13 giờ thương lượng “cân não” của Ngoại trưởng Mỹ tại Triều Tiên
Trong suốt 13 giờ đồng hồ kể từ khi đặt chân xuống Bình Nhưỡng, phái đoàn Mỹ do Ngoại trưởng Mike Pompeo dẫn đầu đã bàn bạc với phía Triều Tiên về việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều và đã đàm phán thành công dẫn tới việc Bình Nhưỡng trả tự do cho 3 công dân Mỹ.
Ngoại trưởng Mike Pompeo (Ảnh: Getty)
Đêm 7/5 theo giờ Mỹ, Ngoại trưởng Mike Pompeo lên máy bay Boeing 757 cất cánh từ căn cứ quân sự Andrews, Maryland tới thủ đô Bình Nhưỡng, Triều Tiên. Chỉ có 2 phóng viên được đi theo cùng để tác nghiệp và nhiệm vụ của ông Pompeo là đại diện cho phía Washington để bàn bạc về hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều diễn ra trong vài tuần tới, theo CNN.
Tại thời điểm đó, ông Pompeo vẫn chưa biết ai sẽ tiếp đón ông ở Triều Tiên. Nhưng ông cho biết ông sẽ đề xuất Bình Nhưỡng thả 3 công dân Mỹ mà Triều Tiên đang giam giữ dù ông không chắc chắn liệu đề nghị này có thành công hay không.
“Tôi hy vọng Bình Nhưỡng sẽ làm điều đúng đắn. Chúng tôi đã yêu cầu họ thả các công dân Mỹ trong 17 tháng qua. Chúng tôi sẽ tiếp tục đề cập tới vấn đề này. Đây sẽ là một động thái tuyệt vời nếu họ đồng ý làm như vậy”, ông nói.
Và sau 13 giờ đồng hồ ngồi trên bàn đàm phán, tân Ngoại trưởng Mỹ đã đạt được một trong những thành tựu ngoại giao quan trọng nhất cho chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, khi đã thương lượng thành công và đưa 3 công dân quay trở lại Mỹ.
Quyết định bất ngờ về số phận của 3 công dân Mỹ
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo được quan chức cao cấp của Triều Tiên, Kim Yong Chul chào đón ở sân bay (Ảnh: AP)
Trên đường băng sân bay Triều Tiên, ông Pompeo được một số quan chức cấp cao Bình Nhưỡng chào đón, bao gồm Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong Chol, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Su Yong.
Sau đó đoàn xe đưa đón ông Pompeo được dẫn qua các con đường rộng rãi của Bình Nhưỡng, và hầu hết các công trình quan trọng tại Triều Tiên như thư viện và trung tâm nghiên cứu với các bức tượng nổi tiếng của 2 nhà cố lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Jong-il, tượng đài chiến thắng trước khi đưa phái đoàn Mỹ tới khách sạn Koryo.
Sau khi đến khách sạn, ông Pompeo đã nhanh chóng họp với ông Kim Yong Chol, bàn bạc về hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Trên bàn tiệc thết đãi quan chức ngoại giao Mỹ, ông Kim Yong Chol đã đề cập tới quan hệ tốt đẹp hơn vào thời điểm hiện tại giữa Mỹ và Triều Tiên.
“Ông đến thăm Triều Tiên vào khoảng thời gian khá thích hợp, trong không khí ấm áp của mùa xuân, và mối quan hệ nồng ấm hơn giữa 2 miền Triều Tiên”, ông Kim nói, nhấn mạnh rằng Triều Tiên đang sở hữu “năng lực hạt nhân hoàn hảo”.
Video đang HOT
Ông cho biết Triều Tiên không phát triển vũ khí hạt nhân vì lệnh trừng phạt từ bên ngoài mà đây là do chính sách của chính quốc gia này. “Tôi mong nước Mỹ sẽ vui mừng trước thành công của chúng tôi. Tôi kỳ vọng rằng Mỹ sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng hòa bình trên bán đảo Triều Tiên”, quan chức Triều Tiên nhấn mạnh.
