Khoai mì hấp
Chỉ có người ăn kén khoai chứ khoai mì hấp không bao giờ kén khách, ăn loại nào, kiểu nào vẫn vô tư yêu cầu người bán. Thế nhưng dù cho vào túi nilon hay túi giấy thì chỉ ăn “bốc” mới đúng kiểu ăn khoai mì.
Sài gòn đang vào mùa hạ, đồng nghĩa với những cơn mưa rả rích xuất hiện vào buổi chiều rồi biến mất vào buổi sớm mai. Mưa làm những kẻ yêu phố lười ra đường, mưa kéo người chuộng ăn đêm vào những hàng quán khang trang, mưa ngăn những gánh hàng rong tìm thêm thực khách… Trong cái ẩm ướt đầu mùa ấy, thật bất ngờ khi được người bạn đưa cho túi khoai mì hấp nóng hổi. Đâu phải sơn hào hải vị mà một loáng túi khoai đã hết nhẵn đến từng hạt muối mè.
Khoai sượng và bột
Khoai mì hấp hay còn gọi là luộc không xa lạ với nhiều người. Thuở còn tem phiếu, nó là một loại lương thực không thể thiếu trong bữa cơm nhà nghèo, cơm độn. Thời nay, kinh tế khá hơn, khoai mì trở thành món ăn chơi trong những lúc buồn miệng. Và chỉ có kiểu thưởng thức thế này thì mới thấy khoai mì thật hấp dẫn: chấm với muối mè và cơm dừa bào. Có người thích ăn loại khoai sượng (khoai mì kè). Đó là loại khoai mà khi luộc hay hấp lên vẫn giữ nguyên hình dáng ban đầu, sớ thịt trong trong, cắn vào cảm nhận được độ dẻo và nghe sựt sựt trong miệng. Cũng có người chỉ thích ăn khoai mì bột. Loại này khi hấp xong tinh bột nở ra thường làm cho đầu củ khoai toe ra hình phễu, nhìn vào thấy rõ sợi chỉ khoai trắng đục cong cong nằm ở giữa, nếu ngại nóng mà vẫn muốn cầm củ khoai thì có thể nắm lấy sợi ruột khoai này để thấy độ dính kết khiến chúng không hề rơi xuống.
Nói đến khoai mì hấp là đã thấy hình dáng cái xửng như xửng bánh bao của người Hoa. Xửng khoai mì có khác là không đậy nắp, nắp vẫn để ngỏ mặc cho từng cuộn khói bốc lên. Cứ tưởng nóng lắm không ăn nỗi thế nhưng đem ra khỏi nồi chừng 3 phút là người ăn có thể vừa ăn vừa thổi, tất nhiên khi răng đã ngập trong củ khoai thì phải nhai nhanh lên kẻo phỏng.
Video đang HOT
Khoai chấm muối mè
Khoai mì hấp ăn với muối mè và cơm dừa khô được nạo sẵn, cũng có người chỉ thích ăn với muối mè. Người bán cầm cái kẹp gắp củ khoai vào túi nilon rồi tiện tay cầm túi muối mè cho vào luôn thể, hoặc rắc cả cơm dừa lẫn muối mè vào một lượt. Dù ăn theo kiểu nào thì dân ghiền ăn vặt vẫn nhớ món chấm đi cùng.
Thức chấm nói đến không gì khác đó là muối mè. Làm muối mè cũng đơn giản nhưng phải trộn thế nào giữa muối, đường, mè (vừng) để sao cho khi ăn với khoai vị không được quá mặn, không được quá ngọt. Dừa khô có thể bào thành sợi hoặc nạo nhuyễn để khi bỏ chung với khoai chúng dễ bám vào từng củ một. Cầm túi khoai hấp đã có dừa nạo, xé bọc muối mè rắc lên cho đều rồi nhón lấy củ khoai bằng hai đầu ngón tay đưa vào miệng, lấy lưỡi khều những hạt mè còn dính trên ngón tay nhằn nhằn trong miệng cảm được vị béo hay hay.
