‘Y bác sĩ không được tham gia điều trị Covid-19 nếu chưa tiêm đủ vaccine’
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn yêu cầu tất cả nhân viên y tế Bệnh viện Điều trị Covid-19 Củ Chi phải được tiêm đủ hai mũi vaccine.
“Các trường hợp không được tiêm vaccine hoặc chống chỉ định thì không tham gia công tác điều trị bệnh nhân”, Thứ trưởng Sơn nói khi làm việc với lãnh đạo Bệnh viện Điều trị Covid-19 Củ Chi, ngày 17/6.
Thực tế cho thấy từ cụm dịch tại Bệnh viện Nhiệt đới TP HCM, nhóm nhân viên đã tiêm đủ hai mũi vaccine mắc Covid-19 hầu như không xuất hiện triệu chứng, tải lượng virus trong cơ thể thấp, tỷ lệ lây nhiễm cũng thấp hơn so với các cụm dịch từ người chưa tiêm vaccine.
Bác sĩ Trần Chánh Xuân, Giám đốc Bệnh viện Điều trị Covid-19 Củ Chi, cho biết bệnh viện quy mô 500 giường, trong đó có 20 giường hồi sức tích cực (ICU), hoạt động từ ngày 12/6 trên cơ sở chuyển đổi công năng từ Bệnh viện huyện Củ Chi.
Bệnh viện được phân công tiếp nhận, điều trị các bệnh nhân Covid-19 ở nhiều mức độ khác nhau, các trường hợp bệnh nhân cần chạy thận nhân tạo, cần can thiệp phẫu thuật cấp cứu, cấp cứu sản phụ khoa, nhi khoa…
Trong 5 ngày đầu hoạt động, bệnh viện tiếp nhận hơn 300 bệnh nhân, trong đó 5 trường hợp bệnh nặng. 5 bệnh nhân suy thận mạn mắc Covid-19 cũng được chạy thận nhân tạo ngay tại viện. Các trường hợp bệnh nhân là thai phụ cũng được tổ chức thăm khám ngay tại nơi điều trị.
“Bệnh viện đã tiếp nhận bệnh nhân ở nhiều độ tuổi khác nhau, có sự đa dạng về mặt đặc điểm thể trạng, sức khỏe cũng như các vấn đề bệnh lý nền mà bệnh nhân mắc phải”, bác sĩ Xuân phân tích.
Bệnh viện Điều trị Covid-19 Củ Chi. Ảnh: Bộ Y tế.
Theo bác sĩ Xuân, trước khi chuyển đổi công năng, Bệnh viện huyện Củ Chi vốn đa khoa hạng hai, đã tổ chức được rất nhiều khoa khác nhau, trong đó có đơn vị ICU, khoa cấp cứu, khoa hồi sức, thận nhân tạo, nội, ngoại, sản nhi… tạo nền tảng thuận lợi cho sự hoạt động của bệnh viện sau khi chuyển đổi.
Các bệnh nhân nội trú đang điều trị tại bệnh viện trước khi chuyển đổi công năng cũng được chuyển sang cơ sở khác của bệnh viện là Phòng khám Đa khoa Tân Quy và Bệnh viện Đa khoa Khu vực Củ Chi để tiếp tục theo dõi, điều trị.
Nhiều trường hợp khi test nhanh có kết quả dương tính nCoV cũng được chuyển về đây, được phân luồng, bố trí khu vực riêng. Nếu có kết quả xét nghiệm âm tính hai lần với nCoV trong vòng 48 giờ bằng phương pháp RT-PCR sẽ được chuyển về khu cách ly để tiếp tục cách ly theo quy định.
Video đang HOT
Ngoài cán bộ công nhân viên công tác tại Bệnh viện huyện Củ Chi được cơ cấu lại phù hợp, ngành y tế TP HCM cũng huy động các bác sĩ chuyên khoa của các bệnh viện thành phố luân phiên hỗ trợ chuyên môn và can thiệp tại chỗ.
