137ha lúa chết cháy, thủy điện vẫn không chịu xả nước
Nhiều nông dân trồng lúa vụ đông xuân 2015-2016 tại xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn, Bình Định, đang như ngồi trên lửa vì lúa ở giai đoạn đòng trỗ nhưng đang thiếu nước trầm trọng. Hơn 137ha lúa của nông dân đang mỏi mòn chờ nước, nhưng Nhà máy Thủy điện An Khê-KaNak đóng tại đây vẫn không chịu xả nước…
Nguy cơ mất trắng lúa
Nông dân Trần Văn Phê (trú thôn Trung Sơn, xã Tây Thuận), cho biết: “Vụ đông xuân năm nay, gia đình tôi trồng 2 sào lúa. Nhưng ngặt nỗi do bị mất nước từ trước tết đến giờ, đúng với giai đoạn cây lúa đang đòng trỗ nên bông lúa bị háp (lép) hết. Nếu ít hôm nữa mà hết không khí lạnh, nắng lên rồi không có nước tưới thì chắc cây lúa bị chết cháy, nông dân chúng tôi cũng chết theo”.
Video đang HOT
Người nông dân xã Tây Thuận thấp thỏm vì lúa đang giai đoạn đòng trỗ nhưng thiếu nước tưới. Ảnh: Dũ Tuấn
Theo anh Phê, hiện nay nhiều đám ruộng của người dân tại địa phương do thiếu nước, lúa trỗ đòng không hiệu quả nên nông dân bấm bụng cắt cho đàn bò ăn thay cỏ. “Cứ đà này thì khổ lắm, dãi nắng dầm mưa để cày cấy kiếm bữa cơm nhưng thiếu nước kiểu này lúa sao có hạt được. Dân thuần nông tụi tui chỉ có mấy đám ruộng để sinh sống, vụ lúa chính trong năm mà mất mùa thì coi như đi tong”- anh Phê chia sẻ.
Ngày 29.2, theo ghi nhận của phóng viên NTNN, nhiều diện tích lúa đang giai đoạn đòng trỗ tại các thôn Trung Sơn, Thượng Sơn (xã Tây Thuận) do thiếu nước nên những bông lúa chỉ ngậm sữa được một số hạt ở đầu bông, những hạt bên trong đều lép kẹp.
“Gia đình tôi cũng có 2 sào ruộng, đang trỗ lác đác, nhưng suốt cả tháng nay không có nước bơm tưới nên cây lúa đang đứng khô háp. Không biết bao giờ mới có nước để lúa phát triển bình thường nữa, nông dân chúng tôi lo quá chừng”- ông Lê Văn Tỵ (SN 1954, trú xóm 6, thôn Thượng Sơn) ngao ngán.
Ông Hồ Văn Khanh- Phó Chủ tịch UBND xã Tây Thuận cho hay: “Suốt mấy tháng nay Thủy điện An Khê-KaNak cắt nước nên nhiều diện tích lúa tại địa phương cứ héo hắt dần, đến giai đoạn làm đòng mà bông lúa đứng đơ. 5-7 ngày tới mà không có nước tưới, nhiều diện tích tại cánh đồng sẽ chết cháy. Tình hình nguy cấp nên UBND xã đã chỉ đạo cho HTX Nông nghiệp Tây Thuận nạo vét lòng Suối Cát để vét nước cứu lúa, nhưng hiện tại thì lòng suối đã cạn khô”.
Trước thực trạng trên, ngày 24.2, UBND huyện Tây Sơn đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Bình Định và Sở NNPTNT Bình Định kiến nghị với Thủy điện An Khê-KaNak cung cấp nguồn nước để nông dân tưới, chống hạn cứu 136,67ha lúa. Tuy nhiên, đến nay người dân trồng lúa Tây Thuận vẫn đang mong chờ nước tưới từ thủy điện từng ngày, nếu không có nước đồng nghĩa với việc cánh đồng lúa với diện tích gần 137ha sẽ chết cháy
Mất trắng gần 137ha lúa?
