11 địa phương có dịch COVID-19: Tất cả người dân đều thuộc diện cách ly, không được phép di chuyển?
Tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các địa phương hiện nay diễn ra chiều ngày 5/2, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, 11 tỉnh, thành phố đang có dịch COVID-19 nhưng không có nghĩa tất cả người dân đều thuộc diện cách ly, không được phép di chuyển, đặc biệt không có chuyện “ngăn sông cấm chợ”.
Cuộc họp diễn ra tại Trụ sở Chính phủ. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp.
Bộ Y tế khẩn trương, tích cực chi viện nguồn lực chống dịch cho các địa phương
Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến 11 giờ, ngày 5/2, thế giới ghi nhận hơn 105,4 triệu ca mắc COVID-19, gần 2,3 triệu ca tử vong tại 221 quốc gia, vùng lãnh thổ. Mỹ là quốc gia chịu tác động mạnh nhất của dịch bệnh với khoảng 27,3 triệu ca mắc, gần 467 nghìn ca tử vong; tiếp đó là Ấn Độ với hơn 10,8 triệu ca mắc, khoảng 155 nghìn ca tử vong; Brazil với gần 9,4 triệu ca mắc, gần 229 nghìn ca tử vong.
Từ ngày 25/1 đến nay, Việt Nam ghi nhận 389 ca mắc COVID-19 ở 11 tỉnh, thành phố, gồm Hải Dương (287 ca), Quảng Ninh (46 ca), Hà Nội (23 ca), Gia Lai (18 ca), Điện Biên (2 ca), Bình Dương (5 ca), Bắc Ninh (3 ca), Hòa Bình (2 ca), Hải Phòng (1 ca), Thành phố Hồ Chí Minh (1 ca), Bắc Giang (1 ca).
Từ 6 giờ đến 11 giờ sáng 5/2, Việt Nam ghi nhận tổng số 14 ca mắc mới tại 4 tỉnh, thành phố, gồm Hải Dương (9 ca), Điện Biên (2 ca), Quảng Ninh (2 ca), Hà Nội (1 ca). Các ca đều được cách ly tập trung, ít có khả năng lây ra cộng đồng.
Điện Biên ghi nhận 2 ca trở về từ Cẩm Giàng (Hải Dương) dương tính với virus SARS-CoV-2; 4 trường hợp nghi ngờ đang xét nghiệm lại, trong đó, 2 trường hợp về từ huyện Cẩm Giàng và huyện Thanh Hà (Hải Dương), 2 trường hợp là sinh viên trở về từ phường Dịch Vọng, Cầu Giấy (Hà Nội). Điện Biên nhanh chóng truy vết và cách ly 414 ca F1.
Cùng với việc lấy 147.748 mẫu xét nghiệm tại 11 tỉnh, thành phố có dịch COVID-19, Bộ Y tế đã khẩn trương, tích cực chỉ đạo, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, chi viện nguồn lực chống dịch cho các địa phương; cùng các lực lượng liên quan, địa phương truy vết thần tốc với mạng lưới từ TW tới địa phương để xác định nhanh các trường hợp có liên quan đến các ca bệnh, nhằm xác định khoanh vùng kịp thời.
Bộ Y tế liên tục thông báo cho người dân những địa điểm nguy cơ để người dân biết, khai báo cơ quan y tế để được sàng lọc, xét nghiệm kịp thời.
Người được phép di chuyển trong kỳ nghỉ Tết tuân thủ nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch
Liên quan đến băn khoăn của người dân trong việc “cách ly y tế khi về quê đón Tết”- Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, tất cả những đối tượng trở về từ khu vực có ổ dịch (ca F1) phải đưa đi cách ly tập trung, đối tượng F2 phải cách ly theo dõi tại nhà.
Những đối tượng còn lại được sàng lọc, giám sát y tế, được ra khỏi khu phong tỏa, khoanh vùng nếu có sự cho phép của chính quyền địa phương. Nếu được về nơi cư trú, những đối tượng này bắt buộc phải khai báo và tự theo dõi, tự cách ly tại nhà, có sự giám sát chặt chẽ như các ca F2 tại nơi phong tỏa.
