Y bác sĩ Mỹ ‘khủng hoảng’ vì thiếu đồ bảo hộ
CDC khuyến cáo y bác sĩ tái sử dụng khẩu trang, tự chế khẩu trang thay thế trước nguy cơ cạn kiệt vật tư và phải làm việc dù có triệu chứng lây nhiễm nhẹ.
Đây là tình trạng các bệnh viện ở Mỹ phải đối mặt trong trường hợp đại dịch Covid-19 trở nên tồi tệ hơn, theo kế hoạch dự phòng được đưa ra bởi các quan chức y tế Mỹ.
Các biện pháp này được thiết kế để theo kịp đà tăng số bệnh nhân và được nêu trong hướng dẫn do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) ban hành. Chúng phản ánh một cuộc khủng hoảng đang gia tăng tại các bệnh viện trên khắp nước Mỹ: có quá nhiều bệnh nhân và các bác sĩ không đủ nguồn lực để điều trị cho họ.
“Tình huống chưa tồi tệ đến mức đó, nhưng chúng tôi đang phải đối mặt với sự khủng hoảng trong bệnh viện”, một bác sĩ gây mê ở Boston nói, anh giấu tên vì lo lắng cho công việc của mình. “Tôi đoán sẽ sớm thôi chúng tôi sẽ không có những gì cần thiết để bảo vệ bản thân”.
Phó Tổng thống Mike Pence khẳng định có sự gia tăng “kịch tính” trong sản xuất khẩu trang giữa bối cảnh nhân viên y tế Mỹ thiếu hụt đồ bảo hộ. Ảnh: AFP.
Các cơ sở y tế đang đối mặt với “khủng hoảng” có thể cần phải phân chia số lượng khẩu trang trong suốt đại dịch, dù việc này “không đúng với tiêu chuẩn chăm sóc sức khỏe của Mỹ”, theo CDC.
Khi thiếu hụt vật tư y tế, CDC cho rằng các cơ sở chăm sóc sức khỏe nên cân nhắc sử dụng khẩu trang vượt quá thời gian chỉ định và dùng lại khẩu trang giữa nhiều bệnh nhân.
“Bệnh viện thông báo rằng chúng tôi sẽ phải tái sử dụng đồ bảo hộ y tế, CDC vừa đưa ra hướng dẫn về việc này”, bác sĩ gây mê giấu tên ở Boston nói. “Tôi không tin biện pháp này có thể an toàn. Tôi nghĩ điều này có thể khiến nhân viên y tế gặp rủi ro không cần thiết”.
Tuy nhiên, bác sĩ này thừa nhận tái sử dụng vẫn tốt hơn so với việc thiết bị bảo hộ cạn kiệt hoàn toàn – một thực tế không quá xa vời, đặc biệt với các bệnh viện nhỏ.
Scott Steiner, chủ tịch và CEO của hệ thống sức khỏe Phoebe Putney ở tây nam Georgia nói với CNN: “Chúng tôi đã dùng hết số vật tư của 5-6 tháng chỉ trong chưa đầy một tuần. Với lượng vật tư chỉ còn đủ dùng trong vài ngày, chúng tôi đang phải giành giật”.
CDC khuyên nhân viên y tế sử dụng khăn quàng cổ hoặc khăn đội đầu thay khẩu trang trong trường hợp khẩn cấp. Ảnh: AFP.
Phương án cuối cùng, CDC nói, các cơ sở y tế có thể xem xét sử dụng “khẩu trang tự chế”, như khăn quàng cổ hoặc khăn đội đầu để chăm sóc bệnh nhân nhiễm virus, tốt nhất là kết hợp với tấm chắn bảo vệ.
Video đang HOT
Các giải pháp trên đỡ hơn là không có gì, nhưng chúng cũng không thể thay thế thiết bị bảo hộ mà các bác sĩ cần để giữ an toàn, và khả năng bảo vệ của chúng là “không xác định”, theo CDC.
Nếu virus xâm nhập vào cơ thể đội ngũ chăm sóc sức khỏe, “mọi thứ sẽ kết thúc”, Tiến sĩ Peter Hotez, giáo sư và trưởng khoa Y học Nhiệt đới Quốc gia tại Đại học Y Baylor (Mỹ), chia sẻ. “Nếu nhiều bác sĩ cấp cứu, y tá ở tuyến đầu bị nhiễm bệnh, các đồng nghiệp sẽ phải điều trị cho nhau trong phòng chăm sóc đặc biệt, đó là một điều cực kỳ bất ổn đối với Mỹ. Chúng ta phải đặt sự an toàn cho họ lên ưu tiên hàng đầu”, Tiến sĩ Hotez nói thêm.
Nhiều nhân viên y tế giấu tên nói rằng họ cảm thấy việc bị nhiễm bệnh là không thể tránh khỏi. “Tôi không nghĩ bệnh viện sẽ thực sự giữ an toàn cho chúng tôi”, một bác sĩ sản khoa ở thành phố New York cho biết. “Nhưng đây là nghề nghiệp”, người này nói thêm.
