Yên Bái: Hàng chục hộ dân khu bãi rác “khát” nước sạch
Khi có quyết định về việc di dời bãi rác ô nhiễm Tuần Quán – TP Yên bái về xã Văn Tiến từ ngày 1.6.2011 thì người dân sống xung quanh bãi rác này rất vui mừng. Tuy nhiên hiện nay họ vẫn đang phải đối mặt với tình trạng nguồn nước bị ô nhiễm nặng nề ngay cả khi bãi rác đã đóng cửa.
Bãi rác Tuần Quán thuộc phường Yên Ninh, TP Yên Bái được hình thành từ năm 1993, có diện tích 3,9 ha. Trước đây, hầu hết rác của TP đều được tập trung ở đây. Mỗi ngày đều đặn, có 15 chuyến xe đổ xuống nơi này khoảng 75 khối rác. Khi rác được chuyển tới, không có biện pháp xử lý nào khác là rác đầy quá thì lại đổ đất phủ lên trên, vì vậy mùi hôi thối lúc nào cũng bốc lên nồng nặc.
Hiện tại, xung quanh khu vực bãi rác này có trên 60 hộ dân thuộc tổ 37 và 39 sinh sống. Họ chủ yếu là những hộ gia đình nghèo, khó khăn nên không có điều kiện mua nhà nơi khác để ở. Khi bãi rác Tuần Quán còn đang hoạt động, thì các hộ gia đình đều phải dùng nước giếng ngầm, lấy nước sinh hoạt, ăn uống, nấu cơm. Những ngày trời mưa, lượng nước thải theo những con rãnh tràn cả ra đường, bốc mùi hôi thối nồng nặc rồi ngấm xuống đất theo những mạch nước vào những giếng nước ngầm. Còn vào những ngày trời nắng, khi có xe chạy qua thì bụi bay mù mịt.
Theo đó, đến ngày 1.6.2011 việc thu gom và xử lý rác thải đã được chuyển về khu vực bãi rác mới tại xã Văn Tiến – thành phố Yên Bái. Người dân nơi đây rất vui mừng, nhưng cho đến nay nguồn nước vẫn không thể dùng được do bị ô nhiễm từ trước.
Bãi rác Tuần Quán đóng cửa từ ngày 1 tháng 6 năm 2011
Video đang HOT
Qua khảo sát thì có tới 20 hộ dân bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ nguồn nước. Do mức độ ô nhiễm lớn nên không thể khắc phục một sớm một chiều. Ông Phùng Tiến Thanh – Bí thư Đảng Ủy – chủ tịch UBND phường Yên Ninh cho biết: “Phường đã tham khảo cách làm ở Hà Nam và trên internet về kỹ thuật xây dựng bể lọc nước bằng than hoạt tính rồi giao cho hội CCB, trạm y tế phường phối hợp với 2 tổ dân phố 37 và 39 có nhiều gia đình bị nhiễm nguồn nước bẩn rồi vận động họ làm theo. Điều đáng nói thì đối với những hộ dân nghèo nơi đây thì không thể lấy đâu ra 3 triệu đồng để làm bể lọc bằng than hoạt tính”.
Trước mắt Phường Yên Ninh chỉ có thể lựa chọn hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhất để hỗ trợ trước.
Cán bộ phường Yên Ninh chuyển vật liệu xây bể lọc nước cho hộ ông Đức, tổ 39
Gia đình chị Nguyễn Thị Hoa – tổ 39 là người được chọn để xây dựng bể lọc nước đầu tiên với kinh phí hỗ trợ 100% của phường, chị tâm sự “Ngày trước, gia đình tôi ngày nào cũng phải đi xin nước ở xa để về ăn vì nguồn nước ở đây không dùng được, nước luôn có mùi hôi thối và tanh nồng. Có được bể lọc nước này tôi yên tâm lắm”. Cùng với chị Hoa còn có 2 hộ gia đình nữa được ưu tiên xây dựng bể lọc trước là ông Đinh Trọng Đức và anh Nguyễn Đăng Khoa – tổ 39. Như vậy cho đến thời điểm này, mới chỉ có 3 hộ thuộc khu bãi rác được hỗ trợ làm bể lọc nước. Trên thực tế, số lượng hộ dân chịu ảnh hưởng bởi nguồn nước là hàng chục hộ. Tất cả họ đều mong muốn được làm bể lọc để sử dụng nước sạch. Do vậy rất cần sự quan tâm tạo điều kiện của các cấp các ngành để những người dân nghèo nơi đây mau chóng có nguồn nước sạch. Đảm bảo cho cuộc sống thường ngày của họ./.
