Ý tưởng độc đáo trong thiết kế khu nghỉ dưỡng bậc nhất châu Á
Trước khi thiết kế khu nghỉ dưỡng InterContinental Danang Sun Peninsula Resort, kiến trúc sư lừng danh thế giới Bill Bensley đã bỏ nhiều công sức, thời gian để tìm hiểu lịch sử, văn hoá và kiến trúc đặc sắc của Việt Nam.
Được mệnh danh là “Thầy phù thuỷ của những khu resort”, Bill Bensley thực sự ấn tượng với lối kiến trúc cung đình Huế. Các khoảng sân nối tiếp nhau, bức tường thành bằng đá dày được trấn giữ bởi tòa tháp cao khiến ông choáng ngợp. Những người thợ bậc thầy của thế kỷ 18 đã tạo nên một không gian đa dạng dành riêng cho vua chúa. Và đây cũng là nguồn cảm hứng bất tận mà ông vận dụng vào công trình đầu tiên của mình tại Việt Nam.
Bill Bensley bám sát hướng xây dựng của Thành nội Huế khi thiết kế đại sảnh của khu nghỉ dưỡng. Vào đầu thế kỉ 19, những kiến trúc sư Triều Nguyễn (1802 – 1945) đều nắm rất rõ về quy luật cân bằng và dẫn lối tầm nhìn qua nhiều không gian khác nhau. Vận dụng điều này, ông đặt hai bức tượng rối nước Việt Nam ngự ở điểm đầu mút của đại sảnh, tượng trưng vua và hoàng hậu của bán đảo Sơn Trà. Còn ở điểm đối, tầm nhìn được mở ra vô tận bởi cảnh Biển Đông.
Hướng về phía biển, Bill Bensley định dựng lên một bức tượng nàng tiên cá ở đây. Tuy nhiên, những tảng đá khổng lồ và vẻ trùng điệp của núi xanh khiến ông từ bỏ, để mọi thứ hòa hợp thật tự nhiên.
Không chỉ Thành nội Huế, Bill Bensley nhận thấy, lăng Vua Minh Mạng cũng áp dụng nguyên tắc cân bằng. Lăng được xây bởi con trai của Vua Minh Mạng vào năm 1843, cách Thành nội khoảng 12 cây số, gần bờ Tây sông Hương. Băng qua cổng Ngọ Môn, Bill phát hiện ra kiến trúc Cổng Tam Quan khá phổ biến trong cung đình xưa. Đây là loại cổng 3 lối, lối giữa dành cho vua, còn 2 lối bên dành cho quan lại và hoàng thân quốc thích.
Ngay khi quay về, Bill lập tức đưa lối kiến trúc Cổng Tam Quan vào toàn khu nghỉ dưỡng, thậm chí đặt tượng Vua và Hoàng Hậu phía trên lối giữa cổng đại sảnh. Ngoài ra, ông cũng mô phỏng lại thiết kế đối xứng, minh họa chữ “Trường thọ” của khu vườn thượng uyển.
Vào năm 2005, Bill Bensley đã tham quan ít nhất 30 ngôi đền Phật Giáo, cung điện và lăng tẩm trên khắp Việt Nam để tăng thêm vốn hiểu biết. Mái ngói âm dương nhiều lớp được ông trọng dụng khi kết nối các khu vực, hay tòa nhà lễ tân tựa theo mẫu tự “Đình” của tiếng Hoa (giống chữ T).
Nội thất của khu nghỉ dưỡng cũng gợi nhớ đến những ngôi đền cổ của Việt Nam, với đèn lồng bắt mắt, giá nến được khắc trổ cầu kì, tượng rồng, voi, sư tử và hoa sen. Hay thậm chí là cách phối hài hòa những thanh gỗ sơn đen cùng gạch ốp trắng. Hai gam màu này biểu trưng cho sự hài hòa âm dương, đặc trưng cho tôn giáo khu vực Đông Á.
Ngoài nội thất, tất cả các tòa nhà chính cũng được Bill Bensley phối màu đen và trắng. Kiến trúc sư còn khéo léo thêm vào một số màu nổi bật cho từng tòa nhà, chẳng hạn như sắc vàng vua chúa cho nhà hàng Citron.
