Yên Tử đã có bao nhiêu tiền công đức?
Sự kiện Quảng Ninh thực hiện việc thu phí tham quan Di tích và danh lam thắng cảnh Yên Tử, trong những ngày qua đã gây nhiều tranh cãi. Nhiều ý kiến cho rằng, số tiền công đức vào Yên Tử của du khách thập phương là khá lớn đủ để thực hiện trùng tu, tôn tạo và duy trì bộ máy quản lý, nên không cần phải thu thêm phí tham quan Yên Tử. Về vấn đề này, PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Anh Tú – Chủ tịch UBND TP.Uông Bí (Quảng Ninh).
Khách đến Yên Tử đã phải mua vé tham quan từ ngày 1.1.2018. (Ảnh: Nguyễn Quý)
Từ trước đến nay, việc quản lý và sử dụng tiền công đức ở Yên Tử được thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Năm 2007, tỉnh Quảng Ninh có chủ trương xây dựng chùa Đồng và bảo tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông tại khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Yên Tử. Do đó, UBND tỉnh đã giao cho Ban quản lý tôn tạo Yên Tử (nhà chùa) thu và quản lý toàn bộ nguồn thu công đức và giọt dầu tại Yên Tử.
Trong đó, tiền giọt dầu được Nhà chùa quản lý và sử dụng 100%. Đối với tiền công đức thu được tại khu di tích Yên Tử được trích lại 4% để hỗ trợ cho Ban quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử, còn lại 96% là do nhà chùa quản lý, sử dụng để đầu tư trở lại cho nhà chùa hoặc nơi thờ tự.
Biểu thống kê thu tiền công đức tại Yên Tử do UBND TP.Uông Bí cung cấp (Ảnh: Nguyễn Quý).
Số tiền công đức các năm qua cụ thể là bao nhiêu, đã dùng vào việc gì?
- Năm 2017, số tiền công đức thu được tại Yên Tử khoảng 17,5 tỷ đồng. Các năm trước đó chúng tôi sẽ gửi biểu thống kê (ảnh trên).
Trong thời gian qua, nhà chùa đã sử dụng tiền công đức để đầu tư xây dựng một số công trình lớn, có thể kể đến như: Xây dựng chùa Đồng 80 tỷ đồng, xây dựng tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông 120 tỷ đồng, xây dựng chùa Một Mái 5 tỷ đồng, trùng tu hệ thống am tháp và mắt rồng 7 tỷ đồng, xây dựng Nhà tổ chùa Giải Oan 4 tỷ đồng, xây dựng trụ sở Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh tại chùa Trình 30 tỷ đồng, xây dựng khuôn viên chùa Trình 3 tỷ đồng, đang xây dựng cung Trúc lâm Yên Tử với khái toán 250 tỷ đồng.
Video đang HOT
Dù đã áp dụng thu phí tham quan nhưng lượng người đến Yên Tử trong những ngày đầu khai hội vẫn rất đông. (Ảnh: Nguyễn Quý)
Ngoài những công trình này, Yên Tử có thực hiện thêm dự án nào không và nguồn vốn từ đâu, thưa ông?
- Khu di tích Yên tử sau nhiều năm được Đảng, Nhà nước quan tâm đã đầu tư xây dựng nhiều công trình cơ sở hạ tầng quan trọng (đường sá, công trình dịch vụ, hệ thống các chùa: Chùa Trình, Suối Tắm, C ẩm Thực, Giải Oan, Hoa Yên…, mở rộng tuyến đường giao thông Yên Tử, tuyến đường kết nối từ Ngọa Vân Đông Triều về Yên Tử, đầu tư xây dựng Rừng quốc gia Yên Tử…).
Tuy nhiên, nguồn kinh phí hàng năm đầu tư, tu bổ sửa chữa và nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng để phục vụ du khách về tham quan khu danh lam thắng cảnh Yên Tử; việc chi phí cho hoạt động quản lý lễ hội hàng năm… là từ nguồn ngân sách nhà nước.
