Yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đe dọa thương mại toàn cầu
Tham vọng chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông có khả năng tạo ra một cuộc đụng độ với Hải quân Mỹ, làm tắc nghẽn tuyến đường biển huyết mạch và đe dọa thương mại toàn cầu.
Các hoạt động bồi lấp phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông. Ảnh: AP
Trong cuộc họp tại Washington hồi tuần trước, Kurt Campbell, cựu trợ lý ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á và các vấn đề Thái Bình Dương, cho biết: “Biển Đông hiện nay là tuyến đường thủy quan trọng nhất đối với thương mại toàn cầu cả về lượng hàng hóa và giá trị. Tuy nhiên, khu vực này đang ngày càng trở nên bất ổn và nguy hiểm hơn, có thể tác động tới thương mại toàn cầu”.
Tuyên bố của ông Campbell được đưa ra khi Mỹ đang có kế hoạch đưa tàu áp sát khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo phi pháp Trung Quốc bồi lấp trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Phía Mỹ khẳng định kế hoạch tuần tra đảm bảo tự do hàng hải hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, Trung Quốc phản đối mạnh mẽ kế hoạch này và tuyên bố không cho phép quốc gia nào “xâm phạm lãnh hải”.
Video đang HOT
Theo thống kê, kể từ cuối năm 2013, Trung Quốc đã nạo vét cát, bồi lấp 7 rạn san hô và đá ngầm trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Diện tích bồi lấp lên tới 1.173 héc ta. Trung Quốc còn xây dựng sân bay, các cơ sở quân sự trên các đảo phi pháp. Nhiều chuyên gia đánh giá, đây là động thái nhằm hiện thực hóa yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh.
Ngoài vấn đề lãnh thổ, Biển Đông cũng đóng vai trò quan trọng đối với lợi ích của Bắc Kinh. Hơn 40% GDP của Trung Quốc tới từ các hoạt động thương mại nhưng 90% các hoạt động thương mại phụ thuộc vào đường biển, trong đó Biển Đông đóng vai trò quan trọng. Ngoài ra, vùng biển này có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt khoảng 100 triệu thùng, biến nó trở thành vịnh Ba Tư tiềm năng ở Đông Nam Á. Trong khi đó, Trung Quốc là nước nhập khẩu nhiên liệu số 1 thế giới, Financial Review đưa tin.
Bên cạnh đó, gần 30% giá trị thương mại toàn cầu trị giá 19 nghìn tỷ USD đi qua Biển Đông, vùng biển nối giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Khoáng sản, sản phẩm nông nghiệp hay các loại hàng hóa khác đều được vận chuyển qua tuyến đường này.
Chuyên gia Campbell nhận định, thương mại tự do là nền tảng của kinh tế quốc tế hiện đại. Chủ quyền trên Biển Đông không chỉ tác động tới các quốc gia trong khu vực mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới thương mại toàn cầu. Nó không chỉ là vấn đề của các nhà ngoại giao mà giới thương nhân, các nhà xuất nhập khẩu cũng cần phải lưu tâm.
Trong khi đó, việc Mỹ áp sát các đảo nhân tạo Trung Quốc xây phi pháp trên Biển Đông có thể gây ra đụng độ giữa hải quân hai nước. Nó có thể leo thang thành cuộc chiến hoặc xung đột quy mô lớn hơn. Cả Washington và Bắc Kinh đều không muốn điều này xảy ra nhưng không thể kiểm soát các sự cố ngoài ý muốn.
“Điều khiến tôi lo sợ nhất là chúng ta không có cơ chế quản lý khủng hoảng nhằm đối phó với các tình huống hoặc tính toán sai lầm”, Campbell nói.
Hồng Duy
Theo Zing News
Nga đưa ra yêu sách chủ quyền ở Bắc cực
Ngày 4-8 (giờ địa phương), Liên bang Nga đã chính thức trao cho Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của LHQ đề nghị sửa đổi về mở rộng thềm lục địa. Khu vực này rộng 1,2 triệu km2 (ảnh). Dự kiến LHQ sẽ xem xét đề nghị của Nga vào tháng 2 hoặc 3-2016.
Hãng tin Sputnik (Nga) đưa tin đề nghị sửa đổi của Nga căn cứ nguyên tắc khoa học ghi nhận: Mọi thực thể là thành tố của toàn bộ các thực thể dưới biển Bắc cực đều mang tính chất lục địa, trong đó có các dãy núi ngầm dưới đại dương Lomonosov, Mendeleev, Alpha, Chukchi cũng như các lưu vực Podvodnikov và Chukchi chia cắt các dãy núi.
Nga viện dẫn khoản 6 Điều 76 Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 cho rằng Nga có quyền ưu tiên khai thác tài nguyên trên thềm lục địa của Nga ở Bắc cực. Bộ Môi trường Nga ước tính có thể khai thác đến 4,9 tỉ tấn nhiên liệu hóa thạch. Ngoài ra, từ năm 2050, băng hà tan chảy sẽ mở ra các tuyến hàng hải thương mại quan trọng trong mùa hè.
Năm 2001, Nga đã gửi đề nghị yêu sách chủ quyền nhưng bị bác vì thiếu thông tin. Cuộc chạy đua giành chủ quyền ở Bắc cực đã diễn ra nhiều năm nay giữa Nga, Mỹ, Canada, Na Uy, Đan Mạch và Greenland.
Nga đã chú ý đến tiềm năng kinh tế và quân sự của Bắc cực từ nhiều năm nay. Hồi đầu năm, Tổng thống Putin đã chỉ thị lập một ủy ban đặc biệt để phát triển kinh tế ở Bắc cực. Hồi tháng 7, Nga công bố học thuyết hải quân mới nhấn mạnh đến tầm chiến lược của Bắc cực. Từ năm 2008, Nga đã phê chuẩn chiến lược xác định đến năm 2020 Nga phải trở thành cường quốc chủ chốt ở Bắc cực.
H.DUY
Theo_PLO
Chiến dịch tự do hàng hải ở Biển Đông tiềm ẩn xung đột Mỹ - Trung Gần đây, giới chức Mỹ đã nói đến khả năng hải quân nước này sẽ thực hiện tuần tra trong phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp trái phép ở Biển Đông trong khuôn khổ chiến dịch tự do hàng hải ở vùng biển này. Tất cả các động thái ngoại giao và chính trị...