Yêu cầu hỗ trợ khẩn cấp chỗ ở cho người lang thang nơi đang giãn cách
Bộ LĐTB&XH đề nghị các tỉnh, thành phố hỗ trợ khẩn cấp nơi ở cho người lang thang, cơ nhỡ và người không có chỗ ở tạm thời trong thời gian địa phương giãn cách xã hội.
Nội dung trên được đề cập trong văn bản Bộ LĐTB&XH gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 của Thủ tướng.
Cơ quan này cho biết đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, việc làm của người dân và người lao động, đặc biệt đối với những người bị, giãn, hoãn, ngừng việc. Bị mất việc, mất thu nhập, nhiều người có hoàn cảnh khó khăn không còn chi phí sinh hoạt, chi phí trả tiền thuê nhà trọ nên phải trả phòng trọ.
Số người này chủ yếu là lao động tự do làm công nhật tại hộ kinh doanh, công trường xây dựng, bán hàng rong, giao hàng, làm thuê theo mùa vụ, làm thuê theo công việc….
Do yêu cầu thực hiện giãn cách xã hội ở nhiều địa phương, bộ phận lao động này mất việc làm, không có thu nhập, không có chỗ ở, dẫn đến cơ nhỡ, lang thang, tá túc tại vỉa hè, gầm cầu, bến tàu bến xe, công trường xây dựng… Việc này không bảo đảm an toàn phòng tránh dịch bệnh, gây mất trật tự xã hội.
“Trong số này có cả người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em đi theo bố mẹ. Hàng ngày, những người này sinh sống chủ yếu nhờ vào đồ ăn, thức uống được cung cấp từ thiện của các tổ chức, cá nhân”, Bộ LĐTB&XH cho biết.
Việc giãn cách xã hội ở nhiều địa phương khiến một số lao động mất việc làm, thu nhập, phải tá túc tạm thời ở vệ đường, gầm cầu. Ảnh: Thạch Thảo.
Để bảo đảm đời sống an sinh cho toàn bộ người dân và trật tự an toàn xã hội, Bộ LĐTB&XH đề nghị các tỉnh, thành phố đang giãn cách xã hội tăng kiểm tra, rà soát người lang thang, cơ nhỡ, tá túc tạm thời tại vệ đường, gầm cầu, bến tàu, bến xe, công trường xây dựng và sống tại các địa điểm công cộng. Việc rà soát nhằm có biện pháp hỗ trợ kịp thời, phù hợp.
Theo đó, UBND tỉnh, thành phố được yêu cầu chỉ đạo sở, ngành liên quan rà soát các khu ký túc xá, trường học, cơ sở, các khu nhà ở công ích phù hợp, có thể bố trí đón tiếp người lang thang, cơ nhỡ tại địa bàn vào ở tạm thời, bảo đảm nguyên tắc phòng, chống dịch của ngành y tế.
Các địa phương tiếp tục vận động chủ nhà nghỉ, nhà trọ, chủ cho thuê nhà miễn, giảm tiền cho người thuê nhà để người dân yên tâm ở trong nhà tránh dịch; đồng thời giải quyết chính sách hỗ trợ người lang thang, cơ nhỡ theo quy định.
Ngoài ra, địa phương tổ chức huy động, vận động cộng đồng hỗ trợ, cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho những người lang thang, cơ nhỡ, nhằm bảo đảm không ai bị đói và không có chỗ ở.
Tại văn bản, Bộ LĐTB&XH cũng đề nghị thiết lập đường dây nóng tại cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh và tại các trung tâm công tác xã hội, cơ sở xã hội khác để hỗ trợ người lang thang, cơ nhỡ trên địa bàn.
TP.HCM tiêm vaccine Covid-19 cho người lang thang .Chiều 25/8, UBND quận 4 (TP.HCM) tổ chức tiêm vaccine khoảng 100 người lang thang trên địa bàn. Những người này sau đó được đưa đến khu cách ly tập trung.
Ninh Bình: Xuất hiện F0 đầu tiên trong cộng đồng
Ca Covid-19 mới phát hiện tại Ninh Bình là nữ sinh, mới học xong lớp 12, phụ giúp bán nước mắm ở chợ.
Nguồn lây của F0 này chưa rõ, cơ quan chức năng đã phong tỏa khu chợ để chống dịch.
Ngày 26/8, thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh huyện Kim Sơn (Ninh Bình), đêm 25/8 trên địa bàn huyện ghi nhận ca bệnh Covid-19 mới ngoài cộng đồng, chưa rõ nguồn lây.