Ông Pompeo cũng thừa nhận rằng Mỹ và Triều Tiên đã đối đầu nhau trong vài thập niên qua và hy vọng 2 quốc gia có thể hợp tác giải quyết xung đột và giảm thiểu rủi ro cho toàn thế giới cũng như trao cho Triều Tiên thêm nhiều cơ hội để phát triển hơn nữa trong tương lai.
Sau cuộc gặp với ông Kim Yong Chol, ông Pompeo được thông báo rằng ông có lịch trình gặp gỡ nhà lãnh đạo Kim Jong-un vào buổi chiều. Hai người đã trao đổi với nhau trong khoảng 90 phút và phóng viên không được phép tham gia. Khi ông Pompeo trở về, 2 nhà báo đã hỏi về số phận của 3 công dân Mỹ Kim Dong Chul, Kim Hak-song và Kim Sang Duk bị Triều Tiên bắt giữ với cáo buộc có hành động thù địch hoặc gián điệp với nhà nước Triều Tiên. Ông Pompeo hồi đáp bằng sự im lặng.
Sau đó, một quan chức Triều Tiên đã tới khách sạn Koryo cho biết họ sẽ phóng thích 3 công dân trên. Thông báo có hiệu lực ngay lập tức. “Điều đó thật tuyệt”, ông Pompeo hồi đáp.
“Ông hãy đảm bảo rằng họ sẽ không mắc phải lỗi tương tự lần nữa. Đó là một quyết định rất khó khăn”, quan chức Triều Tiên cảnh báo. Sau khi hoàn tất một số thủ tục phóng thich, 3 công dân được đưa lên xe. Khoảng 40 phút sau khi họ đã tới sân bay Bình Nhưỡng và cùng lên máy bay với ông Pompeo rời khỏi Triều Tiên.
90 phút đàm phán
Ngoại trưởng Mike Pompeo và nhà lãnh đạo Kim Jong-un (Ảnh: Reuters)
Vào 8h42 ngày 8/5 theo giờ địa phương, máy bay của ông Pompeo cất cánh từ Bình Nhưỡng bay tới sân bay của Mỹ tại căn cứ quân sự Yokota, Nhật Bản. Ông Pompeo lúc này mới phát ngôn trước báo giới: “Đó là một ngày rất dài. Tuy quá trình đàm phán không có trục trặc, nhưng chúng tôi và phía Triều Tiên đã làm việc liên tục 13h đồng hồ. Nhưng điều đó xứng đáng với nỗ lực và công sức của chúng tôi. Tôi nghĩ kết quả thực sự hiệu quả”.
Ông Pompeo cũng nói rằng 3 công dân Mỹ dường như vẫn mạnh khỏe bình thường và phía Mỹ sẽ tiến hành kiểm tra tổng thể để xác nhận lại trình trạng sức khỏe của 3 người.
Ngoại trưởng Mỹ cũng hé lộ về khoảng thời gian 90 phút đồng hồ ông bàn bạc với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un về kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh song phương. “Chúng tôi đã có cơ hội để trao đổi về những dự định và kế hoạch trong chương trình nghị sự của hội nghị và những hạng mục dự định sẽ cần sự hỗ trợ từ 2 phía trong những ngày tới. Cả hai bên đều tự tin rằng chúng tôi sẽ chuẩn bị đầy đủ cho sự thành công của cuộc gặp thượng đỉnh”, ông Pompeo kể, nhận định rằng phía Triều Tiên dường như cũng đang “tạo điều kiện” thuận lợi cho cuộc gặp sắp tới giữa 2 nhà lãnh đạo. Đây có thể là một phần lý do khiến các công dân Mỹ được thả ra vì Bình Nhưỡng muốn tạo ra “bầu không khí tích cực” trước thềm cuộc họp.
Tại căn cứ Yokota, Nhật Bản, 3 công dân Mỹ đã được đưa sang một máy bay khác để bay về Mỹ. Tổng thống Trump đã đích thân ra đón những công dân này khi họ đặt chân trở lại nước Mỹ.
