10 điểm nổi bật trong hoạt động ngân hàng Việt Nam năm 2019
Việc điều hành chính sách tiền tệ và hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam trải qua một năm nhiều thử thách, thành công trong giữ ổn định chung và cải thiện chất lượng hoạt động.
Ảnh minh họa.
BizLIVE nhìn lại hoạt động của hệ thống trong năm 2019 qua 10 điểm nổi bật nhất.
1. Giảm nhiều loại lãi suất
Sau xu thế cắt giảm lãi suất mở rộng trên thế giới, ngày 16/9, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng chính thức điều chỉnh các lãi suất điều hành, nhưng chỉ giảm một bước nhẹ 0,25 điểm phần trăm.
Ngày 19/11, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hạ trần lãi suất VND cho vay ngắn hạn đối với các nhóm, lĩnh vực ưu tiên; hạ trần lãi suất tiền gửi VND.
Trong quá trình điều hành, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có hai lần giảm lãi suất thị trường mở; ba lần giảm lãi suất tín phiếu; lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc cũng giảm khá mạnh sau nhiều năm.
Trong năm, một số ngân hàng thương mại lớn có hai đợt công bố giảm lãi suất cho vay nổi bật, tập trung cho dư nợ thuộc các nhóm, lĩnh vực ưu tiên.
2. Tỷ giá USD/VND đi ngang, dự trữ ngoại hối lập kỷ lục mới
Sau đợt biến động mạnh cuối quý II, về cơ bản tỷ giá USD/VND đi ngang trong năm 2019. Sự ổn định này đặt trong bối cảnh đồng Nhân dân tệ có nhiều đợt biến động mạnh.
Điểm nhấn của 2019 nằm ở tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố, với mức tăng gần 1,5% so với cuối 2018. Hướng tăng này được cho là sự chủ động của nhà điều hành để đưa tỷ giá trung tâm trở nên cân bằng hơn so với các mức tỷ giá giao dịch trên các thị trường.
Năm 2019 ghi nhận Ngân hàng Nhà nước có lần giảm khá mạnh giá mua vào USD, từ 23.200 VND xuống 23.175 VND vào cuối tháng 11. Cùng đó, cơ quan này đã có năm mua ròng lượng lớn ngoại tệ, nâng kỷ lục dự trữ ngoại hối quốc gia lên khoảng 73-75 tỷ USD.
3. Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách giám sát thao túng tiền tệ
Ngày 29/5, Bộ Tài chính Mỹ công bố báo cáo chính sách kinh tế vĩ mô, thương mại và tỷ giá với các nước là đối tác thương mại lớn của Mỹ. Tại báo cáo này Bộ Tài chính Mỹ đưa ra danh sách 9 nước cần theo dõi, giám sát, trong đó có Việt Nam.
Trong ba tiêu chí để Bộ Tài chính Mỹ đưa các nước vào báo cáo này, Việt Nam thỏa mãn 2 tiêu chí về thặng dư thương mại và cán cân vãng lai, còn tiêu chí về can thiệp ngoại hối 1 chiều thấp hơn ngưỡng Mỹ đưa ra.
Việc bị đưa vào danh sách trên được cho là một điểm áp lực đối với việc điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam, khi căn theo các tiêu chí Bộ Tài chính Mỹ đưa ra, đặc biệt trong bối cảnh các xung đột thương mại trên thế giới diễn ra căng thẳng trong năm 2019, cũng như chủ nghĩa bảo hộ nổi lên trước đó.
4. 18 ngân hàng đạt chuẩn Basel II trước thời hạn
Đến cuối 2019, hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam đã có 18 thành viên được Ngân hàng Nhà nước xác nhận áp dụng Thông tư 41 (Basel II – phương pháp tiêu chuẩn) trước thời hạn.
Trong số 18 ngân hàng này, mới chỉ duy nhất 1 ngân hàng đã hoàn thành cả 3 trụ cột của Basel II.
Trong khi đó, khoảng phân nửa hệ thống, đặc biệt là những thành viên lớn như Agribank và VietinBank, hiện vẫn chưa rõ triển vọng đáp ứng yêu cầu. Điều này dự kiến sẽ có trở ngại trong các chỉ tiêu tăng trưởng năm 2020, nhất là ở chỉ tiêu tín dụng.
