Yếu tố tình thân trong các vụ bắt cóc trẻ em rúng động
Những vụ bắt cóc trẻ em mang yếu tố tình thân là có mối quan hệ, hiểu điều kiện gia đình nạn nhân, khi thực hiện thường rơi vào hoàn cảnh nợ nần, tính quẩn và biết nếu bắt cóc sẽ đòi được tiền chuộc cao.
Trao đổi với PV VietNamNet, PGS.TS. Đỗ Cảnh Thìn, Phó Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống (Đại học Quốc Gia Hà Nội) cho biết: “Tình trạng bắt cóc trẻ em không phải xảy ra ở thời điểm này, mà đã xảy ra từ lâu rồi. Mục đích của bắt cóc trẻ em là chiếm đoạt tài sản và giải quyết mâu thuẫn hoặc bị dụ dỗ lôi kéo gì đó…”
Tuy nhiên, việc bắt cóc trẻ em chủ yếu là chiếm đoạt tài sản và giải quyết mâu thuẫn. Để đạt được mục đích và hành vi, đối tượng thường hành động có tính chất nguy hiểm, manh động và rất nghiêm trọng dẫn đến hậu quả chết người, nên bị pháp luật trừng trị nghiêm khắc… Chính vì vậy, các đối tượng bắt cóc trẻ em thường chuẩn bị rất kỹ về kế hoạch, phương thức, công cụ, phương tiện.
Theo PGS.TS. Đỗ Cảnh Thìn, các đối tượng còn lên dự kiến về đường đi, nước bước, cách gây áp lực với gia đình nạn nhân, để đòi tiền chuộc… đưa các cháu (con tin – PV) đến chỗ nào để đảm bảo an toàn cho đối tượng bắt cóc, không bị phát hiện, không bị xử lý. Và cuối cùng là để đạt được mục đích lấy tiền chuộc hoặc trả thù với gia đình nạn nhân.
Nghi phạm Nguyễn Thanh Sơn (34 tuổi), bắt cóc cháu bé 3 tuổi, là con của bạn. Ảnh: CACC
Các hình thức bắt cóc trẻ em cũng rất nhiều như: Mua bán người, đòi tiền chuộc, mâu thuẫn cá nhân, làm con nuôi, bán ra nước ngoài.
Còn nói về yếu tố tình thân, PGS.TS. Đỗ Cảnh Thìn, Phó Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống, phân tích: “Phần lớn các vụ bắt cóc trẻ em là giữa gia đình nạn nhân và đối tượng có mối quan hệ biết rõ về nhau như: Thông tin, quy luật sinh hoạt, điều kiện kinh tế và cách thức bảo vệ người thân trong quan hệ xã hội (bảo vệ con – PV).
Nắm được những thông tin nêu trên, đối tượng mới tiếp cận các cháu (con của nạn nhân – PV) một cách thuận lợi nhất, an toàn nhất. Đồng thời, đối tượng cũng biết kinh tế của gia đình các cháu, để mà đòi tiền chuộc. Nếu gia đình nhà anh A. rất nghèo, đối tượng bắt cóc để làm gì?.
Ngoài ra, đối tượng còn tìm hiểu rất kỹ các điều kiện đáp ứng của gia đình các cháu, để đặt ra yêu cầu đòi hỏi. Những vụ như vậy, đa phần có biết nhau, có thông tin về kinh tế, đời sống sinh hoạt giữa nạn nhân và đối tượng.
Video đang HOT
PGS.TS. Đỗ Cảnh Thìn cũng nêu, ở đây, không có chuyện những người thân lại bắt cóc con, cháu, chắt của họ. Tình thân trong những vụ bắt cóc là khi đối tượng đã rơi vào hoàn cảnh nợ nần như Giáp Thị Huyền Trang, bắt cóc bé 2 tuổi, nên tính quẩn và biết được kinh tế của gia đình bé 2 tuổi, nếu bắt cóc sẽ đòi được tiền chuộc cao.
“Khi đối tượng liều lĩnh, họ nghĩ ngay đến việc bắt cóc trẻ em để giải quyết vướng mắc về nợ nần… nên tiếp cận nạn nhân và ra tay hành động”, PGS.TS. Đỗ Cảnh Thìn nói.
Hình ảnh về Giáp Thị Huyền Trang khi bắt cóc bé 2 tuổi. Ảnh CACC.
Theo PGS.TS. Đỗ Cảnh Thìn, trong tội phạm học ở trong nước và thế giới, chưa có nghiên cứu nào về đối tượng bắt cóc trẻ em lại là người thân mà vấn đề chính là phương thức, thủ đoạn của tội phạm. Yếu tố tình thân ở đây là có quan hệ gần gũi, thân thiết với gia đình của các cháu. Đó chính là cách thức để đối tượng tiếp cận, nắm bắt, che giấu phương tiện thủ đoạn tốt hơn.
Không chỉ có vậy, đối tượng bắt cóc đưa ra yêu cầu, yêu sách, sử dụng các cháu tốt hơn, nên rất thuận lợi khi gây án. Thường đối tượng gây án có nhu cầu rất cao về kinh tế và có mâu thuẫn với gia đình nạn nhân, nên nảy sinh vấn đề bắt cóc.
