10 thất bại thảm hại nhất của làng công nghệ (Phần cuối)
Tiếp theo phần một, chúng ta điểm mặt thêm 5 sản phẩm công nghệ được kỳ vọng rất nhiều nhưng lại trở thành một nỗi thất vọng lớn.
6. Apple Lisa
Sau thất bại với Apple III, nhiều người cho rằng Apple đã rút ra được một bài học kinh nghiệm, nhưng họ đã lầm. Chiếc Apple Lisa phiên bản đầu năm 1979, được coi là một chiếc máy tính dành cho doanh nhân với giá 2.000 USD, màn hình xanh lá, bộ xử lý 16-bit và ổ đĩa mềm dung lượng lớn. Tuy nhiên kế hoạch này đã bị ngáng đường bởi sự thay đổi trên cấp lãnh đạo. Ban đầu đây chỉ là một chiếc máy tính tầm thấp, nhưng nó đã bị ảnh hưởng bởi giao diện tương tác đồ họa của Xerox Alto. Trong quá trình sản xuất Steve Jobs đã bất ngờ hoãn lại và tạo ra một nhóm phát triển riêng cho dòng máy Mac.
Để rồi khi chính thức ra mắt vào năm 1983, Lisa mang rất ít đặc điểm của phiên bản đầu tiên: 2 ổ đĩa, CPU Motorola 68000, 1MB Ram và ổ gắn ngoài 5MB. Nó thậm chí còn có khả năng xử lý đa nhiệm, một bước nhảy vọt thời bấy giờ, tuy nhiên chính điều này làm cho Lisa trở nên hết sức chậm chạp. Một lý do thất bại nữa chính là cái giá của nó, Apple đã bỏ ra 50 triệu USD để nghiên cứu và phát triển thiết bị này, vì vậy họ buộc phải đẩy giá của Lisa lên đến 10.000 USD. Yếu tố cuối cùng chính là sự ra đời của Macintosh vào năm 1984, một thiết bị rẻ hơn nhưng cũng có giao diện tương tác đồ họa và chuột. Lisa sau này ra thêm 2 phiên bản nữa nhưng vẫn không thể vớt vát được bao nhiêu, để rồi Apple phải chấm dứt dòng máy này vào năm 1986.
7. NeXT
Steve Jobs rời Apple năm 1985 sau màn ra mắt Macintosh ấn tượng. Năm 1987, ông lập ra công ty máy tính NeXT, một công ty phát triển theo hướng máy tính giá rẻ dành cho nghiên cứu khoa học. Ông thiết kết máy NeXT dưa theo bộ xử lý của Motorola và chạy hệ điều hành Unix. Jobs tin rằng NeXT có thể đáp ứng hoàn hảo nhu cầu của các nhà khoa học bởi nó mạnh hơn cả Mac nhưng lại rẻ hơn nhiều.
NeXT đã gây được tiếng vang lớn với thiết kế khối hộp màu đen, bộ xử lý 33Mhz, mạnh hơn đa số máy tính thời bấy giờ. Nhưng giá của nó vẫn lên đến 6.000 USD và gần như không có một phần mềm hữu dụng nào. Steve Jobs bỏ tiền túi của mình để thành lập NeXT, và không lâu sau đó ông cũng “cháy túi”. Ross Perot, một triệu phú đã đầu tư vào công ty của Jobs với số tiền lên đến 10 triệu USD với lãi suất khoảng 16%. Steve Jobs tin rằng với số tiền này thì công ty chắc chắn sẽ thành công, năm sau ông cho xây dựng một dây chuyền có khả năng sản xuất 150.000 thiết bị mỗi năm.
Tuy nhiên công ty vẫn tiếp tục rơi vào tình trạng thiếu tiền, Jobs đánh mất dần các mối quan hệ làm ăn, trong đó có cả người bạn Bill Gates. Việc hãng phải mất 1 năm để cho ra phiên bản sửa lỗi là minh chứng rõ ràng cho vấn đề này. Doanh thu dưới mức kỳ vọng của Steve Jobs, trong năm 1993 hãng chỉ bán được khoảng 50.000 thiết bị.
Nhưng NeXT vẫn tiếp tục sống sót và được chính công ty cũ của Steve Jobs, Apple mua lại. Tim Berners-Lee đã dùng máy tính của NeXT để phát triển hypertext, ngôn ngữ tạo ra web. Ông đã viết rằng: “Giao diện của NeXT đẹp, hoạt động mượt mà và ổn định. Nó có khả năng tương thích cao và nhiều tính năng mà các PC khác không có như thư thoại.”