5. Tăng trưởng tín dụng dự kiến thấp nhất trong 5 năm
Video đang HOT
Năm 2019, Ngân hàng Nhà nước dự kiến chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 14%. Tuy nhiên, nhiều dự báo cập nhật gần đây cho thấy thực tế mức tăng trưởng tín dụng cả năm có thể không đạt chỉ tiêu trên.
Một số chuyên gia và công ty chứng khoán dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2019 chỉ vào khoảng quanh 13%, và sẽ là mức tăng thấp nhất trong 5 năm gần đây. Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng năm 2015 là 17,29%, năm 2016 là 18,71%, năm 2017 là 18,17%, năm 2018 là 13,89%.
Tăng trưởng tín dụng dự kiến thấp đi trong điều kiện hệ thống tổ chức tín dụng đang và sẽ phải đáp ứng các giới hạn, tỷ lệ an toàn hoạt động ngày một chặt chẽ hơn, trong khi tỷ lệ tín dụng trên GDP của Việt Nam đã vượt trên 130% kể từ cuối năm 2018.
6. Thay đổi lớn cơ cấu tiền gửi Kho bạc Nhà nước
Lần đầu tiên trong lịch sử, cơ cấu tiền gửi hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam có thay đổi lớn từ tháng 11/2019. Theo quy định mới của Bộ Tài chính, nguồn tiền gửi thanh toán của Kho bạc Nhà nước phải kết chuyển về Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, thay vì đọng lại tại một số ngân hàng thương mại.
Cùng đó, cũng từ tháng 11/2019, nguồn tiền gửi có kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước cũng chuyển sang cơ chế đấu thầu, với việc chọn lọc các ngân hàng thương mại để gửi.
Nguồn tiền gửi Kho bạc Nhà nước những năm gần đây có quy mô hàng trăm nghìn tỷ đồng, trước đây chủ yếu để tại “Big 4″. Thay đổi trên được cho là nguyên nhân khiến lãi suất liên ngân hàng biến động rất mạnh vào cuối tháng 11 đầu tháng 12, nhưng dần lập lại cân bằng sau đó.
7. Quốc hội không thay đổi cơ chế tăng vốn cho “Big 4″
Qua kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, kết luận cuối cùng về các đề xuất tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước đã chốt lại. Đây được cho là nội dung quan trọng, đang được thẩm tra, báo cáo theo đúng quy trình và không đưa vào nghị quyết năm nay.
Theo đó, yêu cầu tăng vốn cho “Big 4″ ngân hàng có vốn nhà nước chi phối chưa thể tháo gỡ về cơ chế và bố trí nguồn trong 2019. Agribank và VietinBank tiếp tục gặp khó khăn trong vấn đề này; còn BIDV đã tự hóa giải bằng thương vụ bán vốn cho KEB Hana Bank; Vietcombank tiếp tục xúc tiến kế hoạch bán thêm vốn cho nhà đầu tư nước ngoài để tăng vốn.
Liên quan, Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, hệ số an toàn vốn (CAR) của 4 ngân hàng thương mại nhà nước đã ở sát ngưỡng cho phép. Nếu các ngân hàng này không tăng được vốn điều lệ, có thể phải hạn chế cấp tín dụng, thậm chí ngừng cấp tín dụng. Hiện “Big 4″ đang chiếm khoảng 48% thị phần tín dụng.
8. Nhiều ngân hàng lên kế hoạch huy động vốn quốc tế
Năm 2019 đánh dấu hướng đi mới và có hướng mở rộng: một số ngân hàng thương mại lên kế hoạch và triển khai phát hành trái phiếu quốc tế để huy động vốn ngoại tệ.
VPBank, SHB, SeABank, TPBank… đều có kế hoạch huy động từ 300 triệu USD đến trên 1 tỷ USD ở hướng đi này – một quy mô và lượng ngân hàng thương mại tham gia ít thấy từ trước đến nay. Múc đích nhằm bổ sung nguồn vốn ngoại tệ trung và dài hạn, tạo cơ cấu bền vững hơn, khắc phục hạn chế nguồn vốn ngoại tệ huy động trong nước chủ yếu là ngắn hạn và bị giới hạn bởi trần lãi suất 0%.
