10 lý do khiến kinh nguyệt ra ít bạn không nên xem thường
Hiện tượng kinh nguyệt ra ít hơn bình thường đôi khi chỉ do stress, tăng cân hay mãn kinh. Tuy nhiên, bạn cần cẩn thận vì đây cũng là dấu hiệu của những tình trạng nghiêm trọng hơn như buồng trứng đa nang hay tử cung có sẹo.
Khi thấy kinh nguyệt ra ít, nhiều nàng chủ quan nghĩ rằng mình sẽ không quá khó chịu trong những ngày ấy hoặc không cần dùng băng vệ sinh quá dày. Thật ra tình trạng ra ít kinh nguyệt hơn bình thường có thể rất nguy hiểm.
Hãy cùng tìm hiểu xem các lý do khiến kinh nguyệt ra ít để bạn có thể phòng ngừa bệnh và kịp thời điều trị nhé.
1. Kinh nguyệt ra ít do mang thai ngoài tử cung
Một trong những dấu hiệu mang thai rõ ràng nhất là mất kinh nguyệt. Tuy nhiên, chuyên gia sản khoa Janet Choi, giám đốc y tế tại CCRM in New York cho biết một số phụ nữ vẫn tiếp tục ra kinh nguyệt với lượng ít khi đang mang thai.
Tình trạng kinh nguyệt ra ít trong thai kỳ có thể là dấu hiệu cho thấy bạn mang thai ngoài tử cung. Đây là tình trạng trứng được thụ tinh bên ngoài tử cung do bạn gặp một số viêm nhiễm ở tử cung, đặt vòng tránh thai hoặc có sẹo ở tử cung.
Tình trạng mang thai ngoài tử cung rất nguy hiểm nên nếu nghi ngờ, bạn cần thử thai và gặp bác sĩ ngay.
2. Kinh nguyệt ra ít do cân nặng thay đổi
Tình trạng cân nặng thay đổi có thể làm chu kỳ kinh nguyệt ngắn hơn hoặc kinh nguyệt ra ít hơn bình thường rất nhiều. Khi bạn tăng cân, lượng chất béo tích tụ trong cơ thể có thể khiến hormone mất cân bằng. Tương tự, chế độ ăn kiêng giảm cân bằng cách hạn chế calo có thể khiến cơ thể bạn rơi vào trạng thái căng thẳng và tạo ra sự mất cân bằng hormone.
Tiến sĩ Akopians, một bác sĩ sản khoa tại Hoa Kỳ cho biết rằng cơ thể bạn cần một sự cân bằng giữa protein, carb, chất béo và vitamin để có thể hoạt động bình thường.
Để duy trì lượng kinh nguyệt đều đặn mỗi tháng, bạn nên ăn uống đầy đủ và tập luyện thường xuyên.
3. Kinh nguyệt ra ít do bạn bị căng thẳng
Video đang HOT
Bạn rất có thể bị mất cân bằng hormone và gặp tình trạng kinh nguyệt ra ít nếu đang bị trầm cảm hoặc phải trải qua những đau buồn lớn như mất người thân. Ngoài stress về mặt tâm lý, lịch tập thể dục quá mức cũng có thể gây căng thẳng về mặt thể chất và làm ảnh hưởng tới chu kỳ kinh nguyệt. Khi đã qua được giai đoạn khó khăn, lượng kinh nguyệt hằng tháng sẽ bình thường trở lại.
Nếu kinh nguyệt bị ảnh hưởng do stress, bạn hãy thư giãn bằng cách đọc sách, nghe nhạc, thiền hay du lịch.
4. Kinh nguyệt ra ít do bệnh cường giáp
Bệnh cường giáp là tình trạng tuyến giáp hoạt động quá mức khiến cơ thể sản xuất quá nhiều hormone tuyến giáp. Bệnh này có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng cho tim, huyết áp, cơ bắp… Hiện tượng kinh nguyệt ra ít bất thường và mất kinh nguyệt là một trong những dấu hiệu của bệnh cường giáp này.
