11 năm sau thảm họa động đất ở Đông Bắc Nhật Bản: Để bài học từ thảm họa được truyền cho các thế hệ sau
Ở quận Yuriage, tỉnh Miyagi, Đông Bắc Nhật Bản, nằm kế bên ngôi trường mới xây kiên cố là một tấm bia làm bằng đá.
Đây là nơi tưởng niệm 14 học sinh của trường Tiểu học và Trung học cơ sở Yuriage đã tử nạn trong thảm họa động đất và sóng thần cách đây 11 năm.
Hàng ngày, bà Tanno Yuko vẫn tới đây với ý niệm “được ở bên người con trai xấu số của mình”.
Bia tưởng niệm các học sinh của Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Yuriage bị tử nạn trong thảm họa năm 2011. Ảnh: Đào Thanh Tùng/PV TTXVN tại Nhật Bản
Trước thảm họa, bà Yuko là nhân viên của một siêu thị ở Yuriage, một quận khá trù phú với khoảng 5.000 dân nằm ở ven biển thành phố Natori, tỉnh Miyagi. Mặc dù cuộc sống khá vất vả nhưng ngôi nhà của gia đình bà Yuko luôn ngập tràn tiếng cười. Vì vậy, người phụ nữ này vẫn cảm thấy rất hạnh phúc khi sống với hai con và gia đình chồng.
Video đang HOT
Tuy nhiên, trận động đất kinh hoàng tháng 3/2011 đã thay đổi tất cả. Động đất mạnh đi kèm các đợt sóng thần khồng lồ đã cướp đi sinh mạng của gần 750 người dân ở Yuriage, tương đương với 15% dân số ở đây, và khiến 40 người khác bị mất tích. Bên cạnh đó, thảm họa cũng phá hủy hơn 5.000 ngôi nhà và hủy hoại nghiêm trọng cơ sở hạ tầng ở quận này, trong đó có trường Tiểu học và Trung học cơ sở Yuriage.
Trò chuyện với phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, bà Yuko hồi tưởng: “Vào thời điểm xảy ra động đất, tôi đang tham dự lễ tốt nghiệp của con gái ở trường Trung học Cơ sở Yuriage. Sau khi động đất kết thúc, tôi quay về nhà cùng với con gái. Tuy nhiên, khi thấy các đợt sóng thần khổng lồ đang đổ tới, tôi và con gái đã chạy thật nhanh tới hội trường của trường học đó. Chúng tôi đã được sơ tán lên tầng 2 của tòa nhà được làm bằng bê tông kiên cố nên may mắn thoát chết”. Nhưng chồng, bố mẹ chồng và con trai của bà Yuko đã không may mắn như vậy. Họ đều bị qua đời trong thảm họa đó. Bà Yuko xúc động kể: “Các đợt sóng thần cao tới 4m đã san phẳng trường Tiểu học và Trung học cơ sở Yuriage và cả khu vực này. Tôi chưa bao giờ nghĩ con trai sẽ mất trước tôi, nhưng nó đã ra đi cùng với 13 học sinh khác”.
Sau thảm họa, cũng giống như nhiều người dân khác ở Yuriage, bà Yuko không chỉ có nỗi đau vì mất mát người thân mà còn phải đối mặt với một tương lai bất định. Tuy nhiên, người phụ nữ này không gục ngã. Bà đã xin vào làm ở một siêu thị khác để có tiền nuôi dạy con gái. Nhờ vậy, con gái bà, năm nay 26 tuổi, đã tốt nghiệp đại học và đi làm. Bà Yuko vui mừng nói: “Con gái tôi đang sống cùng với mẹ và hiện là kỹ sư máy tính cho tập đoàn Rakuten”.
Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Yuriage có 14 học sinh đã tử nạn trong thảm họa năm 2011. Ảnh: Đào Thanh Tùng/PV TTXVN tại Nhật Bản
Giờ đây, khi cuộc sống đã ổn định hơn, bà Yuko đang tích cực tham gia vào các hoạt động thiện nguyện tại Memoire de Yuriage. Bà Yuko tâm sự: “Sau thảm họa, không có nhiều người muốn nói về những nỗi đau mà họ đã phải trải qua. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng tôi cần kể về câu chuyện của mình để nhiều người biết những gì đã xảy ra 11 năm trước và chia sẻ với họ các kinh nghiệm của mình, bởi vì nhiều người, nhất là các bạn trẻ sinh ra sau thảm họa, không thể hiểu điều gì xảy ra khi đó. Tôi cũng muốn mọi người nhận thức rằng động đất và sóng thần có thể xảy ra bất kỳ lúc nào”.
