Y khoa là khoa học của sự bất định và nghệ thuật của xác suất
“ Tai nạn chạy thận” xảy ra ở Bệnh viện Hòa Bình và sự việc bác sĩ khoan nhầm chân bệnh nhân mới xảy ra ở Bệnh viện Chợ Rẫy là những trường hợp đáng tiếc và khá hy hữu.
Trong thực tế, y khoa còn nhiều sai sót hơn những trường hợp như thế. Một nghịch lý là giới y tế tỏ ra rất tốt trong việc chữa trị bệnh cho người khác, nhưng lại không mấy hiệu quả khi chữa trị những sai sót của chính mình.
Y khoa = bất định
Nhìn từ ngoài và nhìn theo quan điểm của công chúng thì y khoa là một ngành nghề khoa học chính xác. Nhưng trong thực tế, y khoa là một ngành nghề đầy những bất định và rủi ro. Tình trạng bất định xuất phát từ một thực tế y khoa là một ngành nghề có 50% là nghệ thuật và 50% là khoa học. Bất định dẫn đến rủi ro và tai nạn. Nhưng vì công chúng nhìn y khoa như là một khoa học chính xác, nên thấy rất ngạc nhiên khi tai nạn xảy ra. Ở đây, tôi không biện minh cho những sai sót và tai nạn y khoa, mà chỉ muốn trình bày những thực tế mà công chúng và người ngoài ngành y cần biết.
Hành nghề thầy thuốc có một phần nghệ thuật. Nghệ thuật mang tính bất định. Nghệ thuật liên quan đến cảm nhận cá nhân của người thầy thuốc và những cảm nhận này rất khác nhau giữa những người thầy thuốc. Chẳng hạn như điều trị ung thư tiền liệt tuyến tùy thuộc vào bác sĩ mà bệnh nhân đến khám. Ở Mỹ, một nghiên cứu cho thấy 80% các bác sĩ niệu khuyên giải phẫu tuyến tiền liệt, nhưng 90% các bác sĩ ung thư và quang tuyến đề nghị điều trị bằng xạ trị. Có khi sinh mạng bệnh nhân tùy thuộc vào cảm nhận cá nhân của người thầy thuốc, mà cảm nhận cá nhân thì có khi sai.
Y khoa cũng là một ngành nghề khoa học. Đối với khoa học, có rất ít những chân lý y khoa vĩnh cửu hay những quy luật xác định như trong toán học. Thay vào đó là những kiến thức liên tục thay đổi theo thời gian. Chẩn đoán bệnh và diễn giải kết quả xét nghiệm là một vấn đề xác suất. William Osler, một “ông tổ” y học hiện đại, từng nói rằng: y khoa là một khoa học của sự bất định, và một nghệ thuật của xác suất. Một thuật điều trị được xem là chuẩn vàng hôm nay có thể sẽ trở thành nguy hiểm trong tương lai.
Do đó, dù là nghệ thuật tính hay khoa học tính, y khoa là một ngành nghề nhiều bất định và rủi ro. Trong bài diễn văn khai mạc năm học đầu tiên của sinh viên y khoa thuộc Đại học Yale, ông trưởng khoa y thường lặp đi lặp lại câu nói: “Những gì các giáo sư sắp dạy cho các anh chị có đến 50% là sai, nhưng khổ thay chúng tôi không biết 50% nào là đúng”!
Bất định dẫn đến sai sót, và y khoa có rất nhiều sai sót. Trong cái thế giới hỗn độn của bệnh viện, và trong môi trường bất định như vừa trình bày, những sai sót xảy ra ở bệnh viện là điều khó tránh khỏi.
Viện Y khoa Mỹ (Institute of Medicine) định nghĩa sai sót y khoa là “thất bại trong việc thực hiện một việc làm (không theo như ý định được vạch ra lúc ban đầu), hay sai lầm trong lúc lên kế hoạch hành động để hoàn tất một mục tiêu”. Sai sót xảy ra trong khi hoạch định và trong lúc thực thi một kế hoạch hành động. Những sai sót này có thể tóm lược và phân loại trong bảng 1 dưới đây.
