113.000 hộ khát nước vì hạn hán, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT báo cáo Thủ tướng
Tại miền Trung đang có 113.000 hộ dân bị thiếu nước sạch do nắng nóng kéo dài kỷ lục. Vì vậy, ngày 23-7, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã có văn bản báo cáo Thủ tướng về tình trạng này
Suốt 2 tháng nay, nắng nóng kéo dài triền miên, rất nhiều nơi ở “chảo lửa” miền Trung xảy ra hạn hán nặng, hàng loạt hồ chứa thủy lợi xuống mực nước chết, hồ chứa thủy điện sụt giảm so với dung tích thiết kế.
Không chỉ hàng trăm ngàn hécta lúa dọc duyên hải Trung bộ đối mặt nguy cơ mất trắng, đang khô hạn nặng mà theo thống kê mới nhất, còn có hàng trăm ngàn hộ dân đối mặt nguy cơ thiếu nước sinh hoạt.
Mực nước ở Hồ 14 (xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) cạn tới đáy, mặt hồ nứt nẻ do hạn hán gay gắt. Ảnh: HỮU PHÚC
Trước tình hình này, ngày 23-7, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình này.
Video đang HOT
Theo Bộ NN-PTNT, tại khu vực Bắc Trung bộ, tổng số có 61.100 hộ dân đang bị thiếu nước sinh hoạt: Nghệ An 10.000 hộ, Hà Tĩnh 2.600 hộ, Quảng Bình 30.000 hộ, Quảng Trị 9.500 hộ, Thừa Thiên – Huế 9.000 hộ.
Trong đó, các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh có khoảng 90% hộ sử dụng nước giếng (giếng đào, giếng khoan); tỉnh Quảng Trị có 50% sử dụng nước giếng, 50% sử dụng nước từ công trình cấp nước tập trung quy mô nhỏ.
Còn tại Nam Trung bộ, có tổng số 52.840 hộ bị thiếu nước sinh hoạt: Đà Nẵng 340 hộ, Quảng Nam 23.700 hộ, Quảng Ngãi 11.600 hộ, Bình Định 10.100 hộ và Phú Yên 6.800 hộ, Khánh Hòa 300 hộ.
Trong đó, tỉnh Quảng Ngãi có khoảng 90% hộ sử dụng nước giếng (giếng đào, giếng khoan); các tỉnh còn lại có khoảng 90% từ công trình cấp nước tập trung quy mô nhỏ.
Trong báo cáo gửi Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ TN-MT tăng cường mạng quan trắc khí tượng thủy văn, đặc biệt tăng cường hệ thống đo mặn tại các tỉnh ven biển khu vực Trung bộ. Trình Thủ tướng xem xét, quyết định điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa các lưu vực sông liên tỉnh để bảo đảm cấp đủ nước cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong mùa khô.
Bộ Công thương tiếp tục phối hợp với Bộ NN-PTNT chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các nhà máy thủy điện thực hiện việc điều tiết nước các hồ chứa thủy điện để bổ sung nước cho hạ du theo nhu cầu sản xuất nông nghiệp và dân sinh, khắc phục tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn hiện nay.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ NN-PTNT tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hỗ trợ kinh phí phòng chống, khắc phục hậu quả hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn cho các địa phương.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cũng đề nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố khu vực bị ảnh hưởng hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn khẩn cấp xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn từ nay đến hết mùa khô; trong đó, cụ thể phương án bảo đảm cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, dân sinh và an sinh xã hội.
VĂN PHÚC
Theo SGGP
Khẩn cấp xác định bản đồ "đại hạn"
Trước tình trạng hạn hán diễn ra nghiêm trọng, chiều 22-7, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã chủ trì cuộc họp khẩn với các đơn vị để triển khai chống thiếu nước, xâm nhập mặn, cứu lúa hè thu, lúa mùa tại Trung bộ.
Theo báo cáo của Tổng cục Khí tượng - thủy văn Bộ TN-MT và Tổng cục Thủy lợi Bộ NN-PTNT, hơn 1 tháng qua, Trung bộ diễn ra nắng nóng khốc liệt, tới mức rừng cháy, đồng lúa khô khát, hàng loạt hồ chứa xuống mực nước chết.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thông tin, Tổ chức Khí tượng thế giới đã cảnh báo năm nay là năm nắng nóng kỷ lục nhất trong 140 năm qua. Nắng nóng liên tục kéo dài kèm theo độ ẩm thấp, gió phơn Tây Nam thổi mạnh nên lượng nước bốc hơi rất lớn, lượng mưa ít, nhu cầu nước tưới và sinh hoạt tăng. Đây là những nguyên nhân chính gây nên tình trạng hạn hán, thiếu nước đang khốc liệt ở Trung bộ. Không chỉ thiếu nước cho thủy điện mà nước cho thủy lợi và nhu cầu sinh hoạt cũng đang phải "cân đong". Vì vậy, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT yêu cầu Tổng cục Thủy lợi phải vẽ được bản đồ các khu vực đang bị hạn hán, thiếu nước ở Trung bộ. Về nước tưới, Tổng cục Thủy lợi cần đánh giá thực trạng, năng lực hồ chứa, công trình thủy lợi ở Trung bộ, điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa trong mùa khô để đảm bảo sản xuất. Cục Trồng trọt nghiên cứu, đưa ra khuyến cáo cụ thể cho từng địa phương về việc cần chuyển bao nhiêu diện tích đất trồng lúa sang cây trồng chống chịu hạn, tiết kiệm nước.
Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia cho biết: Từ nửa cuối tháng 7 sang tháng 8, trên các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh và khu vực Tây Nguyên có khả năng xuất hiện 1-2 đợt lũ; các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị xuất hiện 1-2 đợt. Thế nhưng, lượng dòng chảy trên phần lớn các sông ở Trung bộ và khu vực Tây Nguyên sắp tới phổ biến ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 10%-45%; các sông ở Nghệ An, Quảng Nam, Bình Định đến Ninh Thuận thấp hơn từ 65%-90%.
Dự báo, tình trạng khô hạn, thiếu nước và xâm nhập mặn vùng cửa sông sẽ lan rộng ra các tỉnh ở Trung Trung bộ, Nam Trung bộ (nặng nhất là các tỉnh từ Quảng Nam đến Phú Yên) và có khả năng kéo dài đến hết tháng 8. Trên một số sông thuộc Trung bộ có khả năng xuất hiện mực nước thấp nhất (kỷ lục) trong chuỗi số liệu quan trắc.
VĂN PHÚC
Theo SGGP
Hạn hán nghiêm trọng tại các tỉnh miền Trung Nắng nóng kéo dài và lượng mưa thấp hơn trung bình các năm là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng hạn hán, thiếu nước đang diễn ra tại miền Trung. Những địa phương đang bị hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng là Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Bình Định. Khoảng 2.200 ha lúa...