Yoshoku – “trường phái” món ăn ngoại quốc nhưng mang đậm tinh hoa Nhật Bản
Dù là những món ăn có nguồn gốc từ các nước khác nhưng người Nhật lại thêm vào những biến tấu của riêng mình khiến chúng trở thành một nét ẩm thực rất riêng.
Nói về ẩm thực Nhật Bản thì đấy là cả một thế giới với hàng ngàn ngõ ngách sâu hun hút mà có kể cả ngày cũng không hết. Tuy nhiên về mặt cơ bản, có thể chia thành hai trường phái là Washoku và Yoshoku. Washoku là những món ăn truyền thống Nhật Bản như onigiri, sushi, soba… còn Yoshoku là những món ăn có nguồn gốc châu Âu hoặc Mỹ (gọi chung là phương Tây). Những món này không phải là món ăn phương Tây chính thống, mà chỉ có nguồn gốc hoặc một ít đặc điểm của phương Tây, được người Nhật thêm vào những biến tấu rất riêng. Yoshoku, về mọi nghĩa, là những món ăn mang “quốc tịch” Nhật Bản 100% chẳng khác gì ẩm thực truyền thống, chứ không phải “đồ phương Tây”.
Yoshoku có nguồn gốc từ thời Meiji, khi nguyên liệu làm nên các món ăn phương Tây còn khan hiếm, nhưng nhu cầu lại cao do người phương Tây bắt đầu sinh sống và làm việc nơi đây nhiều. Chính vì thế mà các đầu bếp người Nhật thời đó phải ứng biến, cắt ghép ẩm thực Nhật và ẩm thực phương Tây sao cho hài hoà và ngon miệng. Hiện tại thì Yoshoku được xem là một nét ẩm thực đặc sắc của Nhật Bản do có sự pha trộn hoàn hảo giữa hai nền văn hoá.
Hãy cùng chúng mình điểm qua một số món Yoshoku mà có lẽ mọi người đều quen thuộc nhé!
Omuraisu (Cơm cuộn trứng)
Omuraisu là một món cơm nổi tiếng của Nhật Bản cũng chẳng thua kém gì onigiri hay sushi truyền thống. Món ăn này được phục vụ trong hầu hết các quán ăn Nhật Bản và có vô số lần xuất hiện trên phim, truyện, anime… Cái tên Omuraisu được lấy từ Omelette (trứng rán) và Rice (cơm). Tuy nhiên bản thân món này cũng không chỉ có cơm ăn với trứng, mà được làm cầu kì. Cơm phải là cơm xào thịt cùng tương cà, thêm nấm xắt nhỏ và ít đậu. Cơm này sau đó phải được phủ, bọc bằng một lớp trứng bên ngoài. Trứng phải mềm và ẩm chứ không được quá chín. Hiện tại món này được giản lược bằng cách cho trứng lên cơm, tuy nhiên đó không phải là cách làm đúng.
Kareraisu (Cơm cà ri)
Mặc dù cà ri có nguồn gốc Ấn Độ, song vẫn được xem là Yoshoku vì nó được đem vào Nhật thông qua người Anh vào những năm 80. Kareraisu là sự kết hợp của cà ri và cơm. Trước khi vào Nhật, cà ri chỉ được ăn cùng bánh mì dẹt chapati kiểu Ấn, hoặc bánh mì Pháp khi sang đến Anh Quốc. Hiện tại thì món cơm cà ri Nhật Bản nổi tiếng đến mức có những chuỗi nhà hàng và quán ăn chỉ dành riêng cho các loại cơm cà ri. Thậm chí, người Nhật còn có cả bột cà ri ăn liền bạn có thể làm trong vòng 5 phút để ăn cùng cơm trắng.
Mỗi người nấu cà ri ở Nhật đều có một cái gọi là nguyên liệu “bí ẩn” để khiến món cà ri có hương vị độc nhất vô nhị như cà phê, miso, phô mai hay thậm chí là… chocolate.
