10 năm, công nhận 180 giống lúa, chỉ có 16 giống hoa, 6 giống rau
Trong 10 năm thực hiện đề án Phát triển sản xuất giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản đến năm 2020, đã có hàng trăm giống lúa được công nhận, nhưng chỉ có 16 giống hoa được công nhận mới. Một con số mất cân đối nghiêm trọng.
Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, từ năm 2010 đến nay, ngành chức năng đã công nhận được 685 giống cây trồng (248 giống được công nhận chính thức, 437 giống sản xuất thử).
Trong đó, chỉ tính riêng giống lúa đã công nhận chính thức 180 giống, trong đó có 57 giống lúa lai và 123 giống lúa thuần. Một số giống được sử dụng rộng rãi trong thực tiễn sản xuất. Giống ngô công nhận chính thức 40 giống ngô lai và 56 giống sản xuất thử. Hiện nay, các giống ngô do Việt Nam lai tạo chiếm khoảng 40% thị phần ngô giống trong cả nước.
Trong khi có nhiều giống lúa, ngô được công nhận thì lại có rất ít giống rau, hoa mới ra đời. Theo đó, giống rau, trong 10 năm, mới công nhận chính thức 6 giống cà chua (HT42, HT144, HT160…); 05 giống dưa chuột (CV29, PC4…), 02 giống bí xanh (số 1, Thiên Thanh 5) và một số giống nấm (nấm Rơm V115, nấm Mộc nhĩ chủng Au1, nấm Chân dài CL1, nấm Trân châu chủng Ag1…)
Giống hoa, công nhận chính thức và sản xuất thử 16 giống hoa, gồm các chủng loại: cẩm chướng, hoa cúc, hoa hồng, hoa lily, hoa lay ơn, hoa lan Hồ điệp, hồng môn… Trong khi đó, giống cây ăn quả cũng mới công nhận 30 giống cây ăn quả chính thức.
Ông Phan Trọng Hổ – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Định cũng thừa nhận, các giống rau đang thiếu một cách trầm trọng.
10 năm, cả nước chỉ công nhận được 16 giống hoa mới. Ảnh: I.T
Video đang HOT
Đối với giống lâm nghiệp, trong giai đoạn 2010 đến nay, đã công nhận chính thức 252 giống lâm nghiệp mới. Các giống cây lâm nghiệp mới được đưa vào sản xuất đã góp phần tăng năng suất rừng trồng cả nước đạt bình quân khoảng 15 m3/ha/năm, tăng 50% so với năm 2010 (khoảng 10m3/ha/năm).
Trong lĩnh vực chăn nuôi, từ năm 2010 đến nay, đã công nhận được 26 dòng/tổ hợp lai vật nuôi mới (vịt PT- Đại Xuyên, gà Ri vàng rơm-VCN/VP, gà lai hướng trứng HA, tằm sắn TS1-T, tằm sắn TS1-H, Dòng vịt lai thương phẩm VSM6…). Đã làm chủ công nghệ chọn tạo giống lợn, nhờ vậy, trọng lượng xuất chuồng tăng từ 68-72 kg lên 90-100 kg/6 tháng tuổi; tỷ lệ nạc tăng từ 35-38% đối với lợn lai F1 lên 40-42%.
Về giống thuỷ sản, đã công nhận 13 giống thủy sản mới, chương trình chọn giống tôm thẻ chân trắng bố mẹ đã góp phần đáp ứng 25% thị phần con giống chất lượng cho các vùng nuôi tôm. Giống cá tra bố mẹ chất lượng đã được đưa vào sản xuất, nâng cao tăng trưởng trên 20%…
Theo ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NNPTNT), công tác nghiên cứu, chọn tạo giống chủ yếu tập trung vào những cây trồng, vật nuôi ngắn ngày, sinh trưởng nhanh; một số giống mới được công nhận nhưng chưa được sử dụng rộng trong sản xuất. Trong trồng trọt chủ yếu tập trung chọn tạo giống lúa, ngô…; các loại giống rau ăn lá, điều, một số loại cây ăn quả… chưa được quan tâm đúng mức.
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết Đề án phát triển sản xuất giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản đến năm 2020 ngày 24/6, theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, ngành sản xuất giống đã góp phần quan trọng tạo động lực cho ngành nông nghiệp duy trì đà tăng trưởng, thúc đẩy xuất khẩu đồng thời hình thành hệ sinh thái canh tác hiện đại. “Tuy nhiên, đang có sự mất cân đối khá lớn giữa khu vực các viện, trường và tư nhân trong chọn tạo giống. Trong khi các viện trường được trang bị cơ sở vật chất đầy đủ, nguồn nhân lực lớn thì các cơ sở tư nhân đang khát khao có những điều kiện đó để tạo ra nhiều giống hơn” – ông Cường nêu một thực tế.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, cơ cấu giống nghiên cứu dường như không có nhiều thay đổi sau 10 năm, các đơn vị vẫn chủ yếu nghiên cứu các giống ngô, lúa, con nuôi chủ lực như lợn mà chưa có sự chuyển biến theo nhu cầu thị trường.
“Mỗi năm cho ra đời mấy trăm loại giống nhưng 80% giống rau vẫn nhập nội, giống khoai tây, giống hoa vẫn phải nhập cho thấy các đơn vị chưa nhạy bén, chưa đánh giá được phạm vi rất rộng của thị trường” – ông Cường nói.
Từ thực tế đó, Bộ trưởng Cường yêu cầu các tổ chức, cá nhân phải sản xuất giống theo mệnh lệnh thị trường, không thể khư khư ôm mãi cơ cấu cũ, cần nghiên cứu, chọn tạo giống thích ứng với biến đổi khí hậu, biến nguy cơ thành thời cơ.