Không chỉ có bà Yuko, nhiều nạn nhân của thảm họa năm 2011 cũng đang tích cực tham gia vào các hoạt động tại Memoire de Yuriage. Đây là một trung tâm do Hội thân quyến của các học sinh xấu số của trường Tiểu học và Trung học cơ sở Yuriage lập ra vào tháng 4/2012, với mục đích ban đầu là quản lý bia tưởng niệm ở trường Tiểu học và Trung học cơ sở Yuriage, đồng thời là nơi các gia đình của các học sinh xấu số gặp gỡ và chia sẻ với nhau để làm dịu nỗi đau tinh thần. Tuy nhiên, hiện nay, Memoire de Yuriage đã trở thành một trong những điểm đến cho những người muốn tìm hiểu về các hậu quả thảm khốc của trận động đất năm 2011 và là nơi truyền lại cho thế hệ trẻ các bài học kinh nghiệm rút ra từ thảm họa đó.
“Tôi đã già hơn. Tôi không rõ mình có thể làm được công việc này trong bao lâu. Tuy nhiên, chừng nào có thể làm việc, tôi sẽ cố gắng chia sẻ với thế hệ trẻ về những trải nghiệm của mình trong thảm họa đó”, bà Yuko khẳng định.
Nhật Bản tưởng niệm các nạn nhân của thảm họa động đất, sóng thần năm 2011
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 11/3, người dân trên khắp đất nước Nhật Bản đã tưởng niệm các nạn nhân của thảm họa động đất và sóng thần năm 2011 trong bầu không khí trầm lặng.
Năm nay, Chính phủ Nhật Bản không còn tổ chức lễ tưởng niệm quốc gia, nhưng chính quyền địa phương ở những nơi bị ảnh hưởng thảm họa này vẫn tổ chức các lễ tưởng niệm ở quy mô nhỏ.
Một khu vực tưởng niệm nạn nhân thảm họa động đất và sóng thần năm 2011 ở Sendai. Ảnh: Đào Thanh Tùng-PV TTXVN tại Nhật Bản
Vào đúng 14h 46, một hồi còi tầm đã vang lên ở nhiều địa phương trên khắp đất nước Nhật Bản, đánh dấu thời điểm xảy ra trận động đất kinh hoàng xảy ra cách đây 11 năm. Trận động đất đó có độ lớn 9 đi kèm các đợt sóng thần khổng lồ đã tàn phá khu vực Đông Bắc Nhật Bản.
Các số liệu thống kê mới nhất của Cơ quan Cảnh sát quốc gia (NPA) cho thấy thảm họa động đất - sóng thần đã cướp đi sinh mạng của 15.900 người và khiến 2.523 người bị mất tích, chủ yếu là ở các tỉnh Miyagi, Fukushima và Iwate. Bên cạnh đó, theo Cơ quan Tái thiết Nhật Bản, tính đến tháng 9/2021, có tới 3.784 người khác bị chết vì các nguyên nhân có liên quan tới thảm họa này như bệnh tật hoặc tự tử vì trầm cảm. Ngoài ra, động đất và sóng thần cũng là tác nhân trực tiếp gây ra các sự cố hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử Nhật Bản.
11 năm sau thảm họa, Nhật Bản đã đạt được nhiều thành tựu trong quá trình tái thiết các khu vực bị tàn phá bởi thảm họa. Chính phủ Nhật Bản đã dỡ bỏ lệnh sơ tán và lệnh cấm đi lại tới nhiều khu vực cấm tiếp cận sau các sự cố hạt nhân Fukushima. Tuy nhiên, cho tới tháng 2/2022, vẫn còn 38.139 người chưa thể về nhà sau thảm họa.
Đối với Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1, Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) đã đạt được nhiều tiến bộ trong quá trình dỡ bỏ các lò phản ứng bị hư hại. Tuy nhiên, công ty này vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó thách thức lớn nhất tại thời điểm hiện tại là xử lý nước đã được sử dụng để làm mát các lò phản ứng bị hư hại.
TEPCO dự định sẽ xây dựng một tuyến đường hầm dài 1km để xả nước thải đã qua xử lý nhưng vẫn còn chứa phóng xạ này ra biển từ mùa Xuân năm 2023. Tuy nhiên, kế hoạch này đang vấp phải phản ứng của người dân địa phương và một số nước trong khu vực.
11 năm sau thảm họa động đất ở Đông Bắc Nhật Bản: Những bài học còn mãi Cách đây đúng 11 năm, ngày 11/3/2011, một trận động đất độ lớn 9 đã xảy ra ở Đông Bắc Nhật Bản. Sau động đất, các đợt sóng thần khổng lồ đã nhấn chìm nhiều thị trấn và làng mạc ở đây trong biển nước. Mặc dù 11 năm đã trôi qua kể từ sau thảm họa, nhưng ký ức về những ngày...