14 năm “đội đơn” xin mua nhà theo NĐ61
14 năm qua, các hộ dân trú tại tổ 2B, cụm 11 phường Hàng Bột, quận Đống Đa (Hà Nội) nguyên là CBCNVC-LĐ Cty CP dược phẩm T.Ư I (Pharbaco) đã nhiều lần làm đơn xin mua nhà, nhưng đều bị từ chối.
Ngõ 85 phố Tôn Đức Thắng.
63 hộ dân trú tại tổ 2B, cụm 11 phường Hàng Bột, quận Đống Đa (Hà Nội) nguyên là CBCNVC-LĐ Cty CP dược phẩm T.Ư I (Pharbaco), đủ điều kiện mua nhà theo Nghị định 61 của Chính phủ (NĐ 61/CP), vì đã được phân nhà ở đây hàng chục năm. Nhưng 14 năm qua, các hộ dân đã nhiều lần làm đơn xin mua nhà, nhưng đều bị từ chối.
7 lần xin mua nhà không thành
Đại diện cho 63 hộ dân tổ 2B cùng trú tại địa chỉ 85 Tôn Đức Thắng, bà Nguyễn Thị Phước bức xúc cho biết, phần lớn các gia đình sống ở đây (gồm cả 5 hộ gia đình liệt sĩ, 3 gia đình thương binh, 1 gia đình có nạn nhân dioxin) đều đã được xí nghiệp phân nhà để ở, người lâu nhất từ năm 1956, tất cả đã có hộ khẩu thường trú và đã sống ổn định tại đây từ trước ngày 15.10.1993. Hằng tháng, các hộ đều nộp tiền nhà qua bảng lương của mình tại xí nghiệp.
Video đang HOT
Trong quá trình ở hàng chục năm do nhà cấp 4 nên đã xuống cấp, do vậy, phần lớn các hộ đã xây nhà cao tầng kiên cố. Theo quy định của Luật Đất đai và các quy định tại NĐ 61/CP, xét thấy đủ điều kiện được mua nhà theo quy định, 63 hộ đã làm đơn lên UBND phường Hàng Bột báo cáo và được UBND phường Hàng Bột đồng ý cho làm thủ tục cần thiết để mua nhà, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (“sổ đỏ”).
Tuy nhiên, 14 năm trôi qua với 7 lần “đội đơn” lên Cty và các cơ quan chức năng xem xét, nhưng đến nay ước mơ của người dân về quyền sở hữu nhà vẫn đang là ước mơ.
Ông Nguyễn Quang Việt (nguyên trưởng phòng nghiên cứu của xí nghiệp) cho biết: Từ năm 1998, gia đình ông cùng các hộ tại tổ 2B đã nộp hồ sơ tới UBND phường Hàng Bột. Phường đã cử cán bộ địa chính tới đo đạc, lập bản đồ. Tuy nhiên, việc mua nhà không thành do xí nghiệp không hợp tác, không chịu bàn giao. Năm 2000 và 2004, người dân lại đề nghị UBND phường và xí nghiệp giải quyết, nhưng vẫn không thành. Năm 2006, các gia đình gửi đơn lên UBND quận Đống Đa đề nghị giúp đỡ và cũng xin xí nghiệp hỗ trợ, và được trả lời là phía Cty dược phẩm không hợp tác, không bàn giao đất và vụ việc bế tắc.
Quá bức xúc, năm 2008, các hộ dân tổ 2B lại gửi đơn lên quận Đống Đa đề nghị được cấp “sổ đỏ” theo NĐ 61/CP. UBND quận đã có văn bản gửi tới Pharbaco (lúc này đã thành Cty cổ phần) về kiến nghị của người dân. Nhưng đến tận năm 2009, Pharbaco mới có văn bản phản hồi, thừa nhận có 63 hộ dân sống ổn định trong khu đất 85 Tôn Đức Thắng và có quyết định phân nhà với diện tích trung bình chỉ 9m2. “Con số 9m2 là không đúng sự thực” – ông Việt cho biết.
Nhưng sau đó, Pharbaco cũng không chịu bàn giao đất về cho chính quyền quản lý. Đến năm 2010, Pharbaco lại ra văn bản đề nghị bàn giao lại phần diện tích các hộ dân đang ở cho cơ quan chức năng quản lý, giải quyết, nhưng khi người dân đi hỏi thì đều được trả lời là Pharbaco không bàn giao. Đến năm 2011, khi biết Nhà nước có chủ trương giải quyết dứt điểm việc mua nhà theo NĐ61;, người dân tiếp tục gửi đơn lên nhiều cơ quan và không nhận được phản hồi và lần thứ 7 việc xin mua nhà của 63 hộ lại không thành!
