Xuống trại giam ăn cơm xem có thiu không thì giám sát mới… trúng
Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương đề nghị đi giám sát cần thực tế vì nếu chỉ đọc báo cáo thì mọi thứ đều hay. Giám sát oan sai phải xuống trại giam, ăn thử cơm xem có thiu không thì mới ra được vấn đề…
Chiều 24/8, các đại biểu Quốc hội chuyên trách xem xét, thảo luận về thảo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và hội đồng nhân dân.
Nói về cách thức tiến hành giám sát, đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) đặt vấn đề, sửa luật giám sát lần này phải khắc phục được tình trạng cưỡi ngựa xem hoa. Dự thảo luật vẫn giữ quá nhiều từ “xem xét” dù ông Hùng đã nhiều lần góp ý. Như thế thì việc “cưỡi ngựa” vẫn tiếp diễn.
“Chẳng hạn, giám sát tối cao của Quốc hội có 7 việc thì 6 việc là xem xét, trong khi dự thảo không đề cập xem xét thực tiễn mà chỉ xem xét báo cáo. Trong khi đúng ra, giám sát là phải xem xét, kiểm tra rồi mới đánh giá, nghe báo cáo rồi kết luận thì đánh giá sẽ chủ quan. Kết luận giám sát nếu không chính xác thì có khi còn hợp thức hóa cho sai phạm” – đại biểu Hùng nhận xét.
Đại biểu Đỗ Văn Đương: “Giám sát chỉ qua đọc báo cáo thì mọi thứ đều hay cả” (ảnh: Lao động).
Tán thành quan điểm giám sát cần thực tế, đại biểu Đỗ Văn Đương (TPHCM) cũng cho rằng, nếu chỉ giám sát qua báo cáo thì mọi thứ đều hay lắm, vì “chẳng ai dại gì mà bôi khuyết điểm của mình ra”.
Vì thế, theo ông Đương, vẫn cần nghe báo cáo nhưng cũng cần trực tiếp nghiên cứu hồ sơ vụ việc và đi thực tế.
“Chúng tôi xuống trại giam còn ăn thử rau muống, cơm xem có thiu hay không thì mới ra được vấn đề”, ông Đương nói về cuộc giám sát tình hình oan sai trong tố tụng hình sự UB Thường vụ Quốc hội đã thực hiện vừa qua.
Video đang HOT
Cũng theo ông Đương, mọi cuộc giám sát đều phải ban hành kết luận, làm rõ đúng sai và cơ quan được giám sát cũng được phép cung cấp tài liệu giải trình trước khi đoàn giám sát ra kết luận.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thì nhấn mạnh giá trị pháp lý của kết luận giám sát. Theo Chủ tịch Quốc hội, đây là điểm then chốt của luật này bởi hiện nay chất lượng giám sát, kể cả giám sát tối cao của Quốc hội cũng chưa thật tốt, kết quả giám sát “cứ trôi đi đâu mất”.
Để khắc phục sự hình thức trong giám sát, đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu) cho rằng sau mỗi cuộc giám sát đều nên ra nghị quyết, bắt buộc các tổ chức cá nhân có liên quan phải thực hiện. Đồng thời báo cáo kết quả giám sát cần được gửi cho cả cơ quan quản lý nhà nước cấp trên của của cơ quan được giám sát.
Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) phân tích, không chỉ nhìn mà phải nghe cử tri nghe nhân dân thì hiệu quả giám sát mới cao. Báo cáo giám sát phải nói rõ trách nhiệm, đặc biệt trách nhiệm cá nhân người đừng đầu và thời gian khắc phục vấn đề báo cáo nêu.
Chất vấn chuyện bôi trơn làm sổ đỏ – cả năm trời chưa có câu trả lời
Chuyển sang nội dung giám sát qua hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, đại biểu Huỳnh Thành Lập (TPHCM) nêu lại câu chuyện “mỗi con gà, quả trứng cõng 14 loại phí” từng làm nóng phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 9 vừa qua của Quốc hội. Ông Lập cho biết, trước đó đoàn đại biểu TPHCM đi giám sát về an toàn vệ sinh thực phẩm và phát hiện vấn đề này nhưng không được trả lời.
