10 bài thuốc trị cảm cúm hiệu quả
Cảm cúm là vấn đề sức khỏe thường gặp nhất trong năm, nhất là vào mùa đông, khi chênh lệch nhiệt độ ngày đêm lớn và không khí ô nhiễm nặng.
Mật ong: Mật ong chứa đầy các thành phần kháng khuẩn giúp cơ thể chống lại cơn cảm cúm. Bạn chỉ cần hòa một thìa canh mật ong với một cốc nước ấm và uống vài lần trong ngày. Bạn có thể thêm vào hỗn hợp một ít nước cốt chanh để đạt hiệu quả cao hơn.
Chanh: Chanh được biết đến với các thành phần kháng khuẩn, kháng virus và chống nấm cực mạnh. Chanh còn có tác dụng kháng viêm. Bạn chỉ cần vắt nửa quả chanh vào cốc nước ấm và uống vài lần mỗi ngày.
Gừng: Gừng có tác dụng kháng viêm và làm ấm, nhờ đó từ lâu đã được sử dụng như một bài thuốc hiệu quả giúp điều trị cảm cúm. Gừng còn giúp tăng cường sức đề kháng, giúp chống lại các bệnh do nhiễm khuẩn khác.
Tỏi: Nhờ có các thành phần chống virus và khử trùng, tỏi trở thành một bài thuốc hiệu quả khi bạn bị cảm cúm. Tỏi còn có khả năng tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ cơ thể khỏi các vi sinh vật gây bệnh.
Video đang HOT
Xông hơi: Hơi nóng từ việc xông hơi giúp cơ thể đào thải các độc tố, nhờ đó điều trị cơn cảm cúm. Bạn có thể tắm vòi sen nóng; hoặc đổ nước nóng vào một cái nồi hoặc chậu to, cúi mặt sát nước và trùm chăn qua đầu để giữ không cho hơi nước thoát ra ngoài.
Xịt nước muối: Xịt nước muối là một cách hiệu quả để làm dịu các triệu chứng cảm cúm. Nước muối làm giảm dịch nhầy ở mũi và họng, giúp bạn cảm thấy dễ thở hơn. Nước muối còn giúp loại bỏ vi khuẩn ở khoang mũi.
Bình rửa mũi (Neti pot): Đây là một phương pháp trị ngạt mũi cực kì hiệu quả. Bạn chỉ cần đổ đầy nước muối sinh lý vào bình, sau đó nghiêng đầu và rót nước vào một bên khoang mũi để nước muối làm sạch khoang mũi.
Si-rô ho: Si-rô ho là một trong những bài thuốc trị cảm cúm lâu đời và hiệu quả nhất. Si-rô ho giúp làm dịu họng và giảm các cơn ho. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ để tìm ra loại si-rô ho phù hợp với mình nhất.
Cháo: Đây là phương pháp trị cúm ngon lành nhất. Để tăng sức mạnh chữa cúm của cháo, bạn có thể thêm hành và ớt chuông để bổ sung chất chống oxy hóa; đồng thời thêm nước thịt để giúp làm dịu họng. Cháo và canh nóng là những món ăn hàng đầu dành cho người bị cảm cúm.
Nước: Việc cung cấp đủ nước cho cơ thể là rất quan trọng để có thể đẩy virus ra khỏi cơ thể. Ngoài nước lọc, bạn có thể uống trà xanh hoặc trà đen, trà gừng, hoặc các dung dịch chứa các chất điện giải./.
T.H./VOV.VN (biên dịch)
Theo Facty
Nguy cơ cao dịch bệnh bùng phát
Rét đậm cùng với không khí ô nhiễm đang ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe của người dân, khiến cho nhiều dịch bệnh truyền nhiễm gia tăng.
Miền Bắc đang phải đón nhận các đợt không khí lạnh mạnh tăng cường khiến nhiệt độ ở nhiều nơi xuống thấp, thậm chí ở vùng núi xuất hiện băng giá, sương muối. Thời tiết giá rét kéo dài, cùng với đó là hiện tượng nghịch nhiệt đêm lạnh, ngày hửng nắng đã làm không khí gia tăng ô nhiễm, với nồng độ bụi mịn PM2.5 tăng rất cao. Rét đậm cùng với không khí ô nhiễm đang ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe của người dân, khiến cho nhiều dịch bệnh truyền nhiễm gia tăng.
Đổ bệnh vì giá rét
Ghi nhận tại một số bệnh viện lớn ở TP Hà Nội như: Bạch Mai, Nhi Trung ương, Thanh Nhàn, Xanh Pôn cho thấy số trẻ nhỏ được gia đình đưa tới khám, điều trị các bệnh do thời tiết giá lạnh gây ra đang có chiều hướng gia tăng. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương cùng với số trẻ bị sốt cao, tiêu chảy, viêm đường hô hấp thì có khá nhiều trường hợp mắc cúm mùa.