Chẳng hạn như sự cố do phản ứng của thuốc, truyền dịch không đúng, tổn thương do giải phẫu gây ra, và giải phẫu sai vị trí, tự tử, những tổn thương hay tử vong do sự kiềm chế quá đáng trong khi thực hiện một ca mổ, té, bỏng, điều trị sai bệnh nhân vì lầm tên họ… được xem là sai sót y khoa.
Trong những sai sót y khoa đó, có sai sót về lầm bệnh nhân và phẫu thuật sai vị trí. Thuật ngữ tiếng Anh đề cập đến những sai sót này là Wrong-Site Surgery (WSS). Sai sót WSS bao gồm mổ sai tay, chân (ví dụ: đau chân phải, mổ chân trái) và… sai bệnh nhân (như trường hợp ở Bệnh viện Chợ Rẫy).
“Sự cố” mổ nhầm ở Bệnh viện Chợ Rẫy là một trường hợp sai sót hy hữu, nhưng đã từng được ghi nhận trước đây trong y văn thế giới. Năm 1995, ông Willie King, 65 tuổi, được nhập viện thuộc trường Đại học Tampa (bang Florida, Mỹ) để giải phẫu chân trái; nhưng các bác sĩ đã cắt nhầm chân phải của ông. Ông King trở thành tàn tật suốt đời. Năm 2000, Dana Carvey là một danh hài người Mỹ bị thay nhầm động mạch, và người nghệ sĩ danh tiếng này phải một lần nữa trải qua một cuộc giải phẫu khẩn cấp để cứu mạng.
Sai sót WSS rất hiếm và được xếp vào nhóm “sai sót không thể chấp nhận được”. Theo một nghiên cứu ở Mỹ, tỷ lệ sai sót WSS là khoảng 1 trên 113.000 ca phẫu thuật, tức là khá hiếm. Đa số những sai sót WSS này thường xảy ra ở bác sĩ chấn thương chỉnh hình. Một nghiên cứu ước tính rằng trong sự nghiệp 35 năm phẫu thuật viên, một bác sĩ chấn thương chỉnh hình có xác suất sai sót WSS khoảng 25%.
Có lẽ công chúng rất ngạc nhiên về những sai sót WSS. Công chúng hầu như ai cũng có thể nhận dạng tay trái và tay phải, chân trái và chân phải, nhưng tại sao bác sĩ không nhận ra. Lý do chính là vị trí trái, phải tùy thuộc vào nơi bác sĩ đứng. Sai sót WSS do đó có thể xảy ra và có thể hiểu được.
Nguyên nhân của WSS thì nhiều, nhưng tựu trung lại là hai nguyên nhân chính: thiếu kiểm tra danh tính bệnh nhân trước khi phẫu thuật và không đánh dấu cụ thể vị trí mổ. Thông thường, khi bệnh nhân lên bàn mổ, y tá hay bác sĩ phụ tá đã kiểm tra danh tính và đã đánh dấu vị trí mổ, nhưng trong vài trường hợp, do áp lực thời gian và khẩn cấp, nên sai sót WSS xảy ra.
Hệ quả nghiêm trọng nhất là tử vong. Có những sai sót dẫn đến hàng vạn cái chết oan. Vào thập niên 1980, một nhóm thực hiện một nghiên cứu hết sức đặc thù để ước tính có bao nhiêu sai sót y khoa ở Mỹ. Kết quả nghiên cứu trên 51 bệnh viện cho thấy khoảng 3,7% bệnh nhân là nạn nhân của các sai sót y khoa và trong số này, gần một phần ba là do cẩu thả, sơ suất trong khi điều trị và 70% là do lỗi lầm của các nhân viên y tế (bác sĩ, dược sĩ, y tá…). Các tác giả ước tính rằng ở Mỹ hàng năm có khoảng 100.000 người bệnh chết vì lỗi lầm của bác sĩ và nhân viên y tế. Đây là nguyên nhân gây ra nhiều cái chết cho người Mỹ nhất.