Lãnh đạo bệnh viện “bảo chúng tôi đến làm việc, ngay cả khi chúng tôi đã xác nhận có tiếp xúc với người bệnh, miễn là không có triệu chứng”, một người làm việc tại khoa ung thư và xạ trị ở một bệnh viện thuộc thành phố New York nói. Cô mô tả trạng thái tâm lý sẵn sàng chiến đấu trong bệnh viện.
“Tôi và các đồng nghiệp trong khoa lúc nào cũng cảm thấy bản thân chuẩn bị được chọn và lo sợ phải đặt nội khí quản cho bệnh nhân”, cô nói về các can thiệp y tế cho những người không thể tự thở, thường không được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên điều trị ung thư như cô.
Y tá ở Đức mặc hai lớp đồ bảo hộ. Ảnh: AFP.
Theo khuyến cáo của CDC, các nhân viên y tế tiếp xúc với virus, ngay cả những người có triệu chứng nhẹ, cũng có thể đeo khẩu trang và tiếp tục điều trị cho bệnh nhân.
Các nhân viên y tế nói rằng họ lo lắng về việc thiếu đồ bảo hộ và các xét nghiệm cần thiết để xác định người nhiễm nCoV, nghĩa là họ đang đặt gia đình mình và bệnh nhân vào tình huống nguy hiểm.
“Tôi đặt nội khí quản cho bệnh nhân cả ngày”, bác sĩ gây mê ở Boston nói. “Một trong số họ bị sốt. Rất ít người được kiểm tra bởi vì chúng tôi không có đủ xét ngiệm. Và thật đáng sợ khi nghĩ rằng tôi mang virus về nhà cho người vợ đang mang thai của mình”.
Bác sĩ sản khoa vừa làm mẹ ở New York kể rằng cô không dám hút sữa cho con ở nơi làm việc vì sợ có thể để lại virus trên máy hút sữa và lây sang cho con trai cũng như những người khác trong gia đình. Khi cho con bú ở nhà, stress vì virus khiến lượng sữa của cô bị giảm.
Đối với các bác sĩ, y tá và nhân viên y tế khác, tiếp tục điều trị cho bệnh nhân là lựa chọn duy nhất, bất chấp rủi ro. “Tôi vẫn đi làm mỗi ngày, bởi vì phải có ai đó làm điều này”, bác sĩ gây mê ở Boston nói.
Huyền Vũ (Theo CNN)
Bệnh nhân không mắc virus corona 'vô tình bị bỏ rơi' tại Trung Quốc
Khi mọi bác sĩ tại Trung Quốc lao vào cuộc chiến chống virus corona, nhiều bệnh nhân mắc các vấn đề nghiêm trọng khác không còn được chữa trị đầy đủ và chịu đau đớn kéo dài.
Zing.vn trích dịch bài đăng trên South China Morning Post, về câu chuyện các bệnh nhân khác tại thành phố Vũ Hán khi dịch bệnh bùng phát. Những người này không mắc virus corona nhưng đang phải chịu đau đớn kéo dài vì không có đủ bác sĩ, thuốc thang để chữa trị cho họ.
Trong các khu vực cách ly tại nhiều bệnh viện ở thành phố Vũ Hán (Trung Quốc), số lượng bệnh nhân chống chọi với virus corona tăng lên mỗi ngày. Dịch bệnh nguy hiểm vẫn chưa có dấu hiệu được kiểm soát.
Song, đối với các bệnh nhân khác, những người nằm viện nhưng lý do không phải là do mắc viêm phổi corona, tình hình có chiều hướng tồi tệ hơn.
Tháng 5 năm ngoái, sinh viên Wan Ruyi được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu. Cô gái 21 tuổi đã nằm ở bệnh viện Vũ Hán trong 10 tháng qua và hiện tại, khi tình hình bệnh ngày càng xấu đi, cô đang rất cần được ghép tủy xương.
Wan Ruyi (21 tuổi) đang rất cần được ghép tủy xương nhưng việc phẫu thuật vẫn chưa được tiến hành do các bác sĩ đang tập trung vào cuộc chiến chống corona. Ảnh: Weibo.
"Wan đã trải qua 3 đợt ghép nhưng lần cuối cùng không thành công. Tuần trước, khả năng lần ghép thứ tư cũng khó được thực hiện", Wu Qiong, mẹ của Wan cho hay.
Bệnh viện nơi cô gái nằm là một trong những nơi đầu tiên ở Vũ Hán được chỉ định điều trị cho các bệnh nhân nhiễm virus corona. Các bác sĩ nói với gia đình rằng việc cấy ghép đã dừng lại vì không có đủ nhân viên y tế. Nhà của Wan tính đến việc chuyển sang một bệnh viện khác ở tỉnh Hồ Bắc nhưng khi Vũ Hán bị phong tỏa, cơ hội cũng không còn.
