10 chiếc điện thoại di động tiêu biểu nhất mọi thời đại
25 năm không phải là một chặng đường dài đối với một ngành, nhưng sự phát triển như vũ bão của điện thoại di động đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét trong lịch sử tồn tại.
25 năm trước, những cú điện thoại chỉ thành công khi người nhận phải ở nhà, một điều thật bất tiện. Tuy nhiên với sự ra đời của điện thoại di động, cuộc sống của con người thay đổi một cách chóng mặt. Những chiếc điện thoại di động thô sơ trở thành một thiết bị trao đổi thông tin vô cùng quan trọng của rất nhiều người, và nó đã trải qua một chặng đường dài để tiến tới thành một công cụ giải trí cùng đầy các tiện ích như ngày nay. GenK xin điểm qua 10 chiếc điện thoại di động tiêu biểu trong lịch sử.
Motorola DynaTAC 8000X, năm 1983
Cứ cười thoải mái đi, nhưng bạn nên biết rằng DynaTAC là biểu tượng của sự giàu sang thời đó. Với cái giá 4000 USD và ảnh hưởng của sự trượt giá đồng tiền năm từ năm 1983 tới giờ, DynaTAC có lẽ còn giá trị hơn cả 10 chiếc iPhone 4. Dynatac còn là thiết bị đánh dấu những bước đi đầu tiên của điện thoại di động, vì vậy về mặt ý nghĩa thì đây là một sản phẩm vô giá.
Motorola StarTAC, 1996
Motorola là hãng đầu tiên nhận ra rằng điện thoại di động không cần thiết kế giống điện thoại bàn. Và thế là chiếc điện thoại gập đầu tiên của thế giới ra đời, mang tên StarTAC. Nhờ thiết kế nắp gập mà bạn sẽ tránh được việc vô tình gọi cho bố mẹ trong khi đang nhậu nhẹt chơi bời cùng bạn bè vì kẹt phím khi nhét túi quần.
Nokia 3210, 1999
Ăng-ten ngoài trên điện thoại di động, hay gọi đùa là “râu” bỗng dưng lỗi mốt khi mà Nokia tung ra 3210 với ăng-ten gắn trong mà vẫn thu phát tín hiệu ổn định. Thiết kế ăng-ten ngầm của Nokia lập tức trở thành một chuẩn mực cho tất cả các thiết bị di động ngày nay.
Handspring Treo 180, 2001
Trong thời kỳ đầu của kỷ nguyên PDA, các máy PDA khá…nguyên thủy và chỉ có mỗi chức năng quản lý thông tin,mà không có chức năng thoại. Người sử dụng cảm thấy hoàn toàn thoải mái khi “mang vác” thêm một…cục sắt nữa để quản lý email và lịch làm việc. Rồi Treo ra đời, những chiếc PDA không có tính năng thoại trở nên thừa thãi khi giờ đây smartphone đã có thể kết nối Internet và gửi e-mail. Rồi ít năm sau BlackBerry cho ra những chiếc smartphone và trở thành thiết bị không thể thiếu của những doanh nhân, với vai trò là người trợ lý chuyên cung cấp thông tin một cách nhanh nhất.
Video đang HOT
Sharp J-SH04, 2001
Ý tưởng tích hợp máy ảnh vào điện thoại xuất phát từ Sharp J-SH04, và đã tạo ra một trào lưu cho những chiếc điện thoại có kèm máy ảnh ra đời sau đó. Ngày nay thật khó để tìm ra một chiếc smartphone nào mà không có camera. Với sự phát triển nhanh chóng, những chiếc camera độ phân giải cao, kèm flash và các tính năng như tự động lấy nét là một trang bị không thể thiếu của smartphone.
Toshiba VM4050, 2003
Cũng như chức năng chụp ảnh, ngày nay người ta ít mang theo máy quay hơn vì sự ra đời của VM4050. Đây là một trong những chiếc smartphone đầu tiên có khả năng quay video. Việc ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ mọi lúc mọi nơi khó có thể thành hiện thực nếu Toshiba VM4050 chưa bao giờ xuất hiện.
Blackbery 7000 Series
Những năm trước khi 7000 ra đời, BlackBerry chỉ là một thiết bị phục vụ việc tra cứu thông tin, gửi e-mail mà không có chức năng nghe gọi như điện thoại. Và rồi RIM nhảy vào thị trường smartphone với dòng BlackBerry 7000 và 7200. Và nó lập tức trở thành một trong những chiếc điện thoại nổi tiếng nhất thế giới.