Tuy nhiên có hàng khoai không dùng mè rang mà dùng đậu phộng rang rồi xay nhuyễn nhưng vẫn trộn chung với muối và đường, điều này cho thấy muối và đường là vị chủ lực không thể thiếu được trong món khoai hấp này.
Người ta nói ăn khoai mì dễ nặng bụng, mau no nhưng đói rất nhanh, có lẽ vì vậy mà nó không được chọn là lương thực chính trong ngành nông nghiệp. Nói đến khoai mì là nói đến một chặng đường dài của khó khăn vất vả đã qua. Trong cái lạnh đầu mùa, thói quen ủ củ khoai nóng vào vạt áo thay cho sưởi ấm của con trẻ vẫn còn là nét truyền thống nông thôn. Ngày nay có thể dễ dàng tìm thấy hàng khoai hấp trên các con phố đông người vào buổi trưa hay thấy chúng ở các góc phố gần trung tâm mua sắm ở Sài gòn. Chủ yếu phục vụ cho thú ăn linh tinh của khách bộ hành. Chỉ có người ăn kén khoai chứ khoai mì hấp không bao giờ kén khách, ăn loại nào, kiểu nào vẫn vô tư yêu cầu người bán. Thế nhưng dù cho vào túi nilon hay túi giấy thì chỉ ăn “bốc” mới đúng kiểu ăn khoai mì. Thú vị thật khi trùm áo mưa ngồi sau lưng bạn hay đứng trú mưa dưới hàng hiên nhà ai đó mà trong tay có túi khoai nóng hổi. Vừa ăn vừa nghe tiếng rả rích của mưa đầu mùa, câu chuyện cứ kéo dài cho đến khi đã hết món khoai!
Theo Monngonhanoi
Khoai vào phố
Với những người trong độ tuổi từ 50 trở lên, củ khoai lang nướng dễ làm họ liên tưởng tới ngôi làng nho nhỏ, có lũy tre, những mái tranh với một bầy trẻ con bao quanh cái bếp đang âm ỉ cháy, trong đó có những củ khoai tỏa mùi thơm lừng.
Hiện nay, nếu ở Sài Gòn và có một công việc ổn định với đồng lương kha khá, bạn có thể xuống phố mỗi cuối tháng, hoặc mỗi tuần, thậm chí mỗi cuối ngày để giải trí bằng cách mua sắm, ăn uống và tham dự nhiều trò vui từ bình dân đến cao cấp. Thực tế cho thấy, khi đã chán những thứ cao cấp, người ta thường tìm về những gì mộc mạc, dân dã. Trong ẩm thực cũng vậy và khoai lang đang lên ngôi ở Sài Gòn.
Bạn có bao giờ bạn thưởng thức món khoai lang lùi tro chưa nhỉ? Lần cuối cùng bạn được ăn một củ khoai lang nướng hay lùi tro là khi nào? Nếu bạn đang sống ở nước ngoài thì hẳn là lâu lắm rồi. Có khi đã vài mươi năm và nhắc lại món ăn này khác gì khơi gợi lại hoài niệm về quá khứ.
Về Sài Gòn bạn sẽ thấy những món ăn vặt quen thuộc như: bắp nướng xối mỡ hành, bắp xào tôm khô, khoai mì luộc, khoai lang luộc, khoai lang nướng... đang đầy dẫy ở trung tâm thành phố .
Với những người trong độ tuổi từ 50 trở lên, củ khoai lang nướng dễ làm họ liên tưởng tới ngôi làng nho nhỏ, có lũy tre, những mái tranh với một bầy trẻ con bao quanh cái bếp đang âm ỉ cháy, trong đó có những củ khoai tỏa mùi thơm lừng. Khi những củ khoai đã chín, có những bàn tay vội vã phủi tro, bẻ nhỏ củ khoai, những cái miệng chút xíu ngốn ngấu cắn nhai bất kể tro than bám đầy miệng...
