10 trải nghiệm du lịch “ngoại hạng” trên thế giới
Trang du lịch Lonely Planet đề xuất 10 trải nghiệm hấp dẫn và khác biệt nhất thế giới mà mọi du khách đều muốn đạt được.
1. Tìm hiểu bí ẩn thành cổ Petra (Jordan)
Di tích mang tên “Kho báu” tại Petra
“Thành phố bị lãng quên” Petra là một Di sản thế giới nổi tiếng ở Jordan. Petra được xây dựng bởi người Nabatea cổ đại – một nền văn minh rực rỡ của những thương nhân và thợ thủ công. Đây từng là điểm dừng chân của tuyến đường thương mại giữa các ốc đảo Ả Rập. Đến nay, nguyên nhân sự sụp đổ của Petra vẫn là một điều bí ẩn.
Những gì còn sót lại là các tàn tích trên khu vực rộng 260km2, và nổi tiếng nhất là di tích Al Khazneh (“Kho báu”), tạc dựng ngay vào sườn núi. Vì các dãy núi bao bọc thành phố nên du khách phải đi qua một hẻm núi dốc đứng, vừa tối, vừa hẹp để vào bên trong.
2. Galápagos – hòn đảo của những loài vật kỳ lạ (Ecuador)
Loài cự đà Galápagos
Quần đảo Galápagos cách đất liền hơn 900km. Nơi đây nổi tiếng với một số lượng lớn các loài đặc hữu từng được Charles Darwin nghiên cứu, là cơ sở cho sự khởi đầu thuyết tiến hóa của Darwin. Ở đây, cự đà có thể bơi, rùa sống gần 200 năm, chim cốc không thể bay và còn nhiều sinh vật đặc hữu quý hiếm khác.
Charles Darwin đã phát hiện ra rằng động vật hoang dã ở đây đã tiến hóa hoàn toàn độc lập với phần còn lại của Trái Đất, với nhiều loài độc nhất vô nhị không nơi nào có. Chính vì vậy, quần đảo này đã trở thành một mô hình nghiên cứu tiến hóa lý tưởng của các nhà khoa học và cũng là điểm du lịch sinh thái vô cùng hấp dẫn.
3. Tìm hiểu cuộc sống của người Anangu (Australia)
Núi đá Uluru
Vào lúc hoàng hôn, núi đá Uluru trông giống một con tàu bốc cháy trong sa mạc. Cao gần 350m, lại nằm đơn độc giữa hoang mạc nên Uluru có thể được nhìn thấy từ khoảng cách hàng ki lô mét. Người Anangu coi nơi này là một địa điểm linh thiêng – nơi trú ngụ của của các linh hồn tổ tiên xa xưa; đồng thời phản đối phát triển du lịch vì lo lắng núi đá sẽ bị phá hỏng.
Từ năm 2017, du khách đã được chính phủ cho phép trèo lên đỉnh núi. Tuy nhiên khách du lịch thường có những lựa chọn khác, đó là đi bộ khám phá thiên nhiên, các hồ nước thiêng, ngắm chuột túi và tìm hiểu về cuộc sống của người bản địa.
4. Sống chậm tại đồng bằng sông Okavango (Botswana)
Đồng bằng sông Okavango
Châu thổ Okavango là nơi trú ẩn của nhiều loài động vật hoang dã, khiến nó trở thành một điểm thu hút du lịch hàng đầu tại châu Phi. Ước tính có 200.000 động vật cư trú theo mùa, trong và xung quanh vùng châu thổ. Một số loài có nguy cơ tuyệt chủng tự nhiên như chó hoang châu Phi vẫn tồn tại ở đây.
Nước lũ từ sông Okavango tạo ra vùng nước mênh mông và hệ sinh thái vô cùng độc đáo. Chiếc thuyền độc mộc mokoro đưa du khách lặng lẽ qua nững con kênh, rặng cây để hòa mình vào thiên nhiên, lắng nghe âm thanh của các loài chim và động vật. Đội khi sự im lặng bị phá vỡ, khi những đàn voi hoặc đàn trâu ồ ạt bằng qua đầm lầy. Nhiều du khách còn cắm trại ngủ lại giữa khu vực hoang dã này.