Rồi cuộc đời ngắn ngủi của NeXT cũng đến hồi kết. Apple lúc đó đang rất cần 1 hệ điều hành mới để thay thế MacOS đang có quá nhiều vấn đề, họ cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với hệ điều hành Unix của NeXT. Ngay trước giáng sinh năm 1996, Apple mua lại NeXT và cả Steve Jobs với giá 400 triệu USD. Bốn năm sau, Apple dưới sự chỉ huy của Steve Jobs cho ra mắt OS/X, hệ điều hành đã dẫn dắt dòng Mac đạt được nhiều thành công cho tới ngày nay.
8. Windows ME
Video đang HOT
Không hẳn là 1 thiết bị phần cứng, nhưng Windows Me từng được kỳ vọng rất nhiều khi là hệ điều hành đầu tiên hỗ trợ tính năng Universal Plug and Play. Nhưng Windows Millenium Edition (ME) thực tế lại tương thích rất kém so với người tiền nhiệm là Windows 98. Một hệ điều hành có quá nhiều khuyết điểm như vậy cần nhanh chóng được sửa chữa, tuy nhiên đây lại là một công việc rất khó khăn, Microsoft vài năm sau mới có thể cho ra XP để khắc phục lại những yếu điểm này. Windows ME có quá nhiều bất ổn khiến cho các driver rất khó dùng, chỉ trừ với một vài người dùng Windows kinh nghiệm. Một bài viết trên PCWorld đã châm biếm Windows ME là Windows Mistake Edition (phiên bản lỗi) và xếp hệ điều hành này đứng thứ 4 trong danh sách “Những sản phẩm công nghệ tồi nhất trong lịch sử.”
9. Apple Newton
Ra mắt năm 1990, Newton là nỗ lực của Apple để đánh bại Penpoint – một hệ điều hành được phát triển bởi GO Corporation. Apple quảng cáo rằng Newton có thể nhận dạng chữ viết tay, tuy nhiên có lẽ hãng đã thổi phồng quá đáng hệ điều hành của họ. Larry Tesler, một trong những người tham gia phát triển Newton đã phát biểu vào năm 2001 -”Nhóm marketing muốn gây sự chú ý của người dùng với những lời nói có cánh, mặc dù họ biết rằng sản phẩm này không thể đáp ứng được tính năng đó. Khi tôi nhìn vào kế hoạch quảng cáo của nó, tôi biết rằng Newton sẽ bị dập tơi bời.”
Newton phiên bản 2 ra mắt sau đó với vài cải tiến mới, nhưng cũng bị đánh bại bởi hệ điều hành Palm Pilot, vốn tập trung nhiều hơn cho người dùng mong muốn một thiết bị cầm tay giá rẻ. Palm đã đạt được nhiều thành công trong thị trường này, sau đó Microsoft cũng chen chân vào với Windows CE.
Newton vẫn tiếp tục được cải tiến nhưng mọi nỗ lực đã là quá muộn, sản phẩm này bị dừng phát triển vào năm 1993. Đây là điểm đánh dấu sự tham gia của Apple vào thị trường di động, cho đến khi iPhone đưa Apple quay trở lại và đạt được thành công rực rỡ.
10. Atari Jaguar
Nhằm cạnh tranh với các dòng máy console của Sega và Nintendo, Atari cho ra mắt Jaguar với kỳ vọng một lần nữa thống trị các dòng máy chơi game. Nhưng thiết bị ra đời năm 1993 này là cả một thảm họa. Việc viết phần mềm cho Jaguar là cực kỳ khó, dẫn đến việc có quá ít game dành cho hệ máy này, và các gamer cũng phàn nàn rằng bộ điều khiển 15 nút của máy quá khó dùng.
Atari tuyên bố rằng Jaguar là máy console 64-bit duy nhất, một tuyên bố bị rất nhiều người nghi ngờ bởi máy chỉ có cấu trúc 32-bit. Jaguar chính thức chết khi mà Sony cho ra dòng máy console huyền thoại có tên PlayStation vào năm 1994. Jaguar ngừng sản xuất vào năm 1995 và đặt dấu chấm hết cho thời kỳ hoạt động của Atari trên thị trường máy console.
Theo ICTnew
10 chiếc máy tính thảm bại trong lịch sử (Phần 1)
Không chỉ cấu hình, giá cả, mà chiến lược kinh doanh thiếu hợp lý sẽ biến 1 chiếc máy tính trở thành kẻ thất bại trên thị trường.
