Yêu cầu thu hồi những khoản “chi sai” tại Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông
Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện những khoản chi sai tại Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Trong đó, Ban Quản lý dự án Đường sắt (Bộ GTVT) chi sai 91 triệu đồng khi lập dự án, TP.Hà Nội chi sai hơn 14 tỷ đồng khi giải phóng mặt bằng.
Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông được đầu tư xây dựng bằng vốn vay ODA của Chính phủ Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30/5/2008, thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC.
Theo Hiệp định giữa hai Chính phủ, bên tài trợ vốn được chỉ định Tổng thầu thực hiện dự án là Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc; Tư vấn giám sát được tổ chức đấu thầu và đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH giám sát xây dựng Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh. Ban Quản lý dự án Đường sắt – Bộ Giao thông vận tải (GTVT) là đại diện chủ đầu tư.
Đây là dự án đường sắt trên cao đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam với tổng chiều dài hơn 13 km và 12 nhà ga đi trên cao. Dự án bắt đầu được thực hiện từ tháng 10/2011, tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng. Tháng 9/2018, dự án chính thức vận hành thử liên động toàn hệ thống và dự kiến bắt đầu khai thác thương mại từ tháng 4/2019, nhưng kế hoạch này đã bị “phá sản”.
Kiểm toán Nhà nước yêu cầu thu hồi 15 tỷ đồng chi sai tại Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông (ảnh: Toàn Vũ)
Kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra những khoản chi sai tại Dự án. Cụ thể, Ban Quản lý dự án Đường sắt – Bộ Giao thông vận tải đã chi sai 91 triệu đồng khi lập dự án, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp TP.Hà Nội chi sai hơn 14 tỷ đồng trong công tác giải phóng mặt bằng. Kiểm toán Nhà nước yêu cầu chủ đầu tư Dự án và Hà Nội phải thu hồi, nộp ngân sách nhà nước khoản tiền chi sai này.
Video đang HOT
Theo cơ quan kiểm toán, có sai sót liên quan đến công tác lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư. Bộ GTVT tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh Dự án, điều chỉnh tổng mức đầu tư từ hơn 8.700 tỷ đồng lên hơn 18.000 tỷ đồng khi chưa báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét và chỉ đạo xin chủ trương của Quốc hội, việc này thực hiện chưa đúng Nghị quyết số 49/2010/QH12 của Quốc hội và Luật Đầu tư công.
Chiếu theo hợp đồng EPC đã ký giữa Bộ GTVT và Tổng thầu Trung Quốc, thời gian hoàn thành, chạy thử và bàn giao công trình không quá 48 tháng (kể từ năm 2010) và được điều chỉnh đến ngày 30/9/2017. Tuy nhiên, Dự án đã chậm tiến độ thêm 4 năm mà vẫn chưa được bàn giao. Kiểm toán Nhà nước cho rằng chủ đầu tư chưa làm rõ trách nhiệm của Tổng thầu.
“Ban Quản lý dự án đường sắt phải làm rõ trách nhiệm của Tổng thầu và các bên liên quan đối với những thiệt hại về tiến độ để xử lý theo quy định của hợp đồng EPC đã ký.” – Kiểm toán Nhà nước nêu rõ trong thông báo kết quả kiểm toán.
Kiểm toán Nhà nước yêu cầu Bộ GTVT tổ chức kiểm điểm tập thể, cá nhân và tổ chức cá nhân phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư Dự án lên 18.000 tỷ đồng, chưa thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng về giá trọn gói mua sắm thiết bị giảm tối thiểu 5% so với dự toán phần thiết bị… Kết quả thực hiện các kiến nghị này phải được gửi về Kiểm toán Nhà nước trước ngày 30/9/2019.
Liên quan đến khoản chi sai tại Dự án Cát Linh – Hà Đông, trao đổi với PV Dân trí, đại diện Ban Quản lý dự án Đường sắt cho biết đang tiến hành thu hồi 91 triệu đồng từ Tư vấn lập dự án để nộp về ngân sách Nhà nước theo quy định.
Bộ GTVT cho biết, đến thời điểm hiện tại, khối lượng xây dựng toàn bộ Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đạt được 99%, tuy nhiên do Tổng thầu chưa thực hiện theo chỉ đạo của Bộ GTVT nên 1% còn lại Tổng thầu Trung Quốc vẫn triển khai rất chậm và có nguy cơ kéo dài.
Châu Như Quỳnh
Theo Dân trí
Một tập đoàn Hồng Kông muốn đầu tư tàu điện trên cao monorail gần 1,7 tỷ USD tại TP.HCM
TP.HCM đang xúc tiến đầu tư vào nhiều dự án hạ tầng giao thông lớn, trong đó có 2 tuyến đường sắt 1 ray trên cao có tổng mức đầu tư gần 1,7 tỷ USD.
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào TP.HCM được tổ chức mới đây, trong danh mục 210 dự án được TP.HCM kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia với tổng mức đầu tư lên tới gần 54 tỷ USD, thì phần lớn là thuộc lĩnh vực hạ tầng giao thông, cơ sở hạ tầng, y tế và giáo dục.