Bao giờ được làm chủ nhà?
Theo ông Trần Quý Hạnh – Trưởng phòng HCQT Cty – thì đây là đất của Nhà nước do UBND TP.Hà Nội quản lý chứ không phải do Cty, hiện 63 hộ dân vẫn ở, bản thân Cty không có ý kiến gì. Khi dân có đơn làm thủ tục mua nhà theo NĐ 61, Cty cũng đã có công văn yêu cầu các hộ dân giao bản phân nhà, nhưng các hộ dân đều không có. Một thực tế nữa là các hộ dân mua đi bán lại nhiều lần, vì vậy Cty không thể làm các thủ tục cần thiết được.
Trái với ý kiến của ông Hạnh, tại công văn số 52/Pharbaco-TCHC ngày 15.2.2009 do ông Đinh Xuân Hấn – GĐ Cty – ký, gửi các cơ quan chức năng của Hà Nội xin gia hạn dự án cho rằng “xí nghiệp thực hiện theo dự án khả thi, nhưng trong quá trình thực hiện xí nghiệp đã gặp rất nhiều vướng mắc với các hộ dân trong khu tập thể, số hộ trong khu đất này có 63 hộ, có những hộ đã ở từ năm 1954 và có quyết định phân nhà của xí nghiệp…”.
Được biết, tháng 9.2008, UBND quận Đống Đa đã ra thông báo về vụ việc này, trong đó nêu rõ, khu đất tại số 85 Tôn Đức Thắng được Nhà nước giao cho Pharbaco sử dụng từ năm 1956, đơn vị này có bố trí cho một số hộ là cán bộ nhân viên vào ở trong các dãy tập thể của xí nghiệp. Năm 2000, UBND TP.Hà Nội cho phép Pharbaco triển khai dự án văn phòng điều hành và khu vui chơi trên diện tích 4.546m2.
Theo bà Nguyễn Thị Phước, “Khi được UBND TP.Hà Nội ra quyết định cho Pharbaco xây chung cư, văn phòng và khu vui chơi giải trí, đơn vị này đã không báo cáo có khu tập thể với 63 hộ dân đã được phân nhà, sống ổn định hàng chục năm, nên khi triển khai dự án đã bị người dân phản đối, không thực hiện được.
Đến nay, đã 12 năm, không còn hiệu lực”. Phải đến năm 2009, khi xin gia hạn dự án, Pharbaco mới nói rõ vấn đề vướng mắc vì có người dân sinh sống trên mảnh đất. Phải chăng, đây là cách để trì hoãn và làm nản chí những quyền lợi chính đáng của người dân?
Theo laodong
Người dân chỉ có khoảng 1% cơ hội mua nhà giá rẻ
Theo các chuyên gia, với mức thu nhập dưới 4 triệu đồng/tháng như hiện nay, chắc chắn chẳng ai có thể mua được nhà ở xã hội. Câu hỏi bao giờ người thu nhập thấp mua được nhà ở xã hội vẫn là câu chuyện dài, chưa hồi kết.
Nhà thu nhập thấp vẫn xa vời với nhiều người.
Cơ chế "mở", thực tế vẫn "đóng"
Nhà ở xã hội là vấn đề đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Hàng loạt chính sách đã được đưa ra nhằm tạo môi trường thông thoáng cho loại hình nhà này. TS Phạm Sỹ Liêm- Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam- cho biết, chủ trương phát triển nhà ở xã hội được Nhà nước khuyến khích miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, được miễn- giảm các khoản thuế liên quan... Đối tượng được thuê, mua nhà là những người thu nhập thấp thuộc diện cán bộ, công chức, viên chức... nhưng chưa có nhà ở thuộc sở hữu, chưa được thuê hay mua nhà ở của Nhà nước. Bên cạnh đó, những cán bộ, công chức có chỗ ở chật dưới 5m2/người hay ở nhà tạm, hư hỏng cũng nằm trong diện "xét duyệt".
"Nhà thu nhập thấp (NTNT) cũng là một loại hình nằm trong nhà ở xã hội, được hưởng những ưu đãi đặc biệt của Nhà nước. Ở nước ta, chiến lược quốc gia về nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp đã được hoạch định rõ ràng, nhưng cơ chế triển khai còn không ít bất cập, mang nhiều màu sắc "xin - cho""- TS Liêm nói thêm.