“Kết luận giám sát gửi về Trung ương từ 20/4/2015 nhưng mãi khi gần diễn ra phiên chất vấn tại kỳ họp cũng chẳng có ai trả lời. Tại phiên chất vấn, đại biểu Đỗ Văn Đương hỏi và sau đó Chủ tịch Quốc hội phát biểu ý kiến thì vấn đề mới rõ, mới công khai” – ông Huỳnh Thành Lập cho biết.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đề xuất quy định, đại biểu Quốc hội có thể gửi thẳng chất vấn đển đối tượng chất vấn chứ không nhất thiết phải gửi qua UB Thường vụ như quy định tại dự thảo luật.
Ông Cương cũng khuyến cáo, nên quy định đối tượng được chất vấn sau khi nhận được chất vấn thì 30 ngày phải trả lời chứ không nên chỉ chất vấn ở kỳ họp Quốc hội và phiên họp của UB Thường vụ Quốc hội vì nếu đi tiếp xúc cử tri sau kỳ họp, cử tri nêu vấn đề mà đại biểu thấy đúng thì có thể chất vấn ngay cho kịp thời.
Một điều nữa ông Cương cũng cho là vô lý nếu cứ chất vấn là hỏi bằng chứng đâu, vì đại biểu không có văn phòng giúp việc cũng không có cơ chế để đi điều tra. Mà cho dù có bằng chứng, như vụ bôi trơn để làm sổ đỏ ở Hà Nội mà ông đã chất vấn thì sau cả hàng năm trời cũng chưa thấy trả lời cụ thể.
P.Thảo
Theo Dantri
Vụ thảm sát ở Bình Phước: Khi nhân cách bị tha hóa
Ông Đỗ Văn Đương cho rằng, nhằm đoạt được lợi ích của mình, các đối tượng gây ra vụ thảm sát ở Bình Phước đã thực hiện hành vi một cách tàn độc, dã man
Một tuần sau khi xảy ra vụ thảm sát ở Bình Phước khiến 6 người trong gia đình ông Lê Văn Mỹ ở xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước thiệt mạng, đến nay hai nghi phạm Nguyễn Hải Dương (SN 1991, trú tại An Giang) và Vũ Văn Tiến (SN 1991, trú tại Bình Phước) đã bị cơ quan chức năng khởi tố bị can, bắt giam để điều tra về hành vi "giết người", "cướp tài sản" khiến người dân đã phần nào yên tâm hơn...
Dưới góc độ tâm lý tội phạm, ông Đỗ Văn Đương, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng nhân cách của các đối tượng đã bị tha hóa, cộng với lòng tham và ích kỷ cá nhân dẫn tới bất chấp và coi thường tính mạng người khác, miễn là đoạt được lợi ích của mình. Đối tượng là người được học hành tử tế, có nhân thân tốt, nhìn bề ngoài ai cũng tưởng rất ngoan, song bên trong con người họ trình độ, ý thức pháp luật lại rất kém.
Nhằm đoạt được lợi ích của mình, các đối tượng đã thực hiện hành vi một cách tàn độc, dã man. Không chỉ táo bạo, trắng trợn, thách đố cơ quan pháp luật, đối tượng còn rất tinh vi, xảo quyệt, biết che giấu tội phạm trước khi gây án.
Sự tinh vi, xảo quyệt của nghi phạm còn thể hiện ở chỗ, sau khi gây án xong, Nguyễn Hải Dương còn quay lại hiện trường, khóc lóc, tỏ vẻ thương tiếc người yêu cũ, gia đình nạn nhân để đánh lạc hướng cơ quan điều tra cũng như nghe ngóng thông tin điều tra như thế nào.