Trong đó, 5 dự án cầu, đường bộ trên cao mà TP.HCM đang muốn các nhà đầu tư rót vốn có tổng mức đầu tư khoảng 6 tỷ USD. Hai dự án đường sắt trên cao 1 ray cũng nằm trong danh mục 5 dự án này.
Dự án tuyến số 1 từ nút giao đường Cộng Hòa qua đường Trần Quốc Hoàn, Phan Thúc Duyên, Hoàng Văn Thụ, Phan Đăng Lưu, Phan Xíc Long, và kết thúc trước cầu Phú An. Tuyến đường dài 9,5km, rộng 17,5m và có tổng vốn đầu tư 703 triệu USD. Tuyến số 2 dài 11,8km đi qua Quận 10, Quận 11 và Bình Chánh với tổng vốn đầu tư 977 triệu USD.
Ông Harold Chen, Phó Chủ tịch Tập đoàn Alpha King - một tập đoàn bất động sản tư nhân đến từ Hồng Kông đã bày tỏ mong muốn được lãnh đạo TP.HCM chấp thuận cho tập đoàn này được đầu tư vào 2 dự án trên.
Theo Alpha King hé lộ, tập đoàn này và đối tác của mình là Công ty TNHH Build Your Dream (BYD) nghiên cứu đầu tư xây dựng đường trên cao tuyến số 1 và số 2 với tổng mức đầu tư hơn 32.000 tỷ đồng. Ông Harold Chen hé lộ đối tác của Alpha King kinh chủ yếu trong lĩnh vực ô tô, sản xuất xe năng lượng mới và xe nhiên liệu truyền thống. Những năm gần đây, BYD đã đầu tư tổng cộng 800 triệu USD và huy động hơn 1.000 kỹ sư để đầu tư vào dự án nghiên cứu và phát triển kéo dài 5 năm để tạo ra BYD Sky Rail - hệ thống tàu điện 1 ray trên cao dầm ngang.
Ông Chen cũng cho rằng tàu điện 1 ray Sky Rail có thể giải quyết vấn đề tắc nghẽn giao thông đô thị với chi phí xây dựng thấp hơn, thời gian xây dựng ngắn hơn so với đường sắt trên cao và tàu điện ngầm. Và cũng đã so sánh 7 khía cạnh, đó là đặc điểm, tính năng xây dựng, độ dốc tối đa, bán kính quay vòng tối thiểu, khả năng vận chuyển, mức tiêu thụ năng lượng và giao diện với đường bộ so với đường sắt truyền thống. Chi phí chỉ bằng 1/3 so với đường sắt trên cao và tàu điện ngầm. Đại diện tập đoàn này cũng cho biết đã thành công với dự án Yinchuan Sky Rail Line đang hoạt động tại Ngân Xuyên (YinChuan), Trung Quốc.
Alpha King hiện được biết đến là một tập đoàn bất động sản tư nhân 100% vốn nước ngoài, hoạt động ở phân khúc trung tâm thương mại đến căn hộ cao cấp. Tập đoàn này có đội ngũ 90 chuyên gia từ 12 quốc gia khác nhau. Hiện tập đoàn này đang phát triển 3 dự án căn hộ cao cấp, văn phòng tại trung tâm Sài Gòn gồm: Tòa văn phòng 35 tầng Alpha Town tại Trần Hưng Đạo, Quận 1; Tòa căn hộ Alpha Hill có giá 8.000 - 10.000 USD/m2 tại Cống Quỳnh (Quận 1), cao ốc văn phòng và căn hộ dịch vụ Centennial tại Tôn Đức Thắng (Quận 1).
Dự án tuyến số 1 trước đây TP HCM giao cho Tập đoàn GS E&C (Hàn Quốc) nghiên cứu, đầu tư theo hình thức BOT. Năm 2009 nhà đầu tư rút khỏi dự án, sau đó Công ty CP bê tông 620 Châu Thới đề xuất nghiên cứu đầu tư dự án, thời gian thực hiện 4 năm với 30% vốn nhà nước và 70% vốn từ nhà đầu tư, nhưng sau đó cũng xin rút.
Dự án tuyến đường trên cao số 2 với tổng vốn đầu tư dự kiến 15.843 tỷ đồng. Năm 2008, TP giao cho Tập đoàn Wijaya Baru Global Berhad (Malaysia) nghiên cứu xây dựng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại dự án vẫn chưa chính thức có nhà đầu tư.
Bình An
Theo Nhịp sống kinh tế
Thị trường trái phiếu đạt 52,9 tỷ USD; Yêu cầu "chốt" hạn về đích đường sắt Cát Linh-Hà Đông! Những tin chính: Kinh tế ban đêm không hẳn bị bỏ ngỏ, có điều làm tự phát; Công ty cổ phần chứng khoán Globalmind Capital bị xử phạt hành chính... Thị trường trái phiếu của Việt Nam đạt 52,9 tỷ USD Theo báo cáo Giám sát Trái phiếu châu Á của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), thị trường trái phiếu bằng...