Bệnh viện đang được bốn bệnh viện hỗ trợ về hồi sức cấp cứu, hai bệnh viện hỗ trợ về kiểm soát nhiễm khuẩn. Các bác sĩ từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM cũng kết nối hỗ trợ, tập huấn trực tuyến.
Bệnh viện cũng đã có kế hoạch phối hợp triển khai hệ thống xét nghiệm PCR để phục vụ cho nhu cầu xét nghiệm tại chỗ, cũng như của Bệnh viện Dã chiến Củ Chi, với công suất khoảng 1.000 mẫu/ngày. Nơi này cũng chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản số bệnh nhân nặng gia tăng.
Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng, cho biết bệnh viện đã triển khai bố trí khu vực lưu trú cho lực lượng nhân viên, y bác sĩ tại đây. Theo đó, sau khi hết thời gian công tác tại bệnh viện, các nhân viên sẽ về nơi lưu trú được bố trí, thay vì về thẳng nhà. Điều này vừa giúp đảm bảo công tác phòng chống dịch vừa giúp hạn chế nguy cơ dịch bệnh xâm nhập bệnh viện.
Bệnh viện hiện đã bố trí được 40 phòng lưu trú, hai người một phòng, đồng thời bố trí một phần nhân lực lưu trú tại khu nhà ở chuyên gia. Nơi này cũng đang áp dụng chế độ luân phiên công tác tương tự như mô hình đã được áp dụng tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi trong thời gian qua.
Ngành y tế TP HCM đang vận động các khách sạn trong khu vực để phân chia khu vực lưu trú của các nhân viên khách sạn.
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn trao đổi cùng các bác sĩ trong đơn nguyên ICU của Bệnh viện điều trị Covid-19 Củ Chi. Ảnh: Bộ Y tế.
Đối với việc lưu trú của nhân viên y tế, Thứ trưởng Sơn đề xuất cần đảm bảo tuyệt đối an toàn cho nhân viên y tế. Bệnh viện nên phân chia nhân lực thành các kíp, các nhân sự trong cùng một kíp sẽ cùng làm việc, di chuyển và sinh hoạt. Giữa các kíp cần có sự tách biệt, khi thay đổi kíp nhân viên cần thực hiện toàn diện các biện pháp khử khuẩn theo quy định để đảm bảo an toàn và phòng chống lây nhiễm chéo.
Theo ông Sơn, với chủng Delta, số lượng bệnh nhân nặng có thể sẽ gia tăng nhanh. Cần hết sức cảnh giác, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản về nhân lực, vật lực để kịp thời đáp ứng công tác điều trị bệnh nhân. Hiện tại, khi số trường hợp bệnh nhân nặng còn ít, cần triển khai công tác tập huấn về hồi sức cấp cứu, cập nhật các phác đồ điều trị, các chỉ định điều trị như thuốc chống đông, thở máy, thở máy xâm nhập…
Bộ Y tế đã giao Bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM chuẩn bị lực lượng sẵn sàng tham gia hỗ trợ bệnh viện khi có yêu cầu. Bệnh viện Điều trị Covid-19 Củ Chi có thể chủ động yêu cầu Chợ Rẫy cử ê kíp trực tiếp đến hỗ trợ và đào tạo.
Ngày 17/6, TP HCM quyết định chuyển đổi công năng Bệnh viện Trưng Vương thành nơi chuyên tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid-19 có các bệnh lý đi kèm cần can thiệp chuyên sâu, quy mô 1.000 giường với 100 giường hồi sức. Đây là bệnh viện thứ 7 chuyển đổi công năng, nhằm đáp ứng tình hình số ca Covid-19 liên tục tăng trong thời gian gần đây.
Trước đó, thành phố đã chuẩn bị 2.500 giường điều trị Covid-19, với 7 đơn vị gồm Bệnh viện dã chiến Củ Chi, Điều trị Covid-19 Củ Chi, Điều trị Covid-19 Cần Giờ, Điều trị Covid-19 Phạm Ngọc Thạch, Bệnh Nhiệt đới, Đơn vị điều trị Covid-19 trẻ em tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố và Bệnh viện Nhi đồng 2, cùng 100 giường hồi sức của Bệnh viện Chợ Rẫy (thuộc Bộ Y tế, nằm trên địa bàn TP HCM).
