12 món ngon gây nghiện khi du lịch miền Trung
Không khó để bạn tìm được những quán bán các món ăn này ở Huế, Đà Nẵng hay Hội An, trót ăn một lần rồi sẽ nhớ mãi.
1. Bánh bèo
Bánh bèo là một món bánh rất thịnh hành ở miền Trung và miền Nam. Bánh bèo gồm có ba phần chính là bánh làm từ bột gạo, nhân để rắc lên bánh làm bằng tôm xay nhuyễn, và nước chấm, một hỗn hợp mà nước mắm là thành phần chính và thường đổ trực tiếp vào bánh chứ không cần chấm. Thành phần phụ của bánh bèo thường là mỡ hành, đậu phộng rang giã nhỏ.
Tại miền Trung, bánh bèo thường được phân ra làm hai loại là bánh bèo Quảng Nam và bánh bèo Huế. Bánh bèo Quảng Nam thường thì to, dày, ăn với nhân là bột nấu nhão gồm có thịt, tôm băm, hẹ, khi ăn bỏ thêm ít hành phi, ớt băm. Bánh bèo Huế có khác chút xíu, bánh mỏng hơn, có bột tôm chấy, khi dùng kèm theo da heo chiên giòn. Bánh bèo miền Trung đa phần đúc bằng chén (bánh bèo chén).
2. Bánh bột lọc
Bánh bột lọc là một trong những đặc sản của xứ Huế. Vỏ bánh được từ bằng bột sắn (khoai mỳ) lọc lấy tinh bột, sau đó luộc một phần nhỏ bột, nhồi kỹ và làm bánh. Nhân bánh thường bằng tôm trộn với gia vị, có thể làm nhân bằng thịt heo nạc hay hỗn hợp tôm – thịt heo. Sau khi vắt thành bánh, bánh được gói bằng lá chuối (hoặc có thể không gói) và hấp cách thủy. Miếng bánh trong suốt, vị dai ngon tinh tế sẽ giúp đánh thức các giác quan của bạn.
3. Bánh xèo, bánh khoái
Bánh xèo là một loại bánh hầu như ai cũng mê, có bột bên ngoài, bên trong có nhân là tôm, thịt, giá đỗ, được chiên vàng, khi đổ vào chảo có tiếng xèo, đúc thành hình tròn hoặc gấp lại thành hình bán nguyệt. Tại Huế, món ăn này thường được gọi là bánh khoái và thường kèm với thịt nướng, nước chấm là nước lèo gồm tương, gan, lạc. Các loại rau ăn kèm với bánh xèo rất đa dạng ngoài rau sống, còn thêm quả vả chát, khế chua.
4. Bánh chưng Nhật Lệ
Đây là món ăn nổi danh ở Huế và có xuất xứ từ con phố Nhật Lệ trong thành Nội, nơi tập hợp hàng chục lò làm bánh. Bánh thơm dẻo, ăn rất khoái khẩu do sự kết hợp nhuần nhuyễn mùi vị giữa nhân đậu, thịt (mỡ và nạc) với gạo nếp và các loại gia vị như tiêu, hành. Người ăn quen lâu ngày thành nghiện, thành thèm.
5. Bánh nậm
Bánh nậm là một loại bánh đặc thù của xứ Huế, cùng với bánh bèo, bánh lọc. Đây là thứ bánh được làm từ bột gạo vừa ngon vừa có tính chất lành (người già, trẻ em, người ốm đều có thể ăn được). Ở Huế, bánh nậm còn được làm chay, chỉ có nhân đậu xanh, dùng cho ngày Rằm, mồng Một. Đặc biệt, còn có bánh nậm nhân thịt cóc, dành cho trẻ còi cọc, suy dinh dưỡng, cũng ngon và hấp dẫn không kém bánh nậm tôm.
