Y tá Mỹ thứ hai nhiễm Ebola đi máy bay một ngày trước
Nữ y tá Amber Joy Vinson đi trên một chuyến bay chở 132 hành khách, trước khi bị phát hiện nhiễm Ebola.
Amber Vinson từ thời học trung học. Ảnh: Akron Public Schools
Một ngày sau khi đi trên chuyến bay mang số hiệu 1143 của Frontier Airlines, Vinson bị xác định nhiễm Ebola từ bệnh nhân mà cô tham gia chăm sóc, Yahoo News dẫn lời giới chức Mỹ cho biết. Chuyến bay đi từ Ohio tới Texas.
Nữ y tá 29 tuổi này từng ở Ohio để chuẩn bị cho lễ cưới của mình. Cô không có triệu chứng nhiễm bệnh vào thời điểm lên tàu bay nhưng “không nên bay trở lại Texas” sau khi phát hiện cô có nguy cơ nhiễm, Tiến sĩ Tom Frieden, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) cho hay. Vinson hiện trong tình trạng tiến triển xấu và sẽ được đưa tới Bệnh viện Đại học Emory tại Atlanta.
Tuy nhiên ông Frieden trấn an dư luận bằng thông tin Vinson không bị sốt và không nôn trên chuyến bay nên nguy cơ người trên cùng máy bay bị nhiễm Ebola là rất thấp. Ông cũng cho rằng những y tá chăm sóc cho Duncan không được phép di chuyển mà nên ở trong môi trường được kiểm soát. CDC đề nghị tất cả 132 hành khách có mặt trên cùng chuyến bay với Vinson hôm 13/10 gọi đến trung tâm này để xem liệu họ có nguy cơ nhiễm bệnh hay không.
Hôm qua Nhà Trắng thừa nhận có những thiếu sót trong việc xử lý dịch Ebola tại Dallas, Texas. “Không rõ những quy trình nào được áp dụng và thực hiện ra sao”, phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest nói.
Video đang HOT
Vinson là đồng nghiệp với Nina Phạm, người Mỹ gốc Việt, cuối tuần trước bị phát hiện nhiễm Ebola. Họ là hai trong số 76 nhân viên y tế tham gia điều trị cho Duncan, bệnh nhân Ebola người Liberia mất tuần trước.
Khi chưa rõ nguyên nhân các y tá nhiễm dịch, ông Frieden cho hay các điều tra viên đang tập trung vào khung giờ từ ngày 28/9 đến 30/9, thời điểm Duncan bắt đầu nhập viện. Vinson và Nina Pham tiếp xúc với bệnh nhân khi anh ta bị nôn mửa và tiêu chảy. Hồ sơ bệnh lý do gia đình Duncan cung cấp cho thấy các nhân viên ở CDC không sử dụng áo choàng và tẩy rửa trang phục cho tới khi Duncan bị xác nhận là nhiễm Ebola, theo AP.
Các điều tra viên đang điều tra cách sử dụng thiết bị bảo vệ cá nhân của các bác sĩ và y tá. Nhà chức trách Texas và liên bang cảnh báo có thể Vinson và Nina Phạm mới chỉ là những ca đầu tiên báo hiệu sự lan tràn Ebola ra khắp nước Mỹ. Ông Frieden cho biết ca nhiễm thứ hai rất đáng lo ngại và họ đang chuẩn bị có thêm các ca nhiễm khác. Các quan chức đang theo dõi các bệnh viện khác có các phòng cách ly.
Một nhóm đang được điều đến tẩy rửa căn hộ của Vinson ở Dallas, gần bệnh viện nơi cô làm việc. Các thành viên gia đình của Vinson ở Ohio cũng được yêu cầu tự cách ly trong 21 ngày tới.
Theo VnExpress
Nhà Trắng triệu tập một phiên họp đặc biệt nhằm đối phó Ebola
Ngày 6/10, chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã thảo luận việc gia tăng các biện pháp nhằm đối phó với nguy cơ lây lan của virus Ebola, sau khi đã có ít nhất 6 người Mỹ bị lây nhiễm loại virus chết người đã và đang hoành hành nhiều tháng qua tại châu Phi này.
Bệnh viện Trường Đại học Howard, nơi tiếp nhận ca nghi nhiễm Ebola tại thủ đô Washington ngày 3/10.