Nghi phạm Vũ Văn Tiến và Nguyễn Hải Dương
"Phải nói rằng, các đối tượng có kinh nghiệm để chuẩn bị gây án. Trước khi gây án, đối tượng đã chuẩn bị chứng cứ ngoại phạm để xóa dấu vết, thậm chí khi cơ quan điều tra gọi hỏi, đối tượng đã có tư tưởng chống đối một cách có hiểu biết. Cụ thể khi Nguyễn Hải Dương được mời lên trụ sở Công an, đối tượng còn thách đố cơ quan điều tra giám định ADN và nói rằng sẽ im lặng cho đến khi có luật sư thì mới khai báo.
Điều đó có thể thấy, qua mạng internet, đối tượng đã biết đến tư tưởng sửa đổi bộ Luật tố tụng hình sự mới, hiểu biết về pháp luật, chuẩn bị chứng cứ ngoại phạm, che giấu tội phạm cũng như mua găng tay để xóa dấu vết, chuẩn bị khai báo một cách bài bản... Song với tinh thần đấu tranh cương quyết và biện pháp nghiệp vụ khôn khéo, cho dù tội phạm có tinh vi đến mấy thì cơ quan điều tra vẫn bóc trần được hành vi phạm tội của đối tượng trong thời gian ngắn", ông Đỗ Văn Đương nói.
Tình hình tội phạm ngày càng diễn biến phức tạp, khi trong vòng một tuần đã xảy ra hai vụ thảm sát gây rúng động dư luận đó là vụ thảm sát 4 người trong gia đình ở huyện miền núi Tương Dương, Nghệ An và mới đây là vụ giết chết 6 người ở Bình Phước. Điều này cũng khiến dư luận hoài nghi về tính không nghiêm của luật pháp khi để xảy ra nhiều thảm án trong thời gian ngắn.
Trăn trở về điều này, ông Đỗ Văn Đương cho rằng, mấu chốt của tình trạng trên vẫn nằm ở mấy vấn đề chúng ta thường thấy như tác động của mặt trái của kinh tế thị trường, sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội ngày càng gia tăng, đặc biệt nhất là sự tác động của văn hóa phẩm đồi trụy. Trong khi đó giáo dục trong nhà trường, xã hội còn buông lỏng, cho nên rất nhiều người không tôn trọng pháp luật mà học tập những thói hư tật xấu tiếp thu được từ những văn hóa phẩm độc hại dẫn đến gây tội ác.
Thực tế cũng cho thấy hiện nay đang có tình trạng tội phạm coi thường pháp luật, coi thường tính mạng của người khác cũng như coi thường trật tự xã hội. Vì vậy, trong điều kiện hiện nay cần phải cứng rắn, trấn áp mạnh mẽ tội phạm. Trong quy định của luật pháp thời gian tới, đặc biệt bộ luật Tố tụng hình sự phải có quy định tạo điều kiện cho cơ quan điều tra nhanh chóng điều tra, khám phá vụ án. Trong bộ Luật hình sự sắp tới, cần thiết phải nâng cao hình phạt đối với tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người khác.
Ông Đương dẫn chứng, đối với tội cướp, một số ý kiến cho rằng nên bỏ hình phạt tử hình song không được đồng ý vì những tội này xâm phạm đồng thời không chỉ tài sản mà còn tính mạng, sức khỏe con người. Vì sự tha hóa, suy đồi của một bộ phận đối tượng đã ảnh hưởng tới trật tự cộng đồng xã hội, làm cho nhân dân không yên ổn làm ăn cho nên cần thiết phải cứng rắn hơn nữa trong cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm cùng với việc lâu dài là giáo dục tư tưởng đạo đức thì trước hết phải có "bàn tay" cứng rắn của các lực lượng chuyên trách, đặc biệt là lực lượng Công an./.
PV
Theo_VOV
Tử hình bằng tiêm thuốc độc tốn kém hơn xử bắn? Liên quan đến đề xuất trang bị xe tử hình bằng tiêm thuốc độc lưu động thay vì xây thêm nhiều phòng tử hình, khu tử hình tập trung, đại biểu Quốc hội nêu thông tin, trước đây tử hình phạm nhân bằng xử bắn chi phí 15 triệu đồng/vụ, giờ tiêm thuốc độc tốn kém hơn nhiều. Chiều 2/6, các đại biểu...