1. Xerox Alto
Alto ra đời năm 1973 trong một dự án của Xerox tại Trung tâm nghiên cứu Palo Alto. Gần 40 năm sau nó vẫn được công nhân là một trong những chiếc máy tính đột phá nhất về thiết kế và cấu hình. Alto có chuột, bàn phím, giao diện tương tác bằng đồ họa (GUI), kết nối Ethernet và ổ cứng tháo lắp dung lượng 2,5mb. Máy có phần mềm Bravo, một trình soạn thảo sử dụng WYSIWYG (giao diện tương tác tức thời); Draw, một chương trình vẽ đi trước Microsoft lẫn Adobe đến 2 thập kỷ; Maze War, một game bắn súng 3D, có khả năng kết nối nhiều máy tính với nhau, có mặt 20 năm trước khi ID Software công bố Wolfenstein, Doom và Quake.
Được thiết kế để tận dụng ưu điểm in cực nhanh của máy in laser Xerox, Alto chưa bao giờ được chính thức bán ra thị trường. Xerox đã nhìn thấy tương lai phát triển của máy tính, và giữ bí mật Alto cùng với những tài liệu của nó bởi lo ngại thị trường máy tính có thể gây ảnh hưởng tới công việc kinh doanh chính của hãng - sản xuất máy in. Những chiếc Alto được giữ lại trong Trung tâm nghiên cứu Palo Alto hoặc cung cấp cho một số trường Đại Học hay trung tâm nghiên cứu khác. Có tất cả 2000 chiếc Alto được sản xuất, và rất ít còn tồn tại cho đến ngày nay. Nhưng Alto cũng đã kịp thời để lại cho nhân loại một di sản: Steve Jobs đã đến tham quan Palo Alto vào năm 1979, tại đây ông phát hiện ra tiềm năng to lớn của giao diện tương tác đồ họa. Sau đó Apple Lisa được cải tiến lại dựa theo Alto và trở thành chiếc máy tính thay đổi thế giới. Tuy nhiên sau này chính Lisa cũng là một nỗi thất vọng to lớn.
Năm 1979, Xerox cho ra Alto phiên bản thương mại mang tên Star, nó có giá lên đến 16.000 USD, dễ hiểu tại sao chiếc máy tính này hoàn toàn thất bại.
2. Apple III
Apple III ra đời năm 1980 và trở thành một thảm họa của hãng máy tính Apple. Đây là một trong những chiếc máy tính tồi nhất từng xuất hiện trên thế giới. Nhắm vào doanh nhân, Apple III bị hét giá lên đến 8.000 USD (đi kèm bàn phím, màn hình và máy in). Đây là cái giá quá đắt ngay cả đối với những doanh nhân thuộc hàng top.
Nhưng vấn đề lớn nhất của Apple III chính là thiết kế. Tuy bên ngoài nó có hình dáng tương tự như những sản phẩm khác của Apple, nhưng thiết kế bên trong là cả một thảm họa. Nhằm ngăn chặn ảnh hưởng từ bên ngoài vào các linh kiện bên trong, Apple bao bọc lấy chúng bằng một hộp aluminium, bên ngoài là vỏ máy bằng nhựa. Thêm nữa Steve Jobs không trang bị cho Apple III một quạt tản nhiệt nào, đồng nghĩa với việc con chip trở nên quá nóng và bong khỏi bảng mạch. Apple thậm chí còn đưa ra giải pháp hết sức nực cười cho những ai gặp phải vấn đề này: "Nâng máy lên 10 cm rồi thả chúng xuống, bằng cách đó con chip sẽ tự động gắn lại vào bảng mạch."
Apple III được quảng cáo rằng sẽ hoàn toàn tương thích với Apple II, nhưng sự thực không phải như vậy. Randy Wigginton, một thành viên trong nhóm thiết kế đã than thở như sau -"Tất cả mọi người đều đưa ra ý tưởng về tính năng của Apple III, và tất cả các ý tưởng đó đều được chấp nhận." Đây có vẻ giống như câu chuyện đẽo cày giữa đường.
Apple đã cố gắng sửa chữa sai lầm về thiết kế của Apple III, tăng dung lượng RAM lên thành 256KB, nhưng tất cả đã quá muộn.
3. Osborne Executive
Osborne cho ra dòng Osborne 1, một chiếc máy tính nhỏ gọn vào năm 1981 và gặt hái được nhiều thành công trong những năm 70 nhờ học hỏi theo Alto của Xerox. Tuy nhiên chiếc máy tính này vẫn còn nhiều khuyết điểm như màn hình quá bé, ít bộ nhớ và phần mềm.