Nữ F0 ngoài cộng đồng này là nguyên học sinh Trường THPT Bình Minh. Từ 11/7 đến nay, sau khi thi tốt nghiệp và liên hoan lớp xong thì không gặp lại thầy cô, bạn bè, ở nhà giúp bố mẹ bán hàng ở cuối chợ Cồn Thoi (bán nước mắm), dọn dẹp nhà cửa, xuống nhà ông bà nội.
Cơ quan chức năng huyện Kim Sơn phong tỏa khu vực có F0, lấy mẫu xét nghiệm người dân để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm cộng đồng.
Bệnh nhân tiếp xúc chủ yếu với 4 người trong gia đình, ông bà nội và một số người bán hàng tại chợ Cồn Thoi và cửa hàng bán giày ở khối 9, thị trấn Bình Minh.
Bệnh nhân được phát hiện do lấy mẫu sàng lọc theo kế hoạch sàng lọc đối với những trường hợp nguy cơ cao. Bệnh nhân bắt đầu có triệu chứng từ ngày 22/8 (nóng người, đau đầu, đau lưng, đau tai),
Qua rà soát bước đầu, đến hiện tại có 19 F1 đã được cách ly. Ngành y tế nhận định, đây là ca bệnh cộng đồng hiện chưa rõ nguồn lây. Nguy cơ lây nhiễm cao, những người dân đã đến các địa điểm: Chợ Cồn Thoi, xã Cồn Thoi; sạp bán mắm của hộ kinh doanh trong chợ Cồn Thoi (Từ ngày 15/8/2021 đến ngày 22/8/2021) và: Quầy thuốc 24h, xóm 9 xã Cồn Thoi; Cửa hàng giày dép Nguyệt ánh, khối 9, thị trấn Bình Minh (Từ ngày 24/8/2021 đến ngày 25/8/2021) khẩn trương khai báo y tế và liên lạc với trạm y tế các xã, thị trấn để được tư vấn.
Sau khi phát hiện, bệnh nhân Covid-19 được cách ly điều trị tại phòng khám đa khoa khu vực Cồn Thoi, huyện Kim Sơn.
Hiện, toàn bộ chợ Cồn Thoi và khu vực xung quanh có bán kính khoảng 500 m tính từ chợ đã được phong tỏa, khu vực này bao gồm nhà bệnh nhân sinh sống. Đồng thời, ngành y tế tăng cường lực lượng, khẩn trương lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với tất cả các trường hợp trong khu vực thực hiện phong tỏa. Dự kiến có khoảng 2.000 người trong diện lấy mẫu này.
Ngay sau khi phát hiện ca F0 đầu tiên ngoài cộng đồng, Thường trực Tỉnh ủy Ninh Bình đã có buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình yêu cầu huyện Kim Sơn phải kích hoạt các biện pháp phòng, chống dịch ở mức độ cao nhất. Trước mắt, phối hợp với các ngành chức năng, thực hiện test nhanh và diện rộng cho người dân ở khu vực xã Cồn Thoi và người lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn, phấn đấu tách F0 ra khỏi cộng đồng, ngăn ngừa khả năng lây nhiễm trong thời gian sớm nhất.
Sẵn sàng thực hiện các phương án theo các cấp độ: phong tỏa khu vực có ca nhiễm Covid-19; áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đối với xã Cồn Thoi và áp dụng Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ đối với tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Sơn.
Huyện cũng cần huy động sự vào cuộc của các lực lượng tại chỗ, tham gia vào công tác cung ứng, vận chuyển, đảm bảo đủ lương thực, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu cho nhân dân các vùng thực hiện phong tỏa, giãn cách theo quy định. Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân địa phương cách thức đi lại, tham gia mua sắm... đảm bảo an toàn trong phòng dịch, tránh hoang mang, lo lắng thái quá.
Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình nhấn mạnh, khi có ca bệnh xuất hiện trong cộng đồng, nhân dân sẽ không tránh khỏi hoang mang, lo lắng. Bởi vậy, các cơ quan truyền thông cần tăng cường công tác tuyên truyền, để nhân dân hiểu đúng, hiểu đủ về tình hình dịch bệnh, không lo lắng thái quá, không mua tích trữ hàng hóa quá mức cần thiết.
Thanh Hóa phong toả huyện Nông Cống Sau một ngày giãn cách theo Chỉ thị 15, tỉnh Thanh Hoá quyết định phong tỏa toàn huyện Nông Cống với hơn 180.000 dân từ 16h ngày 25/8. Chiều nay, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng ký quyết định giãn cách theo Chỉ thị số 16 trên địa bàn huyện Nông Cống, áp dụng trong 15 ngày. Lãnh đạo...