Y bác sĩ kiệt sức giữa điểm nóng dịch bệnh
Dịch bệnh tăng với tốc độ “chóng mặt” nhưng nhân sự, trang thiết bị có hạn y bác sĩ phải quay cuồng quên ăn, mất ngủ điều trị cho bệnh nhi. “Chúng tôi cố gắng bằng tất cả sức lực của mình, chỉ mong giúp các bé vượt qua bệnh tật” – BS Trương Hữu Khanh chia sẻ.
Dịch chồng dịch, trẻ ùn ùn nhập viện
Thêm một ca bệnh tay chân miệng buộc phải chuyển đến khu bệnh nặng vì nhịp thở yếu, mạch rời rạc không đếm được. Vừa chỉ định cho chuyển bệnh xong bác sĩ phải tiếp tục quay sang thăm khám cho bệnh nhi giường kế bên. “Chúng tôi đang cố gắng chạy đua với thời gian để thăm khám, theo dõi liên tục và sớm nhất có thể cho các bé” – nữ bác sĩ chỉ kịp nói vài lời rồi tập trung kiểm tra cho bé trai đang lơ mơ trên giường bệnh.
Trẻ điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1
Thời điểm từ tháng 9 đến tháng 11 là mùa của bệnh sởi và bệnh tay chân miệng. Từ năm 2013 đến nay bệnh ở mức trung bình, số ca bệnh không nhiều. Tuy nhiên, khoảng 2 tuần cuối của tháng 9/2018 bệnh tăng nhanh và tăng rất cao. BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết: “Tuần đầu của tháng 9, trong khoa chỉ có 20 đến 30 bé phải điều trị thì 2 tuần cuối tháng 9 đến nay bệnh đã tăng vọt”.
Ngày 3/10, số bệnh nhân tay chân miệng đang nằm điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 khoảng 230 trẻ (cao điểm của năm 2011 là 270 trẻ). “Bệnh tay chân miệng nếu không có biến chứng trẻ chỉ cần theo dõi điều trị từ 3 đến 5 ngày là được xuất viện. Bệnh luân chuyển nhanh nhưng số lượng bệnh nhập viện mỗi ngày ở mức cao (từ 70 đến 90 trẻ). Tốc độ tăng nhanh những ca nặng phải nhập viện điều trị chứng tỏ ngoài cộng đồng số trẻ mắc bệnh rất cao” – BS Hữu Khanh nhận định.
Bệnh nhân đông, nhiều ca bệnh nặng phải theo dõi liên tục
Khi tay chân miệng bùng phát thì dịch sởi “tát nước theo mưa”, có thời điểm số trẻ mắc sởi nhập viện giao động từ 20 đến 30 bệnh nhi. “Tay chân miệng lây theo đường tiêu hóa còn sởi lây theo đường hô hấp. Những loại bệnh lây truyền theo đường hô hấp nếu không có giải pháp cách li, xử lý tốt nguy cơ lây cho cả bệnh viện vì vậy, hai loại bệnh trên không thể cho các bé nằm chung phòng bệnh. Việc sắp xếp chỗ nằm cho bệnh nhi để cách li đường lây nhiễm trong bối cảnh phòng bệnh, giường bệnh có giới hạn là một thách thức lớn. Bệnh sởi phải nằm ở khu cách li riêng, phải có người ở trong chăm sóc trẻ, nhưng bệnh tay chân miệng cũng cần phải có nhân sự theo dõi, điều trị liên tục” – BS Trương Hữu Khanh chia sẻ.
Y bác sĩ quay cuồng, kiệt sức
Phân tích của BS Hữu Khanh chỉ ra: “Không giống như bệnh khác, tay chân miệng một giờ phải khám cho bệnh nhi 1 lần. Bác sĩ có nhiệm vụ thăm khám, theo dõi liên tục để đánh giá và đưa ra nhận định về mức độ nặng của bệnh, các công đoạn này phụ thuộc hoàn toàn vào sức người chưa có phương tiện máy móc hỗ trợ, thay thế”.
Những kiểm tra, chẩn đoán mức độ bệnh ở trẻ hiện chưa có phương tiện hỗ trợ tối ưu cho bác sĩ
Dẫn chứng cho sự vất vả của nhân viên y tế, BS Hữu Khanh cho hay: “Mỗi tua trực có 2 bác sĩ và 5 điều dưỡng nhưng phải chăm sóc cho cả trăm bệnh nhân. Trường hợp 1 trẻ nhỏ khi bệnh trở nặng, mạch mất, phải thở máy, xét nghiệm… cần 5 người mới có thể xử lý được”. “
Có thời điểm 30 đến 40 bệnh nhi trong tình trạng phải theo dõi liên tục thì toàn bộ nhân viên y tế phải liên tục di chuyển, liên tục ghi chép, liên tục thực hiện các bước theo dõi sát cho bệnh nhi. Y bác sĩ, điều dưỡng gần như kiệt sức. Để có thể duy trì cường độ làm việc, chúng tôi buộc phải chia tua thay nhau nghỉ ngơi, bác sĩ, nhân viên y tế đa phần ngồi ngủ gục tại chỗ, hiếm khi được nghỉ lưng”.