Bạn cần đi khám ngay nếu có các dấu hiệu khác của bệnh cường giáp như hay lo lắng, mệt mỏi, đi tiểu nhiều…
5. Kinh nguyệt ra ít do biện pháp tránh thai
Một trong những lý do phổ biến nhất khiến kinh nguyệt ra ít là các phương pháp tránh thai nội tiết như thuốc tránh thai, miếng dán tránh thai hoặc vòng tránh thai nội tiết. Những phương pháp này không những có thể khiến kinh nguyệt ra ít mà còn làm kinh nguyệt có màu tối hoặc thậm chí là mất kinh.
Nếu bạn thấy các phương pháp tránh thai nội tiết không phù hợp với mình, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để áp dụng những cách tránh thai không chứa hormone.
Một số cách bạn có thể tham khảo là bao cao su, thuốc diệt tinh trùng hoặc mũ cổ tử cung. Những cách tránh thai này sẽ không làm mất cân bằng hormone nên sẽ không ảnh hưởng tới chu kỳ kinh nguyệt.
6. Kinh nguyệt ra ít do buồng trứng đa nang
Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) là tình trạng buồng trứng sản xuất hormone sinh dục nam androgen nhiều một cách bất thường. Việc thay đổi nội tiết tố này có thể ảnh hưởng tới chu kỳ rụng trứng, gây kinh nguyệt không đều, kinh nguyệt ra ít và mất kinh.
Bạn cần đi khám nếu gặp những triệu chứng của hội chứng buồng trứng đa nang như nổi mụn, da nhờn, tăng cân và mọc nhiều lông trên cơ thể.
7. Kinh nguyệt ra ít do mãn kinh
Bạn cần để ý tới độ tuổi của mình khi bắt gặp tình trạng kinh nguyệt ra ít vì đây có thể là dấu hiệu cơ thể bạn đang dần thay đổi khi số tuổi tăng dần. Có rất nhiều phụ nữ ra rất nhiều kinh nguyệt ở độ tuổi từ 20 đến 30 nhưng lại có ít kinh nguyệt hơn khi 40 tuổi.
8. Kinh nguyệt ra ít do hẹp cổ tử cung
Tình trạng cổ tử cung thu hẹp hoặc đóng hoàn toàn rất hiếm nhưng cũng có thể xảy ra và khiến kinh nguyệt ra ít. Tình trạng có thể xảy ra sau khi bạn trải qua một số phẫu thuật cổ tử cung như thủ thuật khoét chóp cổ tử cung để loại bỏ tổn thương ở cổ tử cung hoặc cắt bỏ nội mạc tử cung. Hẹp cổ tử cung cũng có thể là do nồng độ estrogen thấp trong giai đoạn tiền mãn kinh.
Khi cổ tử cung hẹp, kinh nguyệt vẫn bị giữ lại trong tử cung hoặc chỉ có thể chảy ra từ từ khiến kinh nguyệt ra ít. Nếu bạn bị đau bụng kinh nhưng kinh nguyệt lại ra ít thì nên đi khám ngay.
9. Kinh nguyệt ra ít do tử cung có sẹo
Hầu hết phụ nữ đã từng trải qua các thủ thuật nong và nạo tử cung (dilation and curettage procedures) để chẩn đoán và điều trị một số bệnh tử cung mà không gặp bất kỳ biến chứng gì. Tuy nhiên, đôi khi thủ thuật này cũng để lại sẹo nghiêm trọng khiến kinh nguyệt bị ảnh hưởng.
Nếu hiện tượng kinh nguyệt ra ít xuất hiện sau khi bạn thực hiện thủ thuật nong và nạo tử cung, bạn có thể cần gặp bác sĩ để loại bỏ mô sẹo.
10. Kinh nguyệt ra ít do bạn mất nhiều máu
Tuy rất hiếm nhưng tình trạng mất nhiều máu trong hoặc sau khi sinh có thể khiến cơ thể thiếu oxy làm ảnh hưởng tới tuyến yên và gây hội chứng Sheehan. Hội chứng này làm giảm đáng kể việc sản xuất tất cả các loại hormone, bao gồm cả những hormone kiểm soát chu kỳ kinh nguyệt.
Tình trạng mất máu không những khiến kinh nguyệt ra ít mà cũng ảnh hưởng tới sức khỏe nói chung. Bạn cần đi khám ngay khi gặp dấu hiệu này.