Tuy nhiên, trong năm mới chỉ ghi nhận một phần vốn huy động thành công ở kênh này, và hầu hết các trường hợp trên đều chuyển kế hoạch sang năm 2020, hoặc tùy thời điểm thuận lợi.
9. Nhiều ngân hàng tất toán xong nợ xấu tại VAMC
Sau một số trường hợp trong 2017 và 2018, đến năm 2019 hệ thống tiếp tục có thêm các ngân hàng thương mại tất toán xong nợ xấu bán sang Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) trước đây.
Đến cuối 2019, toàn hệ thống đã có 9 thành viên thực hiện được kết quả trên. Dự kiến kết năm có thể thêm một số thành viên lớn nữa.
Như vậy, kể từ khi VAMC bắt đầu mua nợ xấu từ năm 2013, cao điểm trong năm 2015, đến nay nhiều ngân hàng thương mại đã tự chủ động xử lý nợ xấu bằng việc tất toán trước hạn trái phiếu đặc biệt của tổ chức này.
10. Moody’s hạ triển vọng tín nhiệm 18 ngân hàng
Ngày 20/12, sau khi hạ triển vọng của Việt Nam xuống “Tiêu cực”, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s cũng có điều chỉnh tương ứng đối với 18 ngân hàng thương mại.
Tuy nhiên, Moody’s khẳng định việc điều chỉnh không nhằm phản ánh sức khỏe tài chính của các ngân hàng yếu đi, mà hoàn toàn chịu ảnh hưởng từ quyết định của tổ chức này với tín nhiệm quốc gia của Việt Nam.
Trong khi đó, nửa đầu năm 2019 Việt Nam và các ngân hàng thương mại lần lượt đón kết quả đánh giá tích cực từ các hãng xếp hạng tín nhiệm khác. Tháng 4/2019, S&P lần đầu tiên sau 9 năm đã điều chỉnh nâng xếp hạng tín nhiệm Việt Nam từ mức BB- lên BB; tháng 5/2019, Fitch nâng triển vọng từ mức ổn định lên tích cực, khẳng định duy trì mức xếp hạng BB.
LAN ANH
Theo bizlive.vn
Tỷ giá sẽ tiếp tục ổn định những ngày cuối năm
Thị trường ngoại hối đang chứng kiến "chuyện lạ" khi không những không căng thẳng vào dịp cuối năm như thường lệ, mà tỷ giá USD/VND đi ngang và thậm chí thấp hơn so với tỷ giá cuối năm 2018 là 0,16%.
Sẵn sàng để đồng nội tệ tăng giá
Thị trường ngoại tệ trong tuần từ 9-13/12 tiếp tục chứng kiến tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh tăng - giảm qua các phiên, chốt tuần được niêm yết ở mức 23.160 VND/USD, giảm 4 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá mua giao ngay được NHNN niêm yết ở mức 23.175 VND/USD. Tỷ giá bán được niêm yết ở mức 23.805 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá của NHNN.
Thị trường liên ngân hàng trong tuần qua biến động nhẹ dưới mức tỷ giá mua của NHNN. Kết thúc phiên cuối tuần 13/12, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 23.173 VND/USD, giảm 4 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tương tự, tỷ giá trên thị trường tự do không biến động nhiều, chốt phiên cuối tuần tăng 20 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với cuối tuần trước đó, giao dịch tại 23.200-23.230 VND/USD.
Diễn biến trên thị trường ngoại hối những tuần tiếp theo của tháng 12 tiếp nối đà ổn định của thị trường ngoại hối tháng 11.
Tỷ giá USD/VND hầu như đi ngang quanh mức 23.200 VND/USD trong phần lớn thời gian của tháng và chỉ giảm khoảng 25 điểm sau bước điều chỉnh giảm tỷ giá mua vào của NHNN.
Tổng kết cả tháng 11, tỷ giá dao động trong biên độ 23.165-23.210 USD/VND.
Điểm đáng chú ý của thị trường trong tháng 11 đến từ động thái điều chỉnh tỷ giá mua vào của NHNN với ngày cuối cùng của tháng (29/11).
Cụ thể, NHNN đã giảm tỷ giá mua giao ngay 25 điểm, từ mức 23.200 USD/VND xuống 23.175 USD/VND.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, việc điều chỉnh tỷ giá mua lần này được lãnh đạo các ngân hàng đánh giá là khá bất ngờ, nhưng phù hợp cả về thời điểm cũng như mức độ.
