Yêu cầu di dời linh vật ngoại lai ra khỏi Cố đô Hoa Lư
UBND tỉnh Ninh Bình vừa ra văn bản yêu cầu Ban quản lý di tích danh thắng Tràng An khẩn trương di dời các linh vật ngoại lai ra khỏi Di tích lịch sử Cố đô Hoa Lư trước ngày 12/10.
UBND tỉnh Ninh Bình vừa ban hành văn bản ngày 7/10 yêu cầu các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm công văn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.
Đôi sư sử án ngữ lối vào di tích lịch sử Cố đô Hoa Lư
Theo đó, UBND tỉnh Ninh Bình giao Ban Quản lý quần thể danh thắng Tràng An chủ trì, phối hợp với Sở VH-TT-DL khẩn trương di chuyển các hiện vật được đưa vào Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư trái quy định, theo đề nghị của Thanh tra Bộ VH-TT-DL.
UBND tỉnh yêu cầu Ban quản lý phối hợp với Sở Tài chính tham mưu việc thanh lý đối với những hiện vật được di chuyển có nguồn vốn từ ngân sách nhà nước. Thời gian di chuyển xong trước ngày 12/10, có báo cáo kết quả xử lý về Bộ VH-TT-DL và UBND tỉnh Ninh Bình.
Đồng thời tỉnh Ninh Bình cũng giao Sở VH-TT-DL chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tiến hành rà soát, kiểm kê tại các di tích trên địa bàn tỉnh, yêu cầu không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.
Video đang HOT
Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cơ quan, đơn vị, các làng nghề, những cơ sở kinh doanh, chế tác đá mỹ nghệ, gốm sứ, sáng tác mỹ thuật… trên địa bàn tỉnh không chế tác các sản phẩm ngoại lai.
Cặp sư tử đá trước cổng ra vào trụ sở UBND tỉnh Thanh Hóa
Trước đó như Báo Người Lao Động đã thông tin tại khu di tích lịch sử Cố đô Hoa Lư (thuộc quần thể di sản thế giới Tràng An), tỉnh Ninh Bình, có tới 3 cặp sư tử đá mang phong cách Trung Quốc án ngữ ngay cổng ra vào của khu di tích này. Đây là 3 cặp sư tử được người dân cung tiến.
Không chỉ có Ninh Bình mà tại tỉnh Thanh Hóa, rất nhiều các cơ quan đơn vị có đặt các linh vật ngoại lai ngay trước cổng các cơ quan hành chính như cặp sư sử đá và hổ ở trụ sở UBND tỉnh Thanh Hóa, Sở Y tế Thanh Hóa, UBND huyện Nga Sơn, UBND huyện Thọ Xuân, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng phát triển Việt Nam chi nhánh Thanh Hóa…
Theo Tuấn Minh (Người Lao Động)
Thay các "hiện vật lạ" bằng linh vật Việt ở di tích đã xếp hạng là phạm luật!
Đó là một nhận thức sai lầm, nếu không sớm có định hướng, chúng ta sẽ rất dễ rơi vào tình trạng làm biến dạng cảnh quan, không gian di tích.
Các di tích đã được xếp hạng đều có hồ sơ hiện vật, việc tùy tiện đưa vào những hiện vật, linh vật dù Tàu hay ta, thuần Việt hay không thuần Việt đều là vi phạm Luật Di sản văn hóa...", PGS.TS Trần Lâm Biền cảnh báo trước những ý kiến cho rằng, cần nhanh chóng di dời các cặp sư tử đá ngoại lai án ngữ tại di tích hiện nay và thay thế bằng những linh vật thuần Việt.
Ngay sau Công văn 2662 khuyến cáo việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục VN, Bộ VHTTDL tiếp tục ban hành bộ mẫu các linh vật Việt truyền thống. Họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho biết, đó là tập hợp tư liệu hình ảnh hơn 20 mẫu tượng linh vật hiện đang có tại các di tích và lưu giữ tại một số bảo tàng. Mỗi hiện vật đều được chú thích rõ niên đại, địa chỉ lưu giữ.
Tuy nhiên, bên cạnh sự cần thiết phổ biến các mẫu tượng linh vật Việt để người dân hiểu được nét đẹp và những đặc trưng của văn hóa, mỹ thuật dân tộc truyền thống, hiện đang xuất hiện nhiều ý kiến cho rằng, sư tử đá ngoại lai cần nhanh chóng được dẹp bỏ và thay thế bằng những mẫu linh vật Việt.
PGS.TS Trần Lâm Biền nói: "Xin thưa, đó là nhận thức sai lầm và nếu không sớm có định hướng, chúng ta sẽ rất dễ rơi vào tình trạng đi từ sai lầm này đến sai lầm khác. Các di tích đã được xếp hạng đều có hồ sơ hiện vật, việc tùy tiện đưa vào các hiện vật, linh vật dù Tàu hay ta, thuần Việt hay không thuần Việt đều là vi phạm Luật Di sản văn hóa...".
PGS Trần Lâm Biền cũng bức xúc trước vấn nạn sư tử ngoại lai cùng hàng loạt "dị vật" khác đang xuất hiện tràn lan tại các di tích thuần Việt. "Từ lâu, sư tử Trung Quốc và nhiều loại hiện vật lạ khác đã "xâm lăng" vào các di tích Việt một cách vô nguyên tắc.