6. Bánh ram ít
Bánh ram ít nhân tôm được ghép với nhau bởi 2 phần là phần bánh ít phía trên và đế ram phía dưới. Bánh phần trên được làm bằng loại gạo nếp thơm ngon, ủ đúng giờ để bánh được dẻo mềm. Mỗi chiếc bánh nho nhỏ trắng bóc bằng quả táo bên trong là một con tôm kho. Chỉ cần thử cắn một miếng thôi là bạn sẽ cảm nhận ngay được vị dẻo của bột nếp bánh ít và cái giòn rụm của đế ram. Người Huế thật khéo léo khi phối hợp hai thứ tưởng trừng như đối lập nhưng lại đem lại cảm giác lạ miệng cho thực khách khi ăn.
Bánh ướt thịt nướng là một món ăn phổ quát và được nhiều người biết đến của Huế, món ăn này có nguồn cội từ vùng đất Kim Long – Huế – nơi nổi danh có rất nhiều nhà vườn. Món ăn này có thể dùng làm điểm tâm, bữa chính hay ăn chơi với bạn bè đều rất thích hợp. Điều đặc biệt là nước chấm của món này không phải là nước mắm chua cay như món bún thịt nướng mà là tương mè đậu nấu ngọt rất đặc thù.
8. Bánh đập
Video đang HOT
Bánh đập hay còn gọi là bánh chập là một loại bánh khá phổ biến ở các tỉnh ven biển miền Trung từ Quảng Nam đến Khánh Hòa nhưng nức tiếng nhất vẫn là ở Hội An. ‘Đập’ được hiểu đơn giản là bánh phải được đập rồi mới ăn. Bánh đập là sự phối hợp tinh tế giữa bánh ướt và bánh tráng nướng. Trên nửa lớp bánh ướt được phết dầu mỡ hành, đậu xanh nhuyễn. Bánh đập còn được ăn kèm với tôm, thịt heo luộc, thịt nướng tùy theo vùng miền.
Bánh tráng cuốn thịt heo là món ăn dân dã của người miền Trung. Mỗi suất bánh tráng gồm một đĩa thịt heo lớp nạc lớp mỡ đan xen đủ để miếng thịt không khô, không ngấy; kèm theo rau ghém đủ các loại gồm xà lách, mùi thơm, tía tô, diếp cá… và củ quả thái lát như giá đõ, dứa, xoài, dưa leo, chuối xanh, được cuộn tròn cùng trong bánh cuốn, chấm vào mắm nêm sóng sánh thơm mùi biển cả thật tuyệt chẳng gì bằng.
10. Bánh tráng kẹp
Bánh tráng kẹp là một trong những món ăn vặt lọt top những món ăn đường phố cuốn hút nhất Đà Nẵng. Được làm từ bánh tráng mềm và không quá dày, người ta quết lớp nhân lên trên bánh, có thể để vậy hoặc gấp lại, hay cuộn lại rồi nướng giòn. Nhân bánh có thể là pate gan tẩm gia vị có rất nhiều hành phi, quết lên bánh rồi bỏ trứng cút thêm vào. Nhân bánh cũng có thể là khô bò xé sợi, cũng có khi là mực hay trứng gà tùy theo khẩu vị hay yêu cầu của từng thực khách.
Làm nên hương vị đặc biệt và đặc trưng cho món bánh tráng kẹp Đà Nẵng không gì khác hơn là nước chấm. Nước chấm hay còn gọi là nước sốt để chấm với bánh tráng kẹp khá đặc biệt. Nước chấm được chế biến từ bò khô, sa tế cùng với bí quyết rất riêng làm nước chấm vừa sệt, vừa cay nồng, rất thơm và màu vàng nâu đẹp mắt, khiến thực khách thử qua hàng trăm lần cũng khó mà phát hiện ra đủ thành phần làm nên hương vị đặc biệt của nó.