5. Khám phá Vườn quốc gia Yellowstone (Mỹ)
Vườn quốc gia Yellowstone
Yellowstone là vườn quốc gia đầu tiên và xưa nhất thế giới, nổi tiếng với các loài động vật hoang dã và các điểm địa nhiệt, đặc biệt là mạch nước phun Old Faithful. Các mạch nước ở đây vẫn đang hoạt động mạnh và phun trào liên tục, tạo ra nhiều cảnh quan độc nhất vô nhị.
Video đang HOT
Yellowstone cho phép du khách đi bộ đường dài, cắm trại, chèo thuyền, câu cá và ngắm cảnh. Các cung đường bê tông được xây dựng đến các khu vực địa nhiệt chính để phục vụ tham quan, cùng với nhiều hồ và thác. Vào mùa đông, mọi người thường đến công viên cùng xe trượt tuyết. Tuy nhiên du khách cần lưu ý vì loài gấu xám ở đây rất hung dữ và có thể tấn công con người.
6. Thực hiện điều ước ở hồ Bled (Slovenia)
Nhà thờ trên hồ Bled
Khung cảnh ở hồ Bled đẹp ngoạn mục như tranh vẽ, được hình thành do tác động của kiến tạo địa chất và sông băng. Giữa hồ có một hòn đảo nhỏ, tại đây có một nhà thờ được xây dựng vào thế kỷ 17. Tại nhà thờ có chiếc chuông ước, được đặt tại đây vào thế kỷ 18, tương truyền rằng điều ước sẽ thành sự thật nếu bạn rung được nó lên.
Ngoài nhà thờ là nơi thường xuyên đông khách và rất nhiều cặp đôi chọn để tổ chức đám cưới, du khách còn có thể thuê một chiếc thuyền lênh đênh trên hồ, lặn xuống nước hoặc nghỉ dưỡng ở những khu resort tuyệt đẹp ven hồ. Những khu nghỉ dưỡng ở đây được đánh giá rất cao vì thiết kế sinh thái, thân thiện với môi trường.
7. Lắng nghe thác nước Iguazu (biên giới Argentina – Brazil)
Thác nước Iguazú
Là biên giới tự nhiên giữa Argentina và Brazil, thác Iguazu với 275 thác nhỏ tạo nên khung cảnh tuyệt đẹp và hùng vĩ. Không gian xung quanh thác rộng và thoáng giúp du khách có tầm nhìn toàn cảnh, thậm chí còn nghe được tiếng nước đổ từ khoảng cách gần 3km.
Tham quan thác nước từ phía Brazil, du khách có thể đi bộ theo con đường dọc hẻm núi hoặc quan sát trên trực thăng. Tuy nhiên, phía Argentina đã cấm các tour du lịch trực thăng, nên du khách sẽ đi bằng con đường mòn dài khoảng 1 km hoặc đi thuyền, xuồng cao su để chiêm ngưỡng thác nước từ chân thác. Dọc chuyến du lịch, mọi người có thể chiêm ngưỡng các loài động vật quý hiếm của vườn quốc gia như báo đốm, bướm, gấu trúc, khỉ Prego, rắn san hô, chim Toucan, vẹt, cá sấu Caiman…
8. Theo dấu các vị thần ở khu đền Angkor (Campuchia)
Khu đền đài Angkor
Quần thể đền đài tại Campuchia này là di tích tôn giáo lớn nhất thế giới, là biểu tượng của sự khéo léo và tài năng của con người. Angkor Wat là ngôi đền được bảo tồn tốt nhất trong khu vực, nơi đây thờ thần Vishnu. Kiến trúc của ngôi đền tượng trưng cho Núi Meru, quê hương của các vị thần trong truyền thuyết Ấn Độ giáo. Ngôi đền được ngưỡng mộ bởi vẻ hùng vĩ và hài hòa của kiến trúc, sự phong phú của nghệ thuật điêu khắc và số lượng lớn các vị thần được trang hoàng trên những bức tường đá.
Ngoài ra tại đây còn nổi tiếng với đền Bayon, chùa Ta Prohm, những mặt tượng Phật bằng đá và hơn 1.000 ngôi đền với kích cỡ, hình dáng khác nhau mang đậm phong cách kiến trúc Khmer. Những di tích này thường rất đông du khách, nên nhiều người chọn đi vào mùa thấp điểm (mùa mưa) để có những bức ảnh ưng ý. Angkor đẹp nhất vào lúc bình minh hoặc hoàng hôn, tham quan buổi sáng cũng giúp bạn tránh cái nóng và tận hưởng không khí trong lành.