PGS-TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết, hiện nay, tại Trung tâm Y học lâm sàng và các bệnh nhiệt đới trẻ em của bệnh viện đang điều trị cho hơn 30 trẻ mắc cúm mùa. Đa số các ca nhập viện đều biến chứng sang viêm phổi, có trường hợp chỉ vài tháng tuổi đã mắc cúm biến chứng.
Theo bác sĩ Trần Minh Điển, dù bệnh sởi có xu hướng giảm nhưng số ca mắc rải rác vẫn xuất hiện. Bệnh viện đang điều trị cho gần 10 trẻ bị sởi biến chứng và đều chưa tiêm chủng. Tương tự, bệnh ho gà có xu hướng tăng, gặp nhiều ở trẻ dưới 3 tháng tuổi do chưa tới tuổi tiêm chủng.
Tại Bệnh viện Xanh Pôn, số trẻ được đưa tới khám các bệnh về viêm đường hô hấp, tiêu chảy, sốt xuất huyết, sốt cao... hơn 300 trẻ/ngày, tăng hơn 10% so với tháng trước.
Thời tiết rét đậm cùng với không khí bị ô nhiễm cũng đang khiến nhiều người lớn đổ bệnh. Tại Bệnh viện Phổi trung ương ghi nhận khoảng 300 ca nhập viện/ngày, tăng gấp rưỡi so với tháng trước đó. Bác sĩ Vũ Văn Thành, Trưởng khoa Bệnh phổi mãn tính, cho biết, thời tiết chuyển lạnh cùng với ô nhiễm không khí thì phổi, đường hô hấp chính là cơ quan bị tác động trực tiếp, dễ cảm nhiễm và hay bị bệnh nhất với các bệnh phổ biến như: viêm phế quản cấp, viêm phổi, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn.
Tiêm ngừa đầy đủ vaccine
Đáng lo ngại hơn trong điều kiện thời tiết mùa đông xuân hiện nay cũng làm gia tăng nhiều dịch bệnh nguy hiểm. Trong đó bệnh mắc nhiều nhất là sốt xuất huyết (SXH), với hơn 250.000 người mắc được ghi nhận trong vòng 12 tháng qua và so với cùng kỳ năm 2018, số người mắc SXH tăng hơn 300%. Tiếp đó cả nước cũng ghi nhận gần 85.000 người mắc tay chân miệng, hơn 41.000 người sốt phát ban nghi sởi, trong đó hơn 8.200 trường hợp dương tính với sởi. Tại các địa phương vẫn tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc các bệnh như: bạch hầu, liên cầu heo ở người, viêm màng não do não mô cầu, ho gà, viêm não.
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, trong giai đoạn thời tiết chuyển mùa đông xuân thường tạo ra sự thay đổi về môi trường, nhiệt độ, độ ẩm gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, làm tăng nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt đối với những người sức khỏe yếu, sức đề kháng giảm hoặc không thích nghi kịp sẽ dễ bị nhiễm bệnh. Đồng thời đây cũng là điều kiện môi trường thuận lợi cho các mầm bệnh phát triển và lây lan như: bệnh đường hô hấp, cảm, cúm, tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu. Hơn nữa, vào thời điểm cuối năm, giáp tết nên nhu cầu giao lưu, đi lại và tập trung đông người là cơ hội cho dịch bệnh có thể bùng phát, lây lan nhanh trong cộng đồng.
Để bảo vệ sức khỏe, phòng chống bệnh trong thời điểm mùa đông xuân, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo mọi người: cần quan tâm, chủ động tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch (đối với các bệnh có vaccine phòng bệnh như: sởi, rubella, ho gà, não mô cầu, thủy đậu, cúm...); giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh; ủ ấm cho trẻ em khi đi xe máy, ra ngoài trời; khi làm việc ngoài trời, ra ngoài trời vào ban đêm, sáng sớm phải mặc đủ ấm, lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu; tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp; đảm bảo an toàn thực phẩm, ăn chín, uống chín, ăn uống đủ chất, đủ dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng; đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày.
QUỐC KHÁNH
Theo SGGP
Thận trọng dùng thuốc khi bị cảm cúm Khi thời tiết lạnh, sẽ rất nhiều người bị cảm cúm. Một trong những triệu chứng khi bị cảm cúm là sốt. Đây là một phản ứng bảo vệ của cơ thể để chống lại các tác nhân gây bệnh. Chỉ nên dùng thuốc hạ sốt giảm đau khi sốt cao Khi nào cần hạ sốt? Sốt là cơ chế bảo vệ chống...