Vào thập niên 1990, một nghiên cứu ở Úc (nơi rất tự hào về an toàn y khoa) làm kinh ngạc giới y tế. Kết quả nghiên cứu cho thấy khoảng 8% bệnh nhân nằm viện trải qua ít nhất là một sai sót y khoa, tức còn cao hơn Mỹ! Các nhà nghiên cứu còn ước tính rằng mỗi năm có khoảng 18.000 người Úc bị thiệt mạng và 50.000 người bị thương tật vĩnh viễn do những lỗi lầm trong bệnh viện gây ra.
Video đang HOT
Ở Việt Nam, chưa có những nghiên cứu tương tự để biết quy mô của vấn đề. Tuy nhiên, nếu chấp nhận tỷ lệ tai nạn 7% (tần số trung bình ở Mỹ, Úc, Canada và châu Âu), với tổng số bệnh nhân điều trị nội trú 7.050.000 người, chúng ta có thể ước tính con số bệnh nhân trải qua “tai nạn” y khoa hàng năm là rất lớn. Và, vẫn theo kinh nghiệm ở Mỹ (khoảng 14% “tai nạn” y khoa dẫn đến tử vong) thì số bệnh nhân bị “chết oan” hàng năm có thể lên đến hàng chục ngàn.
Phòng ngừa từ hệ thống
Một trong những nghịch lý trong y học ngày nay là y khoa rất tốt trong việc điều trị bệnh nhân, nhưng lại rất kém trong việc “điều trị” sai sót của mình! Trong các trường y, sinh viên thường được dạy không được nhầm lẫn vì giới y khoa phương Tây cho rằng nhầm lẫn là tội lỗi. Điều này cũng có nghĩa là người thầy thuốc không muốn, hay không có can đảm, nói về nhầm lẫn của mình hay đồng nghiệp, bởi vì nó quá đau lòng. Đó là một quan niệm rất ư là thụ động, sai lầm, và có khi nguy hiểm.
Theo quan điểm mới, sai sót y khoa là một hệ quả (thay vì nguyên nhân), xuất phát không hẳn hoàn toàn từ con người mà là từ hệ thống tổ chức. Vì thế, theo quan điểm này, khó mà thay đổi điều kiện con người (tức biến con người thành một cái máy) nên cách giảm lỗi lầm hữu hiệu nhất là thay đổi guồng máy tổ chức. Và do đó, để thay đổi hệ thống chăm sóc sức khỏe, thay vì chú trọng vào việc tìm lỗi từ cá nhân, các nhà nghiên cứu lâm sàng đang tìm cách sửa đổi lề lối tổ chức và vận hành của các bộ phận có quan hệ tới việc chăm sóc, điều trị bệnh nhân, nhất là với bệnh nặng và khẩn cấp.
Trong những trường hợp khẩn cấp, kinh nghiệm cho thấy những dấu hiệu lâm sàng quan trọng có liên hệ đến tính mạng bệnh nhân như sự suy yếu của hệ thống hô hấp, tuần hoàn có khi bị bỏ lơ, suy diễn sai, hay không được quản lý tới nơi tới chốn bởi bác sĩ và y tá. Điều này nói lên sự thiếu nhịp nhàng, thiếu tổ chức trong các bệnh viện, mà đặc biệt là ở các khu cấp cứu.
Hệ thống y tế, cũng giống như bất cứ hệ thống nào khác, chỉ an toàn khi nào sai sót được ghi nhận như là một điều không thể tránh khỏi. Vì vậy, nó phải được tổ chức sao cho tối thiểu hóa sai sót và hệ quả, thay vì tập trung vào đổ lỗi cho cá nhân người thầy thuốc hay đi tìm những câu trả lời cho những câu hỏi sai.
Học từ… hàng không dân dụng
Phòng ngừa sai sót trong y khoa có thể học từ quy trình an toàn của hàng không dân dụng. Mỗi chuyến bay đều có thể xem như là một ca phẫu thuật mà ưu tiên quan trọng nhất là an toàn của hành khách tương đương với an toàn cho bệnh nhân. Để đảm bảo an toàn cho mỗi chuyến bay, hàng loạt kiểm tra trước khi bay được thực hiện bởi chuyên viên kỹ thuật và phi công.
