10 phút đỡ đẻ cho sản phụ dưới vực sâu
Tay vạch cây cối, chân thận trọng lách đá tìm đường xuống vực, bác sĩ Săm ngẩn người khi nhìn thấy nạn nhân đang nằm ngửa, bụng chửa vượt mặt.
Người nằm dưới vực là một người phụ nữ mang thai. Chị còn sống, chỉ bị trầy xước nhẹ. Thai phụ đang đau bụng đẻ, không bị ra máu sau tai nạn. Chị là người dân tộc Mông, không biết nói tiếng Kinh. Đứng bên cạnh chị là nguồi chồng, cũng bị xây xát nhẹ sau cú ngã. Anh nói được một ít tiếng Kinh nên trao đổi với bác sĩ.
Hai vợ chồng ở Hà Giang, đang trên đường đến bệnh viện sinh con không may xe máy lao xuống vực. Địa điểm họ gặp nạn cách Bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Mê khoảng 2 km. Từ trên đường lăn xuống khe vực, may là sườn núi có nhiều cây cỏ mềm và đá nhỏ nên cả hai, đặc biệt là bà bầu đỡ bị va chạm chấn thương. Trong khi đó cơn đau bụng đẻ của thai phụ ngày càng mạnh và nhanh hơn.
Người chồng cố đưa vợ lên mặt đường nhưng chị không thể bước nổi. Anh đành để vợ ở dưới vực, một mình leo lên đường tìm người kêu cứu và nhờ gọi đến cấp cứu bệnh viện, sau đó anh lại leo trở xuống vực chăm sóc vợ.
Em bé chào đời an toàn, được kíp cấp cứu đưa lên khỏi vực. Ảnh do b ệnh viện cung cấp
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Chung, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Bắc Mê cho biết nhận được cuộc điện thoại của một người đi đường báo tin có tai nạn, lúc 15h30 ngày 31/1. Không ai biết nạn nhân là một sản phụ sắp đẻ. Bác sĩ Chung liền cử đội cấp cứu lưu động gồm bác sĩ Nguyễn Thị Săm và 2 điều dưỡng đến hiện trường.
Bác sĩ Săm rất trẻ, mới ra trường vào tháng 7/2018. Cùng hai điều dưỡng đến vị trí tai nạn, bác sĩ Săm đứng bên đường không tìm thấy được lối đi xuống. Sườn vực thoai thoải, bác sĩ quyết định vạch cây cỏ để leo xuống dưới. Lát sau kíp cấp cứu tới nơi. Từ đây nhìn lên trên không thấy mặt đường, xung quanh nơi nạn nhân nằm toàn cỏ đá um tùm.
“Tôi nhìn thấy chị ấy nằm ngửa, mặt nhăn nhó đau đớn cứ luôn tay xoa bụng, kiểm tra thấy đầu em bé đã thò ra ngoài. Sắp đẻ rồi!”, bác sĩ Săm nhớ lại. Cô bác sĩ trẻ run người trước tình huống này. Kíp cấp cứu có mang theo thuốc và vật dụng cứu thương, nhưng không đủ để xử trí cho một ca sinh nở.
Tình thế cấp bách, bác sĩ Săm lấy lại bình tĩnh rồi gọi điện về cho giám đốc bệnh viện xin chỉ thị.
Video đang HOT
“Cấp cứu tại chỗ, cứu sống mẹ và con”, bác sĩ Chung chỉ đạo.
Bác sĩ Săm và hai điều dưỡng ngay lập tức vào cuộc. Họ nhẹ nhàng, khéo léo trải tấm thảm, đặt sản phụ nằm lên trên và tiến hành các thủ thuật đỡ đẻ ngay tại khe núi. Chỉ 10 phút sau, tiếng em bé chào đời khóc vang vọng cả núi rừng. Người chồng luống cuống, mắt nhìn con, hai tay nắm chặt và thở phào: “Cảm ơn bác sĩ, may quá rồi”.
Bác sĩ Săm tạm cắt rốn cho bé, rồi dùng khăn quấn đầu của mẹ bọc lấy con và đưa về viện ngay. Sau khi vệ sinh cho sản phụ và ngăn ngừa nhiễm khuẩn, kíp cấp cứu không thể khiêng mà phải dìu chị từng bước leo lên đường.
Bác sĩ Săm cùng mẹ con sản phụ tại bệnh viện. Ảnh: Chung Nguyễn.
Hai mẹ con an toàn về đến bệnh viện và được chăm sóc sau sinh tiếp theo. Cô bé nặng 3 kg, xinh xắn khỏe mạnh. Sản phụ tên Giàng Thị Thao, 38 tuổi, đây là lần thứ 5 chị sinh con.
