Xuyên đêm bắt con trơn nhớt cho huyền thoại lan “giấc mộng vua Trần”
Để một chậu địa lan Trần mộng hay lan “giấc mộng vua Trần” có giá trị từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng thì ngoài số cành hoa ra nhiều ở gốc còn phải đáp ứng yêu cầu không được dùng thuốc trừ sâu phun lên hoa. Bởi vậy, để phòng trừ sâu bệnh, không còn cách nào khác là các chủ vườn địa lan phải thức trắng đêm để bắt ốc sên dưới những cành lan…
Từ lâu, huyện Sa Pa (Lào Cai) đã được giới chơi lan biết tới là thủ phủ của loài địa lan Trần mộng – một trong những loài lan cho cành hoa dài cả mét, cành lá xum xuê tượng trưng cho sự phát tài, phát lộc trong năm mới. Do vậy, giới thượng lưu sẵn sàng bỏ từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng để sở hữu một chậu lan khủng trong nhà vào dịp Tết đến, xuân về.
Để có được một chậu địa lan mà chủ vườn có thể “đút túi” được hàng trăm triệu đồng mỗi năm thì đòi hỏi những chủ vườn này phải rất kỳ công trong cách chăm sóc. Theo anh Lê Lệnh Thuận, một trong những chủ vườn sở hữu nhiều chậu địa lan khủng ở Sa Pa: “Từ lúc trồng cho đến khi thu hoạch phải mất thời gian chăm sóc từ 4 – 5 năm. Những khách hàng đặt mua loại địa lan Trần mộng này cực kỳ khó tính, họ đòi hỏi chậu lan phải có từ hàng chục đến hàng trăm cành hoa, được chăm sóc hoàn toàn tự nhiên từ cách bón phân đến cách phòng trừ sâu bệnh…”
Trong một chuyến công tác tới Sa Pa, tôi đã có dịp được cùng anh Thuận thức xuyên đêm để bắt loài ốc sên, ốc nhớt. Chúng thường cắn vào cành hoa và nụ hoa của địa lan, nếu không biết xử lý mẫu mã hoa sẽ rất xấu khiến giá trị chậu hoa bị giảm đi đáng kể.
Những con sên bé bằng hạt gạo đang bò từ gốc ra cắn hoa. Theo anh Thuận, chúng tôi nhận thấy công việc bắt sên này cũng không hề đơn giản, phải lần mò kỹ, bắt xong chậu này lại chuyển sang chậu khác. Cứ như vậy, anh Thuận thức một mạch từ 12h đêm hôm trước đến 4h sáng hôm sau.
Phải thật kiên trì và tinh mắt mới tóm gọn được những con sên vừa bé vừa trơn.
Video đang HOT
Anh Thuận cho biết: “Ban đêm và rạng sáng sớm có sương nên lúc đó là thời điểm thích hợp để ốc sên bò ra cắn hoa, muốn bắt được chúng phải chăm chỉ thức đêm chứ chẳng còn cách nào khác”.
Anh Sùng A Chia, thôn Suối Thầu, xã Tả Phìn cho biết: “Loài ốc sên này có chất nhờn trơn nên rất khó bắt, tôi cũng đã thử phun thuốc nhưng phun xong chúng lại tiết chất nhờn rồi bò đi chỗ khác chứ chẳng có con nào chết cả. Vì vậy, vào thời điểm ra hoa vợ chồng tôi lại thức đêm bắt sên”.
Phải tỉ mỉ bới từng cành lan mới tóm được loài vật vừa trơn vừa nhớt này.
Ban ngày, ốc sên chui xuống đất hoặc núp dưới lớp cỏ, khi đêm đến có sương và thời tiết ẩm thấp là lúc ốc sên hoạt động mạnh nhất.
“Đây là con sên nhớt, chúng tiết ra rất nhiều chất nhầy. Món ăn yêu thích nhất của loài này là những nụ hoa lan, nếu không chú ý quan sát thì chỉ sau một đêm, những nụ hoa này sẽ bị cắn nát” – anh Thuận tiết lộ.
Theo Danviet
Sau 3 tháng, thu nhập bình quân người dân ở đây tăng tới 8 triệu đồng
Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM) đã mang đến "luồng gió mới" cho đời sống nông dân ở xã Tả Phìn (huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai). Tháng 6 năm 2018, thu nhập bình quân đầu người ở Tả Phìn đạt 23,86 triệu đồng/người/năm. Nhưng chỉ sau đó 3 tháng, đến hết tháng 9 năm 2018, thu nhập bình quân đầu người ở đây đã đạt 31,93 triệu đồng/người/năm.
Chia sẻ với phóng viên báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt, ông Đỗ Minh Trí - Chủ tịch UBND xã Tả Phìn, cho biết: Cái được trong xây dựng NTM ở Tả Phìn là bà con người dân tộc thiểu số đã dần từ bỏ thói quen canh tác truyền thống kém hiệu quả. Nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn vay vốn đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi cho hiệu quả kinh tế cao như: Trồng cây địa lan, ứng dụng khoa học công nghệ trồng rau, quả, hoa... hình thành các trang trại tập trung, quy mô lớn. Diện tích rau hoa công nghệ cao 55ha, rau an toàn 25ha.
