10 bài học rút ra từ một Singapore thành công của ông Lý Quang Diệu
Hôm nay 29.3, Singapore tổ chức lễ truy điệu ông Lý Quang Diệu, cựu thủ tướng đầu tiên của Singapore, từ trần vào ngày 23.3 ở tuổi 91. Ông là người đã đưa Singapore đạt được thành công đáng kể trong việc chuyển mình từ một nước thế giới thứ ba trở thành một nước thế giới thứ nhất và các quốc gia có thể rút ra nhiều bài học từ sự thành công này.
Ông Lý Quang Diệu trong một cuộc phỏng vấn với báo đài Singapore ngày 14.9.2011 – Ảnh: Reuters
Một trong những nhà ngoại giao nổi tiếng của Singapore, giáo sư Kishore Mahbubani, hiện là Hiệu trưởng Trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore, vừa qua đã có một bài thuyết giảng tại Đông Timor về những bài học rút ra từ sự thành công của Singapore, tập trung vào 10 lý do.
Bài thuyết giảng của giáo sư Mahbubani được đăng tải trên tạp chí The Diplomat (trụ sở ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản):
Một, ông Mahbubani thừa nhận Singapore may mắn. Singapore may mắn được ông Lý Quang Diệu, cùng hai cựu phó thủ tướng là ông S. Rajaratnam (1915-2006) và ông Ngô Khánh Thụy (1918-2010) định hướng phát triển và lãnh đạo, dẫn dắt đảo quốc sư tử đến con đường thành công.
Hai, Singapore nuôi dưỡng chế độ nhân tài, tức đảm bảo chính quyền do những người thực sự có tài năng nắm giữ. Singapore đảm bảo các công chức được tuyển dụng công bằng và phải là những người có tài thật sự. Họ được thăng chức và trả lương xứng đáng. Giáo sư Mahbubani dẫn lời ông Lý Quang Diệu từng nói: “Một tập thể lãnh đạo chính trị vững mạnh cần đội ngũ công chức trung lập, có năng lực, trung thực”.
Ba, các lãnh đạo Singapore áp dụng “chủ nghĩa thực dụng” như một triết lý chủ đạo. Ông Mahbubani lưu ý cựu Phó thủ tướng Ngô Khánh Thụy đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng Cải cách Minh trị của Nhật Bản, theo đó các lãnh đạo Nhật đã bỏ ra rất nhiều thời gian cố học hỏi, sao chép từ khắp thế giới rồi áp dụng có chọn lọc những gì tốt nhất cho Nhật Bản. Và Singapore cũng áp dụng biện pháp tương tự như Nhật Bản.
Bốn, Singapore tối đa hóa “sự tận dụng” trong chính sách ngoại giao của nước này. Nhận thức được rằng các quốc gia nhỏ bé không thể có kẻ thù, nước này luôn khéo léo tạo dựng quan hệ với các quốc gia khác nhằm bảo tồn ổn định và thịnh vượng. Giáo sư Mahbubani dẫn lời cựu Phó thủ tướng Singapore S. Rajaratnam phát biểu hồi năm 1965 trước Liên Hiệp Quốc: “Chúng tôi muốn sống trong hòa bình cùng với tất cả các quốc gia láng giềng đơn giản bởi vì chúng tôi có quá nhiều thứ để mất nếu xảy ra chiến tranh với họ. Chính vì thế, tất cả những gì chúng tôi đề nghị là hãy để chúng tôi tự mình xây dựng đất nước theo hướng người dân mong muốn”.
Năm, các lãnh đạo Singapore tập trung vào việc bắt đầu bằng những chiến thắng nhỏ. Giáo sư Mahbubani cho biết đạt được sự phát triển không đồng nghĩa với việc nhanh chóng cải cách toàn diện qua loa, nhưng những bước đi nhỏ lại tạo ra một ảnh hướng lớn đến đời sống người dân, chẳng hạn nhưng lắp đường ống dẫn nước cung cấp nước cho một ngôi làng.
