2021 với số lượng hạn chế.
Trả lời phỏng vấn đài KBS, Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun xác nhận "việc tiêm chủng sẽ bắt đầu sớm nhất là vào tháng 2 hoặc tháng 3 tới". Tuyên bố của công được đưa ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại rằng Hàn Quốc đang tụt hậu so với các quốc gia khác trong việc mua vaccine ngừa COVID-19.
Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc dự kiến sẽ cho phép sử dụng vaccine của hãng dược AstraZeneca đầu tiên vào đầu năm tới.
Mỹ phê duyệt vaccine Covid-19 thứ hai Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt vaccine Covid-19 của Moderna để sử dụng khẩn cấp, sau vaccine của Pfizer và BioNTech. "Với sự sẵn có của hai loại vaccine để phòng ngừa Covid-19, FDA đã thực hiện một bước quan trọng khác trong cuộc chiến chống lại đại dịch toàn cầu này", Giám đốc FDA Stephen...