Y tá chết, bác sĩ đổ bệnh – tuyến đầu chống dịch cam go ở New York
Đại dịch Covid-19 bắt đầu ảnh hưởng đến các nhân viên y tế tuyến đầu tại New York. Họ phải đi làm trong tình trạng lo âu và hoảng loạn.
Một người quản lý kêu gọi các bác sĩ phẫu thuật tại Trung tâm y tế Irving thuộc Đại học Columbia ở Manhattan, New York, tình nguyện ra tiền tuyến vì một nửa nhân viên của phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) đã nhiễm virus corona.
“ICU đang muốn nổ tung”, cô viết trong một email.
Một bác sĩ khác tại Trung tâm y tế Weill Cornell ở Manhattan mô tả với New York Times trải nghiệm đáng sợ khi hàng ngày đi qua một đồng nghiệp ở độ tuổi 30 phải đặt nội khí quản do nhiễm Covid-19 và tự hỏi ai sẽ là người tiếp theo.
Bệnh nhân xếp hàng bên ngoài Trung tâm bệnh viện Elmhurst ở Queens, một trong những trung tâm y tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch Covid-19. Ảnh: New York Times.
“Đi làm để chết”
Hơn 200 nhân viên y tế ở một bệnh viện lớn tại New York đã nhiễm bệnh. Hai y tá trong thành phố đã tử vong.
Đại dịch khiến hơn 30.000 người nhiễm bệnh ở thành phố New York đang bắt đầu gây thiệt hại cho lực lượng cần thiết nhất để chống lại căn bệnh này: các bác sĩ, y tá và nhân viên tại các cơ sở y tế.
Trong các phòng cấp cứu và ICU, các chuyên gia y tế đang cảm thấy hoang mang khi số đồng nghiệp ngã xuống ngày càng tăng.
“Tôi cảm thấy chúng tôi như đến đây để chết”, anh Thomas Riley, y tá tại Trung tâm y tế Jacobi ở Bronx, người đã nhiễm virus, nói.
Nhân viên y tế vẫn đến bệnh viện và đối mặt với các phòng cấp cứu tràn ngập bệnh nhân. Hàng nghìn tình nguyện viên đã đăng ký để tham gia cùng các đồng nghiệp của họ. Họ được xem như những anh hùng.
Nhưng các nhân viên y tế có thể nhìn tình hình ở những nước khác và dự đoán tương lai u tối mà họ phải đối mặt, đặc biệt là khi thiếu hụt đồ bảo hộ.
Tại Trung Quốc, hơn 3.000 bác sĩ đã bị nhiễm bệnh, gần một nửa trong số đó ở Vũ Hán, theo thống kê của chính phủ Trung Quốc. Bác sĩ Trung Quốc Lý Văn Lượng, người đầu tiên cố gắng gióng lên hồi chuông cảnh báo về Covid-19, cũng chết vì nhiễm virus.
Tại Italy, số nhân viên y tế nhiễm virus gấp đôi con số tại Trung Quốc. Liên đoàn Bác sĩ phẫu thuật và Nha sĩ Quốc gia Italy đã tổng hợp danh sách 50 bác sĩ tử vong vì virus corona ở đây.
Gần 14% số ca nhiễm virus được xác nhận ở Tây Ban Nha là các chuyên gia y tế.
Hệ thống chăm sóc sức khỏe của thành phố New York thì rời rạc hơn, khiến việc tính tỷ lệ lây nhiễm trong số các nhân viên y tế khó hơn. Người phát ngôn của Tập đoàn Y tế và Bệnh viện, cơ quan điều hành các bệnh viện công ở thành phố New York, cho biết cơ quan này sẽ không chia sẻ dữ liệu về nhân viên y tế nhiễm virus tại thời điểm này.
Các y tá tại Trung tâm y tế Jacobi ở khu vực Bronx đã tập trung vào đầu ngày 28/3 để phản đối sự thiếu hụt thiết bị bảo vệ, bao gồm khẩu trang N95. Ảnh: New York Times.