Các công trình khác như hệ thống cáp treo, Nội viện chùa Hoa Yên, Trung tâm Lễ hội và dịch vụ du lịch Yên Tử, hệ thống điểm dừng chân dọc tuyến đường hành hương, bến xe… là do Công ty cổ phần Phát triển Tùng Lâm thực hiện.
Dư luận đặt ra câu hỏi, có nên thu phí tham quan Yên Tử, trong khi người dân đã phải nộp nhiều khoản phí khi sử dụng các dịch vụ trong khu di tích?
- Với mục tiêu bảo tồn và tôn tạo di tích quốc gia đặc biệt và rừng quốc gia Yên Tử, để thu hút và phục vụ tốt hơn nữa nhu cầu tham quan, du lịch của khách thập phương, trong điều kiện nguồn ngân sách còn hạn chế, việc thu phí để sử dụng vào các mục đích trên là hoàn toàn phù hợp. Việc thu phí danh lam thắng cảnh Yên Tử được dựa trên các quy định của Luật Phí và Lệ phí.
Xin cảm ơn ông!
Theo Danviet
Phí tham quan Yên Tử được sử dụng hợp lý sẽ hợp lòng dân
"Nếu sử dụng nguồn kinh phí tham quan hợp lý chắc chăn sẽ hợp lòng dân. Vì vậy, tỉnh Quảng Ninh đề nghị báo chí và người dân cùng tham gia giám sát việc thu, chi kinh phí thu được từ nguồn thu phí tham quan di tích Yên Tử", ông Vũ Văn Hợp, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ninh nói trong buổi giao ban báo chí thường kỳ chiều nay (28.2).
Thu phí tham quan Yên Tử: Chưa yên!
Tính từ ngày 1.1.2018 đến nay, TP.Uông Bí đã bán tổng cộng 243.644 vé cho khách tham quan, tương đương số tiền 10,522 tỷ đồng. Đây cũng là mùa lễ hội đầu tiên Quảng Ninh tiến hành thu phí trở lại sau 10 năm miễn phí tham quan Yên Tử. Có không ít lời ca thán của du khách về việc thu phí ở nơi được xem là kinh đô Phật giáo Việt Nam này.
Dù đã áp dụng thu phí tham quan nhưng lượng người đến Yên Tử trong những ngày đầu khai hội vẫn rất đông. Ảnh: Nguyễn Quý.
Trước đó, ngày 13.12.2017, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã thông qua nghị quyết về quy định thu phí, lệ phí, trong đó có việc thu phí tham quan danh lam thắng cảnh Khu di tích Quốc gia đặc biệt Yên Tử, TP.Uông Bí. Theo nghị quyết này, từ ngày 1.1.2018, tỉnh sẽ thu phí tham quan danh thắng Yên Tử với 40.000 đồng/lượt/người lớn và 20.000 đồng/lượt/trẻ em. Việc miễn, giảm phí được áp dụng cho một số trường hợp theo chính sách của nhà nước.
Theo ghi nhận của PV Dân Việt tại Yên Tử trong những ngày đầu khai hội, mặc dù lượng người đông nhưng ít xảy ra ùn tắc. Số người tập trung đông nhất là tại vị trí bán vé và cửa soát vé vào khu di tích. Trong số đó, không ít người tỏ ra ngạc nhiên, bất bình trước việc phải bỏ tiền mua vé tham quan Yên Tử.
Chị Nguyễn Thị Xuyến (xã Liên Vị, TX.Quảng Yên, Quảng Ninh) bày tỏ: "Hầu như năm nào vợ chồng tôi cũng đến Yên Tử vào dịp xuân, chưa năm nào phải mua phí tham quan nên thực sự bất ngờ. Số tiền thực ra không nhiều, nhưng với số lượng hàng triệu khách lại là rất lớn, liệu có quản lý chặt chẽ được không? Di tích có được trùng tu từ nguồn này không hay lại phải dùng ngân sách?".
Khách xếp hàng qua cửa soát vé khu vực đi bộ (Ảnh: Nguyễn Quý).
