Yêu cầu triển khai ngay việc đền bù sạt lở bờ sông Krông Nô
Liên quan tới việc bồi thường cho các hộ dân bị sạt lở đất ven sông Krông Nô (tỉnh Đắk Nông), UBND tỉnh vừa có công văn chỉ đạo UBND huyện Krông Nô, Công ty Thủy điện Buôn Kuốp và các đơn vị liên quan tập trung giải quyết từng phần, dứt điểm cho các hộ dân bị ảnh hưởng, thiệt hại.
Sạt lở ven sông Krông Nô đang diễn biến ngày càng phức tạp. Ảnh: Minh Hưng/TTXVN
Theo đó, UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo Công ty Thủy điện Buôn Kuốp, đơn vị đang vận hành Nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan và chính quyền địa phương triển khai ngay việc bồi thường, hỗ trợ thiệt hại đối với những diện tích đất đai, tài sản bị sạt lở, thiệt hại do quá trình vận hành của thủy điện gây ra.
Đối với những diện tích, vị trí sạt lở chưa xác định rõ nguyên nhân, UBND tỉnh Đắk Nông giao UBND huyện Krông Nô khảo sát, đánh giá và báo cáo về Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh để các ngành chức năng phối hợp xử lý.
Trước đó, ngày 6/11, TTXVN đã đưa tin “Đắk Nông: Lúng túng trong bồi thường, hỗ trợ sạt lở bờ sông Krông Nô” về việc nhiều vị trí tiếp giáp sông Krông Nô trên cánh đồng xã Nâm N’Đir (có diện tích hơn 1.000 ha) đang sạt lở nghiêm trọng. Công ty Thủy điện Buôn Kuốp cho rằng “chỉ có thể thực hiện theo phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng đã được cấp có thẩm quyền, tức Ủy ban nhân dân huyện Krông Nô phê duyệt”, còn UBND huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông lại cho rằng “Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành không quy định trường hợp thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ do ngập úng, sạt lở đất sông, suối ảnh hưởng đến đất sản xuất của người dân do hoạt động của nhà máy thủy điện gây ra”.
Theo UBND huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông, từ năm 2010 đến nay, huyện đã phê duyệt 6 phương án thu hồi, bồi thường, hỗ trợ cho hộ dân có đất bị sạt lở, ngập úng do quá trình vận hành, hoạt động của Nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah với tổng diện tích hơn 130ha.
Chỉ tính riêng năm 2022, hơn 13 ha đất ven sông tại ba xã Đức Xuyên, Nâm N’Đir và Đắk Nang (huyện Krông Nô) bị đưa vào diện tích khoanh vùng sạt lở. Việc đền bù, hỗ trợ đến nay vẫn chưa giải quyết xong nhưng phát sinh hàng loạt điểm sạt lở mới…
Công điện chủ động phòng, chống sạt lở trước, trong mùa mưa lũ
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 607/CĐ-TTg ngày 1/7/2023 yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương chủ động phòng, chống sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân trước và trong mùa mưa lũ.
Video đang HOT
Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương chủ động phòng, chống sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân trước và trong mùa mưa lũ.
Công điện nêu: Trước tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng cực đoan, khó lường, nắng nóng gay gắt kéo dài, mưa lớn cục bộ tại nhiều địa phương, sạt lở bờ sông, bờ biển liên tiếp ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh Nam Trung Bộ, sạt lở đất do mưa lớn xảy ra ở miền núi phía Bắc, Trung Bộ và Tây Nguyên đã gây thiệt hại lớn về người, nhà cửa, tài sản của nhân dân và công trình cơ sở hạ tầng. Thủ tướng Chính phủ đã có các văn bản chỉ đạo về phòng, chống sạt lở đất, sạt lở bờ sông, bờ biển.
Từ đầu năm 2023 đến nay riêng tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã xảy ra 122 vụ sạt lở ảnh hưởng đến dân cư, công trình đê điều, giao thông, rừng ngập mặn; gần đây các vụ sạt lở đất tại Bắc Kạn, Lâm Đồng,... cũng đã gây thiệt hại đáng tiếc về người và tài sản. Để chủ động phòng, chống sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản cho người dân và công trình cơ sở hạ tầng, nhất là trong mùa mưa bão sắp đến, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai chủ động chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống thiên tai nói chung và sạt lở nói riêng, trong đó tập trung một số nhiệm vụ sau:
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo cơ quan chức năng và lực lượng phòng, chống thiên tai tại cơ sở:
1) Tổ chức kiểm tra, rà soát các khu dân cư, trường học, cơ sở y tế, trụ sở cơ quan, doanh trại ven sông, suối, kênh, rạch, ven biển, khu vực sườn dốc để kịp thời phát hiện khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở khi mưa lớn; kiên quyết tổ chức di dời hoặc có phương án chủ động chống sạt lở, sơ tán khi có tình huống xấu nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản cho người dân và cơ sở hạ tầng. Đồng thời có phương án hỗ trợ tái định cư, ổn định đời sống cho các hộ dân phải di dời.
2) Quản lý chặt chẽ, tăng cường kiểm tra, giám sát việc cấp phép, khai thác cát, sỏi trên sông, suối, kênh, rạch để hạn chế xảy ra sạt lở, đồng thời bảo đảm nguồn cung vật liệu xây dựng, nhất là cho các dự án trọng điểm quốc gia, các dự án hạ tầng giao thông; xử lý nghiêm các trường hợp khai thác, tập kết cát, sỏi, vật liệu xây dựng trái phép theo đúng quy định của pháp luật.