Hàng loạt các thông số liên quan đến “A-check”, “B-check”, “C-check” và “D-check” được báo cáo cho phi hành đoàn để đánh giá chuyến bay có đủ độ an toàn… Phi công và tiếp viên làm việc nhịp nhàng như là một đội đảm bảo an toàn cho khách, và điều này không khác gì bác sĩ và y tá trong mỗi ca phẫu thuật.
Các chuyên gia lâm sàng khuyến cáo giới phẫu thuật nên học từ quy trình an toàn của hàng không và cẩm nang của Tổ chức Y tế thế giới là nơi bắt đầu lý tưởng.
Tổ chức Y tế thế giới cũng phát hành một cẩm nang hướng dẫn về quy trình trước và sau phẫu thuật để giảm tai nạn y khoa, gọi là “Surgical Safety Checklist and Implementation Manual”. Tuy nhiên, cuốn cẩm nang này vẫn chưa được áp dụng trong tất cả các bệnh viện ở Việt Nam.
Y khoa là một ngành nghề bất định. Sai sót y khoa sẽ xảy ra. Nhưng với cách tiếp cận hệ thống, bệnh viện có thể giảm những sai sót như WSS trong tương lai. Nếu quy trình của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) được áp dụng thì có lẽ trường hợp hy hữu ở Bệnh viện Chợ Rẫy và Hòa Bình có thể đã không xảy ra.
Hệ thống y tế, cũng giống như bất cứ hệ thống nào khác, chỉ an toàn khi nào sai sót được ghi nhận như là một điều không thể tránh khỏi.
Vì vậy, nó phải được tổ chức sao cho tối thiểu hóa sai sót và hệ quả, thay vì tập trung vào đổ lỗi cho cá nhân người thầy thuốc hay đi tìm những câu trả lời cho những câu hỏi sai.
Những loại sai sót y khoa phổ biến
Chẩn đoán
Chẩn đoán sai sót hay chậm trễ.
Không sử dụng các xét nghiệm được chỉ định.
Xét nghiệm không thích hợp.
Thiếu hành động thích hợp khi có kết quả xét nghiệm.
Điều trị
Sai sót trong việc thực hiện một thuật điều trị hay giải phẫu.
Điều trị hay giải phẫu sai bệnh nhân.
Phẫu thuật sai vị trí.
Sai sót trong việc cho uống thuốc.
Sai sót về liều lượng thuốc.
Chậm trễ trong việc điều trị.
Phòng ngừa
Không tiến hành can thiệp để phòng ngừa bệnh.
Thiếu theo dõi bệnh nhân hay theo dõi không đầy đủ.
Các sai sót khác
Cung cấp thông tin sai cho bệnh nhân.
Thiết bị sử dụng bị hư hỏng và ảnh hưởng đến bệnh.
Sai sót mang tính hệ thống.
GS. Nguyễn Văn Tuấn
Theo thesaigontimes
S.O.S Bác sĩ kiệt sức
Áp lực công việc kéo dài khiến ngày càng nhiều bác sỹ, nhân viên y tế ở nhiều nước cảm thấy kiệt sức (burnout). Hiện tượng này mang tới những hậu quả rất nghiêm trọng cho hệ thống y tế.
1. Từ những năm 70 của thế kỷ trước, nhà tâm lý học người Mỹ Herbert Freudenberger đã định nghĩa "burnout" là sự mệt mỏi của con người khi làm một việc gì đó quá sức. Kiệt sức biểu thị cảm giác cạn kiệt về năng lượng cảm xúc cũng như thể chất tinh thần do căng thẳng kéo dài. Tình trạng này thường xuất hiện khi một người làm việc xuyên suốt trong nhiều giờ, đối mặt với những tình huống khó khăn, phức tạp hoặc ở trong môi trường làm việc độc hại. Một số dấu hiệu kiệt sức nghề nghiệp gồm: mất ngủ, mệt mỏi kéo dài, lo lắng, hoài nghi; miễn cưỡng đi làm, chán nản, thất vọng về công việc; không tập trung, hay quên, khó khăn khi đưa ra quyết định, hành động tùy hứng trong công việc...