Ngày nay, khó mà có thể thấy lại những hình ảnh đó. Cho nên lúc nhìn và ngửi mùi khoai lang nướng tỏa ra trên mấy chiếc xe ba gác cọc cạch, tôi thấy chúng thật thú vị, những chiếc xe đó dường như không chỉ chở khoai lang, mà còn chở cả ký ức về tuổi thơ của nhiều thế hệ người Việt. Đó có phải là một trong những lý do khiến khoai lang nướng càng ngày càng đắt khách?
Nhân dạng người đẩy xe ba gác đi bán khoai lang nướng đi bán thường khác hẳn với những thị dân quanh họ. Tôi nhận ra rằng họ thường có một nét chung: ngoài làn da đen sạm khói bụi thành phố, chất nông dân ở họ vẫn còn đậm đà. Cái nón lá trên đầu, bộ áo quần giản dị và nhất là ở giọng cũng như cách nói. Chúng toát ra chất hồn hậu như những củ khoai của họ.
Phương tiện hành nghề khoai lương nướng rất đơn giản. Một chiếc xe ba gác hoặc một chiếc xe ba bánh đẩy tay, một ngọn đèn nê ông thắp bằng bình ắc qui, một cái cân, một bao than nhỏ, một lò than nóng, đống khoai lang được chất trong thùng xe và quan trọng nhất là một đôi chân dẻo dai để có thể đi suốt 5, 6 giờ qua nhiều đường phố. Họ lấy khoai từ những vựa ở Hóc Môn. Chúng được chở từ Đà Lạt về. Khoai lang trồng ở Đà Lạt được chuộng hơn cả vì nhiều bột và vị ngọt thanh. Ngoài khoai lang là món chính, đôi khi người ta còn bán thêm bắp nướng xối mỡ hành.
Cứ khoảng sau 4 giờ chiều, những chiếc xe bán khoai nướng trên các con đường như Trần Quốc Thảo, Nguyễn Thị Minh Khai, Lý Tự Trọng... luôn đông nghẹt người mua. Đông khách chờ nên người bán luôn tay dùng kẹp trở khoai mà hiếm khi kịp.
Khoai lang nướng hình như là món ăn dành cho khoảng thời gian từ chiều tới tối, buổi sáng, không thấy ai đẩy xe đi bán khoai lang nướng. Ăn khoai lang nướng ngon nhất là lúc vừa nướng xong, khoai còn đang nóng. Khi nhận củ khoai từ người bán, người ta cầm lấy, rồi vội vàng thảy từ tay này, qua tay kia cho đỡ nóng, vừa phủi tro, vừa xuýt xoa lột vỏ, rón rén bỏ từng chút một vào miệng. Nếu có tình nhân thì còn thêm màn người này lau mép cho người kia vì chút tro than bám trên khóe miệng.
Món khoai lang nướng chỉ mới xuất hiện ở Sài Gòn chừng vài năm nay. Chị Lan - một trong những người đầu tiên bán khoai lang nướng cho biết quê chị ở Trà Vinh, lên thành phố để bán khoai lang nướng. Ban đầu chị chỉ dám bán món ăn "nhà quê" này trong các con hẻm, dần dà xe khoai tiến dần vào trung tâm Sài Gòn. Mỗi ngày chị bán khoảng 50 ký khoai. Cùng hoàn cảnh với giới buôn gánh, bán bưng, chị luôn lo sẽ bị các ông cảnh sát và thanh niên xung phong đi dọn dẹp lòng, lề đường. Củ khoai lang về phố cũng trôi nổi như nàng Kiều thuở xưa, phải xem "đời nhẹ như củ khoai lang" mới mong có cơ may tồn tại ở chốn thị thành.