Trong suốt 7 năm phát triển dự án khu nghỉ dưỡng, Bill Bensley đã nhiều lần bỏ lại đằng sau những công trình dang dở để lững thững dạo bước trên phố cổ Hội An. Dọc theo bán đảo Sơn Trà 30 km về phía Nam, Hội An trứ danh với những công trình có từ thế kỉ 15 – 19 được bảo tồn khá nguyên vẹn. Nơi đây từng là một thương cảng lớn của quốc tế, tấp nập mua bán các hương liệu, giấy, gốm sứ và tơ lụa.
Video đang HOT
Mái đình uốn cong nhấn nhá cho cảnh trí nhà dân, ngôi nhà thờ phượng của dòng họ, hay những sảnh họp ven sông Thu Bồn… là những nét đẹp xưa cũ hấp dẫn Bill Bensley. Ông đã mang đèn lồng sặc sỡ giăng đầy phố Hội vào thiết kế của mình. Những đường cong khơi gợi của đèn và bề mặt mềm óng của lụa hiện diện ở mọi nơi trong khu nghỉ dưỡng. Đặc biệt, khung tre của chiếc đèn lồng truyền thống còn gợi cảm hứng cho ông thiết kế những chiếc đèn treo trần khổng lồ tại sảnh lễ tân và nhà hàng cao cấp La Maison 1888.
Ý tưởng vòng bánh xe được đẽo đá, đặt ngay tại sảnh lễ tân khách sạn cũng được Bill Bensley tìm thấy sau chuyến thăm Hội An. Cảm hứng đến từ lần ghé thăm Chùa Cầu Hội An, một tác phẩm mang đậm nét đặc trưng của Nhật Bản từ thế kỉ thứ 18.
Tuy nhiên, thay vì sử dụng chất liệu gỗ và những vật liệu dễ bị hư hại bởi khí hậu nhiệt đới như các công trình xưa, Bill Bensley đã lựa chọn các chất liệu lâu bền hơn. Chính vì vậy, trong công trình lớn đầu tiên của Bill tại Việt Nam, ông đã phá cách ít nhiều so với những công trình mà ông thực hiện tại Ấn, Campuchia hay Thái Lan. Điều này dễ dàng nhận thấy qua những nét kiến trúc đương đại, pha lẫn hơi thở làng quê Việt Nam trong tác phẩm InterContinental Danang Sun Peninsula.
Theo VNE
Các điểm du lịch nổi tiếng trên đồng tiền Việt Nam
Các địa danh trên các tờ tiền giấy của Việt Nam như vịnh Hạ Long, Văn Miếu Hà Nội, Chùa Cầu Hội An... chính là những di tích lịch sử, danh thắng nổi tiếng thu hút đông đảo khách du lịch.
Không chỉ là đơn vị thanh toán, những đồng tiền còn thể hiện lịch sử - văn hóa của mỗi đất nước với những hình ảnh in trên đó.
1. Chùa tháp Phổ Minh
Chùa tháp Phổ Minh.
Trên mặt tờ 100 đồng là hình ảnh chùa tháp Phổ Minh, tọa lạc ở thôn Tức Mạc, cách trung tâm thành phố Nam Định khoảng 4 km, là một trong những dấu tích còn lại của thời Hào khí Đông A - nhà Trần. Tháp Phổ Minh được xây dựng năm 1305 gồm 14 tầng, cao 21,2 m, bề thế và vững chắc. Càng lên cao, các tầng thu hẹp dần và kết thúc bằng một chỏm hình bầu rượu có nhiều cạnh.
2. Chùa Cầu Hội An
Chùa Cầu.
Trên tờ tiền 20.000 đồng polymer là hình ảnh Chùa Cầu (Hội An) với vẻ đẹp kiến trúc cổ kính. Chiếc cầu dài khoảng 18 m, có mái che, vắt cong qua lạch nước chảy ra sông Thu Bồn. Chùa và cầu đều bằng gỗ sơn son chạm trổ rất công phu, mặt chùa quay về phía bờ sông. Đây được xem là biểu tượng giao lưu văn hóa Nhật - Hoa - Việt ở Hội An và thu hút đông đảo du khách tham quan.
3. Nghênh Lương Đình - Phu Văn Lâu
Nghênh Lương Đình - Phu Văn Lâu.