Một số chuyên gia tâm lý khẳng định hệ thống chăm sóc sức khỏe ở nhiều nước hiện là "môi trường độc hại" đối với các bác sỹ và nhân viên y tế. Các chuyên gia tâm lý chỉ ra 3 dấu hiệu chính của tình trạng kiệt sức trong ngành y là: Thứ nhất, các bác sỹ dần kiệt quệ năng lượng ở 3 cấp độ: thể chất, cảm xúc và tinh thần; Thứ hai, các bác sỹ có thái độ chỉ trích, bực bội với đồng nghiệp, bệnh nhân. Họ mất khả năng chăm sóc, thông cảm và thiếu tương tác với bệnh nhân, đồng nghiệp, dẫn tới sự cô lập bản thân. Thứ ba, các bác sỹ bắt đầu hoài nghi về chất lượng công việc mà họ làm, mắc lỗi hiếm khi gặp phải và muốn bỏ nghề.
Đầu năm 2019, trang web y khoa Medscape đã công bố khảo sát 20.000 bác sỹ từ 6 quốc gia: Anh, Mỹ, Pháp, Đức, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha về tình trạng kiệt sức. Kết quả cho thấy, 37% bác sỹ tham gia khảo sát cảm thấy kiệt sức, 10% cảm thấy kiệt sức kèm theo trầm cảm. Các bác sỹ Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha có tỷ lệ kiệt sức cao nhất so với đồng nghiệp nước ngoài (tỷ lệ lần lượt là 47% và 43%); tiếp đó là các bác sỹ Pháp (42%), Mỹ (40%), Anh (32%), Đức (21%) . Bác sỹ Anh có tỷ lệ muốn bỏ nghề cao nhất (25%), tiếp đến là bác sỹ Pháp (23%), bác sỹ Đức và Bồ Đào Nha (20%). Theo một khảo sát (năm 2019) của Medscape trên 15.000 bác sỹ chỉ riêng ở nước Mỹ, tỷ lệ bác sỹ thấy kiệt sức lên tới gần 50%, trong đó 44% muốn bỏ nghề, 15% bị trầm cảm và thậm chí nghĩ tới việc tự tử.
Một số nghiên cứu quốc tế cho thấy những nhân tố hàng đầu khiến bác sỹ kiệt sức gồm: mệt mỏi với các thủ tục bàn giấy quan liêu, nhất là việc phải lấy và nhập thông tin dữ liệu hồ sơ y tế điện tử của bệnh nhân (EHRs); làm việc nhiều giờ liên tục không ngưng nghỉ trong điều kiện công việc quá tải; không được người quản lý, đồng nghiệp và nhân viên bệnh viện tôn trọng; chạy theo lợi nhuận hơn là vì bệnh nhân; áp lực từ bệnh nhân và người nhà bệnh nhân; cảm giác không được đóng vai trò quan trọng trong tổ chức; thu nhập, trợ cấp, đền bù độc hại nghề nghiệp giảm; áp lực luôn phải học tập và nâng cao bằng cấp...
Hiệp hội Y khoa Mỹ cho biết, các bác sỹ nước này phải sử dụng tới 6 giờ mỗi ngày để xử lý EHRs. Họ không còn có thời gian để gặp, lắng nghe, thông cảm với bệnh nhân hoặc trò chuyện giải tỏa căng thẳng với người thân. Do vậy, sự phát triển của EHRs chính là vấn đề lớn dẫn đến việc bác sỹ kiệt sức trong thời đại công nghệ. Ngoài ra, lối sống cũng ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất và tinh thần của các bác sỹ. Dù đưa ra nhiều lời khuyên cải thiện sức khỏe cho các bệnh nhân nhưng chính một số bác sỹ rất lười tập thể dục, có những bác sỹ đối phó với áp lực công việc bằng cách ăn vô độ, hút thuốc và uống rượu. Theo khảo sát của Medscape, 24% bác sỹ Bồ Đào Nha và 21% bác sỹ Pháp không bao giờ tập thể dục; 23% nam bác sỹ và 21% nữ bác sỹ ở Mỹ uống rượu để đối phó với sự kiệt sức.