Video đang HOT
Khu vực quận tài chính của Singapore – Ảnh: Reuters
Sáu, Singapore không phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài, mà phụ thuộc vào đầu tư và thương mại để đạt được những mục tiêu phát triển. Giáo sư Mahbubani tranh luận rằng viện trợ phương Tây thường chảy ngược về đất nước cho viện trợ dưới hình thức chi phí điều hành, phí tư vấn và hợp động, điều này cho thấy mang tiếng viện trợ nhưng thật sự chẳng viện trợ gì nhiều cho những quốc gia đang phát triển. Ông Mahbubani nhấn mạnh sự thành công của Ủy ban Phát triển Kinh tế Singapore là mang nguồn vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp về đảo quốc sư tử.
Bảy, Singapore có chính sách tôn trọng các dân tộc. Để điều tiết tất cả cộng đồng các dân tộc ở nước này (bao gồm người Trung Quốc, Malaysia và Ấn Độ), Singapore sử dụng bốn thứ tiếng: tiếng Anh, tiếng phổ thông (tiếng Trung), Malaysia và Tamil. Để đảm bảo sự cân bằng, Singapore dùng tiếng Anh, một ngôn ngữ phổ biến khắp thế giới, để giảng dạy nhằm tăng cường giao tiếp giữa các dân tộc, cho phép họ học tiếng mẹ đẻ.
Tám, các lãnh đạo Singapore “nhìn xa trông rộng”. Giáo sư Mahbubani dẫn chứng bằng ví dụ về việc Singapore cần đảm bảo nguồn nước. Thậm chí Singapore đã ký kết thỏa thuận cung cấp nước 100 năm với Malaysia vào năm 1961, nhưng các lãnh đạo Singapore thừa nhận họ không thể trông đợi mãi vào tài nguyên nước của quốc gia láng giềng. Chính vì lẽ đó, Singapore đầu tư nhiều hướng để có nguồn cung cấp nước riêng của mình, bao gồm hồ chứa nước dự trữ, nhà máy lọc nước biển thành nước sinh hoạt…
Chín, Singapore tập trung đầu tư vào phúc lợi xã hội cho người dân nước này bằng nhiều cách khác nhau, bao gồm giáo dục và y tế chất lượng cao, nhà ở xã hội giá cả hợp lý đảm bảo đa số người dân có thể mua nhà, phương tiện giao thông công cộng và quỹ tiết kiệm bắt buộc đối với công nhân.
Mười, các lãnh đạo Singapore trung thực và không tham nhũng. Sự trung thực khiến cho người dân cảm thấy tự tin về những vị lãnh đạo của họ và giúp các nhà đầu tư không phải phân vân khi muốn đầu tư vào Singapore, theo giáo sư Mahbubani.
Là một luật sư được đào tạo ở Anh, ông Lý Quang Diệu giữ chức Thủ tướng Singapore từ năm 1959 cho đến năm 1990. Sau đó, ông Ngô Tác Đống lên kế nhiệm Thủ tướng Singapore trong giai đoạn 1990 – 2004. Và ông Lý Hiển Long, con trai của ông Lý Quang Diệu, kế nhiệm ông Ngô Tác Đống trong cương vị Thủ tướng Singapore kể từ năm 2004 đến nay, theo AFP.
Trong quyển sách One Man’s View of the World (tạm dịch “Tầm nhìn của một người đàn ông về thế giới”) xuất bản năm 2013, ông Lý Quang Diệu nhìn lại sự nghiệp của mình và kết luận: “Đối với tôi, tôi đã tận dụng hết tất cả khả năng của mình, thực hiện hết những gì tôi muốn làm. Tôi cảm thấy hài lòng”.
Trong bài phát biểu ngày 23.3.2015, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long dẫn lại lời cha mình từng nói trước đây: “Tôi đã dành hết cuộc đời mình xây dựng đất nước này. Cuối cùng, tôi được gì? Một đất nước Singapore thành công. Tôi đã từ bỏ điều gì? Cuộc đời của tôi”.