11. Bánh bao vạc
Bánh bao bánh vạc là một món ăn đặc trưng Hội An Quảng Nam. Do có hình dạng nhỏ nhỏ, xinh xinh và có màu trắng trông như những đoá hoa hồng nên bánh bao bánh vạc còn có tên gọi là bánh hoa hồng trắng. Đây là món ăn khá phổ biến trong thực đơn của các nhà hàng, quán ăn ở Hội An.
Bánh báo bánh vạc là hai loại có tên gọi khác nhau nhưng thường có mặt trong cùng một đĩa bánh và cùng có chung một loại nước chấm rất đặc biệt: không quá mặn, không quá nhạt và có thơm hương, vị ngọt của thịt tôm.
Nguyên liệu chính để chế biến bánh bao bánh vạc là gạo nhưng được thực hiện qua nhiều công đoạn rất công phu. Gạo xay xong phải ‘bòng’ với nước nhiều lần (khoảng từ 15 đến 20 lần) để chọn cho được loại bột bánh ngon. Nhân bánh bao chủ yếu chế biến từ tôm tươi xay nhuyễn trộn với muối, tiêu, hành và một vài loại gia vị khác. Nhân bánh vạc thì có thêm một số nguyên liệu như: nấm mèo, giá hột, lá hành, thịt heo … đã được thái mỏng và xào chín. Cả hai loại nhân đều được bao bọc bởi một lớp bột bánh mỏng và hấp chín qua lửa.
12. Bánh kiến tơ
Một trong những đặc sản Hội An mà bạn có thể bắt gặp vô số ở trên đường phố là bánh kiến tơ. Vỏ của bánh thực chất là hai miếng bánh quế tròn mà chắc hẳn không còn xa lạ gì. Cái thú vị và đặc sắc của món này chính là ở phần nhân.
Nhân của bánh kiến tơ được làm từ mạch nha. Khi khách mua hàng, người bán mới lấy một thanh mạch nha ra, kéo qua kéo lại như kẹo kéo rồi trộn nhanh với bột, sau vài giây thao tác khéo léo, chỗ mạch nha ban đầu đã biến thành những “sợi chỉ” mong manh vui mắt. Người bắt sẽ cho chỗ “chỉ” đó lên hai vỏ quế, thêm ít dừa bào sợi, kẹp lại. Vậy là món bánh kiến tơ đã hoàn tất. tất cả các bước chỉ diễn ra chưa đầy một phút.
Theo Internet
10 món ngon Hội An nhất định phải thử
Cùng điểm qua 10 món ngon Hội An nức tiếng cả nước bạn chắc chắn sẽ muốn sắp xếp ngay một chuyến du lịch đến với vùng đất con người nơi đây.
Hội An vốn là một hương cảng quốc tế sầm uất của Việt Nam nơi thuyền buôn Nhật Bản, Trung Quốc và phương Tây gặp gỡ trong suốt hai thế kỷ 17, 18. Bởi vậy ẩm thực nơi đây vừa đậm nét truyền thống, mang dấu ấn đặc sắc của miền Trung nói riêng và Việt Nam nói chung vừa có sự học hỏi giao thoa của ẩm thực thế giới, tạo nên dấu ấn độc đáo mà không nơi nào có được. Những món ngon ở Hội An nức tiếng đến mức đã nhiều lần được báo chí quốc tế ca ngợi, được du khách đánh giá bằng những lời khen có cánh và là một trong những lý do chính để họ quay lại thêm nhiều lần nữa.
Hội An có nhiều nhà hàng sang trọng với đủ loại món Á - Âu nhưng để thưởng thức đặc sản ngon nhất và chuẩn vị nhất khi du lịch Hội An, bạn nên đi dạo quanh phố cổ, tạt vào những hàng quán lâu năm có tiếng bên đường hay những gánh hàng rong nhỏ bởi các món ăn ngon ở Hội An thường được nấu bởi các công thức "cha truyền con nối" vô cùng bí mật, rất khó để bắt chước. Sau đây là 10 món ngon Hội An có tiếng nhất mà bạn không thể bỏ qua.
