10.000 bước mỗi ngày có thể giảm một nửa nguy cơ sa sút trí tuệ
Một nghiên cứu mới đã chỉ ra rằng đi bộ khoảng 4.000 bước mỗi ngày có thể giảm 25% nguy cơ sa sút trí tuệ.
Tăng số bước hằng ngày lên 10.000 có thể giảm một nửa nguy cơ phát triển chứng sa sút trí tuệ của một người.
Sa sút trí tuệ ảnh hưởng đến hơn 55 triệu người trên toàn thế giới và là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 7 trên toàn cầu. Với tỷ lệ người lớn tuổi trong dân số ngày càng tăng, số ca mắc bệnh sa sút trí tuệ cũng đang có xu hướng gia tăng. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy tập thể dục thường xuyên không chỉ có lợi cho sức khỏe nói chung mà còn là một trong những cách hiệu quả nhất để giảm nguy cơ phát triển chứng sa sút trí tuệ.
1. Sa sút trí tuệ là gì?
Sa sút trí tuệ là tình trạng suy giảm của nhận thức mạn tính, toàn bộ, và không thể đảo ngược. Các chẩn đoán cần dựa vào lâm sàng, xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh… Việc điều trị chỉ mang tính hỗ trợ
Khi dân số toàn cầu già đi, các trường hợp sa sút trí tuệ cũng đang gia tăng trên toàn thế giới. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, trên toàn thế giới có khoảng 55 triệu người hiện đang mắc chứng sa sút trí tuệ và con số này dự kiến sẽ tăng lên 139 triệu người vào năm 2050. Bệnh Alzheimer là dạng mất trí nhớ phổ biến nhất.
2. Các yếu tố nguy cơ gây sa sút trí tuệ
Theo Hiệp hội Alzheimer, các yếu tố nguy cơ lớn nhất của chứng sa sút trí tuệ là lão hóa và di truyền.
Chứng sa sút trí tuệ phổ biến nhất ở những người trên 75 tuổi và có người thân mắc chứng sa sút trí tuệ có thể tăng nguy cơ phát triển các rối loạn này.
Các yếu tố nguy cơ khác mà chúng ta không thể kiểm soát bao gồm giới tính – nữ có nguy cơ cao hơn nam – và dân tộc.
Video đang HOT
Tăng số bước chân hằng ngày làm giảm nguy cơ phát triển sa sút trí tuệ.
Tuy nhiên, thay đổi lối sống, chẳng hạn như tăng cường tập thể dục, kiểm soát huyết áp và giữ cho não được kích thích, có thể làm giảm nguy cơ sa sút trí tuệ của một người, ngay cả đối với những người có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ.
Theo TS. Anton Porsteinsson, giám đốc Chương trình Giáo dục, Nghiên cứu và Chăm sóc Bệnh Alzheimer (AD-CARE) tại Trung tâm Y tế Đại học Rochester, một phương pháp tiếp cận lành mạnh rộng rãi bao gồm cả lối sống, chế độ ăn uống, tập thể dục, kích thích nhận thức, xã hội hóa và giấc ngủ… đều tạo ra sự khác biệt.
Tập thể dục không có nghĩa là phải đổ mồ hôi tại phòng tập hoặc tham gia một môn thể thao mới mà đơn giản chỉ là tăng số bước chân hằng ngày.
3.Đi bộ ngăn ngừa sa sút trí tuệ
Một nghiên cứu gần đây được công bố trên tạp chí Thần kinh học JAMA cho thấy, chỉ cần tăng số bước một người đi mỗi ngày có thể làm giảm nguy cơ sa sút trí tuệ tới 50%.
Nghiên cứu sử dụng dữ liệu từ Ngân hàng Biobank của Vương Quốc Anh, với 78.430 người tham gia, trong đó 44,7% là nam và 55,3% là nữ, có độ tuổi trung bình là 61,1 tuổi. Tất cả đều không mắc bệnh tim mạch và sa sút trí tuệ khi họ tham gia vào nghiên cứu. Thời gian các nhà khoa học theo dõi trung bình là 6,9 năm (6,4-7,5 năm).
Trong nghiên cứu, những người tham gia phải đeo một gia tốc kế trên cổ tay 24 giờ một ngày, 7 ngày một tuần, để đo hoạt động thể chất. Sau đó, sử dụng thuật toán để tính ra số bước từ dữ liệu được thu thập bởi gia tốc kế.