Dự kiến hai mẹ con sẽ được xuất viện ngay trước Tết. Còn bác sĩ Săm thì nói rằng “ca đỡ đẻ này có một không hai trong đời”.
“Tôi rất run trong suốt quá trình cấp cứu đỡ đẻ, về đến bệnh viện mới hoàn hồn”, bác sĩ Săm chia sẻ.
Thùy An
Theo VNE
Bác sĩ trạm y tế dùng xe ba gác vượt 10 km đưa sản phụ đi cấp cứu
Sản phụ Mã Thị Chung ở Hà Giang mang thai 39 tuần, nhập viện ngày 1/1 trong tình trạng nguy kịch, cơ hội sống chỉ 50%.
Sản phụ 30 tuổi ở thôn Lùng Cao, xã Giáp Trung, Bắc Mê, mang thai lần thứ ba. Hai lần trước chị sinh thường.
Chị Chung đau bụng dữ dội, ngất lịm vào sáng 1/1. Gia đình khiêng sản phụ từ nhà xuống trạm y tế xã cách đó khoảng 15 km.
Thôn Lùng Cao, xã Giáp Trung là địa phương khó khăn nhất của huyện Bắc Mê. Việc giao thông đi lại còn rất hạn chế. Khi đến trạm y tế, tình trạng sản phụ nguy kịch, tiên lượng chỉ còn một nửa cơ hội sống. Các y bác sĩ trạm y tế không thể xử lý mà buộc phải chuyển sản phụ đến Bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Mê cách đó 10 km. Tuy nhiên suốt buổi họ không gọi được ôtô để đưa sản phụ đến viện.
"Chị Chung thậm chí không thể ngồi xe máy", bác sĩ trạm y tế kể lại.
Tình thế cấp bách, các y bác sĩ trạm y tế quyết định dùng xe ba gác chở sản phụ đến bệnh viện Bắc Mê. Họ phân công nhau vừa lái xe ba gác vừa chăm sóc cho sản phụ trên đường di chuyển.
Các bác sĩ phẫu thuật cấp cứu cho sản phụ. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Chung ở Bệnh viện Đa khoa Bắc Mê cho biết sản phụ được đưa vào viện trong tình trạng sốc mất máu nặng, vỡ tử cung.
"Mổ cấp cứu cắt tử cung bán phần, cứu lấy mẹ", bác sĩ Chung quyết định.
Đèn phòng mổ bật sáng. Toàn bộ êkíp 7 người sẵn sàng cho ca mổ phức tạp. Trong khi phẫu thuật, sản phụ bị mất máu và được cán bộ nhân viên bệnh viện hiến 2 đơn vị máu.
Bé trai nặng 3,6 kg, nhưng đã tử vong. Tuy nhiên các bác sĩ đã cứu được người mẹ, sau hơn 2 giờ phẫu thuật.
Ngày 9/1, bệnh nhân được xuất viện.
Chị Mã Thị Chung đã ổn định và xuất viện. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Bác sĩ Chung cho biết đây là trường hợp sinh nở vô cùng đáng tiếc, nguyên nhân là do sự chủ quan của sản phụ và gia đình. Khi có dấu hiệu đau bụng, nếu sản phụ đến bệnh viện ngay thì bác sĩ có thể cứu được cả mẹ và con.
Bác sĩ cho biết thêm, tại vùng sâu, người dân có nhiều tập tục như sinh con tại nhà mà không đến bệnh viện, hoặc nhất quyết chờ chồng đến mới cho mổ lấy thai mặc dù rất nguy kịch.
Bác sĩ khuyến cáo thai phụ cần đi khám thai định kỳ, chọn nơi sinh đẻ an toàn để tránh nguy hiểm tính mạng mẹ và con. Ngoài ra, ngành y tế địa phương cần thường xuyên giáo dục, tuyên truyền để người dân hiểu và chuẩn bị thai kỳ an toàn cho cả mẹ và bé.
Thùy An
Theo VNE
Cố sinh nở tại nhà, sản phụ vỡ tử cung Thai phụ 30 tuổi ở tỉnh Hà Giang chuyển dạ nhưng không vào viện, đến khi đau dữ dội mới tới bệnh viện thì đã muộn. Ảnh minh họa Đây là lần sinh con thứ ba của sản phụ. Hai lần trước chị cũng sinh nở tại nhà. Kỳ mang thai thứ 3 này của chị đã đủ 39 tuần. Ngày 31/12, thai...