1. Cao lầu
Cao lầu xuất hiện ở Hội An từ thế kỉ 17, chịu nhiều ảnh hưởng của ẩm thực Trung Hoa. Đây là một loại mì đặc biệt với sợi mì chế biến công phu tạo nên màu vàng đặc trưng và độ dày, giai. Khi khách gọi món, người chủ tiệm ăn sẽ cho một ít giá trần dưới đáy bát rồi lần lượt xếp sợi mì, thịt xá xíu, bì lợn chiên giòn, rau sống lên trên tạo nên màu sắc hài hòa bắt mắt. Cao lầu sử dụng ít nước dùng, có cách ăn vừa giống mì Quảng vừa làm liên tưởng đến mì Udon của Nhật. Sợi mì sần sật, xá xíu béo thơm, bì lợn giòn, nước dùng ngọt vừa phải kết hợp với vị chua, cay, đắng, chát, ngọt của gia vị và rau sống giúp cao lầu để lại hương vị khó quên trong lòng thực khách.
Cao lầu là một trong những món ăn ngon ở Hội An không thể bỏ qua. (Nguồn: Internet)
Hai địa chỉ nổi tiếng về cao lầu ở Hội An bạn có thể tham khảo là số 26 Thái Phiên và 87 Trần Phú.
2. Cơm gà
Không như cao lầu chỉ có một vài nơi sản xuất với công thức bí mật rồi phân phối ra toàn thành phố, cơm gà là món phổ biến và có mặt khắp mọi nơi tại phố cổ Hội An. Cơm gà Hội An nghe tên thì đơn giản nhưng có cách chế biến công phu và hương vị riêng biệt.
Gạo để nấu cơm phải là gạo tẻ cũ để ít nhất 1 năm, gạo được ngâm nghệ, ướp gia vị, nấu chung với nước luộc gà, lá dứa bằng bếp củi để tạo nên màu vàng ươm bắt mắt và mùi hương thanh tao dân dã. Gà lấy thịt phải là gà mái đẻ một lứa, nuôi thả nên thịt vừa trắng thơm vừa ngọt dai ngon miệng.
Khi bày ra đĩa, cơm được đơm một lượng vừa phải chính giữa, phủ lên trên là thịt gà luộc xé sợi, người chủ rưới thêm một chút nước dùng lên đĩa cơm rồi đem ra phục vụ thực khách cùng với nộm đu đủ, canh và rau sống. Không quá lời khi nói rằng cơm gà là món ăn biểu tượng nhắc là nhớ trong vô vàn các món ăn ngon ở Hội An. Dù cho du khách từ các tour du lịch Hội An hay tự túc đều phải ghé ăn cơm gà một lần khi đến với nơi đây
Cơm gà bà Buội - thương hiệu cơm gà nổi tiếng nhất Hội An. (Nguồn: vietnamtravel.guide)
Cơm gà ở Hội An nổi tiếng nhất là cơm gà bà Buội số 22 Phan Chu Trinh, cơm gà bà Nga số 8 Phan Chu Trinh.
3. Bánh mì Hội An
Hẳn ai cũng biết rằng những năm gần đây bánh mì Việt Nam luôn lọt top những món ăn vặt ngon nhất thế giới. Khi du lịch thế giới, đâu đó bạn sẽ bắt gặp hình ảnh ổ bánh mì Việt Nam. Vậy nếu tìm kiếm trên internet "bánh mì ngon nhất Việt Nam" thì sao? Chắc chắn kết quả hiện ra sẽ là bánh mì Hội An! Bánh mì ở đây ngon đến nỗi tại các quán nổi tiếng như bánh mì Phượng, bánh mì Madame Khánh lúc nào cũng có hàng dài người xếp hàng đợi mua. Trên các website du lịch hay mạng xã hội thế giới như TripAdvisor, Foursquare, bánh mì Hội An đã giành được hàng ngàn lời khen tặng.