"NHNN đã phát đi tín hiệu sẽ tiếp tục điều chỉnh tỷ giá theo hướng linh hoạt và bám sát thị trường hơn nữa, thậm chí sẵn sàng để đồng nội tệ tăng giá, góp phần giảm áp lực đối với thanh khoản tiền đồng giai đoạn cuối năm", một lãnh đạo cao cấp NHNN chia sẻ.
Yếu tố nào hỗ trợ tỷ giá?
Thực tế, cung - cầu ngoại tệ duy trì trạng thái thặng dư kể từ đầu năm. Riêng trong tháng 11, giải ngân đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 1,41 tỷ USD, trong khi cán cân thương mại thặng dư nhẹ 100 triệu USD.
Đáng chú ý, đây là tháng thứ 6 liên tiếp cán cân thương mại của Việt Nam duy trì thặng dư và tính lũy kế từ đầu năm, tổng thặng dư thương mại đã đạt 9,1 tỷ USD - con số kỷ lục từ trước đến nay.
"Nguồn cung ngoại tệ dồi dào giúp NHNN tiếp tục mua được khoảng 850-900 triệu USD từ các ngân hàng thương mại trong tháng 11, nâng mức lũy kế mua ngoại tệ từ đầu năm lên khoảng 16 tỷ USD", giám đốc tiền tệ một ngân hàng thương mại cổ phần tiết lộ.
Khảo sát thị trường cho thấy, chênh lệch lãi suất VND-USD có xu hướng mở rộng mạnh, đạt khoảng 200 điểm, từ 0,5% lên 2-2,5% trong giai đoạn nửa sau của tháng 11.
Đây là điểm trái ngược so với xu hướng giảm trong tháng 10.
Biến động cục bộ của một số dòng tiền lớn được thị trường nhận định là nguyên nhân chủ yếu khiến thanh khoản VND trở nên căng thẳng, qua đó tạo điều kiện cho tỷ giá USD/VND duy trì xu hướng giảm trong tháng 11.
Bên cạnh đó, môi trường quốc tế diễn biến ổn định, các đồng tiền chính duy trì xu hướng đi ngang/giảm giá nhẹ so với đồng USD như EUR giảm 1,4%, JPY giảm 1,3%, CNY tăng 0,1%...
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tiếp tục là tâm điểm của thị trường với những diễn biến xoay quanh thỏa thuận thương mại giai đoạn 1.
Mặc dù vẫn còn chứa đựng yếu tố khó lường, nhưng việc cả phía Mỹ và Trung Quốc đều xác nhận thỏa thuận đang đến gần là điểm tựa cho sự ổn định của thị trường tiền tệ thời gian qua.
Một nghiên cứu của Ban Kinh doanh vốn và tiền tệ BIDV đưa ra kịch bản với xác suất 60% là, cung - cầu ngoại tệ về cơ bản vẫn ở trạng thái tích cực, bên cạnh việc chênh lệch lãi suất VND-USD tiếp tục dự kiến ở mức cao, sẽ là các yếu tố chính hỗ trợ cho sự ổn định của tỷ giá trong tháng 12, với biên độ dự kiến trong khoảng 23.175-23.195 VND/USD.
Cụ thể hơn, nhóm yếu tố từ trong nước về cơ bản vẫn có xu hướng hỗ trợ tỷ giá với cung - cầu ngoại tệ dự kiến khả quan khi dự báo tổng thặng dư vào khoảng 400 triệu USD, bên cạnh các cấu phần tích cực khác như giải ngân FDI (dự báo đạt khoảng 2,3 tỷ USD), hay kiều hối gia tăng mạnh trước Tết.
Với lượng kiều hối về TP.HCM tính đến tháng 11/2019 đạt 4,3 tỷ USD và ước tính đạt 1 tỷ USD riêng trong tháng 12, dự kiến trong năm 2019, Việt Nam sẽ nhận 16,7 tỷ USD kiều hối và nằm trong nhóm 10 nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới. Bởi vậy, nguồn cung USD được nhìn nhận tiếp tục khả quan.
