“Yêu” trong ngày hành kinh: Dễ lạc nội mạc tử cung
Không chỉ gây cảm giác đau dữ dội, mệt mỏi… lạc nội mạc tử cung còn là nguyên nhân gây vô sinh ở nữ giới.
ảnh minh họa
Lấy chồng đã được gần nửa năm nhưng hai vợ chồng chị Thu Thương (Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn chưa có con, dù trước khi kết hôn cả hai đã đi kiểm tra sức khỏe sinh sản và không có vấn đề gì. Mặc dù lo lắng, nhưng chị nghĩ có thể do quan hệ không đúng thời điểm hoặc thói quen ăn uống, sinh hoạt không lành mạnh nên chưa có con là điều dễ hiểu.
Thế nhưng, thời gian gần đây, chị Thương luôn cảm thấy mệt mỏi, đau đầu và đau bụng dữ dội vào những ngày “đèn đỏ”. Qua tháng thứ nhất chị cố gắng chịu, nhưng đến tháng thứ 2 chị đành bảo chồng đưa đi khám vì không thể chịu nổi cơn đau.
Sau khi khám, bác sĩ kết luận bị bị lạc nội mạc tử cung và một trong những nguyên nhân có thể dẫn tới căn bệnh này chính là “yêu” trong ngày hành kinh.
Nguy cơ vô sinh cao
Nội mạc tử cung là lớp lót bên trong tử cung, thường bong ra khi hành kinh và lại được tái tạo khi sạch kinh. Nội mạc tử cung có nhiệm vụ như một cái đệm êm ái cho thai nhi “nằm”.
Lạc nội mạc tử cung là hiện tượng máu kinh (có lẫn những nội mạc tử cung bong ra thành mảng nhỏ) bị chảy ngược trở lại buồng trứng, khoang bụng, bàng quang, trực tràng…. Những mảnh vụn của nội mạc tử cung đọng lại ở những nơi này và phát triển, gây đau đớn cho cơ thể người phụ nữ.
Video đang HOT
Bác sĩ Lê Thị Kim Dung, Trưởng phòng khám Sản phụ khoa, Trung tâm y tế Thái Hà cho biết: “Lạc nội mạc tử cung là bệnh lý nguy hiểm với chị em phụ nữ. Nó là nguyên nhân phổ biến gây vô sinh ở nữ.”
Theo bác sĩ Kim Dung, khi lớp niêm mạc tử cung bong ra và không được đào thải ra ngoài cùng với máu kinh, chúng sẽ bám vào vùng chậu, dày hơn bình thường khiến cho vòi trứng bị tắc, do đó, tinh trùng không thể di chuyển tới đích vào gặp trứng được Ngay cả khi trứng được thụ tinh thì cũng khó di chuyển đến tử cung, gây ra nguy cơ chửa ngoài dạ con.
Bên cạnh đó, lạc nội mạc tử cung còn khiến người bệnh đau dữ dội khi hành kinh, biến đổi môi trường nội tiết tố, gây rối loạn nang trứng và sự rụng trứng – hai trong nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ vô sinh. Ngoài ra, nếu không được điều trị, các mảnh nội mạc tử cung bị lạc sẽ có nguy cơ phát triển thành một số loại bệnh ung thư.
Nguyên nhân gây lạc nội mạc tử cung đến nay vẫn chưa được xác định rõ ràng, cụ thể, nó có thể do cấu tạo cơ quan sinh sản của mỗi người, hay quan hệ trong ngày “đèn đỏ” làm máu kinh đi ngược vào trong, nhưng theo bác sĩ Kim Dung, đa phần nguyên nhân có thể đến từ việc can thiệp nhiều vào cơ quan sinh sản như nạo phá thai nhiều lần làm cho nội mạc di chuyển đến những vùng đáng lẽ nó không được tồn tại.
Sau điều trị bệnh: Nên có thai luôn
Những người bị lạc nội mạc tử cung có các triệu chứng như: đau bụng dữ dội trong chu kỳ kinh nguyệt, đau trong và sau khi giao hợp, khi đi vệ sinh và một số triệu chứng khác như mệt mỏi, buồn nôn, xuất huyết nhiều.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Dung, việc khám xét để phát hiện lạc nội mạc không hề dễ dàng, thậm chí cần phải tiến hành nội soi và tiến hành lấy mẫu nội mạc xét nghiệm. Với những trường hợp nhẹ có thể điều trị bằng thuốc nội tiết, nghiêm trọng hơn sẽ phải tiến hành phẫu thuật.
Trong các trường hợp bệnh nhân bị bệnh lạc nội mạc tử cung, sau khi phẫu thuật, bệnh nhân đều được các bác sĩ khuyên nên có thai luôn. Đó là bởi vì khi có thai, nội tiết tố được cải thiện hơn, các estrogen, testosterone sẽ khống chế làm cho tế bào lạc nội mạc bị suy giảm, ức chế không phát triển.
Để phòng ngừa lạc nội mạc tử cung, bác sĩ Dung khuyến cáo chị em phụ nữ nên vệ sinh sạch sẽ cơ quan sinh dục, đặc biệt là trong chu kỳ kinh nguyệt để tránh viêm, nhiễm, không tự ý thụt rửa âm đạo để ngăn ngừa vi khuẩn thâm nhập vào trong, hạn chế tối đa việc can thiệp vào cơ quan sinh sản như nạo, phá, hút thai… và nên đi khám phụ khoa định kỳ 6 tháng một lần để phát hiện các bệnh phụ khoa kịp thời.