Phúc Duy
Theo Thanhnien
Căn nhà giản dị của cố thủ tướng Lý Quang Diệu
Rất ít người được đặt chân tới nơi ở riêng của vị lãnh đạo kiệt xuất Singapore. Một nhóm bạn của Tiến sỹ Lý Vỹ Linh - con gái cố Thủ tướng Lý Quang Diệu may mắn có cơ hội này và họ không khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến chốn riêng tư đơn sơ, giản dị của ông.
Toàn cảnh phòng khách của căn nhà
Cách đây gần 5 năm, ngày 11/4/2010, Tiến sỹ Lý Vỹ Linh - con gái duy nhất của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu đã mời một nhóm bạn về thăm nhà. Đó là ngôi nhà riêng số 38 nằm trên đường Oxley, nơi cách tuyến phố mua sắm sầm uất Orchard chỉ vài phút đi bộ. Tại đây, họ được tận mắt chứng kiến cuộc sống rất giản dị của "kiến trúc sư trưởng" làm nên Singapore hiện đại ngày nay.
Những vật dụng trong nhà đều rất giản dị
Khi Tiến sỹ Lý Vỹ Linh giới thiệu phòng ngủ của cha mình, các vị khách nghe thấy tiếng ông Lý Quang Diệu đọc sách cho vợ ở phòng bên cạnh. Sau nhiều lần đột quỵ, bà Kha Ngọc Chi phải nằm liệt giường.
Khi còn sống, cố Thủ tướng vẫn dùng chiếc cặp tài liệu đỏ đã cũ
Giây phút sinh hoạt đầm ấm của cả gia đình
Căn phòng quá đơn sơ của người lãnh đạo đứng đầu Singapore khiến mọi người đều kinh ngạc. Cả phòng chỉ có một chiếc giường với chăn mỏng và không có gối. Màn hình của chiếc máy tính đặt trên bàn cạnh giường đang nhấp nháy báo hiệu thư thư điện tử được chuyển tới.
Dưới sàn nhà là chiếc cặp tài liệu đỏ - một món đồ khá cũ mà có lẽ chỉ ông Lý là người duy nhất ở Singapore còn sử dụng. Tiến sỹ Lý Vỹ Lâm đã xin phép cha mở va li cho bạn xem. Ông không phải đối và vẫn tiếp tục đọc sách cho vợ.
Cố Thủ tướng trong căn phòng riêng
Khi sức khỏe còn cho phép, ông vẫn tập thể dục buổi sáng trên xe đạp cũ
Các căn phòng khác trong nhà vẫn giữ nguyên nếp giản dị vốn có. Phòng tắm tầng dưới có đặt cái chum cũ (người Hoa dùng để làm trứng muối), thùng đựng nước và chiếc gáo nhựa. Một chiếc xe đạp cũ dựng ở góc nhà từng là vật dụng thân thiết của cố Thủ tướng. Ông vẫn dùng nó đạp xe hàng ngày khi tập thể dục buổi sáng cho tới khi sức khỏe không cho phép.
Căn nhà được bao bọc bởi vườn cây xanh tốt
Từ năm 1960 tới 2011, tổng GDP bình quân đầu người ở Singapore đã tăng lên hơn 100 lần nhưng không gian sống của ông Lý Quang Diệu gần như không đổi. Thậm chí, nó trở nên lu mờ hơn so với những căn nhà gỗ trị giá hàng triệu đô mọc ở xung quanh.
Hoàng Hà
Theo Dantri/News
Hôm nay, nhiều lãnh đạo thế giới sẽ dự lễ tang ông Lý Quang Diệu Singapore hôm nay sẽ tiễn đưa cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu, với một lễ rước và sau đó là lễ tang cấp nhà nước dự kiến có sự tham dự của nhiều lãnh đạo thế giới. Một tấm biển lớn tưởng nhớ cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu (Ảnh: AFP) Theo kế hoạch tổ chức tang lễ, linh cữu của ông Lý...