Thực đơn của bánh mì Hội An vô cùng phong phú với hàng chục loại nhân: chả, trứng, giò, lạp xưởng, các loại thịt luộc rán, jambon, pate, xúc xích, phô mai, thịt xông khói và đương nhiên không thể bỏ qua các loại sốt, mayonnaise, tương cà, tương ớt, nộm đu đủ, dưa chuột thái lát đã đem lại hương vị và ấn tượng khó phai trong lòng du khách.
Bánh mì Phượng hấp dẫn làm nên thương hiệu cho bánh mì. (Nguồn: Internet)
4. Mì Quảng
Mì Quảng gồm sợi mì gạo to bản, tôm, thịt nướng, trứng, bánh tráng nướng giòn, một chút nước dùng và rau sống. Bạn nên trộn đều tất cả các thành phần để tạo nên hương vị cộng hưởng, hòa quyện. Khi đó sợi mì vừa mềm ướt thấm gia vị nhưng vẫn dai dai, ăn rất ngon.
Điểm đặc biệt của Mì Quảng là ở nước dùng, nước dùng của mì không ninh từ xương như thông thường mà gồm nhân tôm, thịt heo, thịt gà, cà chua và dứa tạo nên vị ngọt, chua chua, thanh mát. Rau sống ở đây cũng có nét riêng khi có cả những loại mang vị đắng, chát nhưng không hề khó ăn.
Cách trình bày hấp dẫn du khách của mì Quảng Hội An. (Nguồn: Internet)
5. Bánh đập, hến xào
Đây cũng là một món ăn ngon độc đáo riêng có cái tên rất lạ của bánh đập lại xuất phát rất đơn giản từ thao tác làm bánh: người thợ xếp những lớp bánh tráng khô giòn xen kẽ giữa những lớp bánh ướt rồi đập nhẹ để bánh xẹp xuống tạo độ kết dính. Bánh đập thường được ăn kèm với hến xào. Hến được sơ chế sạch và xay hoặc thái thật nhỏ rồi xào chung với ớt, hành tây tạo vị bùi, béo, cay cay rất hấp dẫn.
Bánh đập, hến xào là một món ngon Hội An độc đáo, lạ miệng. (Nguồn: chudu24.com)
6. Bánh bao, bánh vạc
Bánh bao, bánh vạc là hai loại bánh khác nhau nhưng thường được bày chung một đĩa. Hai loại bánh này có đặc điểm chung là khá nhỏ, vừa miệng ăn, hình thức đẹp mắt giống như hoa hồng bạch với lớp bột trắng, trong, mềm mại phủ bên ngoài và lớp nhân đỏ hồng bằng thịt tôm lấp ló. Bởi vậy hai loại bánh này còn được du khách phương Tây ưu ái gọi là bánh hoa hồng, là một trong những món ăn ngon ở Hội An đem lại ấn tượng đẹp đẽ nhất.
Điểm khác biệt cơ bản giữa hai loại bánh này nằm ở nguyên liệu. Bánh bao làm từ gạo tẻ, tôm tươi xay nhuyễn trộn với muối, tiêu, hành và các loại gia vị khác. Bánh vạc thì nhiều thành phần hơn khi có thêm mộc nhĩ, giá, thịt lợn, hành lá.
Vẻ ngon mắt của bánh bao , bánh vạc Hội An. (Nguồn: lh3.googleusercontent.com)
7. Bánh ướt thịt nướng
Thịt nướng ở Hội An thường bán bởi các xe kéo nhỏ dọc bờ sông Hoài. Thịt đã được tẩm ướp gia vị sẵn xiên vào các que tre dài, chỉ đợi khách đến mua là sẽ nướng trên bếp than hoa rồi phục vụ nóng.