Theo TS Phạm Sỹ Liêm, mới đây Bộ Xây dựng cũng đưa ra đề xuất nhằm "cởi" nút thắt cho nhà ở xã hội. Người mua có thể cho thuê lại hoặc thế chấp nhượng nhà sau khoảng thời gian 5 năm, thay vì 10 năm như hiện nay. Bên cạnh đó, diện tích tối thiểu của nhà ở xã hội cũng giảm xuống còn 25m2- thay vì 30m2 trở lên như quy định hiện hành. Đây là chủ trương hay, tuy nhiên trên thực tế, để người thu nhập thấp có thể mua được nhà không phải là dễ dàng.
Ngoài khó khăn về cơ chế, quy trình xét duyệt hồ sơ, giá bán cũng đang quá sức người mua. Chuyện người mua phàn nàn giá nhà thu nhập thấp cao hơn cả giá nhà thương mại là hoàn toàn có cơ sở. Vị phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nhấn mạnh: "Bình thường, chủ đầu tư không được tính tiền đất vào giá bán, tuy nhiên họ vin vào cớ đất có hạ tầng thì giá tăng, nên đẩy giá nhà lên cao. Điều chúng ta cần làm là "giúp" chủ đầu tư bớt nghĩ đến lợi nhuận lớn mà chia sẻ với người dân. Thêm vào đó, cũng cần cải tiến công nghệ xây dựng, sử dụng vật liệu rẻ để giảm giá thành".
Cũng theo lý giải của nhiều người dân trong diện được mua NTNT, chất lượng công trình cũng như giá cả căn hộ không như mong đợi của họ. Từ quá trình tìm hiểu thông tin nhà ở cho người thu nhập thấp (TNT) ở đâu, "tiếp cận" danh sách đăng ký như thế nào, đến khi "chắc chân" được đóng tiền "huy động" tham gia dự án xây dựng là cả một "hành trình" dài và rất khó khăn.
Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, tính đến thời điểm này, trên địa bàn thành phố có hơn chục dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho người đủ điều kiện mua NTNT đã và đang triển khai xây dựng. Tuy nhiên, sau gần 2 năm thực hiện, trừ dự án tại Ngô Thì Nhậm (Hà Đông) đã diễn ra suôn sẻ, được người dân hưởng ứng, còn lại phần lớn đều đang lâm vào tình cảnh "dở khóc, dở cười".
Theo TS Liêm, giai đoạn 2012-2015 ngành xây dựng phấn đấu diện tích bình quân nhà ở đạt 19,4m2/người và tăng lên 22m2/người vào năm 2020. Riêng về lĩnh vực nhà ở xã hội, trong vòng 3 năm tới sẽ phấn đấu xây dựng khoảng 10 triệu mét vuông. Tuy nhiên, bản thân các doanh nghiệp cũng không mấy mặn mà với loại hình nhà này bởi không những khó khăn về thủ tục, mất nhiều thời gian mà chi phí khá tốn kém. Những chi phí đó doanh nghiệp lại không được hạch toán vào công trình khi kết thúc...
"Theo tôi, với phân khúc nhà dành cho người TNT, với mức giá cao và thủ tục mua còn phiền hà như hiện nay, để đạt được mục tiêu này chắc chắn sẽ vô cùng khó khăn"- TS Liêm khẳng định.
"Cuộc chiến" mua nhà sẽ còn khắc nghiệt
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Đực- Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM- cho biết: "Nhiều người cho rằng, giá nhà thương mại thấp hơn nhà xã hội là một nghịch lý. Tuy nhiên theo tôi, trong vấn đề này không có gì khó hiểu. Chúng ta cần phân tích, ai là người đưa ra quy định và xây nhà ở xã hội. Ai cũng biết đó là những công ty của Bộ Xây dựng. Đã là "con nhà giàu" thì chắc chắn những công ty này sẽ "ỷ lại" vào tài sản của "cha mẹ" và được "độc quyền" xây dựng nhà xã hội. Như vậy khi xây xong, họ kiên quyết không giảm giá thành dù có thua lỗ. Chúng ta hoàn toàn có thể thấy cội nguồn của vấn đề này nằm ở đâu".
Ông Đực cho biết thêm, với nhà thương mại, việc nhiều nhà đầu tư hạ giá thành căn hộ xuống 10 triệu đồng/m2 có thể sẽ lỗ từ 1-2 triệu đồng/m2, nhưng họ vẫn chấp nhận bởi, các doanh nghiệp này cần tiền để thoát ra khỏi việc "chôn" vốn trong cảnh khó khăn kéo dài. Bên cạnh đó, việc bán nhà giá thấp bất ngờ cũng là một cách tạo thương hiệu. Sau này khi thị trường hồi phục, họ sẽ có lợi thế trong việc quảng cáo sản phẩm. Chỉ vì một hành động lúc khó khăn, khách hàng sẽ nhớ đến họ.