“Tôi như bơi trong đó”
Tuần trước, hai y tá ở New York đã chết vì nhiễm Covid-19. Họ được xem là nạn nhân đầu tiên trong số các nhân viên y tế của thành phố này. Các nhân viên y tế trong thành phố cho biết họ sợ nhiều người khác sẽ tiếp bước hai y tá trên.
Anh Riley, y tá tại Jacobi, cho biết anh nhận ra rằng anh và các đồng nghiệp sẽ không bao giờ tránh khỏi việc bị lây nhiễm. Bệnh nhân với triệu chứng Covid-19 tràn ngập bệnh viện. Khẩu trang và đồ bảo hộ thiếu hụt trầm trọng.
“Tôi như bơi trong đó”, anh nói. “Tôi chắc chắn rằng tôi đã nhiễm virus”.
Và anh thật sự đã nhiễm virus. Anh bắt đầu ho, sau đó là sốt, là buồn nôn và tiêu chảy. Mấy ngày sau, chồng anh cũng bị bệnh. Anh Riley cho biết cả anhvà chồng dường như đã khá hơn, nhưng các triệu chứng vẫn còn.
Giống như các tướng lĩnh động viên quân đội của họ trước khi chiến đấu, người quản lý ở các bệnh viện ở New York đã phải tập hợp, vỗ về và đôi khi đe dọa nhân viên y tế.
“Hệ thống chăm sóc sức khỏe của chúng ta đang chiến đấu với một loại virus gây đại dịch”, ông Craig Craig R. Smith, bác sĩ phẫu thuật tại Bệnh viện NewYork-Presbyterian, viết trong một email cho nhân viên vào ngày 16/3, một ngày sau khi thành phố New York đóng cửa trường học.
“Bạn phải tiếp tục chiến đấu với bất kỳ vũ khí nào mà bạn có”.
“Bệnh tật là người thân chúng ta”, ông Smith nói thêm rằng các nhân viên y tế sẽ không được xét nghiệm trừ khi họ “có triệu chứng nặng đến mức cần phải nhập viện”.
“Điều đó có nghĩa là bạn phải đi làm”, ông viết. “Chấm hết”.
Nỗi sợ lây nhiễm cho bệnh nhân
Các bác sĩ và y tá phải đối mặt với sự hoang mang và hỗn loạn mỗi ngày đến làm việc.
Khi dịch vừa bắt đầu, các nhân viên y tế vứt bỏ khẩu trang và đồ bảo hộ mỗi lần họ tiếp xúc với người nhiễm Covid-19. Trong tình trạng thiếu hụt hiện tại, họ phải dùng các trang thiết bị đó đến cuối ca làm việc hoặc khử trùng để tái sử dụng.
“Điều này khiến chúng tôi gặp nguy hiểm, nó khiến bệnh nhân gặp nguy hiểm. Tôi không tin đây là thứ đang xảy ra ở nước Mỹ”, Kelley Cabrera, y tá phòng cấp cứu tại Trung tâm y tế Jacobi, nói.
Các bác sĩ và y tá sợ rằng họ có thể lây virus cho bệnh nhân và biến các bệnh viện thành nơi lan truyền virus. Điều này đã xảy ra ở Italy, một phần vì các bác sĩ nhiễm virus vẫn tiếp tục phải làm việc, theo một bài báo của các bác sĩ tại một bệnh viện ở Bergamo, một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở Italy.
Nhân viên bệnh viện tuyến đầu ở New York hiện được yêu cầu đo nhiệt độ sau mỗi 12 giờ. Tuy vậy, nhiều nhân viên y tế sợ rằng họ có thể nhiễm virus và lây sang bệnh nhân trước có triệu chứng.