Sư tử đá đi theo chân của người Trung Quốc đến các di tích của người Hoa tại VN, chúng xuất hiện từ lâu rồi nhưng không "ra" được với người Việt, là vì xa lạ và kệch cỡm so với nét văn hóa truyền thống vốn hài hòa, uyển chuyển của tâm hồn VN. Dứt khoát không thể để những thứ xa lạ đó tiếp tục đứng "gác cửa" tâm hồn Việt nữa. Như thế đau lắm!".
Đề nghị cần nhanh chóng di dời sư tử đá và những hiện vật lạ khác ra khỏi không gian di tích Việt, PGS.TS Trần Lâm Biền cho rằng, đã sai thì không được dung túng. Di tích nào không chịu di dời thì phải phạt, hoặc cưỡng chế di dời. Chỉ tuyên truyền, nhắc nhở suông thì sẽ không dứt điểm được. Nguyên nhân của sự xuất hiện và ngày càng lan tràn như một thứ "bệnh dịch" trong văn hóa này là hệ quả của một quá trình hụt hẫng về tinh thần, chấp nhận mọi sự một cách mù quáng.
Cần thiết phải di dời những hiện vật ngoại lai, đi ngược truyền thống văn hóa dân tộc nhưng không có nghĩa là sau đó sẽ dùng các hiện vật, mẫu tượng VN để thay thế. Nếu đưa hiện vật vào các di tích đã được xếp hạng mà tùy tiện, chưa được sự xét duyệt của các cấp có thẩm quyền thì dù là hiện vật nào cũng vẫn vi phạm Luật Di sản văn hóa. (Phó Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL Phạm Xuân Phúc).
Cũng cho rằng, linh vật Việt dù phù hợp truyền thống nhưng không vì thế mà lại sử dụng ồ ạt để thay thế vị trí hiện nay của sư tử đá ngoại lai hay các hiện vật khác tại nhiều di tích, Phó Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL Phạm Xuân Phúc lưu ý, nhận thức như thế rất nguy hiểm và cần kịp thời chấn chỉnh: "Người dân và các ban quản lý, trụ trì các di tích cần hiểu rõ, cần thiết phải di dời những hiện vật ngoại lai, đi ngược truyền thống văn hóa dân tộc nhưng không có nghĩa là sau đó sẽ dùng các hiện vật, mẫu tượng VN để thay thế.
Nếu đưa hiện vật vào các di tích đã được xếp hạng mà tùy tiện, chưa được sự xét duyệt của các cấp có thẩm quyền thì dù là hiện vật nào cũng vẫn vi phạm Luật Di sản văn hóa. Nghị định 158 của Chính phủ cũng đã quy định mức phạt lên đến 40-50 triệu đồng đối với hành vi hủy hoại làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh...".
Theo TS Đinh Hồng Hải, Viện Hàn lâm KHXH VN, thời điểm này rất thuận lợi cho việc định hướng lại nhận thức thẩm mỹ, nhận thức về di sản cho quảng đại quần chúng. Thực tế hiện nay, việc thiếu nhận thức đầy đủ về những lĩnh vực trên đang tồn tại như một "vấn nạn", không chỉ ở người dân mà thậm chí ở nhiều cơ quan quản lý. "Cần phải phát huy tối đa bàn tay khối óc của những nghệ nhân VN trong việc tạo ra các sản phẩm văn hóa thuần Việt. Đi kèm là các hoạt động quảng bá, tuyên truyền cũng cần đẩy mạnh...", TS Đinh Hồng Hải nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Quang Diệu, Trưởng ban quản lý làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân, Ninh Bình cho rằng, việc chuyển hướng sản xuất sang các mặt hàng thuần Việt không khó đối với làng nghề Ninh Vân, tuy nhiên cái khó ở đây là định hướng và bước chuyển trong nhận thức của thị trường.
"Chúng tôi sẽ triển khai làm một số mẫu thuần Việt để làm hàng quảng cáo. Nhưng bên cạnh đó cũng cần có sự hỗ trợ, định hướng tuyên truyền để các làng nghề, các hộ chế tác và kinh doanh mặt hàng đá sẽ có những tư vấn đúng hướng cho khách hàng, tránh việc tiếp tục mắc phải những sai lầm...".
Ông Hà Vỹ (Trưởng phòng Nghiệp vụ, Sở VHTTDL Đà Nẵng) cũng đề nghị, cần cụ thể hóa hơn nữa về các tiêu chí tạo hình, ý nghĩa của các mẫu sản phẩm, biểu tượng truyền thống để các doanh nghiệp chế tác, kinh doanh cũng như người dân có nhận thức đúng về tính thuần phong mỹ tục trong mỗi sản phẩm.
Theo Báo Văn hóa
Vụ hỗn chiến trên sông Yên: Hàng trăm người đến UBND tỉnh kêu oan Hàng trăm người dân xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương lại tập trung ngay trước trụ sở UBND tỉnh Thanh Hóa để kêu oan cho các bị cáo liên quan đến vụ hỗn chiến do tranh chấp nuôi ngao trên sông Yên khiến 3 người chết, 9 người bị thương hồi tháng 7/2013. Như Dân trí đã thông tin, vào ngày 7/7/2013, trên...