Đặc biệt, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, 11 tỉnh, thành phố đang có dịch COVID-19 nhưng không có nghĩa tất cả người dân đều thuộc diện cách ly, không được phép di chuyển, đặc biệt không có chuyện “ngăn sông cấm chợ”. Bộ Y tế giao Cục Y tế dự phòng khẩn trương tham mưu, ban hành văn bản hướng dẫn liên quan đến vấn đề cách ly phù hợp.
Video đang HOT
11 tỉnh, thành phố đang có dịch COVID-19 nhưng không có nghĩa tất cả người dân đều thuộc diện cách ly, không được phép di chuyển, đặc biệt không có chuyện “ngăn sông cấm chợ” Ảnh minh hoạ
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên lưu ý, những người được phép di chuyển trong kỳ nghỉ Tết tuân thủ nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt thực hiện nghiêm thông điệp 5K (Khẩu trang- Khử khuẩn-Khoảng cách-Không tụ tập-Khai báo y tế).
Tại cuộc họp, các thành viên Thường trực Ban Chỉ đạo nhấn mạnh vai trò của chính quyền địa phương trong việc khai báo y tế; vận động người dân tự giác thông báo kịp thời cho chính quyền và y tế địa phương về những người từng đi qua các vùng có dịch bệnh.
Cùng với đó, Bộ Y tế theo dõi sát công tác phòng, chống dịch tại các địa phương, thực hiện phong tỏa trên tinh thần “hẹp nhất, gọn nhất có thể”.
Các địa phương tăng cường chỉ đạo, xử phạt nghiêm tất cả các phương tiện xe khách vi phạm
Bên cạnh đó, các thành viên Thường trực Ban Chỉ đạo nhận định tình trạng đáng lo ngại, nguy cơ từ chuyến xe khách, chuyến xe đường dài di chuyển từ vùng dịch về các địa phương, điển hình, Điện Biên đã phát hiện các ca dương tính với virus SARS-CoV-2.
Các thành viên Ban Chỉ đạo yêu cầu các địa phương tăng cường chỉ đạo, xử phạt nghiêm tất cả các phương tiện xe khách vi phạm, khuyến cáo, đề nghị tất cả người dân trên các chuyến xe khách đeo khẩu trang suốt hành trình di chuyển, để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng.
Các thành viên Ban Chỉ đạo nhận định tình hình dịch bệnh trong nước cơ bản được kiểm soát tốt, tuy nhiên, các địa phương cần tập trung theo dõi việc điều tra dịch tễ của người dân, đặc biệt trên chuyến xe từ các vùng dịch trở về.
Chuyến xe từ Hải Dương lên Điện Biên, chính quyền địa phương lưu ý đến những người xuống xe ngang đường (nếu có); qua đó, khống chế rủi ro, hạn chế lây lan dịch bệnh.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện chỉ có 14 tỉnh cập nhật tương đối đầy đủ thông tin các cơ sở y tế, trường học, cơ sở lưu trú, phương tiện giao thông, bến bãi, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại… thực hiện hướng dẫn chung sống an toàn trước đại dịch COVID-19; 38 tỉnh cập nhật nhưng còn thiếu thông tin, 24 tỉnh thiếu dữ liệu về nhà hàng, 11 tỉnh chưa cập nhật thông tin. Do đó, các bộ đề nghị các địa phương yêu cầu các cơ sở tiếp tục cập nhật thông tin an toàn trước dịch bệnh để đảm bảo công tác truy vết, khoanh vùng khi phát hiện ca nhiễm trong cộng đồng, giảm thiểu thiệt hại trong sản xuất kinh doanh.
Chùm ảnh: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thị sát chợ hoa Tết, trung tâm thương mại
Ngay sau cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh về công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đi thị sát chợ hoa Tết Quảng Bá, Trung tâm thương mại SYRENA (54 đường Xuân Diệu), quận Tây Hồ, Hà Nội.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đi thị sát chợ hoa Tết Quảng Bá ngay sau cuộc họp về chống dịch với tỉnh Quảng Ninh, chiều 4/2.