Theo SKGĐ
Sảy thai nhiều lần, nguyên nhân do đâu?
Nguyên nhân của việc sảy thai liên tiếp là do người phụ nữ bị dị dạng tử cung, mắc bệnh đái tháo đường hoặc bị lạc nội mạc tử cung.
Nhiều bà mẹ đã khấp khởi mừng thầm khi mang thai nhưng không khỏi đau khổ khi không giữ được giọt máu của mình. Thậm chí, nhiều bà mẹ mang thai tới 4 lần thì cả 4 lần đều sảy thai.
4 lần... làm mẹ hụt
Chị H. (Sóc Sơn, Hà Nội) buồn bã kể 30 tuổi chị mới lập gia đình. Hai vợ chồng đều khỏe mạnh, nhưng lấy chồng 5 năm với 4 lần mang thai thì cả bốn lần chị đều không giữ được con.
'Lần thứ nhất là khi tôi cưới chồng sau 5 tháng, đến khi thai 16 tuần thì cũng tự nhiên bị vỡ ối, đến viện thì thai đã bị lưu. Sau đó 6 tháng, tôi tiếp tục mang thai lần thứ 2. Rút kinh nghiệm lần trước, lần này tôi không dám làm việc nặng, đi lại cũng rón rén nhẹ nhàng, thậm chí không dám tự đi xe máy. Thế nhưng thai cũng chỉ được đến tuần 24 thì lại sẩy. Hai vợ chồng chỉ biết ôm nhau mà khóc.
Đến viện khám, các BS nói chức năng sinh sản của cả 2 vợ chồng đều bình thường, tuy nhiên cổ tử cung của tôi hơi thấp. Vì thế, đến khi mang thai lần thứ 3, cả nhà quyết định đưa tôi nhập viện Phụ sản Hà Nội và khâu vòng cổ tử cung nhưng bé chỉ được 30 tuần thì cũng vỡ ối. Mặc dù mổ ngay nhưng bé vẫn không được làm người. Sau đó 5 tháng tôi cũng có thai lại nhưng cũng chỉ mang thai được đến tuần thứ 5' - Chị H. bỏ lưng câu nói, mắt ngân ngấn nước. Hạnh phúc làm mẹ của người đàn bà sắp bước sang tuổi 40 dường như đóng chặt.
BS sản phụ khoa Lê Kim Dung, Trung tâm Y tế Lao động cho biết: Sảy thai là hiện tượng thai ra ngoài bụng mẹ một cách tự nhiên, mặc dù đã được can thiệp tích cực từ các phương pháp y khoa nhưng thai nhi vẫn không giữ lại được. Hiện tượng được gọi là sảy thai liên tiếp khi người phụ nữ liên tục ít nhất trong 3 lần mang thai liền nhau đều bị sảy. Trong 1.000 phụ nữ mang thai có khoảng 5-10 người bị rơi vào tình trạng này. Điều đáng ngại là, tỉ lệ này có xu hướng gia tăng.
Do viêm nhiễm phụ khoa, nhiều phụ nữ không được làm mẹ (Ảnh minh họa: Internet)
Nguyên nhân do viêm nhiễm phụ khoa
GS. TS Nguyễn Hoài Đức, Viện trưởng Viện nghiên cứu sức khỏe sinh sản cho rằng: Nguyên nhân của việc sảy thai liên tiếp là do người phụ nữ bị dị dạng tử cung (tử cung một sừng, tử cung hai sừng và tử cung có vách ngăn hay còn gọi là tử cung đôi có 2 buồng rất nhỏ nên không thể chứa được thai nhi).
Cũng có thể là do người mẹ bị bệnh đái tháo đường, bệnh huyết áp hoặc bị lạc nội mạc tử cung. Một nguyên nhân khác nữa có thể là do nội tiết, người mẹ không sản xuất đủ progesterone nuôi dưỡng thai.
Tuy nhiên, hay gặp nhất vẫn là do bà mẹ bị nhiễm khuẩn tử cung khiến cho trứng không làm tổ được, hoặc nếu thụ thai được nhưng trong quá trình hình thành, rau không bám được vào ổ khiến cho sảy thai.
PGS Đức cho rằng, phương pháp điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân, có thể phẫu thuật, điều trị hoóc-môn... Tuy nhiên, việc xác định nguyên nhân sảy thai tương đối khó khăn và không phải lúc nào cũng thành công.
Với những người sảy thai nhiều lần, liên tiếp nên tránh lao động nặng, nghỉ ngơi, thoải mái về tinh thần, hạn chế thuốc lá và rượu. Sau mỗi lần sảy thai nên dành thời gian nghỉ ngơi để cơ quan sinh sản hồi phục rồi mới nên có thai lại. Thời gian nghỉ ngơi này chính là lúc kiểm tra tìm nguyên nhân sảy thai.
Theo N. Huyền/Mic.gov.vn
Cảnh báo nguy cơ mắc ung thư nội mạc tử cung Dậy thì sớm có thể dẫn đến nhiều nguy cơ sức khỏe. Bé gái có kinh lần đầu trước 12 tuổi tăng nguy cơ mắc ung thư nội mạc tử cung. Ung thư nội mạc tử cung, hay những khối tế bào bất thường trong niêm mạc tử cung, thường xuất hiện ở phụ nữ sau tuổi 40. Nếu được phát hiện và...