9. Tham quan hồ muối Salar de Uyuni (Bolivia)
Mặt gương lớn nhất thế giới ở hồ muối Salar de Uyuni
Sau mỗi cơn mưa, lớp nước lưu lại trên hồ muối Salar de Uyuni tạo thành một tấm gương khổng lồ phản chiếu hình ảnh bầu trời và tạo nên khung cảnh kinh ngạc. Lớp vỏ muối dày đến vài mét và vô cùng bằng phẳng khiến cho hồ muối là mặt gương lớn nhất thế giới, với đường kính hơn 129km.
Vào mùa khô, du khách có thể ghé thăm các hòn đảo trên hồ muối – là phần còn lại của ngọn núi lửa cổ đại bị nhấn chìm. Ngoài ra gần đó còn có một nghĩa trang xe lửa cổ với nhiều đoàn tàu bị bỏ hoang.
10. Nhấm nháp một tách trà sau chuyến trekking Annapurna (Nepal)
Cung đường trekking quanh dãy núi Annapurna
Trekking (đi bộ dã ngoại, thám hiểm) quanh dãy núi Annapurna là một trong những cung đường hấp dẫn nhất thế giới – đầy thử thách và cảm hứng. Cung đường này vượt qua hai thung lũng ven sông khác nhau, bao quanh dãy núi Annapurna lên đến độ cao hơn 5.000m tại đỉnh đèo Thorung La tuyết trắng, chạm tới rìa cao nguyên Tây Tạng.
Cung đường đi qua nhiều ngôi làng được bảo tồn nguyên vẹn, từ nơi ở của người Hindu vùng đồi thấp đến làng Manang của người gốc Tạng. Du khách được chiêm ngưỡng hồ băng Tilicho, những ngôi đền cổ kính và sự hùng vỹ của dãy núi Himalaya. Không ai muốn vội vã trước khung cảnh tuyệt đẹp ấy. Cảm giác tuyệt vời nhất là sau cuộc hành trình, chậm chạp thưởng thức món trà và bánh địa phương./.
Làng cổ Cự Đà Nơi lưu giữ nét xưa
Nép mình bên dòng sông Nhuệ, ẩn sâu sau khu đô thị Thanh Hà, làng Cự Đà (xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội) vẫn giữ được cho riêng mình vẻ đẹp yên bình, cổ kính của ngôi làng ven sông quen thuộc vùng Bắc bộ trước thách thức của đô thị hóa.
Mỗi khi nhắc đến Hà Nội, du khách thường nghĩ ngay đến những góc phố quen thuộc của "băm sáu phố phường", hồ Hoàn Kiếm thơ mộng và những món ăn gắn liền với tuổi thơ nhều người dân Hà thành. Tuy nhiên, Hà Nội còn có những điều khiến ai đặt chân lên mảnh đất này đều có cảm giác như được đi ngược thời gian về quá khứ.
Làng cổ Cự Đà ở đâu?
Cách trung tâm Hà Nội khoảng 20 km về phía Tây, làng cổ Cự Đà thuộc xã Cự Khê, xã cực Bắc của huyện Thanh Oai, Hà Nội, là một trong những làng cổ truyền thống từ xa xưa. Nằm bên bờ sông Nhuệ yên bình, làng Cự Đà còn lưu giữ vẹn nguyên dấu ấn của làng quê Việt Nam với mái đình, cây đa, bến nước, đặc biệt là lối kiến trúc kiểu Pháp còn sắc nét. Và, không chỉ nổi tiếng với không gian văn hóa độc đáo, làng cổ Cự Đà còn được du khách biết đến bởi nghề truyền thống làm miến và làm tương.
Ngôi làng Cự Đà còn nguyên dấu hoài cổ
Làng cổ Cự Đà - nét rêu phong còn vương vấn mãi
Trải qua bao thăng trầm của thời gian, bao biến cố của lịch sử, làng cổ Cự Đà dường như vẫn giữ được nét vẹn nguyên thuở ban đầu. Với hàng chục ngôi nhà được thiết kế theo nét kiến trúc đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc Bộ xen kẽ trong đó là những ngôi nhà được xây dựng theo lối kiến trúc Pháp, Cự Đà khiến du khách ấn tượng ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Nét cổ kính trên từng mái hiên, bức tường gạch
Với những ai yêu thích tìm hiểu về lịch sử Việt Nam và lối kiến trúc cổ xưa thì Cự Đà là một lựa chọn không thể bỏ qua. Muốn vào tham quan ngôi làng, bạn phải đi qua cổng làng. Cổng được xây bằng gạch chắc chắn, uy nghiêm, là một chứng tích thu nhỏ của thời gian. Bước qua cổng làng, một hệ thống nhà với đường, ngõ ngách như xương cá.