3) Kiểm tra công tác bảo đảm an toàn tại các công trường đang xây dựng, nhất là các công trình xây dựng ở khu dân cư ven sông, suối, kênh rạch, sườn dốc; đình chỉ việc xây dựng công trình nếu không bảo đảm an toàn hoặc có nguy cơ gây sạt lở, ảnh hưởng đến dòng chảy, thoát lũ.
4) Về lâu dài, phải kiểm soát chặt chẽ công tác quy hoạch, xây dựng nhà cửa, công trình ven sông, suối, kênh rạch, ven biển nhằm khắc phục tình trạng nhà cửa, công trình lấn chiếm dòng chảy, tăng nguy cơ bị ảnh hưởng do sạt lở; đồng thời chủ động rà soát, sắp xếp lại dân cư tại các khu vực không bảo đảm an toàn, ảnh hưởng đến dòng chảy hoặc có nguy cơ sạt lở cao ven sông, suối, kênh rạch, ven biển, nhất là đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
2. Bộ Tài nguyên và Môi trường:
1) Phối hợp chặt chẽ với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các phương tiện thông tin đại chúng khác ở trung ương và địa phương tăng cường phổ biến kiến thức, hướng dẫn người dân kỹ năng nhận biết dấu hiệu có thể xảy ra sạt lở đất, sạt lở bờ sông, bờ biển để người dân chủ động sơ tán, di dời trước khi sạt lở xảy ra.
2) Chỉ đạo các địa phương quản lý chặt chẽ việc khai thác cát, sỏi trên sông theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời bảo đảm nguồn vật liệu xây dựng cho các dự án trọng điểm quốc gia, dự án hạ tầng giao thông theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong hoạt động cấp phép, khai thác cát sỏi.
3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
1) Xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu về sạt lở; tổng hợp tình hình sạt lở ở các địa phương, nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
2) Phối hợp chặt chẽ với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các phương tiện thông tin đại chúng khác ở trung ương và địa phương tăng cường phổ biến pháp luật về phòng, chống thiên tai, sạt lở, hướng dẫn địa phương và người dân kỹ năng ứng phó khi sạt lở.
2) Chỉ đạo, đôn đốc các địa phương triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống sạt lở và thực hiện Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tiếp tục đẩy mạnh trồng cây chắn sóng, trồng rừng ngập mặn ven biển để phòng, chống sạt lở.
3) Phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau và các cơ quan có liên quan nghiên cứu kỹ, đề xuất dự án hoặc cơ chế chính sách thí điểm nhằm huy động nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, kết hợp khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai.
4. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo kiểm tra, rà soát, phát hiện, xử lý kịp thời các khu vực có nguy cơ sạt lở nhằm bảo đảm an toàn giao thông thông suốt trên các tuyến cao tốc, quốc lộ và các trục giao thông chính.
5. Bộ Xây dựng chỉ đạo kiểm tra, rà soát công tác quản lý đô thị và hoạt động xây dựng để hạn chế xảy ra sự cố sạt lở, sớm khắc phục tình trạng ngập úng tại các đô thị, khu dân cư khi mưa lớn.
6. Bộ Công Thương chỉ đạo công tác phòng, chống sạt lở, bảo đảm an toàn đối với lực lượng và công trình thuộc lĩnh vực quản lý của ngành, nhất là hệ thống cung cấp, truyền tải điện, hầm lò, bãi thải khai thác than.
7. Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc triển khai công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ và vật liệu mới trong xử lý sạt lở, nhất là đối với khu vực ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
8. Bộ Công an chỉ đạo công an các địa phương phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường tuần tra, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp khai thác cát, sỏi trên sông, ven biển, trái phép, sai phép theo đúng quy định của pháp luật; kịp thời khởi tố, truy tố đối với các trường hợp vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng.
9. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng khác ở trung ương và địa phương tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và các địa phương tăng cường tuyên truyền pháp luật, phổ biến kiến thức, hướng dẫn kỹ năng nhận biết, ứng phó cho người dân, giảm thiểu thiệt hại do sạt lở.
10. Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo dõi chặt chẽ tình hình sự cố, thiên tai, sạt lở, chủ động chỉ đạo, điều phối và phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai công tác ứng phó, tìm kiếm cứu nạn khi có tình huống, bảo đảm kịp thời, hiệu quả.
11. Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai theo dõi chặt chẽ tình hình thiên tai, sạt lở, chủ động chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả, hạn chế thiệt hại do thiên tai, sạt lở theo chức năng nhiệm vụ được giao.
12. Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc các Bộ, cơ quan liên quan và các địa phương trong việc thực hiện Công điện này, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện.
Sạt lở ven sông Vàm Cỏ Tây, hơn 500 hộ dân bị chia cắt giao thông Một đoạn đường bê tông ven sông Vàm Cỏ Tây bị sạt lở khiến hơn 500 hộ dân của xã Thủy Đông, H.Thạnh Hóa (Long An) bị chia cắt giao thông. Ngày 20.5, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Phạm Tùng Chinh, Chủ tịch UBND H.Thạnh Hóa, cho biết huyện đã có tờ trình gửi UBND tỉnh Long An, Thường trực Ban...