Motorola Razr V3, 2004
Hai thập kỷ sau khi Motorola DynaTAC ra đời, điện thoại di động vẫn là một thiết bị khá thô kệch. Nhưng rồi Razr V3 xuất hiện với thiết kế quyến rũ tất cả mọi người ngay từ cái nhìn đầu tiên. Ngày nay chúng ta thường xuyên nhìn thấy những chiếc điện thoại bắt mắt hơn V3 rất nhiều, nhưng khoảng 5 năm về trước việc sở hữu một thiết bị mỏng và bóng bẩy như V3 là cả một vấn đề.
iPhone, 2007
Smartphone sẽ rất nhàm chán nếu Apple không nhảy vào thị trường này. Hệ điều hành của iPhone là tấm gương cho tất cả các hãng khác noi theo. Ngoài ra, iPhone thành công là nhờ đánh vào đúng nhu cầu của người dùng, như khả năng xem YouTube, định vị GPS và kho ứng dụng khổng lồ của App Store. Nhiều năm sau, người ta vẫn xếp hàng dài để chờ những chiếc iPhone phiên bản mới nhất.
HTC Dream (T-Mobile G-1), 2008
Thật khó để chọn ra một chiếc smartphone tiêu biểu sau iPhone, nhưng HTC Dream có lẽ xứng đáng với vị trí này. Đây là chiếc điện thoại đánh dấu kỷ nguyên chiến tranh hệ điều hành. Android, Palm, iOS, Windows Mobile luôn chạy đua để cố gắng làm hài lòng người sử dụng với những tính năng cải tiến và kho ứng dụng khổng lồ của họ. Khi DynaTAC ra đời, Motorola có lẽ khó ngờ rằng 25 năm sau những chiếc điện thoại di động lại phải “đánh nhau” bằng phần mềm.
Tham khảo gadgetcrave
iPhone đã thay đổi thế giới smartphone như thế nào? (Phần cuối)
Nếu không có iPhone, thế giới smartphone sẽ ra sao? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu qua phần tiếp theo của bài viết.
4. Cuộc chạy đua hệ điều hành di động
Trước iPhone, hầu hết Smartphone trên thị trường chủ yếu chạy 1 trong 4 hệ điều hành lớn: Blackberry OS, Symbian , Palm OS và Windows Mobile. Và trong vòng 7 năm từ 2000 đến 2007, những thay đổi ở các hệ điều hành kể trên có thể đếm trên đầu ngón tay. Nói một cách dễ hiểu, trong vòng 7 năm đằng đẵng, người ta không hề cảm thấy sức ép phải cập nhật, tự làm mới chính mình.
Sản phẩm bán chạy ngày hôm qua vẫn sẽ bán chạy ngày mai, tất cả những gì người ta cần làm là thay đổi tí sơn, gắn một cái mác khác và đem quảng cáo. Và người dùng vẫn thấy thoải mái, chẳng một ai phàn nàn. Nhưng rồi iPhone vào cuộc, và câu chuyện hệ điều hành cho smartphone rẽ theo một chiều hướng hoàn toàn khác. iOS liên tục gặt hái những thành công vang dội và không ngừng lấn lướt thị phần của các bậc đàn anh. Đứng trước sự cạnh tranh khốc liệt và mạnh mẽ từ một hệ điều hành hoàn toàn mới, trẻ trung, năng động, liên tục cập nhập. Những sản phẩm già nua và bảo thủ kể trên lúng túng tìm cách làm mới chính mình.
Nhưng iOS không hề khoan nhượng. Palm OS lặng im ra đi trong một buổi chiều mùa đông 2009. Sang xuân 2010, Windows Mobile cũng ngậm ngùi theo chân, bất chấp những nỗ lực cuối cùng như việc tung ra phiên bản 6.5 mà theo nhiều đánh giá, là một cú giãy chết vô vọng. Symbian cũng tức tưởi yên giấc ngàn thu sau khi Nokia, nhà sản xuất smartphone sử dụng Symbian lớn nhất tuyên bố ngừng việc phát triển và sản xuất smartphone chạy Symbian vào cuối năm 2010. Song song với việc "tre già" là "măng mọc". iOS tiếp tục thẳng tiến, Android quật khởi và có tăng trưởng thị phần như vũ bão, có phần lấn lướt cả iOS, Windows Phone 7 cố gắng vớt vát chút hào quang của người anh xấu số, và còn một vài hệ điều hành khác cố tìm cách chen chân vào thị trường đầy béo bở nhưng cũng lắm thử thách: Bada, WebOS.
