1001 trục trặc trong “chuyện ấy”
Nói đến vấn đề văn hóa tình dục, tiến sĩ Khuất Thu Hồng, cho rằng, việc thiếu kiến thức về tình dục đã ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe cũng như hạnh phúc vợ chồng.
Nhưng để học, để có kiến thức về tình dục là không đơn giản, bởi quan niệm của ta xưa nay vẫn coi tình dục là điều “cấm kỵ”.
Khó nói quá!
Cô Thanh V. ở Q.3, TPHCM tâm sự: “Em 24 tuổi lấy chồng được một năm. Bạn bè ganh tỵ với em vì “lấy chồng giàu, không phải đi làm, ở biệt thự, đi xe hơi, mặc hàng hiệu”. Nếu chỉ nhìn bề ngoài thì em sướng thật, nhưng có “ở trong chăn mới biết chăn có rận. Chồng em coi em như một con búp bê. Về chi tiêu, mua sắm thì anh ấy chiều em, muốn gì được nấy, nhưng trong chuyện chăn gối thì anh là chúa còn em là tôi.
Ở nhà, không làm gì, em buồn nên ngỏ ý muốn có con để vui cửa vui nhà, thì anh gạt phắt, bảo “em còn trẻ chưa vội, để hưởng thụ đã”. Anh thường hỏi em: “có ưng cái nhẫn anh mới mua ở Hồng Kông về tặng em không? Cuối tuần này vợ chồng sẽ đi chơi đâu?”… Còn em buồn hay vui, yếu hay khoẻ, có mong ước gì, không hài lòng điều gì? thì anh không quan tâm.
Video đang HOT
Trong “chuyện chăn gối”, khi nào anh có “nhu cầu” là lôi em “vào cuộc”, bất kể tư thế nào. Em rất sợ chuyện anh bày ra hết tư thế này đến tư thế khác. Tuy phải phục tùng nhưng trong lòng không thoải mái. Có lúc em còn có cảm giác bị khuất phục. Nếu nói là chồng không yêu thì không đúng, nhưng yêu kiểu này thì em sẽ sống tiếp sao đây? “.
Anh K. ở Vũng Tàu lại có nỗi khổ khác. Anh kể: “Khi là sinh viên, tình yêu của chúng tôi cũng lãng mạn lắm. Nàng là một cô gái đẹp. Vẻ đẹp của nàng có nét hoang dã của đóa hoa đồng nội. Tôi yêu nàng vì tính cách “bụi bụi”, phóng khoáng, tự tin, không nhõng nhẽo, ủy mị. Nhưng, khi đã là vợ chồng, có con rồi, là chủ của một mái ấm, là “nội tướng” của một gia đình, nhiều lúc tôi lại thấy mình sai lầm khi chọn vợ.
Nhà cửa lúc nào cũng bừa bộn. Cần cái gì cũng phải tìm đỏ mắt. Phòng ngủ của vợ chồng thì cứ như một cái kho quần áo, tã lót, cái cũ, cái mới để lung tung; giường khai mùi nước đái con trẻ, cộng với các khăn sữa để lâu lên men mùi chua lòm. Đã nhiều lần tôi vừa nhắc nhở vừa tự tay thu dọn, nhưng chỉ được bữa trước, bữa sau thì đâu lại vào đó.
Cái sự không ngăn nắp, sạch sẽ, thơm tho của căn phòng ngủ lẫn thân thể cô ấy làm cho tôi hết cảm hứng khi gần gũi vợ. Nhắc nhở và phụ giúp dọn dẹp phòng ốc thì còn dễ, chứ nhắc nhở về vệ sinh thân thể như đánh răng và tắm rửa trước khi đi ngủ chẳng hạn thì khó quá! Đã có lần tôi nhắc nhẹ nhàng mà cô ấy cũng phản ứng: “Anh yêu sách quá đáng đấy. Sống phải thoải mái chứ! Chấp nhận hay không thì tùy, từ nhỏ tới giờ tôi sống thoải mái quen rồi”.
Chị B. ở Bình Chánh than thở: “Chồng em yêu vợ, thương con, nhưng trong chuyện chăn gối ảnh chê em là “khô như ngói”. Anh ấy còn bảo hay là em mắc bệnh lãnh cảm? Em không biết hỏi ai. Nhưng chỉ nghĩ đến sự “nhiệt tình” của chồng trong chuyện ấy là em thấy sợ. Gần đây không biết ảnh nghe ai, mua phim sex về cho em cùng xem, bảo để “hâm nóng sự ham muốn”, nhưng những hình ảnh “trần trụi” trong phim làm em dị ứng đến “lợm giọng” và chợt có ý nghĩ khác về chồng. Bây giờ em phải làm sao?”.
