Yêu lắm, mình nói chuyện với con hàng giờ không chán
‘Con gái Vừ Ly Sa biết hóng chuyện, giơ tay đòi theo khi nhìn thấy mình rồi nhé. Yêu lắm, mình và con nói chuyện với nhau hàng giờ không chán, đến nỗi nhiều lúc vợ trách yêu, bây giờ chỉ quan tâm đến Ly Sa, chẳng quan tâm đến vợ nữa…’-giọng Đại úy Vừ A Ninh, Đội trưởng Đội Trinh sát, Đồn Biên phòng Na Cô Sa (Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên) đầy sôi nổi, hào hứng khi kể về cô con gái bé bỏng sau bao năm vợ chồng anh vất vả kiếm tìm…
Ly Sa bụ bẫm, đáng yêu
Ngày cuối tuần, căn nhà nhỏ ở xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên trở nên ấm áp hơn thường nhật. Tiếng khóc trẻ thơ đòi bế xen lẫn tiếng nựng nịu của người cha cứ rộn ràng. Đưa đôi mắt đầy yêu thương nhìn chồng và con gái Vừ Ly Sa, chị Vàng Thị Hoa không giấu được hạnh phúc. Chị vui vẻ nói với chúng tôi: Đến hôm nay, con gái Ly Sa vừa tròn 8 tháng tuổi. Từ ngày có Ly Sa, nhà mình lúc nào cũng vui như ngày hội.
Chuyện là để “tìm” được con gái Vừ Ly Sa, vợ chồng Đại úy Vừ A Ninh trải qua không ít gian truân. Tháng 12-2021, tại Lễ công bố và trao quyết định hỗ trợ “10 trường hợp thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí 100%” của Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội phối hợp với Trung tâm Phát thanh-Truyền hình Quân đội tổ chức, nhiều người chú ý đến vợ chàng sĩ quan biên phòng người Mông đến từ huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên bởi sự mộc mạc, chân chất của người dân vùng biên. Những vất vả suốt quãng đường dài 800km không làm mất đi niềm hy vọng bừng sáng trong đôi mắt vợ chồng Đại úy Vừ A Ninh.
Ngay sau hôm đó, vợ chồng Vừ A Ninh được các bác sĩ của Bệnh viện kiểm tra sức khỏe toàn diện và đưa ra phác đồ điều trị. Theo đó, đúng mồng Hai Tết 2021, vợ chồng Đại úy Vừ A Ninh sẽ có mặt tại Bệnh viện để tiến hành các thủ thuật. “Khi tôi xin phép đơn vị xuống Hà Nội theo lịch hẹn thì ai cũng thắc mắc vợ chồng đang khỏe mạnh sao lại đi 800km xuống Bệnh viện nằm vào ngày này… Tôi càng giải thích thì mọi chuyện lại càng rối tung lên.
Vậy là mặc kệ, sáng mồng Một Tết chỉ nói những điều tốt đẹp theo phong tục truyền thống, tôi gọi điện cho một đồng chí ở Trung tâm Phát thanh-Truyền hình Quân đội (đơn vị kết nối với Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội), nói một thôi một hồi rồi kết lại: Thôi, vợ chồng mình không điều trị nữa đâu”-Đại úy Vừ A Ninh kể lại. Chỉ sau cuộc điện thoại không lâu, Vừ A Ninh được chỉ huy đơn vị gọi lên phân tích, động viên thu xếp về Hà Nội cho đúng lịch hẹn để sớm có tin vui. Về Hà Nội, vợ chồng Vừ A Ninh mới vỡ lẽ, các anh ở Hà Nội đã gọi điện cho chỉ huy các cấp giải thích rõ về trường hợp của hai người để đơn vị nắm được và tạo điều kiện. Vợ chồng Đại úy Vừ A Ninh có mặt tại Bệnh viện theo đúng lịch hẹn, để rồi ngày 5-12-2022, bé Ly Sa bụ bẫm, đáng yêu đã có mặt bên họ, khiến tổ ấm nhỏ thêm hạnh phúc tròn đầy.
Video đang HOT
Chị Vàng Thị Hoa và con gái Vừ Ly Sa. Ảnh do nhân vật cung cấp
Vượt qua định kiến
Bên cô con gái nhỏ, chuyện những ngày đầu họ quen nhau, yêu nhau cứ thế được cả hai trải lòng. Lúc đó, Vừ A Ninh là học viên năm thứ ba Học viện Biên phòng, còn Vàng Thị Hoa là cô sinh viên năm hai Trường Cao đẳng Sư phạm Hải Dương cơ sở 2, có địa chỉ ở Cầu Giấy, Hà Nội. Tốt nghiệp Học viện Biên phòng, Vừ A Ninh về công tác tại Đồn Biên phòng Nậm Kè (Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên). Đầu năm 2017, Ninh báo cáo đơn vị, xin phép bố mẹ hai bên để được đón Hoa từ TP Lai Châu (Lai Châu) về Điện Biên làm dâu trong nhà. Bố mẹ Hoa đồng ý gả Hoa cho Vừ A Ninh, nhưng kèm theo điều kiện: Đám cưới của hai người đến tháng 10-2017 mới chính thức được tổ chức. Cưới nhau một thời gian, Hoa xin về công tác tại Trường Mầm non Nậm Kè (Mường Nhé, Điện Biên), gần đơn vị chồng công tác.