Chúng ta đều hiểu rằng, từ khi iPhone nhập cuộc, thế giới hệ điều hành cho smartphone đã trải qua quá nhiều biến động, và người tiêu dùng cũng không còn dễ tính và dễ...bảo như xưa nữa. Không còn chuyện nhà sản xuất cứ vô tư...nhồi vào mồm người tiêu dùng một sản phẩm khiếm khuyết , giữ nguyên sự bảo thủ và chậm tiến của mình và bắt người tiêu dùng chịu hậu quả. iPhone đã khởi đầu một cuộc chiến , mà nguyên lý duy nhất đó là "Chậm là chết". Không một ai muốn chết, vì thế cũng không ai dám chậm. Tất nhiên, được lợi nhất vẫn là người tiêu dùng.
5. Sự ra đời của lớp dịch vụ và cách kiếm tiền của hệ điều hành di động
Trước 2007, AppStore là một cụm từ quá mới. Năm 2011, nếu bạn dùng smartphone mà chưa từng nghe đến AppStore hay Android Market thì rất có khả năng bạn...từ trên trời rơi xuống. Quả thực, iPhone đã mở đầu cho một trào lưu hoàn toàn mới. Trước iPhone, người ta cho rằng smartphone cũng nên đi theo hướng của ngành công nghiệp PC, có nghĩa là nhà sản xuất sẽ chỉ cung cấp những gì mà người sử dụng nhìn thấy trong hộp sản phẩm. Máy, pin, tai nghe, sạc.... còn sau đó trong quá trình sử dụng sẽ không "dính dáng" gì tới phía hãng sản xuất, dùng ứng dụng gì, cài đặt gì hoàn toàn là việc của người sử dụng.
Nhưng sự thành công của AppStore đã "mở mắt" cho các hãng sản xuất smartphone rằng khả năng chạy ứng dụng của smartphone chính là một mỏ vàng lộ thiên mà các hãng sản xuất đã phớt lờ. Việc phân phối các ứng dụng đến người dùng cuối hóa ra cũng đem lại lợi nhuận không kém gì việc bán chính chiếc smartphone đó. Cách làm của Apple đem lại lợi ích cho tất cả mọi người: nhà phát triển ứng dụng tìm được thị trường, miễn là ứng dụng anh ta viết ra tốt, người sử dụng thì hài lòng với việc dễ dàng tìm được ứng dụng phù hợp với nhu cầu của mình ở mức giá phải chăng.
Và vui nhất chắc chắn là Apple, vì Apple thu đến 30% giá trị của 1 ứng dụng được rao bán trên AppStore. Nói một cách dễ hiểu, nếu bạn mua 1 ứng dụng với giá chỉ 1$, thì sẽ có 30 cent chảy vào túi Apple. Mới đây, AppStore vừa cán mốc download thứ 10 tỉ, không cần nói cũng đủ biết lợi nhuận từ nó lớn đến như thế nào. Những hãng đã bỏ lỡ cơ hội khai thác mảng bán lẻ ứng dụng trên smartphone bây giờ chỉ đành nuối tiếc ngồi nhìn Apple "phè phỡn".
AppStore cạnh tranh quyết liệt với Android Market.
iPhone ra đời, đã mở ra một cuộc cách mạng trong phương thức kiếm tiền của các nhà phát triển thiết bị cũng như hệ điều hành di động. Trước iPhone, các hãng sản xuất hệ điều hành di động như Microsoft kiếm tiền bằng cách bán giấy phép sử dụng của hệ điều hành đó cho một hãng sản xuất phần cứng. Các hãng sản xuất phần cứng như Nokia thì kiếm tiền bằng cách bán sản phẩm của mình đến người sử dụng. Tất cả các cách kiếm tiền trên đều là kiểu ăn tiền "1 cục" rồi thôi.
Còn bây giờ, Apple đang kiếm tiền trên lưng của người sử dụng ngay cả khi chiếc iPhone đó đã được bán ra hàng năm trời. Không một ai sử dụng iPhone mà lại không cần mua phần mềm từ AppStore, hay mua nhạc từ iTunes Store. Và sự thành công của AppStore đã được khẳng định, có nghĩa là với mỗi iPhone bán ra, chắc chắn Apple sẽ thu thêm được hàng trăm USD lợi nhuận từ việc bán ứng dụng. Việc cung cấp dịch vụ cho smartphone sau khi smartphone đó được bán ra bây giờ hầu như trở thành nguồn thu chính của một số hãng sản xuất. Điển hình trong đó là Google.
