Yêu cầu xử nghiêm nguyên PCT tỉnh lấn chiếm đất công xây biệt thự “khủng”
Lãnh đạo thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) cho biết, đã nhận được thông tin về việc ông Hà Hòa Bình – nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc – xây nhà lấn chiếm một phần đất dự án. TP giao UBND phường tiến hành kiểm tra và xử lí triệt để.
Nguyên lãnh đạo tỉnh xây biệt thự hoành tráng trên một phần đất lấn chiếm.
Gần đây, người dân phường Tích Sơn ( TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) hết sức ngạc nhiên khi chứng kiến ông Hà Hòa Bình, nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc, ngang nhiên lấn chiếm hàng trăm mét vuông đất công để xây dựng biệt thự hoành tráng.
Theo đó, trong quá trình xây dựng khu dinh cơ của mình, ông Bình đã cho xây tường rào, lấn chiếm vào đất công. Tổng diện tích mà vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh vừa về hưu lấn chiếm lên đến hàng trăm m2.
Theo quan sát của phóng viên, ngôi biệt thự của vị cán bộ về hưu này khá bề thế. Bao quanh ngôi biệt thự là khu vực hàng rào được xây cũng khá kiên cố trên diện tích lấn chiếm đất công.
Được biết ngôi biệt thự này bắt đầu được xây dựng vào đầu năm 2013. Thời điểm này, ông Hà Hòa Bình vẫn đang giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc.
Trước sự việc trên, một số hộ dân phường Tích Sơn đã có ý kiến phản ánh lên UBND phường Tích Sơn. Sau đó, tổ công tác của UBND phường Tích Sơn đã tiến hành kiểm tra làm rõ sự việc.
Video đang HOT
Quá trình kiểm tra, tổ công tác xác định, tại khu vực trên có 3 hộ dân đã lấn chiếm đất công là ông Phùng Quốc Huy (lấn 27,6m2); ông Nguyễn Trường Tiến (lấn 53,6m2) và ông Hà Hòa Bình (lấn 399,2m2). Sau khi kiểm tra, tổ công tác có văn bản đề nghị UBND phường Tích Sơn báo cáo UBND TP Vĩnh Yên xin ý kiến chỉ đạo về việc xử lý đối với 3 hộ dân này.
Lãnh đạo UBND phường Tích Sơn cho biết, trong giấy đăng ký quyền sử dụng đất, ngôi nhà của ông Bình được xây dựng trên 3 thửa đất. Ngoài thửa đất của ông Bình có 2 thửa đất còn lại là của em trai và con ông Bình.
Một vị cán bộ địa chính phường này cho biết, mặc dù 3 thửa đất gần nhau, đứng tên 3 người nhưng gần như đất không có ranh giới và ngôi biệt thự được xây dựng trên cả ba mảnh đất này với diện tích đất rộng lên đến cả nghìn mét vuông.
Theo lãnh đạo UBND phường Tích Sơn, liên quan đến vụ việc này, trước đó, UBND phường đã mời các hộ gia đình lấn chiếm đất lên làm việc, ký thỏa thuận không lấn chiếm đất công.
Cũng theo vị lãnh đạo phường Tích Sơn, hiện tại có thể khẳng định ông Hà Hòa Bình lấn chiếm đất công. Vì đây là trường hợp “nhạy cảm” nên phường phải thuê một đơn vị đo đạc khách quan để có kết quả chính xác nhất.
Được biết, với khoảng gần 400m2 đất mà ông Hà Hòa Bình lấn chiếm, mỗi mét vuông đất có giá 10 triệu đồng, như vậy ông Bình lấn chiếm gần 4 tỉ đồng tiền đất.
Trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo thành phố Vĩnh Yên cho biết, đã nhận được thông tin về việc ông Hà Hòa Bình lấn chiếm đất công để xây dựng nhà ở. UBND thành phố đã chỉ đạo phường tiến hành kiểm tra và xử lý triệt để, không có ngoại lệ.
Hồng Ngân
Theo Dantri
Biệt thự triệu đô - "Cảm ơn và chấp nhận"!
Như các số báo trước chúng tôi đã đề cập, một trong những nguyên nhân chậm thu hồi biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa chính bởi thành phố chưa tìm được nơi ở mới cho cựu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hoàng Văn Nghiên.
Đây cũng là nội dung quan trọng trong biên bản ngày 22/12/2006 giữa ông Nghiên và đại diện Cty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội.
Khu đất dự án mà thành phố chấp thuận mua và xây nhà để cựu Chủ tịch Thành phố Hà Nội thuê và có thể mua. Ảnh: P.P
Thành phố Hà Nội nhiều lần giới thiệu các địa điểm như căn hộ chung cư B10 Kim Liên, rồi đến biệt thự tại dự án Đông hồ Nghĩa Đô (tháng 5/2010) để cựu chủ tịch thành phố đến ở và mua theo Nghị định 61. Đến tháng 3/2013, Sở Xây dựng thực hiện chỉ đạo của thành phố, có văn bản gửi cựu chủ tịch về phương án cho thuê rồi bán cho ông Nghiên (nếu ông Nghiên có nhu cầu) một biệt thự tại khu đô thị Đông hồ Nghĩa Đô.