Video đang HOT
Korokke (Croquettes)
Croquette là món khoai tây nghiền trộn với nước sốt Béchamel rồi đem chiên giòn. Món này có xuất xứ từ Pháp. Korokke là phiên âm Nhật của món này. Ở Nhật, Korokke được cho thêm các loại thịt bằm, đậu, hành tây xắt nhỏ. Đôi khi người Nhật sẽ trộn bất kì nguyên liệu gì họ thích để làm bánh như chả cá kamaboko truyền thống, tôm, cua hoặc bắp… Bánh Korokke của Nhật cũng giòn hơn do dùng bột panko áo một lớp mỏng bên ngoài.
Hambagu (Hamburger)
Nếu bạn gọi một phần Hamburger kiểu Nhật ở một quán không phải chuỗi thức ăn nhanh, có lẽ bạn sẽ bất ngờ trước hình dạng lạ lẫm của món ăn này. Hambagu kiểu Nhật chỉ có phần thịt của chiếc hamburger bình thường mà không kẹp với bánh mì tròn. Cách làm phần thịt (patty) này cũng rất khác, thịt bò hoặc heo (hoặc cả hai) được trộn cùng với bột chiên giòn, trứng, hành xắt nhỏ và gia vị. Món này thường được ăn cùng cơm hoặc salad với nước sốt, cải bào và sốt ponzu (nước chấm làm từ quýt, cam, nước tương, nước dùng dashi và đường).
Roru Kyabtesu (Bắp cải cuộn thịt)
Có xuất xứ từ Thuỵ Điển và Phần Lan, món bắp cả cuộn thịt thường được hầm và ăn cùng với một loại sốt mứt trái cây chua chua. Ở những quốc gia Đông Âu thì món này được ăn kèm với sốt cà chua hoặc kem chua. Ở nhiều nơi, món bắp cải này chỉ có kích cỡ như một điếu xì gà.
Bắp cải cuộn đã theo chân những người phương Tây đi vào lãnh thổ Nhật và ở lại mãi mãi. Công thức làm bắp cải cuộn thịt không khác với công thức truyền thống lắm, bao gồm thịt bằm, hành tây và cà rốt. Tuy nhiên thay vì ăn với các loại sốt kể trên thì người Nhật thường thêm món này vào lẩu Oden cùng với chả cá và nước dùng dashi.
Guratan (Gratin kiểu Pháp)
Gratin là một từ tiếng Pháp có nghĩa là làm nâu bề mặt của một món ăn bằng bếp lò, trong khi Guratan (phiên âm gratin của Nhật) dùng để chỉ đích danh món ăn được làm từ nui macaroni trộn với sốt Béchamel, phủ thêm lớp phô mai rồi đem đút lò. Món ăn này được bán nhiều trong các cửa hàng tiện lợi như một món ăn sẵn, để thực khách có thể mua về nhà và tự cho vào lò vi sóng. Ngoài ra thì Guratan còn có một phiên bản khác, cho cơm vào làm món chính thay vì nui, có thêm sốt thịt bằm hoặc hải sản.
Theo Trí Thức Trẻ
Cách phân biệt, gọi tên các món chiên Nhật khi đi ăn sao cho không bị "hố"
Chỉ là đồ chiên, nhưng người Nhật có vô số những món có kỹ thuật chế biến khác nhau, cho ra thành phẩm khác nhau từ hương vị đến kết cấu nên việc phân biệt là rất cần thiết để không bị "hố" khi đi ăn đồ Nhật.
Nếu có kinh nghiệm đi ăn đồ Nhật, hẳn bạn phải biết rằng nếu chỉ gọi "tôm chiên" thì nhân viên sẽ phải hỏi lại, "furai hay tempura". Đó là hai loại đồ chiên Nhật Bản phổ biến thường thấy nhất, song thì đó cũng không phải hai phương pháp chiên duy nhất mà còn vô số những món khác nhau. Cùng chúng mình điểm qua các món đồ chiên phổ biết nhất của Nhật Bản bằng list sau nhé!
