Yêu nhau đừng ‘nắm tay’ quá chặt
Dù còn rất yêu Uyên, nhưng sự kiểm soát quá mức của cô đã khiến Vượng gần như ngạt thở, thậm chí muốn thoát khỏi gò bó để được tìm về tự do.
Sau lần gặp gỡ duy nhất tại nhà cô bạn chung, Uyên và Vượng (Sinh viên, Hà Nội) đã trúng “tiếng sét ái tình” và dính lấy nhau từ đó.
Trai xinh, gái đẹp, tình yêu lãng mạn của cặp đôi bằng tuổi này gần như hoàn mỹ, ai cũng nghĩ sớm muộn họ sẽ có cái kết đẹp. Tuy nhiên, chỉ sau một năm gắn bó, mọi chuyện bắt đầu rạn nứt, khi cách yêu của Uyên ngày càng trở nên cuồng nhiệt và chiếm hữu. Cô đề nghị Vượng đi chơi đâu, gặp gỡ ai, vào bất cứ thời điểm nào trong ngày đều phải khai báo với cô. Không những thế, bất cứ khi nào Uyên gọi điện, nhắn tin, anh phải nhắn lại ngay, nếu không sẽ bị cô quy vào tội “làm điều gì bất chính”.
Mới đầu, Vượng nghĩ chắc vì quá yêu nên Uyên như vậy, cậu thậm chí còn thấy thú vị sẵn sàng “thỏa hiệp”. Song, mọi chuyện không dừng lại ở đó… Mỗi khi nhắn tin, gọi điện không thấy chàng bắt máy, Uyên liền nháo nhào gọi cho bất cứ người bạn nào có thể của Vượng để hỏi xem anh có ở đấy không, hoặc cô sẽ lập tức phi thẳng đến nơi anh ở trọ để tìm hiểu thực hư vấn đề. Trong khi sự thật đơn giản là Vượng đang ngủ để điện thoại chế độ rung nên không biết người yêu gọi; hoặc điện thoại hết pin chưa kịp sạc…
Sự quan tâm, kiểm soát quá mức của Uyên không chỉ “khiến mình thấy bị gò bó, ngột ngạt, mất tự do; mà ngay cả bạn bè của mình cũng bắt đầu thấy ái ngại mỗi khi tên cô ấy reo lên trong điện thoại của họ”, Vượng nói.
Ảnh minh họa: smilingwallpapers.blogspot.com
Video đang HOT
Tương tự là trường hợp của Ly (Sinh viên trường Luật, Hà Nội), sự ghen tuông, nghi ngờ và kiểm soát quá mức của cô đã khiến Huy, hơn cô một tuổi, gần như không chịu nổi, phải tự gỡ xiềng xích tìm đường thoát thân.
Yêu nhau được hai năm, biết tính đối phương hay ghen nên Huy đã cố gắng hạn chế việc tiếp xúc với các bạn nữ, kể cả cùng lớp. Song, vì anh có vẻ ngoài khá điển trai, thư sinh nên việc các bạn nữ vây quanh là khó tránh khỏi. Vậy là Ly áp dụng “chiến lược” mỗi khi đi đâu chơi, làm gì, đều phải có hai đứa đi cùng, “anh không được đi một mình, nguy hiểm”. Câu nói của người yêu bắt đầu khiến Huy thấy ái ngại…
Có lần, hai đứa đang ngồi xem phim vui vẻ, một tin nhắn lạ gửi đến cho Huy với nội dung “iu em không anh”, Ly đọc được và đã làm cho mọi chuyện trở nên rối tung cả lên. Cô nói anh không ra gì trong khi Huy không hề biết đấy là tin nhắn nặc danh của ai, tại sao lại gửi đến một cách vô lý như thế. Mặc cho chàng thỏa sức giải thích, Ly quyết không tin và khóc tru tréo nói anh phản bội, dối trá…
Mệt mỏi với sự ghen tuông quá mức; đau đầu khi luôn phải giải thích toàn những điều không đâu và hơn hết là thất vọng vì thái độ thiếu tin tưởng của người yêu, Huy đã không ít lần nghĩ đến chuyện dừng lại, dù vẫn còn rất yêu cô. “Lần này, mình không thể chịu nổi hơn nữa, nếu tiếp tục chắc mình sẽ không thở nổi mà tự kỷ một xó và chết sớm mất”, Huy tâm sự.
Theo chuyên gia tư vấn Văn Thanh Sỹ, tổng đài 1088, có những người con gái khi yêu thường muốn bạn trai phải chiều theo ý mình, đi đâu làm gì cũng phải báo cáo cho mình biết. Không phải vì họ không tin đối phương, mà vì họ quá yêu, thành ra muốn nắm giữ, kiểm soát mọi thứ thuộc về người họ yêu.
Những người con gái này không hề biết rằng, sự kiểm soát quá chặt sẽ khiến đối phương thấy sợ, thậm chí muốn tìm cách thoát khỏi sự gò bó ấy – chia tay.