Sau khi kiểm soát các biến số như tuổi, giới tính, chủng tộc, tình trạng kinh tế xã hội, hút thuốc, sức khỏe tổng thể và chế độ ăn uống khi phân tích dữ liệu… các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, cả số bước và cường độ bước đều có liên quan đến việc giảm nguy cơ sa sút trí tuệ. Để đạt được lợi ích lớn nhất – giảm 50% nguy cơ sa sút trí tuệ – những người tham gia phải đi bộ khoảng 10.000 bước mỗi ngày. Tuy nhiên, khoảng 4000 bước mỗi ngày đã giảm được 25% nguy cơ sa sút trí tuệ.
Đi bộ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe
TS. Claire Sexton, Giám đốc Hiệp hội Bệnh Alzheimer, người không tham gia vào nghiên cứu cho biết: Đây là một nghiên cứu quan trọng có thể giúp cung cấp thông tin hướng dẫn sức khỏe cộng đồng về lượng hoạt động thể chất cần thiết để gặt hái những lợi ích sức khỏe. Những kết quả này không có gì đáng ngạc nhiên với dữ liệu mạnh mẽ mà chúng tôi có liên kết hoạt động thể chất và nhận thức tốt hơn. Một điểm mạnh của nghiên cứu này là sử dụng một thước đo khách quan, được hiểu rộng rãi về số bước thay vì dữ liệu tự báo cáo.
Theo TS. Porsteinsson, bất kỳ bài tập nào cũng giúp giảm thiểu rủi ro. Không bao giờ là quá muộn để bắt đầu và ngay cả một nỗ lực tương đối nhỏ cũng có lợi. Ở đây, chúng tôi thấy một hiệu ứng ‘liều’, đó là đi bộ có mục đích và cường độ cao hơn sẽ có lợi hơn so với đi bộ nhàn nhã. Đi bộ có mục đích là đi hơn 40 bước mỗi phút.
4. Luôn vận động để có sức khỏe tinh thần và thể chất tốt
Nghiên cứu này bổ sung vào việc xây dựng bằng chứng cho thấy việc duy trì hoạt động khi bạn già đi có thể duy trì sức khỏe thể chất, tinh thần và cải thiện tuổi thọ.
Một nghiên cứu qui mô lớn khác với gần 650.000 cựu quân nhân cho thấy rằng, thể chất khỏe mạnh làm giảm nguy cơ sa sút trí tuệ tới 33%. Trong nghiên cứu này, ngay cả một lượng nhỏ tập thể dục cũng giúp giảm nguy cơ sa sút trí tuệ.
Một phân tích từ 11 nghiên cứu của Hiệp hội Alzheimer cũng cho thấy, ngoài việc tập thể dục thường xuyên, không hút thuốc, uống rượu điều độ, duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh và ăn uống lành mạnh, thì việc tập thể dục thường xuyên có tác động lớn nhất đến nguy cơ sa sút trí tuệ.
Đối với bệnh Alzheimer, tập thể dục thường xuyên sẽ giảm nguy cơ đến 45%. Hoạt động thể chất hỗ trợ sức khỏe tim mạch tốt – và những gì tốt cho tim sẽ tốt cho não, TS Claire Sexton cho biết.
Căn bệnh cứ 3 giây trên thế giới lại 1 người mắc, đi chơi không nhớ đường về
Khoảng 1 tuần trước khi nhập viện, bà T. có 2, 3 lần đi chơi nhưng không nhớ đường về trong cùng một ngày.
Mới đây, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM tiếp nhận bệnh nhân N.N.T. (65 tuổi, ngụ TP.HCM). Bà T. có tiền sử đái tháo đường và được chỉ định điều trị bằng thuốc hơn 4 năm nay. Ban đầu, biểu hiện của bà T. là lặp lại một câu hỏi nhiều lần.
Khoảng 1 tuần trước khi nhập viện, bà T. có 2, 3 lần đi chơi nhưng không nhớ đường về trong cùng một ngày. Sau khi thực hiện các xét nghiệm đánh giá và kiểm tra về thần kinh và tâm lý, bà T. được bác sĩ chẩn đoán sa sút trí tuệ giai đoạn trung gian. Bà T. được chỉ định nhập viện để theo dõi diễn tiến bệnh, đồng thời hướng dẫn chăm sóc và tập luyện cải thiện chức năng.