Furai
Furai, đọc là "phư-ra-i", được phiên âm từ chữ "fry" trong tiếng Anh, có nghĩa đơn giản là chiên, rán. Đây là một trong những kĩ thuật rán cơ bản nhất, là những món đồ chiên (phần lớn là tôm, cá) được áo một lớp bột chiên xù panko mỏng, có vị giòn và hơi ẩm hơn các món chiên khác. Những món furai thường được ăn kèm với bắp cải bào và một loại nước chấm hơi có vị chua như giấm.
Tonkatsu
Tonkatsu gần như là anh em cùng cha khác mẹ với furai, khi mà cũng có kỹ thuật áo một lớp panko mỏng tương tự. Điểm khác biệt duy nhất của furai và tonkatsu có lẽ là nguyên liệu. Khi furai chủ yếu sử dụng hải sản thì tonkatsu phần lớn sử dụng thịt heo cốt lết (đôi khi là bò). Được biết, tonkatsu thường được ăn với một loại sốt tương có vị chua ngọt và ăn kèm với cơm hoặc cơm cà ri.
Tempura
Một khía cạnh không nhỏ của ẩm thực Nhật bị ảnh hưởng bởi người Bồ Đào Nha do tiếp xúc thông thương nhiều vào những năm thế kỷ 16. Tempura là một kỹ thuật chiên lấy cảm hứng từ các món fritter của người Bồ Đào Nha. Các món này có đặc điểm được phủ bởi một lớp bột dày và hơi đặc sánh, chứ không giòn và mỏng như furai và tonkatsu. Lớp bột này có kết cấu gần như một lớp bánh rán bên ngoài, tuy nhiên đối với tempura của Nhật thì lớp bột này giòn, mỏng và cứng hơn một chút so với fritter.
Tempura được xem như một loại hình nghệ thuật Nhật Bản, khi mà bất kì món nào cũng có thể làm tempura được, từ tôm, thịt, cá đến các loại rau củ hay thậm chí... là lá phong.
Karaage
Karaage có điểm tương đồng với cả furai, tempura và tonkatsu, nhưng lại có một vài điểm khác rất nhỏ. Dù vậy nhưng chỉ cần một ít điểm khác đó đã đủ để khiến Karaage được xếp vào một loại riêng biệt. Các món thịt được chiên bằng phương pháp karaage thường được ướp với gia vị trước, và lớp bột áo bên ngoài thì làm từ bột lúa mì hoặc một ngô nên có độ dẻo nhất định, áo một lớp khá mỏng bên ngoài và không giòn lắm so với những loại khác.
Korokke
Korokke thường bị nhầm là Tonkatsu, bởi ngoại hình tương tự. Tuy nhiên Korokke lại là một loại đồ chiên rất khác những món còn lại. Korokke được lấy từ phiên âm của món croquette (Pháp). Croquette của Pháp chỉ những món thịt bằm trộn cùng khoai tây nghiền được vo viên, áo trong vụn bánh mì và đem chiên lên. Korokke Nhật cũng tương tự, nhưng đa dạng hơn về nguyên liệu (thịt, hải sản băm nhỏ...) và có hình dạng dẹt dẹt giống tonkatsu.
Theo Trí Thức Trẻ
Điểm danh những món đồ ngọt có nguồn gốc phương Tây được người Nhật biến tấu tài tình đến mức "áp đảo" bản gốc Chỉ với một chút biến tấu nho nhỏ, người Nhật đã tạo ra những chiếc bánh gốc Mỹ thành các phiên bản độc đáo thuộc về mình! Có thể nói, bánh ngọt Nhật Bản là một trong những món ăn có "visual" đẹp nhất thế giới, với màu sắc, kết cấu được kiến tạo hài hoà. Những món bánh Nhật không những ngon...