Theo Danviet
Cấp bách phòng chống dịch tả heo châu Phi: Dập dịch ngay từ cấp xã, huyện
Trước tình hình bệnh dịch tả heo châu Phi diễn biến bất lợi, ngày 25-5, tại TPHCM, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì hội nghị triển khai các giải pháp cấp bách phòng chống dịch bệnh này tại các tỉnh phía Nam.
Chốt chặn để xử lý dịch
Theo ông Bạch Đức Lữu, Phó Cục trưởng Cục Thú y, ổ dịch đầu tiên ở phía Nam xảy ra ở tỉnh Hậu Giang vào ngày 11-4, đến nay xuất hiện tại 8 tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Vĩnh Long, Hậu Giang, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang.
Lý giải việc lây lan nhanh này, ông Bạch Đức Lữu chỉ ra các lý do: Hầu hết hộ nuôi chưa hiểu rõ, chưa thực hiện an toàn sinh học triệt để; hộ nuôi còn sử dụng thức ăn thừa của người; hộ nuôi khi phát hiện bệnh không khai báo ngay; việc công bố dịch chưa kịp thời; chưa làm tốt việc kiểm soát giết mổ lậu, thu gom heo chết về giết mổ; việc tiêu hủy chưa đạt yêu cầu; việc kiểm dịch gia súc vận chuyển chưa đúng quy định...
Đồng chí Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM, cho biết gần 80% lượng heo tiêu thụ ở TPHCM có nguồn gốc từ các tỉnh xung quanh. Vì vậy áp lực bệnh dịch tả heo châu Phi rất lớn. Bên cạnh việc tăng tần suất hoạt động của các đoàn kiểm tra liên ngành TP và quận huyện, nhằm xử lý nghiêm việc vận chuyển, giết mổ trái phép, TPHCM thực hiện việc giám sát chặt tình hình dịch tễ đàn gia súc.
Ngoài chốt chặn kiểm dịch các tuyến đường nối tỉnh Đồng Nai, TPHCM đã lập thêm 5 chốt kiểm dịch tạm thời giáp các tỉnh Bình Dương, Long An, Tây Ninh. Đồng thời kiểm soát chặt quy trình nhập heo và giết mổ, tiêu độc khử trùng phương tiện vận chuyển gia súc tại các trạm đầu mối giao thông...
Theo đồng chí Lê Thanh Liêm, các hộ kinh doanh giết mổ cũng phải đăng ký tuyến đường vận chuyển thịt khi vào TPHCM; thống nhất tuyến đường vận chuyển heo xuất về TP, trình phúc kiểm, tiêu độc khử trùng tại Trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức, Xuân Hiệp. Mặt khác, TPHCM tăng cường lấy mẫu heo tại các cơ sở chăn nuôi, các trạm kiểm dịch đầu mối giao thông, chợ đầu mối để tầm soát dịch bệnh.
Áp dụng triệt để biện pháp an toàn sinh học
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, nguy cơ bệnh dịch tả heo châu Phi tiếp tục lây lan ở các tỉnh, TP khu vực Đông và Tây Nam bộ rất cao, các địa phương không được chủ quan.
"Hiện là thời điểm giao mùa (phía Nam bắt đầu vào mùa mưa), các tỉnh ĐBSCL có hệ thống sông rạch dày đặc, giao thông đường thủy và đường bộ đan xen, khó kiểm soát. Vì vậy, mầm bệnh có thể dễ dàng phát tán và lây lan nhanh sang tất cả các địa phương chưa có dịch trong khu vực; nguy hiểm hơn là bệnh có khả năng xâm nhiễm vào các cơ sở chăn nuôi tập trung, quy mô heo lớn", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lo ngại.
Theo Bộ NN-PTNT, bệnh dịch tả heo châu Phi hiện chưa có thuốc chữa, chưa có vaccine, chỉ phòng là chính. Vì vậy, an toàn sinh học là biện pháp duy nhất để phòng tránh hiệu quả. Nếu không áp dụng triệt để các biện pháp an toàn sinh học sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc phát triển chăn nuôi heo, gây tổn thất lớn về kinh tế, xã hội, nhất là ảnh hưởng lớn đến môi trường. Phát hiện sớm, kịp thời, heo chết xử lý ngay giúp giảm nguy cơ lây nhiễm.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các tỉnh, TP tổng rà soát phương án và xây dựng hoàn chỉnh trước diễn biến phức tạp của dịch tả heo châu Phi để dập dịch ngay từ cấp xã, huyện. Chú ý tất cả các tình huống, trong đó có sự tham gia hỗ trợ của lực lượng vũ trang. "Địa phương là nơi cần chủ động, linh hoạt các tình huống, trong đó việc phát hiện sớm, xử lý nhanh giúp giảm nguy cơ lây lan", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý.
" Đề nghị các địa phương chưa tái đàn trong thời gian này, riêng đàn heo hạt nhân bố mẹ, ông bà cần được bảo vệ và kiểm soát tốt để có thể phục hồi thời điểm thích hợp. Thời gian này các địa phương cần tính đến việc chuyển sang vật nuôi khác như gia cầm hay động vật ăn cỏ, tùy theo điều kiện và lợi thế từng địa phương. "
Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường.
CÔNG PHIÊN - THANH HẢI
Theo SGGP
2 ngày 8 vụ cháy rừng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT ra công điện khẩn Trước nguy cơ cháy rừng trên diện rộng ở rất nhiều địa phương, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã ra công điện khẩn số 2711/CĐ-BNN-TCLN yêu cầu các địa phương triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống cháy rừng. Theo Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp), hiện nay, rất nhiều địa phương đang trong cảnh báo cháy rừng...