Test nhanh, xét nghiệm mẫu gộp chặt đứt đường lây tại TP HCM
Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế đề xuất TP HCM tận dụng mọi năng lực xét nghiệm, kể cả test nhanh kháng nguyên, xét nghiệm mẫu đơn, xét nghiệm mẫu gộp...
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn, Bộ phận thường trực đặc biệt Bộ Y tế đang chi viện TP HCM chống dịch, đề nghị như trên tại cuộc họp chiều 16/6.
Theo đó, thành phố triển khai tất cả cách thức xét nghiệm để đảm bảo thời gian, phát hiện trường hợp nghi ngờ dương tính một cách nhanh nhất, khi mà chu kỳ lây nhiễm của biến chủng Delta (chủng Ấn Độ) ngắn hơn nhiều so với các chủng trước đây.
Thứ trưởng đánh giá thời gian qua TP HCM đã làm rất tốt công tác khoanh vùng, truy vết, xét nghiệm, xử lý nhanh khi có ca nhiễm, từ xét nghiệm diện vùng gần tâm dịch cho đến mở rộng các khu vực xung quanh.
"Chúng tôi đề xuất sử dụng test nhanh quét ngay tại vùng có ổ dịch, áp dụng với các trường hợp tiếp xúc gần. Thời gian test nhanh chỉ mất 2-3 giờ", ông Sơn nói. "Sau khi có kết quả test nhanh, nếu dương tính sẽ cách ly ngay, sử dụng RT-PCR mẫu đơn. Với người âm tính thì sau đó xét nghiệm mẫu gộp để quét qua một lần nữa".
Giáo sư Phan Trọng Lân, Viện trưởng Pasteur TP HCM, cho biết khi đánh giá dịch tễ cho thấy cần xét nghiệm thì phải tiến hành xét nghiệm ngay dù khu vực rộng hay hẹp. Trong vòng 1-2 giờ sau khi phát hiện ca nhiễm phải xác định được F1 để khoanh vùng và thu hẹp vùng giám sát. Hiện nay, các xét nghiệm là công cụ để khoanh vùng dịch.
Theo ông Lân, địa bàn đông dân cư bắt buộc phải tập trung vào các đặc điểm "có triệu chứng". Các bệnh viện TP HCM đang thực hiện sàng lọc những người có triệu chứng và từ đó truy ngược trở lại trong cộng đồng tìm các diện tiếp xúc và lần ra chuỗi lây.
Ông Lân phân tích, TP HCM quy định những F1 đầu tiên là những ca nguy cơ nhất, do đó trong 6-10 tiếng phải xét nghiệm xong. Khi F1 được xác định nhanh thì giải quyết lấy mẫu xét nghiệm, chặt đứt đường lây cũng rất nhanh.
Xây dựng tiêu chí thí điểm F1 tại nhà
Cục Quản lý Môi trường y tế, Bộ Y tế, đang xây dựng dự thảo phương án cách ly F1 tại nhà, theo Thứ trưởng Sơn. Điều kiện là cách ly tại nhà phải đảm bảo chăm sóc y tế giống như trong khu cách ly tập trung, các xét nghiệm theo dõi phải thực hiện nghiêm chỉnh.
Theo ông Sơn, trước đây ngành y tế cố gắng xây dựng các khu cách ly tập trung để đảm bảo an toàn với cộng đồng cũng như cho người được đưa vào khu cách ly tập trung. Trước tình hình dịch bệnh lan rộng ở nhiều địa phương trên cả nước, số lượng địa điểm cách ly tập trung bị hạn chế, nếu điều kiện không tốt thì có khả năng lây nhiễm chéo trong khu cách ly.
Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 tính đến phương án triển khai biện pháp cách ly tại nhà với F1, khi khu cách ly tập trung không đáp ứng nổi.