Cuối tuần trước, Wan chịu đựng đau đớn kéo dài trong nhiều giờ liền, khiến cô gái trẻ cảm thấy kiệt sức và tuyệt vọng.
"Mỗi ngày chôn chân ở bệnh viện khiến tôi thấy buồn bã, bất lực khi nhìn con gái đau đớn mỗi ngày. Tình trạng của con bé ngày càng không ổn định", bà Wu nói.
Wan chỉ là một trong số hàng nghìn bệnh nhân cần điều trị khẩn cấp ở Vũ Hán. Tuy nhiên, khi lực lượng y tế tại mọi nơi trên Trung Quốc đều lao vào cuộc chiến chống lại virus corona, những người bệnh này vô tình bị bỏ rơi.
Họ bao gồm những người mắc ung thư hay các bệnh nặng khác như động kinh. Một số bệnh nhân tuyệt vọng buộc phải lên mạng xã hội cầu cứu, tìm kiếm sự giúp đỡ từ các nơi khác trong nước.
Nhiều bệnh nhân cảm thấy tuyệt vọng khi thiếu bác sĩ, y tá chăm sóc. Ảnh: Reuters.
Đối với bệnh nhân 81 tuổi Fu Daoshun, dịch bệnh bùng phát đồng nghĩa với việc ông không còn được tiêm thuốc hàng ngày để điều trị bệnh máu khó đông.
Khi bệnh viện Puai, nơi ông Fu đang nằm điều trị được chỉ định thành trung tâm điều trị virus corona từ ngày 23/1, số thuốc được ưu tiên cho bệnh nhân mới của dịch viêm phổi.
Hiện tại, tất cả những gì người đàn ông 81 tuổi có thể làm là nằm trên giường.
"Ông tôi bị cơn đau dày vò sau nhiều ngày không tiêm thuốc. Ngay cả bây giờ chuyển ông đến một bệnh viện khác, điều ấy cũng quá nguy hiểm vì nguy cơ nhiễm virus cao", Fu Yufen, cháu gái ông Fu, cho biết.
"Vũ Hán đang bị phong tỏa, chúng tôi không thể ghé thăm ông. Chỉ còn mình bà tôi già yếu đang chăm sóc ông. Tôi thực sự lo sợ cả hai sẽ cùng ngã bệnh", cô nói thêm.
Tình huống đã trở nên tồi tệ hơn đến mức vào cuối tuần trước, ông Fu buộc phải viết sẵn di chúc.
Sự gia tăng nhanh chóng của bệnh nhân nhiễm virus corona khiến lực lượng y tế ở Trung Quốc thiếu hụt trầm trọng. Ảnh: Reuters.
Các chuyên gia y tế cho biết mặc dù bệnh nhân nhiễm virus corona được ưu tiên, song những người mắc các chứng bệnh nghiêm trọng khác cũng cần được hỗ trợ.
Tang Shenlan, giáo sư tại Đại học Y khoa Duke (Mỹ), cho rằng "thật sai lầm khi tập trung vào các trường hợp nhiễm virus corona mà bỏ rơi các bệnh nhân khác".
"Các bệnh viện ở Vũ Hán nên tìm một cách phù hợp để cung cấp các biện pháp chữa trị thiết yếu cho những bệnh nhân này, ví dụ như sử dụng điện thoại để điều trị và chẩn đoán từ xa, bao gồm cả viết đơn thuốc", ông nói.
Yao Zelin, giáo sư Xã hội học tại Đại học Đông Trung Quốc ở Thượng Hải, đánh giá hệ thống y tế cần phải được cải thiện ở cấp cơ sở.
"Chính phủ chỉ tập trung vào xây dựng các bệnh viện lớn chứ không phải mạng lưới các phòng khám. Điều đó có nghĩa là trong trường hợp khẩn cấp như dịch viêm phổi corona, chỉ có bệnh viện lớn mới có thể làm nơi khắc phục dịch bệnh. Sự gia tăng nhanh chóng đến quá tải của số lượng bệnh nhân khiến cả lực lượng y tế lẫn số thuốc dự trữ đều thiếu thốn trầm trọng", ông Yao cho hay.
Theo Zing
Giữa tâm dịch, bác sĩ tuyến đầu Vũ Hán cầu cứu chuyên gia tâm lý Tăng ca đến kiệt sức để cứu giúp các bệnh nhân giữa tâm dịch virus corona, nhiều bác sĩ không tránh khỏi căng thẳng, áp lực. Đồng hành với họ là các chuyên gia tâm lý. Lu Lin, nhà tâm lý học ở Vũ Hán, tâm dịch virus corona, đã vô cùng xúc động khi nhận được cuộc điện thoại từ một y...