Theo ANTD
Xã Diên Bình (Kon Tum): Hàng chục gia đình khát nước sạch
Hàng chục gia đình trú tại thôn 1, 2 và 3 xã Diên Bình, huyện Đăk Tô hằng ngày phải dành dụm, chắt chiu từng giọt nước sạch để uống, nấu ăn.
Còn các giếng nước ngay tại địa phương đang bị nhiễm bẩn, người dân phải xoay xở dùng mọi cách lắng lọc nước dùng để tắm rửa nhưng gây mẩn ngứa, một số người dân xuất hiện triệu chứng đau bụng, tiêu chảy...
Ông Nguyễn Đình Giác dùng nguồn nước bị nhiễm bẩn để tắm rửa.
Giếng nước bị ô nhiễm toàn diện
Ông Huỳnh Minh Thanh - Thôn trưởng thôn 1, xã Diên Bình - nói: "Chúng tôi đã tổng hợp danh sách các hộ gia đình có giếng nước bị ô nhiễm gửi UBND xã; đồng thời, chúng tôi cũng đã nhiều lần kiến nghị với UBND xã về nguồn nước sinh hoạt của người dân bị nhiễm bẩn. Riêng thôn 1 có 41 hộ gia đình giếng nước bị nhiễm bẩn (xóm Le 14 hộ, xóm Cây Cầy 27 hộ), cả 3 thôn trong xã có đến 67 hộ gia đình giếng nước bị ô nhiễm".
Ông Thanh cho biết thêm:" 100% hộ gia đình ở xóm Le đều có nguồn nước giếng bị nhiễm bẩn. Nhiều bà con nơi đây vốn đã nghèo thì nay còn khó khăn hơn. Gia đình nào có điều kiện thì mua nước đóng bình để uống, còn không thì họ dùng nguồn nước này. Riêng gia đình tôi, chỉ có 3 khẩu nhưng mỗi tháng phải tốn thêm 150 ngàn đồng tiền mua nước đóng bình để uống".
Trên bề mặt một số giếng nước sinh hoạt của các hộ gia đình trú tại thôn 1 đóng một lớp váng dày. Bà Võ Thị Ninh - trú tại thôn 1 - ao ước: "Muốn có được ấm nước nóng pha trà phải cuốc bộ gần cây số, ra xin nước của các hộ gia đình trú dọc theo quốc lộ 14, vì các hộ gia đình này đang định cư trên cao nên nguồn nước giếng không bị ô nhiễm.
Tôi già rồi, đầu gối bị thấp khớp nên cõng được can nước về tới nhà thì gần như "đứt hơi", dùng tằn tiện lắm. Khi tắm thì dùng loại nước hôi tanh này, sau đó dùng vài ca nước sạch lăn qua. Dùng riết thứ nước bẩn này thì móng tay, móng chân đều đỏ quạch. Muốn giặt bộ đồ trắng thì tôi phải chạy đôn chạy đáo ra xóm ngoài xin nước, nếu không thì chỉ cần ngâm bộ đồ trong nước, áo quần chuyển sang màu đỏ".
Do thuỷ điện Plei Krông?
Ông Nguyễn Đình Giác năm nay đang bước sang tuổi 80 cho biết: "Tôi lập nghiệp, cư trú tại nơi này từ những năm 50 của thế kỷ trước. Ở nơi này mưa liên tục từ 3 đến 4 ngày thì nước vẫn thoát hết, chưa bao giờ xảy ra chuyện úng ngập. Thế nhưng từ năm 2008 đến nay, do ngăn dòng tích nước của công trình thủy điện Plei Krông nên ở nơi này thường xuyên bị ngập úng, kéo theo các giếng ở trong vùng cũng đóng phèn. Một số hộ gia đình vắt cạn nước giếng, dùng muối khử phèn nhưng đâu vẫn hoàn đấy, nước vẫn bị nhiễm bẩn".
Trước những khổ ải của người dân, UBND huyện Đăk Tô đã chỉ đạo các ngành chức năng trên địa bàn phối hợp với Ban quản lý Dự án thuỷ điện 4 tiến hành kiểm tra 62 giếng nước của các hộ dân kiến nghị để có hướng xử lý phù hợp. Ông Nguyễn Văn Luận - Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đăk Tô - cho biết: "Thời gian tới, UBND huyện Đăk Tô sẽ đề nghị Ban quản lý Dự án thủy điện 4 trang bị một số thiết bị để xử lý nước tạm thời cho người dân; về lâu dài, sẽ đề xuất với các cấp có thẩm quyền đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt cho các hộ dân".
Thế nhưng, trong khi chờ đợi hướng xử lý của ngành chức năng thì ngày ngày hàng chục hộ gia đình nơi đây vẫn phải sử dụng nguồn nước ô nhiễm để phục vụ sinh hoạt.
Theo Lao Động