Việc khi nào nhân viên y tế phải quay lại làm việc sau khi nhiễm virus cũng là một thách thức. Tất cả nhân viên y tế có triệu chứng phải cách ly ít nhất 7 ngày và phải không còn triệu chứng trong ba ngày trước khi đi làm trở lại.
Nhưng một số nhà tuyển dụng yêu cầu nhân viên làm việc nhiều hơn.
Trung tâm y tế và sức khỏe tâm thần Lincoln ở khu vực Bronx. Ảnh: New York Times.
Cô Lillian Udell, một y tá tại Trung tâm Y tế Lincoln, một bệnh viện công khác ở Bronx, cho biết cô vẫn còn yếu có các triệu chứng khi phải trở lại làm việc. Khi cô về nhà vào tối hôm đó, cô bắt đầu ho trở lại.
“Tôi biết virus vẫn còn trong tôi. Tôi biết mình chưa khỏi bệnh”, cô nói với New York Times
Do virus đã lây lan rất rộng, ngay cả nhân viên y tế không trực tiếp làm việc với bệnh nhân Covid-19 cũng có nguy cơ mắc bệnh.
Một bác sĩ phụ khoa làm việc cho hệ thống bệnh viện Mount Sinai cho biết cô đã thấy vài phụ nữ đến sinh dương tính Covid-19. Vì cô không được coi là bác sĩ tuyến đầu, việc sử dụng đồ bảo hộ còn nghiêm ngặt hơn các nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân Covid-19.
Cô nói rằng cô không biết có bệnh nhân nào đã dương tính sau khi tiếp xúc với bác sĩ hoặc y tá, nhưng cô cảm thấy đó chỉ là vấn đề thời gian.
“Chúng tôi chắc chắn đã lây cho các các bà mẹ mang thai mà chúng tôi đã khám và cho xuất viện”, bác sĩ giấu tên trên nói.
Tuần này, Tập đoàn Y tế và Bệnh viện đề nghị chuyển các bác sĩ và y tá có nguy cơ nhiễm virus cao như những người lớn tuổi hoặc có bệnh nền sang các vị trí ít tiếp xúc bệnh nhân hơn.
Nhưng Kimberly Marsh, một y tá tại Trung tâm y tế Westchester bên ngoài thành phố New York cho biết bà không có ý định rời khỏi cuộc chiến. Người phụ nữ 53 tuổi này bị bệnh đa xơ cứng và đang phải dùng thuốc.
Mặc dù vậy, bà cho biết có thể thấy được nỗi sợ hãi mỗi khi bước vào phòng cấp cứu. Một y tá trong khoa của bà đã nhiễm virus và một bác sĩ sợ đến nỗi anh ta dán khẩu trang N95 lên mặt bằng băng dính vào đầu mỗi ca.
“Tất cả chúng tôi đều nghĩ rằng chúng tôi tiêu rồi”, bà Marsh nói với New York Times. “Tôi chắc chắn chúng tôi sẽ mất vài đồng nghiệp. Không còn cách nào khác”.
Mexico đi ngược với toàn thế giới trong dịch Covid-19 .Theo New York Times, trong bối cảnh các nước trên thế giới đang nỗ lực ngăn chặn Covid-19, Mexico lại tỏ ra bình tĩnh và không áp dụng các biện pháp phòng ngừa.
Người New York cảm thấy bị hắt hủi
Nhiều người dân New York cảm thấy bị coi như biểu tượng của Covid-19 tại Mỹ, không được chào đón ở nơi khác dù không có triệu chứng.
"Chuyện này sao có thể công bằng được chứ, nhưng nó đang xuất hiện ở mọi nơi", Michelle Chu, nhà chuyên gia đồ họa 44 tuổi sống ở Manhattan, New York cho biết, trong bối cảnh các địa phương khác tại Mỹ dường như đang "cuộn thảm đỏ" với cư dân bang này.
Một đại lộ tại Manhattan hôm 27/3. Ảnh: AFP.