Tình thân là nắm được gia đình các cháu có kinh tế, tiếp cận các cháu, điều hướng các cháu đi đến các địa bàn khác dễ hơn. Thầy cô giáo dễ bị đánh lừa hơn. Tất cả những nội dung nói trên là hành vi che giấu tội phạm và thực hiện hành vi tội phạm tốt hơn. Đồng thời gây áp lực gia đình các cháu, để đạt được mục tiêu của mình đề ra tốt hơn.
“Loại tội phạm bắt cóc trẻ em chỉ có mẫu số chung nó là như vậy, không có gì khác so với trước đây và hiện tại cũng như sau này”, PGS.TS. Đỗ Cảnh Thìn nhìn nhận.
Nguyên nhân bị can bắt cóc, sát hại bé 2 tuổi ở Hà Nội
Trên đường đi, cháu bé bị mệt, quấy khóc nhiều nên Trang sợ lộ, sẽ bị lực lượng công an truy bắt.
Do đó, nghi phạm đã ra tay sát hại bé để bịt đầu mối.
Hàng trăm cảnh sát truy tìm cháu bé và bị can bắt cóc
Chiều 22/9, Công an TP Hà Nội cho biết, vào khoảng 17h30 ngày 19/9 đã tiếp nhận đơn trình báo của chị M.T.H (SN 1990, ở xã Đa Tốn, Gia Lâm, Hà Nội) về việc con gái ruột là cháu N.H.Th. 2 tuổi bị Giáp Thị Huyền Trang (27 tuổi, ở xã Việt Ngọc, huyện Tân Yên, Bắc Giang là người được gia đình thuê đón cháu) bắt cóc, đòi số tiền 1,5 tỷ đồng.
Bị can Giáp Thị Huyền Trang. Ảnh CACC.
Ngay sau khi nhận được tin báo, cơ quan công an huy động hàng trăm cán bộ chiến sỹ tham gia truy bắt đối tượng và giải cứu cháu bé.
Quá trình rà soát, tìm kiếm, đến khoảng 12h ngày 20/9/2023, Công an tỉnh Hưng Yên phát hiện thi thể cháu N.H.T. tại khu vực cánh đồng thôn Nhạn Tháp, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.
Bị can nhảy cầu tự sát
Trước đó, khoảng 21h37 ngày 19/9, Tổng đài 113 - Trung tâm thông tin chỉ huy Công an thành phố tiếp nhận tin báo của công dân về việc khoảng 21h35 cùng ngày có nhìn thấy một người nhảy từ cầu Đuống xuống sông.
Trung tâm thông tin chỉ huy Công an TP Hà Nội đã điều động lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an Thành phố, Công an quận Long Biên, Công an huyện Gia Lâm đến khu vực cầu Đuống để tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ người nhảy cầu. Qua miêu tả của nhân chứng, người này có đặc điểm nhận dạng giống Trang.
Đến 19h30 ngày 21/9, công an đã phát hiện, trục vớt 1 thi thể phụ nữ tại khu vực sông Đuống, địa phận xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Công an TP Hà Nội phố hợp với các cơ quan liên quan làm rõ nguyên nhân tử vong, tổ chức giám định, nhận dạng xác định nhân thân.
Kết quả ADN xác định thi thể này là Giáp Thị Huyền Trang.
Quá trình điều tra đến nay, Công an TP Hà Nội xác định, sau khi đón cháu Th. từ trường mầm non tại xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Trang sử dụng xe máy SCR màu trắng chở cháu Th. đi thẳng xuống địa phận tỉnh Hưng Yên, liên tục di chuyển vòng quanh các huyện Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ, Mỹ Hào.
Khu vực phát hiện thi thể bé 2 tuổi.
Trong khi di chuyển, Trang sử dụng nhiều số điện thoại khác nhau để gọi điện, nhắn tin cho gia đình cháu bé đòi tiền chuộc.
Trên đường đi, cháu bé bị mệt, quấy khóc nhiều nên Trang sợ lộ sẽ bị lực lượng công an truy bắt. Do đó, nghi phạm đã ra tay sát hại cháu bé để bịt đầu mối, trước thời điểm gia đình bị hại đến cơ quan công an trình báo.
Sau khi sát hại cháu bé, Trang tiếp tục đòi tiền chuộc. Gia đình cháu Th. đã nhiều lần chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của Trang với tổng số tiền 550 triệu đồng.
Trên đường lẩn trốn, đối tượng Trang đã tự sát.
Vụ bé gái bị bắt cóc, sát hại: Bị can đã chết, vụ án giải quyết thế nào? Công an xác định bị can Giáp Thị Huyền Trang đã tự sát, vậy vụ án bé gái 21 tháng tuổi bị bắt cóc và sát hại sẽ giải quyết như thế nào? Chiều 22.9, Công an TP.Hà Nội cho biết Giáp Thị Huyền Trang (27 tuổi, bị can trong vụ án sát hại bé gái 21 tháng tuổi) đã tử vong. Theo...