Món ăn ngon ở Hội An này ăn theo kiểu cuốn chấm. Trên chiếc bàn nhỏ, thịt nướng nóng hổi được dọn ra cùng đĩa bánh tráng ướt, rau sống và bát nước chấm pha chế cầu kỳ theo công thức riêng. Thực khách cuốn thịt trong bánh ướt, thêm chút rau xanh, chấm vừa phải theo khẩu vị mặn nhạt, không khí mát mẻ ven sông cùng hương vị ngon miệng khiến ta ăn rồi lại muốn ăn nữa, ăn mãi.
Dọc bờ sông Hoài từ 15h đến 21h luôn đông đúc các xe bán bánh ướt thịt nướng nóng hổi và thực khách thưởng thức. (Nguồn: media.depplus.vn)
8. Bánh bèo chén
Bánh bèo chén là một món ngon Hội An thu hút rất đông thực khách vào các buổi chiều. Nước bột gạo xay nhuyễn sánh mịn được hấp trong các chén nhỏ có màu trắng mềm mịn. Bên trên lớp bột người bán cho thêm phần nhân từ thịt tôm, lợn xắt nhỏ xào lá hành vừa ăn trông vô cùng bắt mắt.
Điểm độc đáo của món ăn nằm ở cách ăn bánh. Bánh bèo ăn đúng kiểu Hội An không phải bằng đũa hay thìa mà bằng những thanh tre vót vát theo hình lưỡi dao. Chính cách ăn lạ lùng, thú vị này này đã thu hút được sự tò mò của nhiều du khách, góp phần vào sự đắt hàng của các quán ăn vặt nơi đây.
Bánh bèo chén thu hút thực khách với vẻ nhỏ nhắn, xinh xắn. (Nguồn: cdn.pose.com.vn)
9. Chè bắp
Chè bắp hay chè ngô theo tiếng miền Bắc là món tráng miệng mát lành. Chè nấu từ bột năng và ngô tẻ, thêm nước cốt dừa, dừa sợi. Vị ngon của chè đem lại từ ngô non mới bẻ, nấu kỹ, mềm, dẻo, thơm thanh tao. Ngoài chè bắp Hội An cũng có nhiều loại chè hấp dẫn khác như chè bưởi, đậu ván, đậu đỏ...
Chè bắp thanh mát là món giải nhiệt quen thuộc ở Hội An. (Nguồn: Internet)
10. Bánh tổ Quảng Nam
Đây là loại bánh nên mua làm quà khi đến Hội An nói riêng và Quảng Nam nói chung. Bánh tổ là loại bánh truyền thống luôn có trong các dịp cúng, lễ, Tết... ở nơi đây. Bánh được làm từ bột nếp và đường mía, gói bằng lá chuối có vị thanh ngọt.
Bánh tổ Quảng Nam là món quà du lịch ý nghĩa, dân dã khi du khách có dịp ghé thăm và thưởng thức. (Nguồn: kienthuc.net.vn)
10 món ăn trên chỉ là số ít trong vô vàn các món ngon Hội An mà các bạn có thể thưởng thức khi đến với nơi đây. Mỗi món ăn đều được người dân Hội An chăm chỉ, tỉ mỉ làm ra với cái tâm, cái tài, cái hồn quê mộc mạc. Chắc chắn đến với Hội An bạn sẽ phải lòng con người và ẩm thực, lưu luyến không nỡ về.
Theo BIog
Mì Quảng - đậm đà hương vị miền Trung Mì Quảng là đặc sản nổi danh không chỉ ở vùng đất Quảng Nam mà còn phổ biến ở cả khu vực miền Trung. Mì Quảng có nhiều loại khác nhau như mì gà, tôm, thịt, trứng, bò, sứa, cá lóc..., mỗi loại mang một hương vị đặc trưng riêng, không lẫn vào đâu. Hòa quyện cùng sợi mì trắng ngà, mềm mại...