Các quan chức trên máy bay của ông Pompeo đã mệt lử sau một ngày dài làm việc không ngừng nghỉ. Họ tranh thủ chợp mắt trước khi máy bay của ông cất cánh trở lại căn cứ Andrews. Khi được phóng viên hỏi rằng liệu ông có nhận được sự khen ngợi nào vì nỗ lực đàm phán thả 3 công dân hay không, ông Pompeo hồi đáp: “Vẫn còn nhiều việc phải làm. Tôi mừng là họ đã quay về. Tôi hạnh phúc vì Tổng thống Trump là người đã tạo nên tiền đề cho điều này có thể xảy ra. Nhưng vẫn còn nhiều thứ phải làm trước khi chúng ta đạt được mục tiêu cuối cùng”.
Đức Hoàng
Theo Dantri
Mỹ-Triều có làm nên chuyện tại bàn đàm phán Thượng đỉnh?
Mỹ và Triều Tiên đều liên tiếp có động thái "vun đắp" cho cuộc gặp Thượng đỉnh sắp tới, đặc biệt là xây dựng sự tin tưởng lẫn nhau.
Giới quan sát trước đây chưa từng đặt hy vọng vào thành công của cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dự kiến diễn ra cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 tới.
Tuy nhiên, thành công của Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều hôm 27/4 đã đặt nền móng lạc quan mới cho Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều. Động thái trước thềm thượng đỉnh của cả 2 nhà lãnh đạo là minh chứng rõ ràng nhất về sự tích cực mà các bên đang hướng tới.
Mỹ-Triều vun đắp niềm tin trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh lịch sử. Ảnh: CBS
Thiện chí của đôi bên
Việc Triều Tiên tuyên bố thả 3 công dân người bị Mỹ bắt giữ tại nước này trước thềm cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều được cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Trump, ông John Bolton gọi là "sự thể hiện thiện chí của Triều Tiên".
Theo một số nguồn tin, một trong những phương án đang được xem xét là Triều Tiên sẽ thả các công dân Mỹ đúng vào ngày diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều, dù thời điểm và địa điểm tổ chức sự kiện này vẫn chưa được các bên tiết lộ.
Nhiều khả năng vùng phi quân sự Bàn Môn Điếm sẽ được lựa chọn làm nơi tổ chức cuộc gặp lịch sử Mỹ-Triều. Cuộc gặp có thể diễn ra bên phần lãnh thổ Triều Tiên và ông Trump sẽ không chỉ là Tổng thống Mỹ đầu tiên gặp một nhà lãnh đạo Triều Tiên mà còn là Tổng thống Mỹ đầu tiên đặt chân lên lãnh thổ Triều Tiên.
Về phía Mỹ, trong động thái mới nhất, giới truyền thông Mỹ ngày 4/5 đưa tin Tổng thống Donald Trump đã yêu cầu Bộ Quốc phòng cân nhắc giảm số lượng binh sĩ đồn trú tại Hàn Quốc.
Theo Thời báo New York (New York Times), Tổng thống Trump đã đề nghị Bộ Quốc phòng chuẩn bị các phương án để giảm số lượng binh sĩ Mỹ ở Hàn Quốc trong bối cảnh chỉ trong vài tuần nữa ông Trump sẽ có cuộc gặp Thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Vấn đề giảm số binh sĩ Mỹ tại Hàn Quốc sẽ không phải là chủ đề để "mặc cả" trên bàn đàm phán Thượng đỉnh Mỹ-Triều. Tuy nhiên, một Hiệp ước Hòa bình tương lai giữa Hàn Quốc và Triều Tiên, sẽ chính thức chấm dứt tình trạng chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên, có thể giảm yêu cầu về số lượng binh sĩ Mỹ triển khai tại Hàn Quốc. Con số này hiện là 28.000 binh sĩ.