Những giọt nước hiếm hoi tại Suối Cát hiện đang là niềm hy vọng cuối cùng của người nông dân Tây Thuận. Tuy nhiên, nguồn nước tại đây đang dần cạn kiệt vì nắng nóng và phục vụ nhu cầu quá tải từ những cánh đồng “khát” nước. Hiện tại, dòng Suối Cát đi qua 2 thôn Trung Sơn và Thượng Sơn (xã Tây Sơn) đã được HTX Nông nghiệp Tây Thuận và nông dân “cày xới” để tìm nước nhưng xem ra không hiệu quả.
Theo anh Nguyễn Minh Quang- cán bộ khuyến nông xã Tây Thuận, trước khi có Nhà máy Thủy điện An Khê-KaNak, lớp cát trong lòng Suối Cát còn rất dày, đến giữa tháng Giêng dòng suối vẫn còn lớp nước mặt để tưới lúa vụ đông xuân. Khi suối cạn nước, nông dân vét cát trong lòng suối vẫn còn mạch nước ngầm để bơm tưới. Tuy nhiên, khi Thủy điện An Khê-KaNak đi vào hoạt động, sau 2 năm liền thủy điện xả nước vào dòng Suối Cát để sản xuất điện, khiến cát trong lòng suối trôi hết ra sông Kôn, giờ lòng suối chỉ còn trơ đá tảng.
“Để cứu lúa, HTX Nông nghiệp Tây Thuận đã tổ chức nạo vét cát trong lòng Suối Cát để tìm nước. Tuy nhiên, những đoạn còn cát thì ít, những đoạn chỉ còn trơ đá tảng thì nhiều nên đành bó tay”- anh Quang cho hay.
Theo ông Đỗ Văn Sỹ- Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, năm 2015 trên địa bàn huyện Tây Sơn lượng mưa ít nên lượng nước tích trữ trong các hồ chứa và các công trình thủy lợi đều đạt ở mức thấp. Trong khi đó, diện tích lúa của xã Tây Thuận phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nước của Thủy điện An Khê-KaNak và Suối Cát. Tuy nhiên, từ giữa tháng 12.2015 đến nay, thủy điện không xả nước và nguồn nước tại Suối Cát đã cạn kiệt, nước ở chân ruộng đã khô.
“Hiện cây lúa vụ đông xuân 2015-2016 ở xã Tây Thuận đang trong giai đoạn làm đòng trỗ và từ nay đến cuối vụ phải cần 6 đợt tưới nữa (từ ngày 25.2- 3.4) mới đảm bảo năng suất. Nếu trong thời gian đến không có mưa và Thủy điện An Khê-KaNak không xả nước thì thì toàn bộ diện tích 136ha lúa của xã Tây Thuận (thôn Thượng Sơn: 50ha, thôn Trung Sơn 86ha) có khả năng mất trắng hoàn toàn”- ông Sỹ cho hay.
Đông Nam Bộ vẫn nắng nóng kéo dài Đây là nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ về tình hình thời tiết Nam Bộ trong tháng 3.2016. Theo đơn vị trên, trong tháng tại Nam Bộ sẽ có 3 – 4 đợt không khí lạnh tăng cường từ phía bắc xuống, và có một số đợt mưa trái mùa (chủ yếu mưa nhỏ) do ảnh hưởng của các nhiễu động đới gió đông. Tuy nhiên thời tiết chung tại khu vực là nắng nóng kéo dài. Tình hình nắng nóng sẽ gay gắt tại khu vực Đông Nam Bộ sau đó sẽ mở rộng phạm vi ảnh hưởng trên nhiều khu vực với nhiệt độ cao nhất vào khoảng 36- 38 độ. Cũng trong tháng 3, dự báo độ mặn tại vùng hạ lưu các sông của Nam Bộ sẽ ở mức cao hơn cùng kỳ năm trước. Riêng tại khu vực TP.HCM, dự báo nồng độ mặn sẽ tăng vọt so với tháng 2 và có thể đạt ngưỡng 15 – 17g/l tại hai vị trí mũi Nhà Bè và cầu Ông Thìn. Còn các nơi khác, độ mặn dao động quanh ngưỡng 8 – 10g/l. Hữu Ký
Theo Danviet