Tìm hiểu kỹ mới vỡ lẽ ra rằng: tuy hai người đã có trình độ văn hóa hết lớp 12, cũng đi đến hôn nhân từ tình yêu nhưng hiểu biết về giới tính, về sức khỏe tình dục thì hầu như là con số không. Anh chị chưa hề được biết giữa nam và nữ có sự khác biệt về hưởng ứng tình dục. Muốn tạo được sự thăng hoa trong “chuyện ấy” không thể “đốt giai đoạn” mà phải có một quá trình. Quá trình ấy như thế nào thì phải có kiến thức. Cũng vì dốt mà anh mới “suy bụng ta ra bụng người”…
Chị còn nói: Không biết bao lần cứ “xong cuộc” là anh lăn ra ngủ ngáy vô tư, để mình chị trằn trọc với tâm trạng bị bỏ rơi, buồn tủi, bẽ bàng… Tình trạng ấy lặp đi lặp lại nhiều lần, như một phản xạ có điều kiện, chị dần không còn hứng thú “chuyện ấy” nữa. Chị Q. ở Bình Dương, 35 tuổi, phàn nàn: Lấy chồng 10 năm, đã có hai con, nhưng chị rất ít được hưởng “cảm giác thăng hoa” trong đời sống chăn gối, bởi chồng chị “chưa ra đến chợ đã tiêu hết tiền”, dù đẹp trai, cao to. Chồng buồn bực vì cái “tật” của mình cộng với sự không vui của vợ, làm anh càng thêm mặc cảm.
Vì sĩ diện, vì giấu dốt, hai vợ chồng cứ “chịu trận” cả gần 10 năm nay. Sau khi nghe chuyên viên tư vấn cung cấp thông tin và phân tích ý nghĩa tích cực trong sự hỗ trợ về tâm lý của vợ, đồng thời khuyên chị thuyết phục chồng đi khám nam khoa để được hướng dẫn điều trị, mấy tháng sau chị gọi điện đến báo tin vui: “Mọi chuyện của chúng em tốt rồi!”.
Anh S. ở Q.Gò Vấp than thở: “Vợ chồng tôi đều 48 tuổi. Chúng tôi đã có những năm tháng hạnh phúc. Giờ đây hai con trưởng thành, nhưng kẹt cho tôi là hơn một năm nay vợ tôi đòi ngủ riêng – gần như “cấm vận”. Hỏi lý do thì bà ấy nói là đã mãn kinh không ham muốn gì nữa. Đàn ông chúng tôi ở tuổi 48 còn “nhu cầu” lắm chứ! Trong chuyện này tôi không muốn ép vợ phải chiều. Tôi là nhà giáo, không thể đi bia ôm, bồ bịch được. Tôi phải làm sao? Trong trường hợp này nếu vợ chồng có kiến thức khoa học chắc có thể tìm một trong nhiều cách khắc phục, ví dụ như người vợ sẽ sử dụng liệu pháp hormone thay thế (dưới sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa) để tìm lại sự “hồi xuân” mà bỏ “cấm vận” với ông chồng.
Thế đấy! Có đến 1001 sự trục trặc thường gặp trong “chuyện ấy” làm cho hạnh phúc lứa đôi giảm sút, thậm chí còn có thể dẫn tới tan vỡ. Tạo được sự hòa hợp trong đời sống chăn gối vợ chồng là đã tạo được 50% hạnh phúc gia đình.
Xã hội càng phát triển, đời sống tâm lý con người càng phức tạp, chất lượng cuộc sống càng biểu hiện phong phú đa chiều. Sống trong điều kiện khoa học công nghệ phát triển, tiện nghi vật chất ngày một hiện đại, con người muốn hưởng thụ tiện ích vật chất phải học: từ cách sử dụng lò vi sóng, máy giặt tự động, điện thoại di động đa chức năng, laptop v.v… Thế mà lĩnh vực quan trọng như chuyện “chăn gối” – chiếm đến 50% hạnh phúc gia đình, thì chúng ta chẳng hề được học (nhà trường không dạy – không có sách giáo khoa để tự học – bố mẹ cũng không dạy). Có chăng chỉ là những “quân sư quạt mo”, cung cấp thông tin một cách méo mó, hoặc tìm trên mạng – nhưng rất tiếc, sự tìm kiếm đó đòi hỏi phải có sự chọn lọc, kẻo lẫn lộn giữa cái thật cái giả, cái ảo cái thực, mà “tác dụng phụ” không phải không có.
Hơn mười năm làm tư vấn về tình yêu – hôn nhân – gia đình, tôi thấy nguyên nhân dẫn đến sự trục trặc “cơm không lành, canh không ngọt” của các đôi vợ chồng trong lĩnh vực tế nhị này là do nhận thức chưa đúng về tầm quan trọng của hoạt động tình dục trong đời sống hôn nhân. Trong nhận thức còn có yếu tố bất bình đẳng giữa quyền lợi và nghĩa vụ trong “chuyện ấy”.Thiếu kiến thức khoa học về giới tính và tâm lý giới tính, về sức khỏe tình dục… nên không biết điều chỉnh trong quá trình chung sống.
Nói tóm lại, đã đến lúc chúng ta cần phải học để xử sự có văn hóa với một lĩnh vực vốn hàm chứa nhiều yếu tố văn hóa là vấn đề đời sống tình dục trong hôn nhân, để chất lượng cuộc sống của chúng ta không bị sự dốt nát làm hạn chế.
Theo Nguyễn Thị Thương
Phụ nữ