Gần một năm sau ngày cưới mà Hoa chưa thấy có tin vui, hàng xóm có người độc miệng nói sau lưng: “Con Hoa nhìn vậy mà không biết đẻ”. Đem chuyện này kể với chồng, Vừ A Ninh mắng át đi, bảo trước sau gì cũng có con, không việc gì phải nghĩ ngợi. Đấy là chồng nói thế thôi, chứ chuyện vợ chồng Hoa chậm con khiến bố mẹ chồng đứng ngồi không yên, bởi truyền thống gia đình nhà chồng bao đời nay chẳng có ai muộn con như vợ chồng Vừ A Ninh cả. Vậy là cứ nghe đâu có thầy hay thuốc tốt, bố mẹ chồng lại tìm cắt gửi cho con dâu. 1 năm, 2 năm, rồi 3 năm cũng chẳng thấy dấu hiệu gì, cứ nhìn thấy vợ chồng Hoa là bố mẹ lại thở dài. Hoa bảo, có lần mẹ chồng còn nói bóng gió, nếu không biết đẻ thì để thằng Ninh lấy vợ khác. Khao khát có con, lại thêm áp lực từ gia đình khiến Hoa suy nghĩ rất nhiều.
Cuối năm 2020, cả hai khăn gói về Hà Nội tìm nguyên nhân. Nhớ lại giây phút đó, Vàng Thị Hoa ngậm ngùi kể: “Mặc dù đã chuẩn bị sẵn tâm lý, thế nhưng nghe thông báo của bác sĩ: Vợ chồng muốn có con cần sự can thiệp của y học vẫn khiến tôi lặng đi. Nhưng rồi được sự động viên của chồng cùng tư vấn từ bác sĩ rằng, vợ chồng còn trẻ, lại phát hiện sớm nên chuyện đón con về không phải là khó đã phần nào tiếp thêm động lực cho tôi”. Vấn đề kinh phí điều trị, cộng thêm ảnh hưởng của dịch Covid-19, chuyện tìm con của vợ chồng Vừ A Ninh đành phải tạm hoãn. Chính khoảng thời gian này, hạnh phúc đã mỉm cười với họ khi được chọn là một trong 10 trường hợp được Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội chọn hỗ trợ miễn phí 100% thụ tinh trong ống nghiệm (làm IVF). Thành công của ca IVF không chỉ giúp vợ chồng chị Vàng Thị Hoa xóa tan định kiến “không biết đẻ” nơi vùng cao mà còn là cứu cánh cho nhiều trường hợp hiếm muộn thêm vững tin vào sự tiến bộ của y học, để tiếp tục kiên trì trên hành trình tìm con.
Người phụ nữ sinh con cho chồng quá cố bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm
Nhờ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, người phụ nữ ở London, Anh vẫn có thể chào đón con chung của cô với chồng quá cố, 16 tháng sau khi anh qua đời vì u não.
Bé gái Amandeep (ảnh) chào đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. (Nguồn: SWNS)
Tháng trước, cô Jasdip Sumal (38 tuổi) ở Ruislip, Tây London, sinh hạ bé gái Amandeep - con thứ hai của cô với chồng quá cố, Aman Sumal. Aman qua đời hồi tháng 12/2021 nhưng trước đó, anh luôn mong có thêm con để con trai đầu Rajan có em.
Để thực hiện ước mơ của chồng và mình, Jasdip quyết định sử dụng đến IVF. Cô cho biết: "Sức mạnh của Aman là thứ khiến tôi cảm thấy mình có thể làm được. Anh ấy vô cùng mạnh mẽ trong khoảng thời gian đau ốm và tôi biết chẳng còn gì khó khăn hơn thế được".
Người phụ nữ 38 tuổi chia sẻ thêm: "Chúng tôi có con trai đầu bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm năm 2019 và luôn lên kế hoạch sinh thêm bé nữa. Nhưng rồi Aman bị ốm và mọi chuyện sau đó diễn ra quá nhanh nên chúng tôi chưa có cơ hội cùng thực hiện".
Aman được chẩn đoán mắc u não độ 4 sau khi bị co giật và đau đầu tháng 8/2020. Dù hóa trị và xạ trị chuyên sâu, sức khỏe Aman vẫn chuyển biến xấu.
Jasdip kể lại: "Tôi biết anh ấy không còn sống được lâu nữa song khi tôi chưa kịp nói ra điều mình dự định thực hiện, anh ấy đã vội qua đời. Tôi phải đối diện nỗi đau mất anh ấy một thời gian dài".
Jasdip mang thai vào tháng 8/2022, 8 tháng sau khi Aman qua đời. Cô sinh một bé gái khỏe mạnh ngày 19/4 và đặt tên là Amandeep - theo tên chồng quá cố.
Góa phụ cho hay: "Tôi biết anh ấy sẽ dõi theo con bé. Tiếc là anh ấy không bao giờ được gặp nó. Thật là buồn vui lẫn lộn. Hy vọng con bé chấp nhận rằng Aman đã không còn trên đời và chúng ta vẫn phải sống tiếp, vì lũ trẻ".
Jasdip may mắn có gia đình động viên, giúp đỡ hết mình. Các chị em nhà chồng của Jasdip đưa cô đi khám thai và đồng hành trong quá trình bầu bí. Jasdip và gia đình cô cũng hỗ trợ cho công trình nghiên cứu u não kể từ khi Aman được chẩn đoán mắc căn bệnh này.
Đến nay, họ vẫn tiếp tục nâng cao nhận thức của mọi người về u não cũng như gây quỹ cho tổ chức từ thiện dành cho bệnh nhân u não.
Căng thẳng, lo âu có gây vô sinh hiếm muộn? Bệnh nhân hiếm muộn thường gặp phải các vấn đề về stress và ngược lại, căng thẳng, lo âu trong cuộc sống hiện đại cũng góp phần gây ra tình trạng hiếm muộn. Một thực tế được công nhận là rất khó để can thiệp trị liệu nhằm loại bỏ hoàn toàn stress. Có chăng là chúng ta sẽ sống chung với stress...