Cụm di tích Nghênh Lương Đình- Phu Văn Lâu (Huế) được in trên mặt tờ tiền 50.000 đồng polymer, là những công trình kiến trúc gắn bó với lịch sử triều Nguyễn. Nghênh Lương Đình bên bờ sông Hương dùng làm nơi nghỉ chân của nhà vua trước khi đi xuống bến sông để lên thuyền rồng hoặc làm nơi hóng mát. Phu Văn Lâu được xây dựng dưới thời vua Gia Long dùng làm nơi niêm yết những chỉ dụ quan trọng của nhà vua và triều đình, hoặc kết quả các kỳ thi do triều đình tổ chức.
4. Bến Nhà Rồng
Bến Nhà Rồng.
Hình ảnh Bến Nhà Rồng lịch sử được in trên tờ tiền 50.000 đồng cũ. Đây vốn là một thương cảng lớn của Sài Gòn, gắn với sự kiện Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, nay là Bảo tàng Hồ Chí Minh - nơi lưu giữ nhiều tư liệu quý giá về cuộc đời của Người, cũng như lịch sử và sự phát triển của thành phố mang tên Bác.
5. Văn Miếu
Văn Miếu.
Xuất hiện trên tờ tiền 100.000 đồng polymer là hình ảnh Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Đây được coi là một biểu tượng của sự trường tồn tinh hoa văn hóa, giáo dục, truyền thống tôn sư trọng đạo, khuyến đức, khuyến tài của dân tộc Việt. Là địa chỉ du lịch văn hóa nổi tiếng của thủ đô, hàng năm Văn Miếu thu hút hàng triệu lượt du khách tham quan cũng như diễn ra các hoạt động văn hóa, lễ hội như tôn vinh Thủ khoa, văn nghệ dân tộc, bình thơ, triển lãm thư pháp, giới thiệu thơ xuân...
6. Nhà sàn Bác Hồ
Nhà sàn Bác Hồ.
Đây là hình ảnh trên tờ tiền giấy 100.000 đồng cũ. Ngôi nhà sàn giản dị trong quần thể di tích Phủ Chủ tịch nằm giữa thủ đô Hà Nội. Nhà được làm bằng gỗ thường, mái lợp ngói, nhìn ra hồ nước theo hướng Đông - Nam, với 3 phòng nhỏ. Bố cục và tổ chức của ngôi nhà gợi nét thân quen của những ngôi nhà sàn của đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Bắc. Đồng thời, nơi đây cũng mang giá trị tư tưởng và nghệ thuật rất cao, bởi kiến trúc trong sáng, giản dị, chân thực, khiêm tốn, sinh động thể hiện được như cuộc sống thanh bạch và tao nhã của Người.
7. Vịnh Hạ Long
Vịnh Hạ Long.
Hai lần xuất hiện trên bề mặt tờ tiền, tờ 10.000 đồng cũ và tờ 200.000 đồng polymer, di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long là một điểm đến du lịch nổi tiếng. Nơi đây được ví như tác phẩm nghệ thuật tạo hình vĩ đại của thiên nhiên với sự hiện diện của hàng nghìn đảo đá muôn hình vạn trạng, với nhiều hang động kỳ thú quần tụ thành một thế giới vừa sinh động, vừa huyền bí.
8. Làng Sen
Quê Bác.
Trên tờ tiền có mệnh giá lớn nhất hiện nay, tờ 500.000 đồng là hình ảnh ngôi nhà 5 gian ở làng Sen (Nam Đàn, Nghệ An), gợi nhắc về làng quê Việt giản dị. Ngôi nhà thuộc khu di tích Kim Liên, một trung tâm du lịch lưu giữ những hiện vật, tài liệu, không gian văn hóa - lịch sử về thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những người thân trong gia đình.
Theo VNE
Nét đẹp của sen trong ẩm thực cung đình Huế Cái thơm mát, thanh nhã và tinh tế của sen đóng một vai trò rất quan trọng trong việc ấn định phong cách riêng cho ẩm thực thanh cao của hoàng gia xứ Huế. Hương sen mùa hạ Dạo quanh nội thành Huế, ngoài việc ngắm nhìn dòng sông Hương mềm mại đang ôm lấy cố đô thì người ta còn ấn tượng...