Đường làng thông với các con ngõ, nối liền các ngôi nhà. Vậy nên nào nhà nấy trước mặt đều là ngõ nhỏ, đi qua ngõ là đường làng. Nếu bạn để ý một chút thì sẽ phát hiện ra một đều đặc biệt đây là ngôi làng cổ hiếm hoi ở Việt Nam được đánh số nhà, có biển ghi tên ngõ, xóm.
Mỗi ngôi nhà đều có số nhà, nét đặc trưng riêng hiếm có của những ngôi làng cổ Việt Nam
Những ngôi nhà được xây bằng gỗ ba gian, năm gian lợp ngói đỏ nay đã phai màu theo năm tháng, rêu đã bám đầy trên những bức tường tạo nên nét cổ kính, trầm mặc. Nhiều nhà hiên trước cuốn hình mui thuyền, cửa và các chi tiết được chạm khắc tinh vi. Theo năm tháng những bức tường nhiều mảng đã bị bong tróc vôi vữa, để lại lớp gạch đỏ màu sắc vẫn còn tươi nguyên. Đến đây, du khách tưởng như quay trở lại thời gian hàng trăm năm trước.
Mỗi một viên đá lát đều có thể "kể" một câu chuyện, mỗi chi tiết được chạm trổ cầu kì cũng có thể chứa đựng vài ba giai thoại đằng sau
Những mái nhà rêu phong cổ kính
Tản bộ dọc trên đường làng, du khách sẽ bắt gặp những ngôi nhà hai tầng mang phong cách Pháp thuộc. Nhìn từ bên ngoài nổi bật và đặc trưng là kiểu hiên vòm độc đáo, bên trên được trang trí bởi những họa tiết đắp nổi đặc sắc, hoa văn ngọt ngào cầu kì đến từng chi tiết.
Bất cứ ai khi đặt chân đến Cự Đà lòng không khỏi lâng lâng, làng quê Việt Nam hàng trăm năm trước như hiện diện lại trước mắt du khách với nếp sống giản dị, cuộc sống yên bình gắn với con sông, cây đa, bến nước. Vẻ đẹp trầm mặc của ngôi làng cùng khung cảnh sinh hoạt thường nhật của người dân nơi đây khiến lòng an nhiên đến lạ. Cái bình dị, ấm áp, gần gũi của Cự Đà như một phần thân thuộc đã gắn bó từ lâu trong tiềm thức mỗi chúng ta.
Cự Đà - làng nghề truyền thống nổi tiếng
Đến Cự Đà, du khách không chỉ được khám phá nét cổ kính của ngồi làng, mà còn được tận mắt chứng kiến quá trình làm miến, làm tương là những sản phẩm truyền thống của làng Cự Đà.
Nghề làm miến nức danh
Nhắc về làng Cự Đà là nghĩ ngay đến nghề làm miến dong truyền thống. Sợi miến Cự Đà có đặc điểm rất dễ nhận là thường có màu vàng óng, đều tăm tắp hoặc trắng mịn, khi nấu lên có vị thơm ngon, giòn và dai rất vừa miệng.
Miến Cự Đà được làm từ củ rong diềng, sau đó đem xay nhuyễn thành bột. Tiếp tục ngâm với nước để lọc lấy phần tinh bột rồi đánh đều tay. Một phần bột được ngâm với nước sôi gọi là bột chín. Bột chín mang hòa với bột đã lọc, với tỷ lệ 1/10 tạo nên hỗn hợp. Tiếp đó, bột được tráng thành bánh, hấp chín và đem phơi nắng. Sau khi khô, bánh được đưa qua máy cán thành từng sợi miến nhỏ, dài và tiếp tục đem phơi cho thật khô.
Nghề làm miến Cự Đà cũng giống như nhiều nghề truyền thống khác, đòi hỏi người làm phải thực sự cẩn trọng và tận tụy hết mình trong từng công đoạn. Ảnh: VNP
Vào những ngày nắng đẹp, dọc trên những con đường làng Cự Đà sóng sánh sắc vàng của miến. Nhìn từ xa, cả ngôi làng như được khoác lên một màu vàng óng ánh huyền ảo. Những sợi miến phơi trên hiên nhà rũ xuống, lấp lánh như những sợi tơ trong nắng thu.