Phóng viên tại Washington dẫn phát biểu của người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest trong cuộc họp báo thường kỳ cho biết trong ngày 6/10, Tổng thống Obama đã triệu tập phiên họp đặc biệt tại Nhà Trắng với các quan chức hàng đầu về an ninh y tế, an ninh quốc gia và an ninh nội địa, thảo luận các biện pháp ngăn chặn nguy cơ lây lan của virus Ebola trên lãnh thổ nước Mỹ.
Tham gia cuộc họp có Phó Tổng thống Joe Biden, Ngoại trưởng John Kerry, Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu liên quân - Tướng Martin Dempsey, Bộ trưởng Y tế và dịch vụ con người Sylvia Burwell, Bộ trưởng An ninh Nội địa Jeh Johnson, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh của Mỹ (CDC) Thomas Frieden; Trưởng Đại diện Mỹ tại Liên hợp quốc Samantha Power cùng nhiều cố vấn cấp cao khác.
Tại cuộc gặp này, Tổng thống Obama và các quan chức an ninh Nhà Trắng đã thảo luận đề xuất gia tăng các biện pháp kiểm tra an ninh y tế tại các sân bay, soi chụp kỹ các du khách đến từ các quốc gia châu Phi, nơi bùng phát dịch Ebola từ tháng Ba vừa qua đã cướp đi sinh mạng của 3.439 người sinh mạng trong tổng số gần 7.500 người lây nhiễm.
Với biện pháp này, du khách từ các quốc gia Ebola đang hoành hành sẽ được đề nghị trả lời các câu hỏi liên quan tới triệu chứng nhiễm virus Ebola như sốt, nôn mửa hoặc đã có tiếp xúc với những người bị nhiễm Ebola.
Biện pháp quan trọng thứ hai cũng được thảo luận là ban hành một lệnh cấm, không cho công dân các nước Tây Phi, nơi bị tác động mạnh nhất của dịch Ebola, ra vào Mỹ.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng biện pháp này có nguy cơ làm chậm hoặc gây trở ngại cho cuộc chiến chống Ebola.
Các quan chức tham dự cuộc họp cho biết việc gia tăng các biện pháp an ninh y tế tại các sân bay, nếu được áp dụng, cũng sẽ không gây khó khăn cho các chuyến bay chuyên chở thuốc men, dụng cụ y tế, các bác sỹ và các chuyên gia y tế tới giúp các nước Tây Phi chống lại dịch bệnh chết người này.
Giới chức Nhà Trắng cho biết cuộc họp của nhóm an ninh Nhà Trắng được tổ chức sau khi một người Lebanon ở bang Texas bị phát hiện đã bị nhiễm virus Ebola cách đây một tuần và hiện đang trong tình trạng nguy kịch.
Ngày 6/10, phóng viên ảnh Ashoka Mukpo thuộc kênh truyền hình NBC News bị nhiễm virus Ebola đã trở về Mỹ để điều trị. Ông Mukpo trở thành người Mỹ thứ năm được chẩn đoán bị nhiễm virus Ebola.
Hiện có hàng chục người Mỹ khác cũng nằm trong diện được theo dõi, nhưng chưa phát hiện ai trong số đó bị nhiễm virus Ebola.
Phát biểu trên truyền hình NBC ngày 5/10, Giám đốc CDC, bác sỹ Frieden, cho biết việc khống chế tình trạng lây nhiễm trong các bệnh viện cũng như công tác điều trị của y tế công sẽ góp phần ngăn chặn sự lây lan của virus Ebola.
Ông Frieden bày tỏ lạc quan, cho rằng nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế tại khu vực Tây Phi đang ngày càng có hiệu quả hơn trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus Ebola.
Cùng ngày, nhóm binh lính Mỹ đầu tiên trong 3.000 quân mà Tổng thống Obama cam kết, đã có mặt ở Liberia để xây dựng các trung tâm điều trị và bắt đầu tập huấn cho đội ngũ nhân viên y tế bản địa trong nỗ lực chung chống lại dịch Ebola.
Theo Vietnam
Ebola và những câu chuyện cười ra nước mắt Dịch bệnh Ebola bùng phát gần 7 tháng nay đã khiến cả thế giới khiếp sợ. Ngoài tác động về y tế, trong thời điểm bi thảm, tình thương và sự an ủi về thể chất lại không nằm trong tầm tay của mọi người. Áp phích khuyến cáo về dịch bệnh Ebola với hàng chữ "Các triệu chứng của Ebola" tại Monrovia,...