Ông Nguyễn Văn Đực cũng chia sẻ, nhiều doanh nghiệp từng có ý kiến rằng, họ sẵn sàng lỗ ở một dự án này để đầu tư vào dự án khác, hoặc chấp nhận thâm hụt một khoản tiền để có thể tiếp tục "sống". "Rõ ràng trong vấn đề này, các doanh nghiệp tư nhân tỏ ra năng động hơn hẳn doanh nghiệp quốc doanh. Họ có thể điều chỉnh giá nhà- thậm chí kể cả việc cắt lỗ- để có vốn tiếp tục đầu tư. Trong khi đó, doanh nghiệp nhà nước từ lâu đã tồn tại một thói quen là "không được phép lỗ": Đến phút cuối cùng vẫn không chấp nhận giảm giá thành. Điều này dẫn đến việc nhà ở xã hội vẫn là ước mơ xa với nhiều người dân"- ông Đực nhấn mạnh.
Đánh giá về bức tranh nhà ở xã hội hiện nay, ông Đực nhận định, khả năng mua được nhà xã hội ở các thành phố lớn vô cùng khắc nghiệt. Thậm chí cơ hội mua loại nhà này của nhiều người chưa đến 1%. Có hai nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Giá nhà xã hội quá cao và thủ tục quá phức tạp. Khi đi mua nhà, người dân phải chứng minh được thu nhập của mình là bao nhiêu, diện tích hiện tại đang ở như thế nào...
"Tôi dám chắc là nếu tìm được đối tượng nằm trong quy định thì chắc chắn họ cũng không đủ tiền để mua căn nhà đó, hoặc những người này không có nhu cầu. Trong khi đó, người có điều kiện kinh tế, có nhu cầu thì lại không đủ tiêu chuẩn để được mua. Chính vì thế mới xảy ra chuyện người có nhu cầu nhà thì vẫn mỏi mắt để được mua, còn nhà ở xã hội vẫn ế"- ông Đực nói.
Vị chuyên gia này cũng đặt ra hàng loạt nghi vấn: Nhà nước có chính sách ưu đãi đối với nhà ở xã hội là để kéo giá thấp hơn nhà ở thương mại từ 3-6 triệu đồng/m2 tuy nhiên hiện nay, trong khi nhà thương mại đang xuống giá mạnh thì nhà xã hội vẫn đứng ở mức cao chót vót. "Tôi cũng như nhiều người đang đặt câu hỏi rằng những ưu đãi đó đã "biến" đi đâu. Theo tôi, cần kiểm soát lại giá thành xây dựng của nhà xã hội để buộc các chủ đầu tư hạ giá"- ông kiến nghị.
Nên cho doanh nghiệp tư nhân cùng làm nhà xã hội
Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM cho rằng, khi xây nhà ở xã hội, chúng ta cần xem lại vấn đề giá bán. Theo vị này, Bộ Xây dựng nên cho các doanh nghiệp tư nhân tham gia xây dựng nhà ở xã hội. Khi đó, trên thị trường sẽ có hai dạng nhà xã hội: Nhà ở được Nhà nước hỗ trợ sau đó bán cho công nhân viên chức và dạng do doanh nghiệp đầu tư, xây dựng. Với tình hình hiện nay, rất có thể giá bán nhà xã hội của các doanh nghiệp tư nhân sẽ thấp hơn giá của doanh nghiệp nhà nước. Vậy thì Nhà nước nên để cho các doanh nghiệp tư nhân được làm. Lúc đó, chúng ta sẽ có cách làm nhà ở xã hội theo phương thức thương mại.
Năm 2011 chỉ đạt 1% kế hoạch
Theo Bộ Xây dựng, tính đến cuối năm 2011, cả nước có 42 dự án nhà cho người TNT được khởi công xây dựng, với tổng mức đầu tư khoảng 4.500 tỉ đồng, tổng diện tích sàn khoảng 907.000m2, đáp ứng cho khoảng 73.200 người. Tuy nhiên, đến cuối năm 2011 mới có hơn 1.700 căn hộ được đưa vào sử dụng, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 8.000 người (đạt 1% kế hoạch). Nguyên nhân chính là do giá cao và tiến độ xây dựng chậm, đã dẫn đến tình trạng người dân không mặn mà.
Theo laodong
Kiểm tra các cửa hàng xăng dầu Chiều 7-12, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đã chấp thuận đề xuất kiểm tra các cửa hàng xăng dầu tại Hà Nội. Theo đó, đoàn kiểm tra liên ngành TP sẽ rà soát 52 cửa hàng cần phải cải tạo, nâng cấp để đảm bảo đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu theo quy định. Theo Quy hoạch...