"Từ đầu tháng 12 đến nay ghi nhận một số giao dịch bán ngoại tệ về NHNN, nhưng quy mô và tần suất thấp hơn khá nhiều sau 4 tháng bán mạnh trước đó. Với bối cảnh hiện tại, tỷ giá USD/VND sẽ vẫn duy trì ở vùng hiện tại và thấp hơn so với tỷ giá cuối năm 2018 là 0,16%", vị giám đốc tiền tệ trên ước tính.
Ngoài ra, chênh lệch lãi suất VND-USD dự kiến tiếp tục được duy trì ở mức cao, quanh mức 2,5-3,5% với các kỳ hạn qua đêm - 1 tuần trong bối cảnh thanh khoản VND dự báo khá căng thẳng dịp cuối năm.
Đặc biệt, tâm lý tích cực từ bước tiến trong quan hệ Mỹ - Trung khiến các đồng tiền lên giá tương đối mạnh so với USD.
Sau nhiều thông tin trái chiều trước đó, thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc cuối cùng cũng được hai bên thông qua. Mỹ hủy kế hoạch áp thuế mới vào ngày 15/12, giảm thuế suất từ 15% xuống 7,5% với 120 tỷ USD hàng hóa thuộc danh sách áp thuế từ tháng 9/2019.
Đổi lại, Trung Quốc cam kết mua thêm 200 tỷ USD nông sản, năng lượng, hàng hóa khác từ Mỹ trong 2 năm tới và thực hiện các thỏa thuận về mở cửa thị trường tài chính, chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ...
Sự thiếu vắng các thông tin chi tiết của thỏa thuận và mức thuế 25% Mỹ đánh vào 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vẫn được giữ nguyên cho thấy chặng đường phía trước còn rất dài.
Dù vậy, đây là bước tiến lớn nhất trong cuộc đàm phán thương mại kéo dài 18 tháng qua, qua đó tác động tích cực đến tâm lý thị trường.
So với tuần trước đó, đồng tiền trú ẩn JPY giảm giá 0,76%, trong khi các đồng tiền khác đều tăng giá khá mạnh so với USD, chẳng hạn CNY tăng 0,62%, EUR tăng 0,53%, KWR tăng 0,85%, TWD tăng 0,68%...
Đáng chú ý, đồng bảng Anh (GBP) tiếp tục tăng 1,42% so với tuần trước đó và chỉ riêng 2 tuần đầu tháng 12 đã tăng 3,08% so với USD nhờ triển vọng Anh rời Liên minh Châu Âu (EU) đúng hạn 31/1/2020.
Đảng Bảo thủ của Thủ tướng Johnson đã giành thắng lợi áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử ngày 12/12, mở đường để thực hiện tuyên bố "Brexit bằng mọi giá" đã đưa ra trước đó.
Dưới áp lực tăng giá của các đồng tiền khác, chỉ số DXY giảm mạnh về 97,17 điểm vào cuối tuần qua. Bối cảnh quốc tế thuận lợi hỗ trợ tỷ giá trong nước ổn định.
Về động thái của các ngân hàng trung ương, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã có các cuộc họp chính sách trong tuần qua, nhưng cả hai đều không có sự điều chỉnh lãi suất điều hành.
Riêng Fed, trong 17 thành viên Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC), có tới 13 người cho rằng lãi suất sẽ giữ nguyên, chỉ có 4 người cho rằng lãi suất sẽ tăng 1 lần 0,25 điểm phần trăm trong năm 2020.
"Trong kịch bản tích cực hơn, xác suất 25%, khi cung cầu ngoại tệ thặng dư lớn hơn, khoảng 1 tỷ USD và môi trường quốc tế thuận lợi, Mỹ và Trung ký kết thỏa thuận, thể hiện rõ tín hiệu đình chiến, tỷ giá dự kiến đi ngang quanh mức 23.175 VND/USD", một lãnh đạo cao cấp BIDV đánh giá.
Theo Tinnhanhchungkhoan.vn
Ngân hàng Nhà nước bất ngờ giảm mạnh giá mua vào USD Một số thành viên thị trường cho biết Ngân hàng Nhà nước giảm mạnh giá mua USD khi chào giao dịch hôm nay. Sau 11 tháng giữ nguyên, Ngân hàng Nhà nước đã có lần giảm đầu tiên giá mua vào USD. Cụ thể, theo tìm hiểu của BizLIVE, sáng nay (29/11) giới kinh doanh ngoại hối nhận được thông tin chào mua...