Ngày 20/5/2013, ông Nghiên chấp thuận với đề xuất này và cảm ơn thành phố. Tuy nhiên như số báo trước chúng tôi thông tin, chỉ hai tháng sau (tháng 7/2013), cựu chủ tịch UBND thành phố đã thay đổi quyết định trên và đề xuất thành phố lo một biệt thự tại Khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra). Chính sự thay đổi này đã làm cho câu chuyện tìm nhà cho ông Nghiên thêm phần rắc rối và đứng trước nguy cơ không lối thoát...
Theo một nguồn tin đáng tin cậy, cựu chủ tịch UBND thành phố Hà Nội lại chấp thuận với đề xuất của thành phố về việc cho ông thuê và mua ngôi nhà 163m2 đất và 173m2 diện tích sử dụng nhà tại Cầu Giấy.
Sau khi báo đăng, chúng tôi tiếp tục liên hệ với một số cơ quan chức năng của thành phố và nhận được giải thích: "Sau khi ông Nghiên có đề xuất về địa điểm mới, thành phố đã họp, bàn và lại trao đổi với cựu chủ tịch UBND thành phố Hà Nội".
Cũng theo một nguồn tin đáng tin cậy, vào cuối tháng 11/2014 trong khi dư luận sôi sục về việc Ủy ban Kiểm tra T.Ư công bố sai phạm của ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ liên quan đến nhiều nhà đất bất hợp pháp tại các tỉnh phía Nam, thì tại Hà Nội, ông Hoàng Văn Nghiên đã "xuống nước" thay đổi quyết định.
Theo đó, cựu chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, lại chấp thuận với đề xuất của thành phố về việc cho ông thuê và mua ngôi nhà 163m2 đất và 173m2 diện tích sử dụng nhà tại Cầu Giấy. Theo một nguồn tin từ phía UBND thành phố Hà Nội, dù còn chút phân vân về việc khu đất đã bị nhà cao tầng che khuất, nằm trong đường lớn nhưng cựu chủ tịch UBND thành phố đã "cảm ơn và chấp nhận"!.
Biệt thự triệu đô
Nhóm PV Tiền Phong đã liên hệ với Sở Xây dựng Hà Nội và Công ty Quản lý và phát triển nhà Hà Nội, đơn vị "chủ lực" tìm chỗ ở mới cho cựu chủ tịch và cũng là đơn vị cho thuê biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa nhưng dường như thông tin chỉ là những cái lắc đầu. Lần theo chỉ dẫn của một cán bộ Cty Quản lý nhà Hà Nội, chúng tôi đã tìm được "khu đất vàng" giữa trung tâm quận Cầu Giấy sầm uất, nơi thành phố dự kiến bố trí chỗ ở mới cho cựu Chủ tịch.
Theo một nhà thầu đang xây dựng biệt thự tại đây, khu đất chỉ có 19 biệt thự thôi, toàn nhà của các VIP. Diện tích toàn bộ khu đất rộng chừng 0,4ha. Hiện đã có khoảng 5-6 biệt thự đã và đang xây dựng, trong đó có 2 biệt thự đã hoàn thành. Khu đất chỉ cách mặt đường lớn của quận Cầu Giấy 30m và được quây tôn kín nên người dân nếu không quan tâm cũng chẳng thể biết được trong đó đang làm gì.
Trao đổi với đại diện một văn phòng bất động sản khu vực Cầu Giấy, chúng tôi được biết, các lô biệt thự này hầu như không được giao dịch bên ngoài. Ước tính giá chuyển nhượng đất tại khu vực trên thị trường vào khoảng 200 triệu đồng/m2. Như vậy một lô đất 160 m2 có giá trị khoảng 32 tỷ đồng, tương đương 1,5 triệu đô la.
"Công ty cam kết có trách nhiệm đến cùng với bên thuê nhà trong việc bảo đảm nơi ở mới ổn định liên tục và chịu những phí tổn hợp lý trong sự việc này"- Trích biên bản ngày 22/12/2006 giữa ông Hoàng Văn Nghiên và Cty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội.
Theo Nhóm PV Thời sự
Tiền phong
Hà Tĩnh: Nơi hơn 50% hộ dân hiến đất làm đường Giữa thời buổi "tấc đất, tấc vàng" nhưng hàng trăm hộ dân tại xã Tùng Ảnh (huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) vẫn không ngần ngại hiến hàng nghìn mét vuông đất để làm đường. Đặc biệt, có thôn hơn 50% hộ dân đều đồng lòng hiến đất làm đường. Thôn Thạch Thành là một trong những đơn vị đi đầu trong phong trào...