Mỹ hiện là vùng dịch lớn nhất thế giới với hơn 104.000 ca nhiễm nCoV và hơn 1.700 người chết. Tuy nhiên, không có nơi nào trên đất nước chịu ảnh hưởng nặng nề như New York, bang đã ghi nhận hơn 44.600 ca dương tính và hơn 500 người chết.
"Tôi biết mọi người đang lo lắng, nhưng điều đó nên dựa trên cơ sở bạn có bệnh hay không. Không loại trừ khả năng tất cả đã bị phơi nhiễm. Tôi nghĩ việc lo lắng không có tác dụng gì", Chu nêu ý kiến, thêm rằng nơi sinh sống đáng lẽ không nên trở thành lý do khiến cô cảm thấy bị hắt hủi.
Thống đốc bang Florida Ron DeSantis hồi đầu tuần ban sắc lệnh yêu cầu người dân New York, cũng như những hành khách từ New York đến các sân bay ở Florida phải tự cách ly 14 ngày. Chưa rõ sắc lệnh này sẽ có hiệu lực trong bao lâu.
Thống đốc bang Tây Virginia Jim Justice hôm 17/3 cho biết một số người đang đến địa phương này "nhằm trốn tránh vấn đề thực sự nghiêm trọng tại nơi họ sinh sống". Ông nói thêm rằng bất cứ ai đến bang Tây Virginia, "đặc biệt là những người từ New York", đều cần cách ly 14 ngày.
Những biện pháp nghiêm ngặt nhất được triển khai tại bang Rhode Island, khi chính quyền địa phương điều lính đến biên giới bang để chặn những xe mang biển số New York. Thống đốc Rhode Island Gina Raimondo cũng yêu cầu bất cứ ai từ New York có ý định ở lại bang này phải tự cách ly 14 ngày, kể cả khi họ khỏe mạnh.
"Tôi biết đây là biện pháp cực đoan", Raimondo phát biểu trong một cuộc họp báo, thêm rằng New York đang là "điểm nóng" của đại dịch. Cảnh sát Rhode Island và Vệ binh Quốc gia còn sàng lọc những người đến sân bay T.F. Green tại thành phố Warwick, yêu cầu họ cung cấp thông tin về kế hoạch di chuyển.
Bất chấp phản ứng mạnh mẽ của chính quyền địa phương, Larry Sullivan, cư dân thành phố Pawtucket, bang Rhode Island, cho biết chúng không giúp ông cảm thấy an toàn hơn chút nào.
"Sáng nay tôi nhìn thấy các binh sĩ xuất hiện trên đại lộ I-95. Tôi đang ở bang Connecticut, nhưng giả sử tôi từng đến New York thì sao? Họ sẽ không ngăn tôi lại, trong khi tôi cũng không kém phần nguy hiểm", người đàn ông 55 tuổi giải thích.
Betsy Ashton, cụ bà 75 tuổi sống tại quận Queens, New York cho rằng cách ứng phó đại dịch mà một số bang đang triển khai là không công bằng. "Thật xúc phạm khi nói rằng chúng tôi có khả năng mang mầm bệnh chỉ bởi vì chúng tôi sống ở đây. Chúng tôi không nhiễm bệnh", bà nói.
'Kẻ thù' khiến New York vỡ trận 100 Trump thử 'ngoại giao thảm họa' thời Covid-19 Chuyên gia: Covid-19 ở Mỹ sẽ tồi tệ hơn 49
Ánh Ngọc
New York cấp tập dựng nhà xác dã chiến giữa bão dịch Covid-19 New York dựng nhà xác dã chiến bên ngoài bệnh viện Bellevue ở Manhattan, nhằm ứng phó trong trường hợp số ca tử vong do Covid-19 tăng mạnh. Công nhân xây dựng nhà xác dã chiến bên ngoài bệnh viện Bellevue ở Manhattan, New York hôm 25/3. Ảnh: Reuters. "Chúng tôi đang trong cuộc khủng hoảng sức khoẻ cộng đồng, thành phố đã...