Trò chuyện với Phó Thủ tướng, bà con tiểu thương cho biết do dịch bệnh nên năm nay chợ hoa Tết Quảng Bá vắng vẻ rất nhiều so với mọi năm.
Đã là ngày 23 Tết nhưng Chợ hoa tết Quảng Bá chỉ lác đác người dân đến chọn, mua hoa.
Ảnh VGP
Phó Thủ tướng hỏi thăm cụ thể việc tuân thủ các quy định phòng chống dịch của tiều thương và người đến mua, đặc biệt là việc đeo khẩu trang.
Nhiều tiểu thương cho biết Ban Quản lý chợ thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang, sát khuẩn không chỉ người bán mà cả người mua.
Phó Thủ tướng trò chuyện với người dân đến mua hoa.
Bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên các tiểu thương đều nhận thức rõ việc tuân thủ biện pháp phòng chống dịch còn giúp bà con duy trì buôn bán, hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa cho hàng nghìn nông dân các vùng hoa ở Từ Liêm, Mê Linh hay từ Đà Lạt.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Phải quyết tâm không có dịch bùng phát ở Hà Nội hay TPHCM, vì nếu có dịch không chỉ bà con tiểu thương sẽ thất thu, sẽ ế hàng, mà đằng sau đó là hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu hộ nông dân trồng hoa, sản xuất nông sản, thực phẩm, đồ dùng phục vụ dịp Tết sẽ rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Chúng ta phải giữ an toàn bằng được để bà con đón Tết yên vui, không chỉ về mặt tinh thần, theo truyền thống mà còn có thêm thu nhập cho bà con có hoàn cảnh khó khăn.
Sau khi thị sát Chợ hoa tết Quảng Bá, Phó Thủ tướng đã đến thăm Trung tâm thương mại SYRENA, số 51 đường Xuân Diệu, Tây Hồ, Hà Nội.
Phó Thủ tướng trò chuyện với lực lượng bảo vệ bên ngoài Trung tâm thương mại và đề nghị phải thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch từ đo nhiệt độ, khẩu trang, sát khuẩn... cho khách hàng trước khi vào mua sắm.
Các nhân viên bán hàng tại đây cho biết lượng khách hàng đi mua sắm vẫn như bình thường.
Người dân mua sắm tại siêu thị của Trung tâm thương mại SYRENA.
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết Hà Nội phòng chống dịch không chỉ riêng cho thành phố mà còn giúp cho các tỉnh, thành phố khác ổn định sản xuất kinh doanh, đưa sản phẩm, hàng hóa về tiêu thụ thuận lợi tại Hà Nội.
Tại Trung tâm thương mại SYRENA, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Đỗ Nhị Hà cho biết với sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, tình hình dịch bệnh trên địa bàn Hà Nội đang được kiểm soát tốt. Hà Nội sẽ cố gắng để tất cả bệnh nhân, cũng như F1 và F2 đều được quản lý chặt chẽ, chi tiết, khoanh vùng dập dịch kịp thời đảm bảo cho người dân có một cái Tết an toàn.
Phó Thủ tướng nhắc lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội phải hướng dẫn, yêu cầu tất cả các chợ, siêu thị, nhà máy phải thực hiện đầy đủ biện pháp phòng chống dịch, tự đánh giá định kỳ, cập nhật lên bản đồ chống dịch (antoancovid.vn) và có kiểm tra đột xuất, nơi nào không đạt phải cho dừng hoạt động.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn mọi người dân ở Hà Nội và trên toàn quốc đều chấp hành nghiêm túc, đầy đủ các quy định phòng chống dịch. Nếu các chợ, trung tâm thương mại, nhà máy, siêu thị đều chấp hành nghiêm thì chúng ta không sợ COVID-19.
Gia Lai đề nghị xét nghiệm toàn bộ nhân viên Cảng hàng không Pleiku Tỉnh Gia Lai đề nghị xét nghiệm SARS-CoV-2 cho toàn bộ nhân viên Cảng hàng không Pleiku trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Chiều 4/2, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, chủ trì cuộc họp trực tuyến với tỉnh Gia Lai. Gia Lai là địa phương xuất hiện dịch sau nhưng...