Mô hình ứng dụng công nghệ cao trồng dưới lưới ở thôn Sả Xéng, xã Tả Phìn góp phần nâng cao thu nhập cho người dân
Theo ông Trí, đối với những tiêu chí đã hoàn thành, xã đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền để tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng trong năm 2018. Đối với những tiêu chí chưa hoàn thành, xã tập trung sử dụng, thu hút mọi nguồn lực có sẵn và các nguồn lực đầu tư từ các dự án, chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Ưu tiên xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông lâm nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân.
Đến nay, xã Tả Phìn đã đạt 16/19 tiêu chí trong xây dựng NTM. Chỉ cần hoàn thành 3 tiêu chí: Văn hóa (tiêu chí số 16), môi trường và an toàn thực phẩm (tiêu chí số 17), hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật (tiêu chí số 18), Tả Phìn sẽ về đích Nông thôn mới.
Luồng gió mới
Chương trình xây dựng nông thôn mới thực sự đã mang đến "luồng gió mới" làm thay đổi bộ mặt tam nông ở Tả Phìn. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, trong 9 tháng qua, người dân xã Tả Phìn đã hiến 10.000 m2 đất làm đường giao thông nông thôn. Bởi vậy, đến nay 100% tuyến đường liên xã đã được nhựa hóa; 23,3/28,1km đường liên thôn được cứng hóa, đảm bảo lưu thông cho các phương tiện đạt 82,9%; hơn 5,7/8km đường ngõ xóm sạch, không lầy lội vào mùa mưa đạt tỷ lệ 71,2%.
Hết 9 tháng đầu năm, trên địa bàn xã Tả Phìn, số diện tích rau hoa công nghệ cao là 55ha, rau an toàn 25ha
Hạ tầng giao thông được đầu tư đã tạo điều kiện cho phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn xã. "Từ khi có cái chương trình nông thôn mới về với thôn Suối Thầu, bà con chúng tôi ai cũng phấn khởi, hăng hái hiến đất, góp công làm đường. Những con đường lầy lội trước kia giờ đã được bê tông hóa, mùa mưa không còn trơn trượt nữa. Người dân đi xe trực tiếp đến đồng ruộng thu gom, chở các mặt hàng nông sản đem ra chợ bán, từ đó thu nhập ngày một được nâng lên" - anh Sùng A Chia, thôn Suối Thầu (xã Tả Phìn) bảo vậy.
Đối với phát triển giáo dục ở nông thôn, trong năm 2018 đã phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ; phổ cập giáo dục tiểu học; phổ cập giáo giáo dục trung học cơ sở đều đạt 100%
Cùng với đó, các công trình như thủy lợi, điện lưới quốc gia, trường học, nhà văn hóa, trạm y tế được đầu tư xây dựng, góp phần ổn định cuộc sống, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân.
Thực hiện phong trào thi đua "Phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân", năm 2018 xã Tả Phìn đã thực hiện nhiều dự án trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp và chăn nuôi: Dự án phát triển rau tăng vụ trên đất ruông lúa; dự án sản xuất hoa địa lan bằng phương pháp tách chồi; dự án trồng địa lan kiếm hồng hoàng; dự án nuôi lợn đen hàng hóa; phát triển đàn bò hàng hóa cho đồng bào người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo... Chính vì vậy, hết 9 tháng đầu năm tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống còn 8,6% (6 tháng đầu năm, tỷ lệ hộ nghèo là 14,3%).
Ngoài ra, từ nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi 5 tỷ đồng cho đối tượng là 6 hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đã tạo nguồn lực cho các HTX, doanh nghiệp liên kết với các hộ dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm rau, hoa.
Tháng 6 năm 2018, thu nhập bình quân đầu người xã Tả Phìn đạt 23,86 triệu đồng/người/năm. Nhưng chỉ sau đó 3 tháng, đến hết tháng 9 năm 2018, thu nhập bình quân đầu người đã đạt 31,93 triệu đồng/người/năm.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và chung sức, chung lòng của nhân dân, hy vọng hết năm 2018, xã Tả Phìn sẽ cán đích nông thôn mới đúng kế hoạch.
Theo Danviet
Sa Pa: Thu tiền tỷ từ hoa ly Hà Lan trồng trên ruộng bậc thang Nhờ ứng dụng công nghệ cao trong trồng hoa ly Hà Lan trên ruộng bậc thang, lão nông Ngô Văn Sơn, đội 4, thôn Sả Xéng, xã Tả Phìn, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai đút túi 1,2 tỷ mỗi năm. Trên những thửa ruộng bậc thang màu mỡ tại xã Tả Phìn, huyện Sa Pa, trước đây nông dân quanh năm trồng...