2. Tình trạng kiệt sức đối với bác sỹ và nhân viên y tế đang là thực trạng đáng báo động ở nhiều nước trên thế giới và gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Trước hết, nó đe dọa tính mạng của chính những người làm việc trong ngành y tế. Tháng 1/2018, sau khi kết thúc ca trực đêm tại bệnh viện Đại học Thanh Hải, bác sỹ Gui Qingyuan - 43 tuổi - cảm thấy đau ngực, khó thở, lên cơn co giật và ngất xỉu. Trải qua 4 giờ cấp cứu, anh vẫn không qua khỏi. Đêm trước khi qua đời, bác sỹ Gui đã điều trị cho 40 bệnh nhân và làm thêm 3 tiếng.
Trước đó, tháng 12/2017, Zhao Bianxiang - một nữ bác sỹ chuyên khoa hô hấp ở bệnh viện tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc - cũng bất ngờ đột quỵ và qua đời. Nguyên nhân được cho là do kiệt sức vì trước đó, bác sỹ mới 43 tuổi này đã làm việc liên tục 18 tiếng không nghỉ. Tháng 6/2017, bác sỹ Stefanus Taofik - 35 tuổi - bị suy tim dẫn tới tử vong ngay tại nơi làm việc. Trước khi qua đời, Taofik làm bác sĩ gây mê tại Bệnh viện Bintaro Jaya (Indonesia). Vào dịp lễ Hari Raya, cơ sở y tế thiếu nhân lực trầm trọng nên anh tình nguyện tăng ca, làm việc liên tục 4 ngày không nghỉ.
Không chỉ vậy, Taofik còn giúp đỡ thêm 2 bệnh viện khác. Do kiệt sức dẫn đến trầm cảm kéo dài, một số bác sỹ đã tìm đến cái chết. Theo khảo sát của Medscape, cứ 7 bác sỹ Mỹ thì có 1 người có ý định tự tử, trung bình mỗi ngày có ít nhất 1 bác sỹ Mỹ tự vẫn. Đây là tỷ lệ cao nhất so với các ngành nghề khác và cao gấp đôi so với các nhóm dân cư.
Tiếp đến, việc bác sỹ kiệt sức làm ảnh hưởng chất lượng phục vụ bệnh nhân. Nghiên cứu của Đại học Stanford (Mỹ) cho thấy trong 3 tình trạng kiệt sức, mệt mỏi và trầm cảm thì kiệt sức có nguy cơ cao nhất dẫn đến sai sót y khoa, đe dọa sức khỏe, thậm chí tính mạng người bệnh. Hơn 10% trong số 6.700 bác sỹ trên khắp nước Mỹ thừa nhận mắc sai sót ít nhất 1 lần trong vòng 3 tháng trước khi tham gia khảo sát của Stanford, với tỷ lệ cứ 20 sai sót thì dẫn tới 1 bệnh nhân thiệt mạng. Các bác sỹ bị kiệt sức có nguy cơ mắc sai sót cao gấp đôi so với những bác sỹ bình thường khác. Theo nghiên cứu này, sai sót phổ biến nhất là chẩn đoán sai. Bác sỹ chụp X-quang, bác sỹ phẫu thuật thần kinh và bác sỹ cấp cứu mắc sai sót nhiều nhất. Bên cạnh đó, kiệt sức đang khiến nhiều sinh viên ngành y và bác sỹ mất đi niềm đam mê nghề nghiệp, từ đó thiếu cảm thông, trở nên vô cảm với bệnh nhân và hành xử thiếu chuyên nghiệp như: chẩn đoán qua loa, chủ quan; cáu gắt, nói dối, gian lận...Cuối cùng, bác sỹ bỏ việc do kiệt sức dẫn đến việc hệ thống y tế đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng. Christine Sinsky - chuyên gia tại Hiệp hội Y khoa Mỹ - ước tính thay thế một bác sỹ mất từ 500.000 USD tới 1 triệu USD; điều đó có nghĩa là việc hàng chục bác sỹ bỏ việc do kiệt sức có thể khiến một bệnh viện mất hàng chục triệu USD mỗi năm để tuyển bác sỹ mới.