Mặc dù tình trạng kinh nguyệt ra ít có thể không quá nguy hiểm nhưng bạn vẫn cần theo dõi chu kỳ của mình. Nếu đã chăm sóc sức khỏe tốt và sống lành mạnh nhưng lượng kinh nguyệt vẫn không bình thường sau vài tháng, bạn hãy đi khám ngay nhé.
Theo Hellobacsi
Giảm mệt mỏi trước kỳ kinh nguyệt
Các triệu chứng mà cháu mô tả gọi là hội chứng tiền kinh nguyệt. Hội chứng này xảy ra với đa phần phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.
Cháu 24 tuổi, từ trước tới nay, khi tới kỳ kinh nguyệt cháu thường bị đau bụng, nhưng 3 tháng gần đây cháu để ý, tháng nào sắp tới kỳ kinh nguyệt cháu cũng đều kèm theo sốt, sốt cả tuần liền, xổ mũi, đau họng, đau đầu. Đến khi hết kinh là hết sốt. Xin hỏi liệu đó là triệu chứng bệnh gì? Cháu có nên đi khám không? Xin cảm ơn bác sĩ.
Trần Thị Loan Nữ (TP. Hồ Chí Minh)
Các triệu chứng mà cháu mô tả gọi là hội chứng tiền kinh nguyệt. Hội chứng này xảy ra với đa phần phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.
Hội chứng tiền kinh nguyệt bao gồm các triệu chứng thể chất và cảm xúc như nổi trứng cá, vú cương đau, cảm giác mỏi mệt, khó ngủ, đầy, trướng bụng, táo bón hay tiêu chảy, nhức đầu hay đau lưng, sổ mũi, đau họng và cảm giác có sốt, mất sự thèm ăn hay ngược lại.
Đau cơ khớp, khó tập trung suy nghĩ, nhớ lại, cảm giác căng thẳng, dễ kích thích, khí chất thay đổi hay có người lại dễ khóc, lo sợ hay trầm cảm. Ở một số người, hội chứng tiền kinh nguyệt thật sự đáng sợ, chúng có thể khiến chị em ngất lịm vì những cơn đau. Tuy nhiên, các triệu chứng này có khác nhau ở mỗi người.
Nếu có hội chứng tiền kinh nguyệt thì nên theo dõi các triệu chứng trong vài tháng, ghi chép mức độ nặng nhẹ. Có nhiều phương pháp để giảm nhẹ hội chứng này nhưng không hiệu quả cho mọi phụ nữ. Nếu không quá nặng thì chỉ cần thay đổi lối sống, có thể bổ sung các vitamin C, D, E,... và axit folic mỗi ngày, làm nhẹ một số triệu chứng kết hợp vận động thân thể; ăn nhiều thực phẩm: rau quả, đậu đỗ...
Tránh ăn mặn, ăn ngọt, không dùng cà phê, rượu khi có hội chứng tiền kinh nguyệt; cần ngủ 8 giờ mỗi tối, tránh và chống lại tình trạng stress. Chú ý uống nhiều nước, tránh lao động quá nặng.
Nếu đã thực hiện như trên một thời gian mà tình trạng không cải thiện thì cháu nên đi khám bác sĩ phụ khoa để được tư vấn điều trị phù hợp. Một số thuốc có thể được sử dụng trong hội chứng tiền kinh nguyệt nặng như thuốc giảm đau thông thường (ibuprofen, aspirin, hay naproxen) có thể giúp giảm cơn co thắt tử cung, nhức đầu, đau lưng...
Trong trường hợp nặng hơn, có thể dùng viên thuốc tránh thai để ức chế phóng noãn, các triệu chứng sẽ giảm nhẹ (đau quặn, nhức đầu) và ra kinh ít hơn... Tuy nhiên cần có sự thăm khám và chỉ định của bác sĩ.
Theo Sức khỏe và Đời sống
Lãnh cảm ở phụ nữ: Làm sao để bạn ham muốn chuyện ấy? Chứng lãnh cảm ở phụ nữ chẳng những khiến chuyện chăn gối trở thành nỗi ám ảnh mà còn là dấu hiệu cảnh báo sự rạn nứt trong mối quan hệ vợ chồng. Nếu không cải thiện ham muốn chuyện ấy, bạn sẽ có nguy cơ mất đi cả tình yêu! Lãnh cảm ở phụ nữ là tình trạng rối loạn ham muốn...