Executive ra đời năm 1982 và khỏa lấp những khuyết điểm này với màn hình và bộ nhớ lớn hơn, giá cũng được tăng lên gần 2.500 USD. Cũng giống như Osborne 1, Executive gắn kèm bàn phím, màn hình và 2 ổ đĩa mềm.
Ngày nay người dùng laptop hay netbook đều không thể chấp nhận được tính di dộng Osborne 1 và Executive. Cả 2 máy tính này đều có thể nhét vừa một chiếc valy, một đặc điểm rất đáng quý tại thời điểm đó.
Executive là một thất bại, nhưng thực ra chiếc máy tính này chẳng có vấn đề gì cả. Thất bại nằm ở chiến lược kinh doanh của Osborne, hãng này cho ra Executive 1 năm sau khi Osborne 1 ra mắt, và tại thời điểm đó hãng cũng đang làm việc với IBM để cho ra máy tính mang tên Vixen, 2 yếu tố này ảnh hưởng lớn đến doanh thu của Executive. Điều này có nghĩa là Osborne không kiếm đủ tiền để tiếp tục phát triển Vixen. Tháng 9 năm 1983, Osborne chính thức phá sản.
4. IBM PCjr
IBM đạt được những thành công vang dội nhờ vào chiếc PC xuất xưởng năm 1981. Nhưng sự xuất hiện của những bản sao rẻ hơn, cùng với hệ điều hành rẻ mang tên MSDOS của Microsoft đã đe dọa vị trí số một của IBM.
Vậy là hãng quyết định tiến thêm một bước nữa với chiếc máy tính IBM PCjr. Ra lò tháng 3 năm 1984, tất cả đều kỳ vọng jr sẽ tiếp tục thành công lớn. Tuy nhiên, mặc dù jr có cấu trúc giống PC nhưng lại không tương thích được với hầu hết phần mềm dành cho máy tính, ngoài ra cái giá 1.300 USD dành cho phiên bản có ổ đĩa mềm (không kèm màn hình) cũng là rất đắt.
Một thảm họa khác của jr chính là bàn phím của máy lại không sử dụng được mỗi khi người dùng sử dụng đến ổ đĩa mềm, điều này đồng nghĩa với việc không thể lưu dữ liệu trực tiếp vào đĩa mềm, ngoài ra còn kèm theo một đống cổng cắm không tương thích khác.
IBM PCjr được tiêu thụ rất ít, và hãng đã phải ngừng sản xuất vào tháng 3 năm 1985.
5. Sinclair QL
Công ty của Ngài Clive Sinclair thống trị thị trường máy tính gia đình tại Anh vào những năm 1980 với sản phẩm Sinclair ZX81 và Sinclair Strectrum - một máy tính có màn hình màu và rất nhiều game, nó trở thành một trong những máy chơi game thành công nhất tại Anh.
Nhưng Ngài Clive nôn nóng tấn công vào thị trường máy tính doanh nghiệp nhỏ, ông cho ra đời QL (Quantum Leap) vào tháng 1 năm 1984. Sức mạnh của QL là rất đáng nể tại thời điểm đó. QL sử dụng bộ xử lý của Motorola 68008 và là chiếc máy tính để bàn đầu tiên có CPU 32 bit, đánh bại Apple Macintosh. Tuy nhiên vì quá nôn nóng đọ sức với máy Mac của Apple mà Sir Clive đã không có sự chuẩn bị tốt nhất cho QL. Đã có rất nhiều đơn đặt hàng nhưng hãng đã không thể cung cấp kịp thời, vì Sinclair không có đủ cơ sở vật chất để đáp ứng nhu cầu quá nhiều của người dùng, để rồi hãng bắt đầu thua lỗ.
Công việc kinh doanh pin xe hơi của hãng cũng đi xuống với dòng pin C5 dành cho xe ba bánh. Đây là những thất bại khiến cho công ty được kỳ vọng có thể đưa nước Anh dẫn đầu trong việc sản xuất máy tính cá nhân dần suy yếu và phải bán cho Amstrad vào năm 1986.
Theo Bưu Điện VN
Những máy tính tồi nhất lịch sử IBM PC Junior được PcMag đánh giá là mẫu máy tính tồi nhất trong lịch sử do gặp quá nhiều lỗi từ phần cứng cho tới phần mềm. Trang PcMag đưa ra bình chọn những mẫu máy tính tồi nhất trong lịch sử trong đó có nhiều mẫu quen thuộc, như Nokia Booklet 3G, Apple Lisa... Dưới đây là bình chọn của Pcmag....