Mặc dù kiệt sức dẫn tới hậu quả lớn, nhiều bác sỹ vẫn không tìm sự trợ giúp từ người thân, đồng nghiệp và các cơ sở y tế bởi họ quá bận rộn, không muốn tiết lộ tình trạng sức khỏe tinh thần của bản thân hoặc không tin tưởng vào các chuyên gia tư vấn, trị liệu y tế khác.
Đánh giá hiện tượng bác sỹ kiệt sức ở Mỹ là "cuộc khủng hoảng y tế công", báo cáo năm 2019 của Viện Y tế toàn cầu Harvard phối hợp với Trường Y tế công T.H Chan Havard và Hiệp hội bệnh viện, y tế tiểu bang Massachusetts đã đưa ra 3 giải pháp mà các bệnh viện, cơ sở y tế có thể giúp các bác sỹ phòng chống chứng kiệt sức. Đó là tạo điều kiện, khuyến khích các bác sỹ tham gia các chương trình chăm sóc sức khỏe, nhất là sức khỏe tâm thần; thay đổi đáng kể các tiêu chuẩn EHRs để bác sỹ có thể sử dụng dễ dàng; xây dựng các nhân sự điều hành cấp cao về chăm sóc sức khỏe thể chất, tinh thần ở mọi cơ sở y tế, nhằm nghiên cứu khảo sát về các nguyên nhân kiệt sức và đề xuất các giải pháp, chính sách phù hợp cho bác sỹ.
Với cá nhân các bác sỹ, họ có thể làm gì để giảm nguy cơ kiệt sức? Ranh giới giữa tình trạng bình thường, căng thẳng và kiệt sức khá mong manh. Do vậy, các bác sỹ cần hiểu rõ những dấu hiệu của kiệt sức để phòng tránh. Các bác sỹ cũng cần có thêm thời gian để vui chơi, giải trí, tập thể dục, thể thao, trò chuyện với gia đình, bè bạn và hòa mình vào xã hội.
Khảo sát của bác sỹ Marchalik - giám đốc về sức khỏe bác sỹ tại Tổ chức chăm sóc sức khỏe phi lợi nhuận MedStar Health (Mỹ) - cho thấy, đọc ít nhất 1 cuốn sách/1 tháng sẽ giúp các bác sỹ bộc lộ sự cảm thông nhiều hơn, từ đó giảm nguy cơ kiệt sức, trầm cảm.
Bên cạnh đó, một số nghiên cứu khuyên rằng các bác sỹ có thể tập luyện và theo đuổi lối sống "Mindfulness" (chuyên tâm, toàn tâm toàn ý) để giảm bớt căng thẳng, chống trầm cảm, tăng khả năng tập trung chuyên môn, khơi dậy tình thương và tăng cường mối quan hệ với các bệnh nhân.
Có thể nói, nghề y là một nghề rất vất vả, áp lực. Vì vậy, cộng đồng và các tổ chức chuyên khoa cần có sự chia sẻ nhiều hơn nữa trước tình trạng kiệt sức của các bác sỹ, giúp họ không còn cảm thấy cô độc nữa.
Thiết kế: Mẫn San
Võ Duy
Theo ngaynay
Bệnh nhân gãy xương sườn bị... khoan chân : Quá tải hay quá ẩu? Tình trạng quá tải bệnh viện khiến các y - bác sĩ, đội ngũ nhân viên y tế mệt nhoài, tình trạng nhầm lẫn y khoa vì thế cũng xảy ra liên tục ở nhiều bệnh viện do khối lượng công việc nhiều. Đàn ông đi khám, kết quả... có bầu Vụ việc anh Nguyễn Đức Thịnh (30 tuổi, ngụ Cà Mau) chẩn...