Tổng thống Trump nói sẽ không đưa vấn đề giảm binh sĩ Mỹ tại Hàn Quốc vào chương trình nghị sự khi gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên. Và việc giảm binh sĩ này còn bắt nguồn từ tranh cãi giữa Washington và Seoul trong việc chia sẻ kinh phí triển khai binh sĩ Mỹ. Tổng thống Trump từ lâu đã có ý giảm số lính Mỹ tại Hàn Quốc, nếu Seoul không đồng ý đóng góp thêm chi phí.
Dù Mỹ có giảm quân tại Hàn Quốc vì bất cứ lý do gì thì thông tin này không phải vô cớ được nhắc lại ngay trước thềm cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều. Bởi vì, Triều Tiên từ trước đến nay vẫn khẳng định phát triển chương trình hạt nhân và tên lửa để tự vệ và phòng thủ. Động thái giảm binh sĩ này có thể là lời giải cho câu hỏi lớn về việc Washington sẽ có nhượng bộ gì trước những lo ngại an ninh của Bình Nhưỡng, trong đó có việc Mỹ triển khai số lượng quân đội khổng lồ sát sườn Triều Tiên.
Định nghĩa phi hạt nhân hóa
Thực tế, chính Tổng thống Trump đã khẳng định rõ mục đích của ông trong cuộc gặp Thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un là phi hạt nhân hóa.
Trong khi đó, nguồn tin Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 3/5 cũng cho biết, ông Kim Jong-un đã nhắc lại cam kết phi hạt nhân hóa rong cuộc gặp với Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì vừa có chuyến thăm tới Bình Nhưỡng trong 2 ngày.
Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Kim Jong-un và ông Dương Khiết Trì đã thảo luận các vấn đề liên quan tới Bán đảo Triều Tiên, trong đó, ông Kim khẳng định mong muốn tìm kiếm một giải pháp hòa bình.
Giới phân tích nhìn nhận, Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ ngồi vào bàn thảo luận trong bầu không khí "nồng ấm".
Ông Kim Jong-un có thể sẽ nói nhiều về các kế hoạch phát triển kinh tế của Triều Tiên. Ông Kim cũng sẽ nêu quan điểm logic của mình về việc tại sao các trừng phạt nhằm vào Triều Tiên phải được dỡ bỏ trước khi ông khởi động tiến trình phi hạt nhân hóa.
Với Tổng thống Trump, ông sẽ cần nhiều hơn một cuộc gặp Thượng đỉnh thành công. Trong đó, Tổng thống Mỹ sẽ phải làm rõ ràng với Triều Tiên định nghĩa "phi hạt nhân hóa".
Kể cả khi các bên không đạt được thỏa thuận tại bàn đàm phán, song ít nhất ông Trump phải khiến ông Kim hiểu rõ rằng phi hạt nhân hóa có nghĩa là hủy bỏ hoàn toàn và kiểm chứng rõ ràng việc Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của mình.
Giới quan sát vẫn giữ thái độ dè chừng khi nói về thành công của cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều. Nếu cuộc gặp diễn ra thì về cơ bản các bên sẽ đạt được "thỏa thuận gì đó" bất kể nó có mơ hồ thế nào.
"Cũng có thể có kết quả tích cực kiểu như là các bên sẽ bắt đầu hướng tới tiến trình phi hạt nhân hóa", CNBC dẫn ý kiến một chuyên gia.
Cựu trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về khu vực Đông Á, Christopher R. Hill cũng nhận định thận trọng rằng: "Trước khi có thể ăn mừng, các bên cần xác định những thách thức ở phía trước".
Hoàng Lê
VOV
KCNA: Ông Kim Jong-un tin tưởng vào thượng đỉnh với Tổng thống Donald Trump Ông Kim Jong-un - lãnh đạo Triều Tiên - bày tỏ sự tin tưởng hội nghị thượng đỉnh sắp tới với Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ là một sự kiện lịch sử. Ông Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: KCNA/EPA. Theo KCNA, nhà lãnh đạo Triều Tiên chia sẻ trong cuộc gặp Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 9.5,...