Theo chị Xuyến, việc phải bỏ ra số tiền 40.000 đồng để mua phí tham quan Yên Tử là "nhỏ" nhưng đối với bà Lê Thị Thanh (xã Hiệp An, huyện Kinh Môn, Hải Dương), thì: "Ta đi chùa để cầu an cầu phúc đầu năm cho bản thân và gia đình, dùng dịch vụ nào trả tiền dịch vụ ấy, sao lại còn phải thu phí tham quan? Đừng thương mại hóa quá nhiều làm mất đi sự tôn nghiêm nơi đất Phật!".
"Em làm du lịch, mọi năm đưa được không biết bao nhiêu đoàn về đây nhưng năm nay thì khác. Họ không vì tiếc 40.000 đồng đâu, nhưng là vì họ thấy vô lý khi đi bái Phật lại mất phí. Có khách còn nói với em ngày trước vì đâu mà Vua về đây tu ẩn, giờ thì kinh doanh trên từng bước chân của kẻ tu hành. Nghe cũng buồn lắm anh ạ!",một hướng dẫn đoàn khách du lịch Nghệ An (xin giấu tên) chia sẻ.
Tiền công đức: Khó quản lý?
Trong một diễn biến khác, tại diễn đàn trên mạng xã hội của nhóm người Uông Bí, việc thu phí tham quan Yên Tử là đề tài "nóng bỏng" nhất mấy ngày qua.
Khó kiểm soát tiền công đức tại Khu di tích Yên Tử (Ảnh minh họa).
Bạn Bùi Thanh Thảo nêu ý kiến: "Năm 2007, để kêu gọi các mạnh thường quân góp tiền làm chùa Đồng và tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông, tỉnh Quảng Ninh đã thành lập Ban tôn tạo Yên Tử và giao tiền công đức tại Yên Tử cho Ban Trị sự quản lý nhằm phục vụ cho 2 công trình trên. Việc xây dựng chùa Đồng và làm tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông đã hoàn thành từ lâu, nhưng đến nay Ban này vẫn nắm giữ, quản lý tiền công đức.
Tiền công đức thì chính quyền khó giám sát, rồi tiền đấy họ cũng không chịu bỏ ra tái đầu tư nên Quảng Ninh và Uông Bí cực chẳng đã phải tiến hành thu phí tham quan Yên Tử. Ngành than khó khăn, Uông Bí mấy năm rồi bị hụt thu ngân sách, nếu không thu phí Yên Tử thì không biết lấy tiền đâu để quản lý, trùng tu chùa chiền. Nhưng theo tôi thu như trên là hơi đắt và nên giảm chút cho dân địa phương".
Ý kiến trên đã nhận được nhiều sự đồng tình. Bạn Nguyễn Thùy Linh viết: "Yên Tử bao năm không thu phí rồi, nên giờ thu phí mọi người nói lên nói xuống. Sang các chùa khác ở nhiều nơi họ thu phí từ lâu rồi ấy!".
Bạn Nguyễn Khánh nêu quan điểm: "Tốt nhất là tu tâm tu tại gia. Phật ở trong tâm mỗi con người chúng ta, không cứ phải đến chùa mới là tu. Mua sách kinh và thỉnh Phật về mà tu mà niệm. Đi chùa 80% là đi vãn cảnh, và người ta xây dựng để vãn cảnh thì thu phí là lẽ tất nhiên. Nếu đi lễ chùa mà mất phí gây ức chế thì không nên đi".
Nhà tu hành, Phật tử và khách du lịch bộ hành lên đỉnh thiêng Yên Tử (Ảnh: Đỗ Giang).