Nhân viên y tế quay cuồng, không có thời gian để nghỉ lưng
Trước sự căng thẳng của dịch bệnh, bệnh viện đã phải thông báo cho tất cả nhân sự đề nghị không nghỉ phép, những người đang đi học phải quay về, người bắt đầu học phải chia ngày học, xin phép bộ môn để sắp xếp lịch trực. Ngoài ra, bệnh viện còn huy động sinh viên y khoa trực sớm hơn và về trễ hơn để phụ giúp bác sĩ; mua thêm máy cầm tay để theo dõi nồng độ ô xy trong máu cho bệnh nhân…
Bệnh viện đang phải căng mình tiếp nhận, điều trị cho những trẻ bệnh nặng
BS Hữu Khanh tâm sự: “Bệnh nhân đông, bệnh nặng nhiều, để cứu trẻ chuyện y bác sĩ quên ăn uống là việc rất bình thường. Bệnh viện đang cố gắng để duy trì sức khỏe cho nhân viên bằng cách tăng cường cho nhân sự trực các loại thức ăn nhanh như mì gói, xúc xích, sữa… vào tua trực đêm để mỗi lúc được rảnh, họ có thể tranh thủ ăn lấy sức mà tiếp tục chiến đấu”.
Vân Sơn – Nguyễn Quang
Theo Dân trí
TPHCM VÀ CÁC TỈNH PHÍA NAM: Lo ngại nguy cơ dịch chồng dịch
Trước tình hình bệnh chân tay miệng (CTM) gia tăng, Sở Y tế TPHCM đã tiến hành kiểm tra đột xuất các điểm trường, cơ sở giữ trẻ về công tác phòng chống bệnh. Ngoài bệnh CTM thì tình hình dịch bệnh sởi, sốt xuất huyết (SXH) cũng đang gia tăng khiến người dân lo ngại về nguy cơ dịch chồng dịch.
Nguy cơ trẻ bị sốt xuất huyết, sởi, bệnh chân-tay-miệng tại TPHCM gia tăng. Ảnh: P.V
Dịch bệnh vào mùa, 1 trẻ chết vì sốt xuất huyết, 1 trẻ chết vì bệnh tay chân miệng
Hiện nay, tình hình bệnh CTM đang gia tăng đáng lo ngại tại TPHCM và các tỉnh phía Nam. Theo đó tại TPHCM, số liệu giám sát của Trung tâm Y tế Dự phòng (TTYTDP) TPHCM cho thấy: Trong tuần 38 (14-20.9.2018) có 289 ca bệnh CTM nhập viện, tăng 47% so với trung bình 4 tuần trước (194 ca), tăng 130% so với tuần cùng kỳ 2017 (124 ca). Tổng số ca CTM nhập viện tính đến hết tuần 38 là 3.195, bên cạnh đó, số ca khám ngoại trú đến hết tuần 38 là 15.499.
Các chuyên gia đánh giá tháng 8, tháng 9 hằng năm là thời điểm gia tăng số ca CTM theo mùa. Tuy nhiên, trong mùa dịch bệnh năm nay đã bắt đầu thấy sự xuất hiện trở lại của chủng virus Enterovirus 71 - chủng virus đã gây ra dịch CTM lớn trên cả nước năm 2011. Đây là nguyên nhân làm số ca bệnh gia tăng nhanh chóng tại các tỉnh, thành trong cả nước, trong đó có TPHCM những tuần gần đây.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 TPHCM cho biết, BV có 179 ca đang điều trị bệnh CTM, trong đó có gần 30 ca nặng, 10 trẻ phải thở máy, 5 trẻ phải lọc máu; đã có 1 trẻ tử vong do bệnh CTM. Bác sĩ Trương Hữu Khanh lo ngại trong những ngày tới, số lượng trẻ nhập viện sẽ tiếp tục gia tăng.
Không chỉ bệnh CTM, hiện bệnh SXH cũng bắt đầu vào mùa và đã có bệnh nhi tử vong. Theo TTYTDP TPHCM, trên địa bàn vừa qua đã ghi nhận một trường hợp bị tử vong do bệnh SXH. Đó là trường hợp một bệnh nhi 7 tuổi tại phường Hiệp Thành, quận 12. Bệnh nhi bị sốt xuất huyết, được gia đình cho đi bệnh viện theo dõi và điều trị nhưng bé không qua khỏi.
Từ đầu năm 2018 đến nay, tại TPHCM ghi nhận có khoảng 6.000 ca nhập viện vì SXH, giảm 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, TPHCM đang bắt đầu mùa mưa nên tình hình bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn TPHCM có dấu hiệu tăng cao khiến người dân lo ngại.