Khi yêu một ai đó, bạn hoàn toàn có quyền thể hiện sự yêu thương của mình, nhưng nếu siết chặt quá, bạn sẽ khiến đối phương bị đau, cảm thấy sợ hãi. Giống như nắm cát vậy, càng nắm tay chặt, cát càng rơi nhanh. Hay như cách thể hiện tình yêu với một đứa trẻ, bạn thấy nó đáng yêu, bụ bẫm quá nên không ngừng cấu véo, bẹo má nó. Tuy nhiên, cách thể hiện hiện tình yêu thái quá này sẽ khiến đứa bé dần cảm thấy sợ hãi và bỏ chạy. Lần sau thấy bạn, nó sẽ không dám lại gần, vì nó sợ bị đau, bị thương.
Xét cho cùng, cái gì cũng cần mức đồ vừa phải, sao cho vừa đủ cả hai cảm nhận được tình cảm của nhau là tốt nhất.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Tâm lý và Nhân cách mới đây cũng đã làm rõ một “quy luật” mà nhiều người khẳng định: con người luôn muốn cái mà họ không có. Kết quả nghiên cứu cho thấy, việc bị kìm kẹp và kiểm soát bởi bạn trai/gái khiến các đối tượng được thí nghiệm cảm thấy bớt yêu, hạ thấp giá trị của mối quan hệ, và dễ bị thu hút vào những mối quan hệ “lăng nhăng” khác.
Theo VNE
Phải làm sao khi có tình cảm với thầy?
Em là học sinh lớp 11. Gần đây em phát hiện mình có tình cảm với thầy dạy Hoá vì em có đi học thêm ở nhà thầy.
Từ khi biết điều đó, em không còn cư xử tự nhiên với thầy như trước và cũng không dám nhìn thầy nữa. Mỗi khi thầy giảng bài em phải nhìn chỗ khác, né tránh ánh mắt của thầy. Em rất mâu thuẫn và không biết phải làm sao. Xin hãy giúp em. (Hoa)
Ảnh minh họa: proprofs
Trả lời:
Chào em, câu chuyện em chia sẻ có lẽ không còn mới mẻ gì và đặc biệt nó đã xuất hiện nhiều trong các giảng đường, trường học. Tôi không rõ chuyện của em đã diễn ra bao lâu nhưng mong em hãy xác định rõ về tình cảm của bản thân mình dành cho thầy giáo. Đấy là tình cảm xuất phát từ trái tim (tình yêu), hay chỉ là tình cảm thầy trò có sự ái mộ vì phong cách của thầy giảng bài hay; hay chỉ là sự rung động tức thời khi được thầy quan tâm trong việc học làm em có hiểu nhầm về tình cảm?
Bước sang lớp 11, việc quan trọng hơn hết với em chính là học để nâng cao kiến thức, chuẩn bị hành trang cho tương lai không xa là đại học... Nếu sự tập trung đấy bị phân tâm khi em phải đối diện với việc giảng bài của thầy, em có thể đăng ký học thêm ở một lớp khác, để hạn chế thời gian tiếp xúc với thầy.
Tình yêu là thứ tình cảm thiêng liêng và nó hầu như không có một giới hạn nào về tuổi tác cũng như hoàn cảnh hay môi trường mà nó chỉ là vấn đề ở hai người. Em có thể thích thầy và nó đang dừng lại ở mức ngưỡng mộ hoặc thích vì vẻ đẹp bề ngoài, hay về cách giảng bài, về cử chỉ cũng như tính cách của thầy giáo thì sao? Để xác định mức độ tình cảm, tôi nghĩ em cần có thêm thời gian cho, vì hiện tại có thể những suy nghĩ đó chưa đủ lớn, chưa đủ trưởng thành nên nhiều lúc làm em có những quyết định không đúng, gây ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày.
Câu chuyện của em cũng không phải là quá khó. Nó chỉ là những cảm nhận đầu đời trong chuyện tình cảm, tuy nhiên lại khiến em khó xử vì đấy chính là người thầy của mình. Nhưng tôi tin thời gian sẽ làm em trưởng thành hơn, cảm nhận đúng hơn về những rung động em dành cho thầy giáo là thứ tình cảm gì.
Và trước hết, việc em cần làm bây giờ là tập trung vào học và học, hãy tạm gác mối quan hệ ấy sang một bên. Nếu đó thực sự là tình yêu, tương lai sẽ trả lời em. Chúc em có cảm nhận sớm và đúng đắn về cảm xúc của bản thân.
Theo VNE
7 dấu hiệu nàng phớt bạn Để tránh mắc kẹt trong mối quan hệ đối phương không mặn mà, khó xử cho hai bên, cánh XY hãy tinh tế quan sát thái độ, cách cư xử của nàng. 1. Nàng nói chưa sẵn sàng cho một mối quan hệ Con gái luôn dùng câu nói này khi họ đã "bắt sóng" sự quan tâm từ đối tượng họ không...