Những sợi miến vàng óng phơi vàng cả góc sân
Miến Cự Đà làm bằng bột dong riềng, được tráng thành từng bánh hấp chín rồi đem phơi. Sau khi bánh đủ độ khô và dẻo, sẽ được mang đi thái sợi rồi lại được phơi khô, sau đó cuộn thành những cuộn nhỏ đóng gói mang đi tiêu thụ.
Miến Cự Đà ngon nức tiếng bởi độ ngon, dai và mùi thơm đặt trưng của bột dong riềng khó nơi nào có được. Nếu đến đây vào buổi sáng, du khách sẽ thấy khung cảnh nhộn nhịp của người dân nơi đây. Người bưng các phên bánh miến gác vào các băng gỗ bên đường, người mang miến ra phơi, người lại chở miến đi giao. Cuộc sống bình dị nhưng đong đầy niềm vui.
Trẻ em hồn nhiên chơi đùa bên các phên bánh
"Tương Cự Đà - cà làng Đám"
Có lẽ người dân Thủ đô cũng như cả nước đều biết đến độ nổi tiếng thơm ngon của tương Cự Đà qua câu ca dao "Tương Cự Đà - cà làng Đám". Nghề làm tương gia truyền ở Cự Đà đã có từ bao đời nay, một thứ tương có mùi hương đặc trưng và hấp dẫn. Tương Cự Đà được làm từ bốn nguyên liệu chính là đậu tương, gạo nếp, nước mưa và muối trắng.
Phải bàn tay người Cự Đà thì làm chum tương mới đúng vị và thơm ngon được. Tương làm từ khoảng từ tháng 4 đến tháng 8 là ngon nhất, vì thời điểm này thời tiết thuận lợi, nắng đẹp làm cho những mẻ tương thơm ngon và dậy mùi hơn.
Những chum tương được làm thủ công
Trước đây, nhà nào cũng có một chum tương trong nhà để phục vụ cho bữa ai ăn hằng ngày của gia đình. Nhưng từ khi thứ "tài sản" quý báu của người xưa để lại này nức tiếng xa gần thì mỗi gia đình không chỉ làm tương để ăn mà còn bán ra các tỉnh lân cận. Dưới ánh nắng của ngày thu tháng 8, bóng của những người làm tương đổ dài trên nền gạch, trong không gian yên tĩnh, mùi thơm quyến rũ nồng nàn tỏa khắp làng quê.
Những chum tương Cự Đà dưới nắng được chăm chút cẩn thận
Không gian Cự Đà như lắng động, nhẹ nhàng trôi khiến người ta không kịp nhận ra ngoài kia là cả một cuộc sống vội vã xô bồ. Bất cứ ai khi đến làng cổ Cự Đà đều không khỏi ấn tượng trước vẻ đẹp cổ kính còn nguyên dấu thời gian của ngôi làng. Đằng sau những sản vật của quê hương như bó miến, lọ tương là nét chân chất, giản dị của người dân thôn quê.
Thời gian vốn dĩ không chờ đợi ai, một khi đã đi qua rồi thì không thể quay trở lại, nhưng thời gian khắc lên bao dấu ấn khó phai trên những hình hài mà nó đi qua. Làng cổ Cự Đà đẹp, cổ kính, trầm mặc như chính dấu chân của thời gian. Nếu bạn muốn đến một nơi thời gian trôi qua chậm, sao không đến Cự Đà trong chuyến du lịch Hà Nội sắp tới.
Lặng ngắm bộ ảnh đẹp đẽ đến ma mị về quá trình chuyển giao của mùa đông khắp nơi trên thế giới Dù bị coi là khắc nghiệt, mùa đông trên thế giới quả thật đẹp đẽ đến ma mị. Ngọn hải đăng St Joseph, Michigan (Mỹ) như bước ra từ phim giả tưởng Tiên cảnh ở hồ Bled, Slovenia Làng chài Hamny, Na Uy Làng cổ Shirakawa-go, Nhật Bản Hồ Wanaka, New Zealand Đền Natadera, Nhật Bản Vườn quốc gia Yosemite, Mỹ Khu bảo...