Anh Lam - một người đàn ông xấp xỉ năm mươi tuổi, vừa sắp khoai lên vỉ vừa nói: Nếu tui biết dân Sài Gòn mê món này thì tui đã nghỉ trồng khoai lang từ lâu để đi mua khoai đem lên đây bán từ lâu rồi. Trồng cấy cực nhọc, mà dưới quê ít nhìn thấy ai ăn khoai ngon lành như người ở đây. Mỗi ngày, tui bán được vài chục ký, vào mùa mưa, trời lạnh, khách ăn nhiều lắm.
Giá một củ khoai chỉ từ 2.000 đến 5.000, tùy lớn hay nhỏ, nên bất kỳ ai cũng có thể mua mà không cần băn khoăn về tiền, mỗi ký khoai thường từ 7.000 đến 8.000. Nhiều người dừng xe mua một bọc lớn để cả nhà cùng nhấm nháp thay cho món bắp rang trộn bơ, vừa xa xỉ, vừa nhiều chất béo, không tốt cho sức khỏe. Một ông khách cho biết: Ăn mãi các thứ thịt thà, dầu mỡ rồi cũng ngán, khi ăn trở lại món ăn đầy "bản sắc dân tộc" này, tôi thấy thật ngon. Nó bình dân nhưng cứ nghĩ đến lại thèm có ngay một củ. Cũng là miếng ăn thôi nhưng có khi nó làm cho lòng mình nhẹ nhõm, mộc mạc lạ thường.
Khoai lang là loại nông sản tầm thường, được trồng rất nhiều tại các vùng nông thôn. Trong những năm đói kém vì mất mùa, người ta thường dùng khoai lang để ăn độn hay thay hẳn cơm gạo. Vì khoai lang dễ trồng, không tốn nhiều công chăm bón nên không được xếp vào loại lương thực quí. Ngoài việc dùng làm thực phẩm, người ta còn lấy khoai lang chữa bệnh, có người đã gọi nó là "sâm nam". Theo Đông y, khoai lang có nhiều tên như: cam thử, phiên chử. Muốn chống béo phì, người ta có thể luộc củ và lá rau lang để ăn, hoặc độn chung với cơm, cháo. Khoai lang tính bình, vị ngọt, có tác dụng bồi bổ cơ thể, ích khí, cường thận, kiện vị, tiêu viêm, thanh can, lợi mật, sáng mắt. Nó còn được dùng để chữa vàng da, ung nhọt, viêm tuyến vú, kinh nguyệt không đều, nam giới di tinh, trẻ em cam tích, kiết lỵ. Chưa kể, củ và lá khoai lang còn được kết hợp với các vị thuốc khác để chữa nhiều căn bệnh như: say tàu xe, thấp khớp, vọp bẻ,... Tuy nhiên trong khoai lang có chất đường, ăn nhiều khi đói sẽ bị nóng ruột, ợ chua.
Khoai lang bị sâu, bị hà ăn thì gọi là khoai sùng. Nhà thơ Trang Thế Hy (còn ký là Minh Phẩm) có bài thơ "Quán Bên Đường", nhắc đến món khoai lang sùng này, sau được nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành ca khúc. Bài thơ kể lại câu chuyện tình của hai đứa bé quê, nhà nghèo, thường chia nhau củ khoai sùng lượm mót. Lớn lên cuộc đời đưa đẩy mỗi người một ngả, thằng bé trở thành nhà văn kiếm sống bằng nghề viết mướn, cô bé thành gái làng chơi. Tình cờ họ gặp lại nhau trong một buổi chiều mưa, ăn miếng bánh ngọt mà nhớ lại củ khoai sùng lượm mót.
Theo viendongdaily.com
Thân thương chè bà ba Ba má tôi sống trong căn nhà thờ họ, nên mọi cúng kiếng trong năm má tôi đều phải lo toan. Tuổi thơ tôi nhớ, vào những ngày rằm hàng tháng, má tôi thường nấu nồi chè bà ba để cúng Phật và cúng ông bà. Cái tên dung dị của món chè ấy cứ theo tôi mãi, dù chẳng hiểu tại sao...