Vấn đề quan trọng đặt ra là phải đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn về y tế khi cách ly F1 tại nhà, tại cơ sở sản xuất. "Chẳng hạn, nếu cách ly tại nhà trọ thì không thể được, vì công nhân sẽ ở tập trung với nhau, hoặc nhà ống mà nhiều người trong gia đình đi qua đi lại cũng không được", ông Sơn phân tích.
Khi bắt đầu làn sóng dịch thứ 4, Bộ Y tế đã xây dựng phương án cách ly trẻ dưới 15 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi tại nhà, và được triển khai thời gian qua. Điều này nhằm tránh nguy cơ lây nhiễm trong khu cách ly tập trung, cũng như đảm bảo điều kiện chăm sóc trẻ.
Còn theo ông Lân, F1, F2 thường là người khỏe, không triệu chứng, nên phải nghiêm túc trong cách ly. "Nếu ý thức người dân cao thì sẽ cách ly tại nhà để người cách ly thoải mái hơn. Khi hình thức tập trung vẫn đảm bảo được thì nên cách ly tập trung", ông Lân nói.
Quy định hiện nay của Bộ Y tế, các F1 cách ly tập trung, F2 cách ly tại nhà chờ kết quả xét nghiệm F1 vì nguy cơ thấp hơn.
Chuẩn bị chỗ ở cho người cách ly tại khu cách ly tập trung ở TP HCM. Ảnh: Hữu Khoa.
Hơn 11.300 người đang cách ly tập trung tại TP HCM. Thành phố đang mở rộng năng suất các khu cách ly tập trung tại các quận huyện và thành phố. Nhiều quận huyện ở TP HCM lo ngại với tình trạng số ca nhiễm tăng nhanh như thời gian qua sẽ thiếu chỗ cách ly, vì vậy, nhiều địa phương phải dùng các khách sạn trên địa bàn làm nơi cách ly tập trung.
Họp báo thông tin về tình hình dịch trên địa bàn, chiều 14/6, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Hữu Hưng đánh giá biện pháp cách ly F1 tại nhà khả thi và có thể thực hiện ở thành phố vì nhiều nước đã làm. "Tuy nhiên, không phải nhà nào cũng đủ điều kiện để thực hiện cách ly F1. Hiện, ngay cả với các trường hợp F2 nếu không đủ điều kiện thì Bộ Y tế vẫn yêu cầu phải cách ly tập trung", ông Hưng nói.
Trước đó, tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 chiều 21/5, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bắc Ninh, Bắc Giang "mạnh dạn thí điểm quy mô nhỏ, đúc rút để xem xét mở rộng" việc cách ly F1 tại nhà.
Trước tình hình biến chủng Covid-19 mới lây lan nhanh, số ca nhiễm tăng cao khiến các địa phương thiếu chỗ cách ly, nhiều chuyên gia đề xuất cách ly F1 tại nhà với những trường hợp đủ điều kiện, thay vì bắt buộc cách ly tập trung.
Hôm 28/5, Bộ Y tế cho phép Bắc Giang và Bắc Ninh thí điểm cách ly F1 tại ký túc xá, nhà trọ đông công nhân. Những nơi này phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định giống như khu cách ly tập trung, gồm: lắp camera giám sát; không ra khỏi nơi lưu trú; xử lý người không tuân thủ quy định, để lây nhiễm chéo trong khu vực phong tỏa và lây ra cộng đồng...
Dịch TP.HCM lan quá nhanh do xuất hiện biến chủng nCoV mới? TP.HCM phát hiện hàng loạt chuỗi lây nhiễm với tốc độ lan rất nhanh và có thông tin cho rằng chủng SARS-CoV-2 tại đây là biến thể mới. Tính đến chiều 16/6, sau 22 ngày bùng dịch, TP.HCM đã ghi nhận 1.015 ca mắc Covid-19, trong đó có nhiều trường hợp chưa điều tra được nguồn lây. Do tốc độ lây lan quá...