Theo TS.BS. Nguyễn Bá Thắng - Trưởng Trung tâm khoa học Thần kinh, Trưởng Đơn vị Đột quỵ Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, sa sút trí tuệ là hội chứng lâm sàng do nhiều nguyên nhân gây nên. Trong đó, bệnh lý thoái hóa thần kinh Alzheimer là nguyên nhân phổ biến nhất. Tiếp đến là các bệnh lý liên quan đến mạch máu, cụ thể là đột quỵ. Ngoài ra, một số nhóm bệnh như nhiễm trùng thần kinh, thiếu vi chất dinh dưỡng cũng mang đến những biểu hiện tương tự bệnh lý sa sút trí tuệ.
"Sa sút trí tuệ sau đột quỵ là một trong những tình trạng đáng lo ngại. Tuy nhiên, không phải tất cả người bệnh đột quỵ đều mắc phải tình trạng này. Nguy cơ sa sút trí tuệ sẽ tăng cao trong trường hợp người bệnh bị nhồi máu não đa ổ hoặc tổn thương vùng đồi thị sau cơn đột quỵ", TS.BS. Nguyễn Bá Thắng chia sẻ.
Khoảng 40% các yếu tố ảnh hưởng đến não bộ gây sa sút trí tuệ có thể điều chỉnh được. Nguy cơ khởi phát bệnh mở rộng theo từng giai đoạn độ tuổi. Ở độ tuổi thanh thiếu niên, học vấn thấp là tiền đề dẫn đến sa sút trí tuệ trong tương lai. Trong khi đó, người thuộc nhóm tuổi trung niên (40 - 60 tuổi) có nguy cơ sa sút tăng cao nếu rơi vào các trường hợp giảm thính lực, chấn thương đầu, tăng huyết áp, béo phì, uống nhiều rượu bia. Ở giai đoạn cao niên, các bệnh lý như đái tháo đường, đột quỵ, trầm cảm hoặc thói quen hút thuốc lá, lối sống thụ động, ít tiếp xúc xã hội sẽ làm tăng nguy cơ suy giảm nhận thức.
Theo BSCKII. Tống Mai Trang, Khoa Thần kinh Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM thì sa sút trí tuệ không phải là hiện tượng lão hóa tự nhiên, các biểu hiện của hội chứng này đều mang tính chất bệnh lý.
Để nhận biết sớm, người bệnh và người nhà người bệnh có thể dựa vào các dấu hiệu cảnh báo sau:
Giảm trí nhớ;Khó khăn khi thực hiện các công việc quen thuộc;Khó khăn trong việc sử dụng ngôn ngữ để biểu đạt ý;Mất định hướng về thời gian và nơi chốn;Giảm khả năng đánh giá tình huống;Thay đổi về thái độ và hành vi;Khó khăn trong việc hiểu thông tin về thị giác và không gian;Thu rút khỏi công việc và các hoạt động xã hội.
Việc phát hiện và điều trị sớm sa sút trí tuệ mang ý nghĩa rất quan trọng, có ảnh hưởng đến cả người bệnh và người chăm sóc. Phát hiện sớm hỗ trợ người bệnh kiểm soát tình trạng và duy trì chất lượng cuộc sống tốt hơn trong giai đoạn đầu. Đồng thời có thời gian để lập kế hoạch, đưa ra lựa chọn phương pháp điều trị và chăm sóc phù hợp. Bên cạnh đó, người thân và người chăm sóc sẽ có thời gian thích nghi dần với những thay đổi của người bệnh về nhận thức và hành vi.
Sa sút trí tuệ là bệnh thường gặp ở người cao tuổi. Theo thống kê năm 2015 của Tổ chức Y tế thế giới, cứ 3 giây trên thế giới lại có 1 người mắc căn bệnh này. Khi bệnh tiến triển, người bệnh không thể tự chăm sóc bản thân, không thể sinh hoạt bình thường nếu không có người thân hỗ trợ. Người bệnh sa sút trí tuệ có thể không nhận biết được người thân, có các triệu chứng rối loạn hành vi tâm thần: cáu gắt, nghi ngờ, kích động dẫn đến không hợp tác trong quá trình điều trị.
Gặp ác mộng ở tuổi trung niên: Dấu hiệu sớm cảnh báo căn bệnh nguy hiểm Nếu ở tuổi trung niên mà gặp ác mộng hoặc có những giấc mơ xấu là dấu hiệu ban đầu của bệnh nguy hiểm. Một nghiên cứu mới cho thấy, người lớn ở độ tuổi từ 40-50 mà thường xuyên gặp ác mộng là vấn đề đáng lo ngại thực sự. Những phát hiện mới cho thấy, đó chính là dấu hiệu ban...