ThS-BS Nguyễn Minh Tuấn (Trưởng khoa SXH BV Nhi Đồng 1 TPHCM) cho biết, mỗi ngày trung bình có khoảng vài chục trẻ đang điều trị tại Khoa... SXH có thể xảy ra nhiều người từ trẻ em đến người già, triệu chứng ban đầu của bệnh SXH dễ bị nhầm lẫn với các bệnh sốt siêu virus, viêm họng, chân tay miệng.
Mới đầu bệnh SXH khó xác định, nhưng từ ngày 3 đến ngày 6 thì dễ chẩn đoán vì đã có dấu hiệu SXH. SXH không diễn biến từ sốt nhẹ rồi mới chuyển lên sốt cao, mà ngay khi sốt đã rất cao (39 độ), khi bị SXH sẽ cảm thấy mệt mỏi khắp người, lừ đừ, biếng ăn...
Ngoài SXH, CTM thì tình hình dịch bệnh sởi cũng gia tăng, tại một số bệnh viện trên địa bàn TPHCM liên tục tiếp nhận nhiều ca trẻ mắc bệnh sởi, đặc biệt có nhiều ca bệnh xảy ra ở trẻ dưới 9 tháng tuổi, trong đó tại BV Nhi đồng 2 chỉ trong 3 tuần cuối của tháng 8, BV này đã phát hiện 25 trường hợp sốt phát ban (15 ca có kết quả xét nghiệm dương tính với sởi).
Tất cả các trường hợp mắc sởi này đều chưa được tiêm phòng và hầu hết các bệnh nhân đến từ nhiều tỉnh, thành phía Nam... Những bệnh nhi còn lại đều chưa được tiêm chủng hoặc tiêm không đầy đủ vaccine sởi.
Bác sĩ (BS) Vũ Đức Diễn - Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh TTYTDP quận 12 TPHCM - cho biết, bệnh sởi là bệnh theo mùa, thường gặp ở trẻ nhỏ và là bệnh lành tính. Tuy nhiên, nếu không biết cách chăm sóc, trẻ có thể bị biến chứng rất nặng và dễ gây tử vong.
Các biến chứng như viêm phổi, viêm tai giữa, viêm thanh quản, viêm não tủy, suy dinh dưỡng, loét giác mạc... Đáng lo là sự lây chéo của bệnh trong các cơ sở y tế vì bệnh sởi rất dễ lây lan.
Trẻ em tiêm phòng ngừa dịch tại TPHCM. Ảnh: P.V
Ráo riết kiểm tra phòng chống SXH, sởi, CTM
Ngày 28.9, Sở Y tế TPHCM (SYT) đã tiến hành kiểm tra đột xuất công tác vệ sinh, phòng chống dịch tại một trường học và một điểm trông giữ trẻ gia đình trên địa bàn quận 10. Tại đây, bà Nguyễn Thị Đoan Trang - Hiệu trưởng trường mầm non phường 1 (quận 10) cho biết, đã xuất hiện 2 ca CTM trong trường. Ca đầu tiên phát hiện vào sáng 22.9, đến sáng 24.9, nhà trường phát hiện thêm ca thứ hai. Cả hai ca xảy ra tại lớp mầm 3 (trẻ 4 tuổi).
"Sau khi phát hiện 2 ca mắc CTM, trường đã tổng vệ sinh và khử khuẩn, đồng thời nhắc nhở phụ huynh khi phát hiện con bị sốt, nổi bóng nước thì đưa tới các bệnh viện chuyên khoa nhi ngay" - bà Trang nói.
Về công tác phòng, chống CTM, BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc TTYTDP TPHCM, đề nghị trường lưu ý đến giường ngủ của trẻ vì đây là vật dụng dễ có nguy cơ lây lan mầm bệnh.
Ngoài ra, BS Nguyễn Hữu Hưng - Phó Giám đốc SYT TPHCM - cũng đề nghị trường bố trí thêm các bồn rửa tay, nhắc nhở học sinh rửa tay thường xuyên hơn. Cả hai bệnh này đều chưa có vaccine phòng bệnh...
Trước nguy cơ dịch chồng dịch, cụ thể là dịch SXH, CTM, dịch bệnh sởi... Sở Y tế TPHCM, TTYTDP, Viện Pasteur TPHCM đã và đang triển khai nhiều công tác phòng, chống dịch. Cụ thể Viện Pasteur TPHCM đã có cuộc họp khẩn trực tuyến với 20 tỉnh phía Nam để triển khai các giải pháp phòng chống, dập dịch.
Theo Lao động
TP.HCM thực hiện cách ly sớm ca bệnh truyền nhiễm trong trường học Trước diễn biến tình hình dịch bệnh phức tạp trong trường học, ngày 3/10, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP.HCM đã có văn bản chỉ đạo triển khai hoạt động phòng, chống bệnh truyền nhiễm trong trường học, đặt biệt nhấn mạnh các cơ sở giáo dục tổ chức giám sát phát hiện, cách ly sớm ca bệnh truyền nhiễm. Thường...