Trao đổi với PV Dân Việt về vấn đề quản lý tiền công đức, Thượng tọa Thích Thanh Quyết - Phó chủ tịch Hội đồng Trị Sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Ninh, Trụ trì Khu di tích Yên Tử - cho biết: "Hiện nay, tiền công đức vào Yên Tử vẫn do Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh quản lý. Các chùa trên cả nước trực thuộc Giáo hội quản lý, giám sát tiền công đức như thế nào thì ở Yên Tử chúng tôi quản lý như thế. Riêng Yên Tử từ xưa đến nay chính quyền vẫn cùng với Ban trị sự kiểm tra cụ thể. Tiền công đức hàng năm được dùng vào việc xây dựng, trùng tu chùa chiền, nuôi tăng ni, tiếp khách...".
Trong cuộc họp báo thường kỳ, ông Vũ Văn Hợp - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ninh cho rằng: Việc thu phí tại Yên Tử đã được tỉnh Quảng Ninh thực hiện từ trước năm 2008 và đã dừng thu phí 10 năm. Trong 10 năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã cùng các doanh nghiệp, người dân đầu tư rất nhiều kinh phí để xây dựng, trùng tu, cải tạo các công trình trong khu di tích để có được một Yên Tử như ngày hôm nay. Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh cũng phải sử dụng một lượng ngân sách lớn để chi thường xuyên cho các hoạt động như: an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường trong các dịp lễ hội và trong cả năm để đảm bảo an toàn cho người dân và du khách khi đến thăm quan Yên Tử và tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân kinh doanh tại đây.
"Nếu sử dụng nguồn kinh phí tham quan hợp lý chắc chăn sẽ hợp lòng dân. Vì vậy, tỉnh Quảng Ninh đề nghị báo chí và người dân cùng tham gia giám sát việc thu, chi kinh phí từ nguồn thu phí tham quan di tích Yên Tử. Tỉnh Quảng Ninh cam kết quản lý chặt chẽ cũng như kiên quyết sẽ xử lý những trường hợp sử dụng kinh phí không đúng", ông Vũ Văn Hợp nói.
Qua khảo sát, toàn bộ Khu di tích và danh thắng Yên Tử thời điểm hiện tại có một số loại dịch vụ và phí như sau: Giá vé bus 16 chỗ từ chùa Trình vào Yên Tử 20.000 đồng/lượt; giá vé xe điện từ bãi đỗ xe vào chân núi: 10.000 đồng/lượt; phòng ngủ riêng: từ 150.000 đến 500.000đồng/phòng; phòng ngủ tập thể: từ 100.000 đến 180.000 đồng/giường; dịch vụ nhà hàng: từ 40.000 đến 80.000đồng/suất ăn (có cả ăn chay & ăn thường).Giá vé cáp treo Yên Tử: Nếu đi cáp treo bạn nên mua trọn 2 tuyến, đi cáp treo chỉ lên đến tượng An Kỳ Sinh vẫn phải leo bộ một đoạn khoảng 500m đường mòn. Cách mà nhiều người đi nhất là leo bộ lên chùa Đồng rồi mua cáp treo 1 chiều xuống, không nên mua cáp treo giữa đường vì giá đắt hơn. Tuyến 1 (Giải Oan - Hoa Yên): một chiều 120.000 đồng - khứ hồi 200.000 đồng; tuyến 2 (Một Mái - An Kỳ Sinh): một chiều 120.000 đồng - khứ hồi 200.000 đồng. Cả 2 tuyến: một chiều 120.000 đồng - khứ hồi: 280.000 đồng; phí tham quan danh thắng Yên Tử với 40.000 đồng/lần/người lớn và 20.000 đồng /lần/trẻ em; phí gửi xe máy 10.000 đồng/lượt, xe ô tô 50.000 đồng/lượt.
Theo Danviet
Khai hội Tây Yên Tử, du khách từ Bắc Giang lên chùa Đồng nườm nượp Sáng 27.2 (tức 12 tháng Giêng), Lễ khai hội xuân Tây Yên Tử lần đầu tiên được tổ chức tại tỉnh Bắc Giang. Kể từ năm nay, Bắc Giang chính thức lấy ngày 12 tháng Giêng hàng năm là ngày khai Hội xuân Tây Yên Tử. Mặc dù từ sáng sớm, trời khá lạnh và có mưa phùn nhưng vẫn có hàng nghìn...