Hệ điều hành Android của Google là một hệ điều hành mã nguồn mở, nó được cấp phép sử dụng hoàn toàn miễn phí cho các hãng sản xuất. Có nghĩa là ai cũng có thể sản xuất smartphone chạy Android mà không phải trả một đồng nào cho Google. Google "tốt" đến mức chịu chi hàng tỉ USD chi phí cho việc nghiên cứu và phát triển Android, để tất cả chúng ta có thể sử dụng nó hoàn toàn miễn phí? Tất nhiên là không phải, Google cũng có cách kiếm tiền của mình trên Android.
Ngoài nguồn thu đến từ Android Market, thì Android còn đem đến thu nhập cho Google từ mảng quảng cáo trên smartphone. Tất cả các smartphone chạy Android đều có "dây mơ rễ má" rất sâu sắc đối với các dịch vụ do Google cung cấp: Gmail, Google Search, Google Maps. Và tất cả những dịch vụ trên đều có 1 điểm chung: lượng tiền mà chúng đem về cho Google tỉ lệ thuận với số người sử dụng chúng. Google đã thống trị dịch vụ tìm kiếm và quảng cáo trên PC, và bây giờ với Android , Google sẽ lại thống trị trên nền tảng smartphone. Với hàng trăm triệu smartphone đang lưu hành , người nào kiểm soát được thị trường smartphone có nghĩa là đã kiểm soát được tương lai của ngành công nghiệp công nghệ thông tin.
Bạn có thể tưởng tượng một năm 2011 nếu như năm 2007 Apple iPhone không cất tiếng khóc chào đời. Có lẽ chúng ta vẫn còn phải sử dụng những chiếc smartphone chạy hệ điều hành Windows Mobile cổ lỗ sĩ, vẫn xuýt xoa khi thấy người ta cầm bút chấm chấm, vẽ vẽ trên màn hình. Rất có thể Palm OS, Symbian, WinMo vẫn sẽ chung sống hòa thuận, chia nhau chiếc bánh thị phần mà không cần giành giật lẫn nhau. Và rất có thể Motorola RARZ, một biểu tượng của sự trì trệ sẽ còn tiếp tục thống trị thị trường thêm vài năm nữa, mở ra một kỉ nguyên của điện thoại nắp gập, nếu các hãng khác cũng đi theo sự thành công của RARZ.
Nếu iPhone chưa từng ra đời, rất có thể smartphone bây giờ sẽ trông giống như thế này.
Và rất có thể, tôi sẽ không bao giờ có thể ngồi viết cho bạn những dòng này, trên chiếc smartphone của tôi, nếu iPhone không ra đời.
iPhone đến và làm cho điện thoại di động không bao giờ còn như trước nữa. Cá nhân tôi cho rằng sự ra đời của iPhone là một phát minh vĩ đại. Chúng ta, những người tiêu dùng, được hưởng lợi nhiều nhất từ sự cạnh tranh giữa các hãng công nghệ. Rất có thể iPhone đang cảm thấy đuối sức trong cuộc đua với Android, thị phần của iPhone đang giảm nếu so với tốc độ tăng phi mã của Android, những tính năng và công nghệ trong iPhone dần không bắt kịp người "đồng nghiệp" nhưng điều quan trọng hơn đó là iPhone đã trở thành một hình mẫu của cái mà tất cả smartphone nên hướng tới. Thân thiện, đơn giản, thông minh, mạnh mẽ và nuột nà. Không thể không thừa nhận rằng iPhone đã trở thành một bước ngoặt lớn trong sự phát triển của ngành công nghiệp công nghệ thông tin nói chung và công nghiệp smartphone nói riêng.
Giống như những gì mà Steve đã nói trong buổi ra mắt iPhone phiên bản đầu "Ngày hôm nay, chúng ta sẽ phát minh lại điện thoại".
Theo PLXH
iPhone đã thay đổi thế giới smartphone như thế nào? (Phần 1) Bạn có bao giờ tự hỏi bản thân, liệu thị trường mobile ngày nay sẽ ra sao nếu chiếc smartphone của Apple chưa từng được phát minh? Thế giới smartphone từng rất khác so với những gì chúng ta đang chứng kiến. Cách đây mới chỉ dăm năm, người ta sẽ coi là chuyện khoa học viễn tưởng nếu bạn nói rằng bạn...