Xưởng may ươm mầm yêu thương – nơi gắn kết của những người khuyết tật
Tại Long Biên (Hà Nội), có một xưởng may đặc biệt đã trở thành mái nhà chung của phần lớn nhân lực là người khuyết tật.
Nơi đây không chỉ giúp họ có công ăn việc làm, mà còn có thể chia sẻ yêu thương, tìm kiếm cơ hội hòa nhập cộng đồng, hơn cả là tìm được niềm vui, sống một cuộc đời ý nghĩa.
Đôi “Vợ chồng son” tý hon
Hằng ngày tại xưởng may “ Thiên thần”, hàng chục nhân lực đang cặm cụi làm việc để sản xuất ra những chiếc khẩu trang hay trang phục quần áo chất lượng. Đặc biệt trong đó, có một cặp đôi người khuyết tật tìm được thứ tình yêu vô cùng đáng trân trọng.
Cùng bị khuyết tật lùn, cơ duyên đã đưa anh Lương Văn Kiên (30 tuổi) và chị Phùng Kiện Bạch (25 tuổi) đến với nhau để gây dựng và vun đắp một gia đình.
“Bọn mình quen nhau ở đây, ai cũng vui mừng khi mà hai người có cùng hoàn cảnh đến được với nhau”, chị Bạch nói với chút ngượng ngùng của người vợ mới cưới. Gặp nhau tại xưởng may từ hơn một năm, nhưng tháng trước, anh Kiên mới quyết định đưa ra lời cầu hôn và anh chị chính thức nên duyên vợ chồng.
Nụ cười “dễ thương” của anh Kiên là điều khiến chị Bạch bị “đốn tim”.
Những ấn tượng giản dị đã đưa anh chị tới gần với nhau hơn. Chị Bạch nói, anh Kiên có tướng hiền lành, chăm chỉ và thích nhất là “cái mặt dễ thương”, chị cười nói. Trong khi đó, đối với anh Kiên, người vợ của mình luôn khiến anh bị thu hút bởi sự vui tính và đáng yêu.
Để từ đó, chàng trai và cô gái trở nên thân quen hơn bao giờ hết. Anh Kiên bồi hồi nhớ lại buổi hẹn hò đặc biệt. Như mọi ngày, anh chị thường dành thời gian đi công viên hóng mát. Nhưng hôm đó, không biết “trời xui đất khiến” thế nào, anh đã bộc lộ hết tâm tư tình cảm. Để rồi anh cảm thấy may mắn khi đã dũng cảm nói ra và được chị đáp lại tình cảm.
Đôi vợ chồng cần mẫn làm việc và hướng tới một tương lai tốt hơn.
Làm việc tại xưởng may “Thiên thần” đã tạo nên một môi trường kết duyên của nhiều cặp đôi, không chỉ riêng gì anh Kiên và chị Bạch. Với tâm lý được hậu thuẫn vững chắc trong môi trường hòa đồng, vui vẻ và giúp đỡ lẫn nhau, các cặp đôi đã có thể yêu trọn vẹn với tâm lý thoải mái hơn, mà không quá lo lắng về gánh nặng kinh tế.
Trước khi đến với xưởng may, anh Kiên sinh sống ở Nha Trang và làm công việc nhà hàng với thu nhập bấp bênh. Anh dự định đến Trung tâm Nghị lực sống của người khuyết tật để học công nghệ thông tin, thế nhưng, tay nghề yếu nên đành phải bỏ. Trong những tháng ngày chơ vơ, anh được một người bạn giới thiệu xưởng may “Thiên thần”, ra Hà Nội làm việc và bén duyên từ đó.
Khu vực làm việc ngăn nắp của anh Kiên trong xưởng may “Thiên thần”.
Còn với chị Bạch, trước đây chị sinh sống ở Hải Dương, làm việc cho tại một công ty lắp ráp linh kiện ô-tô. Tuy nhiên, đây lại là môi trường làm việc của những người bình thường, vậy nên chị đã không thể theo kịp các đồng nghiệp, mặc cảm khiến chị cảm thấy tủi thân và đành phải bỏ việc.
Sau đó chị lên mạng tìm kiếm việc làm thì thấy công ty Tokyolife tuyển dụng lao động người khuyết tật.
Lúc đầu tôi sợ bị lừa nhưng quyết thử một lần, lên đây thì gặp chị Thoa quản lý xưởng rất thân thiện. Tôi cảm thấy hài lòng với yêu cầu của công việc và quyết định thử việc một tháng, nếu không làm được thì còn việc khác mà. May mắn thay, tôi đã có thể làm tốt và quyết định gắn bó với nơi đây.
Phùng Kiện Bạch
Video đang HOT
Nụ cười từ niềm hạnh phúc giản dị.
Thu nhập hiện tại của hai vợ chồng là 4-5 triệu mỗi người/tháng. Anh chị cho biết, số tiền này đủ để trang trải cuộc sống trên thành phố Hà Nội. Đặc biệt, anh chị được miễn phí tiền thuê nhà khi hai người sống tại nhà tập thể của công ty.
Mặc dù phải tách nhau ra và phải ngủ riêng, chị ở phòng nữ, còn anh ở phòng nam, song hằng ngày, anh chị vẫn nấu, vẫn ăn cùng với nhau như một cặp vợ chồng. Dù rằng sinh hoạt tập thể nên có những lúc mong muốn của anh chị chưa thể thỏa lòng.
Nói về dự định tương lai, chị Bạch kể: “Gia đình nhà chồng có nhà riêng nên giờ hai vợ chồng chỉ cần chuyên tâm lo kiếm tiền, chuẩn bị cho cuộc sống sau này. Trước mắt, hai đứa có dự định mua một chiếc xe máy bé để hai vợ chồng có thể di chuyển thuận tiện hơn”.
Mặc dù được gia đình hai bên ủng hộ, thế nhưng trong lòng chị Bạch luôn có nỗi tâm tư khi nhắc tới chuyện con cái. “Bố mẹ có tuổi rồi nên cũng muốn có cháu bế chứ, nhưng tôi chưa thể làm tròn bổn phận của một người con”, chị Bạch nói.
Dù vậy, bên chị luôn có anh Kiên kề vai bầu bạn. Chị Bạch cảm thấy may mắn và yêu đời khi có anh Kiên hay trêu đùa để quên đi những mệt mỏi. Chỉ cần có nhau, động viên nhau để cố gắng trong cuộc sống là đủ với đôi vợ chồng nghị lực này.
Hy vọng đổi đời của người yếu thế
Đây chỉ là số ít trong rất nhiều người khuyết tật được dự án TokyoLife Angels mang tới cơ hội tự thay đổi, làm chủ cuộc đời mình.
Được khởi xướng vào tháng 5/2018 với những bước đầu đưa người khuyết tật vào làm việc tại công ty, dự án TokyoLife Angels đã hợp tác cùng Hội người khuyết tật Hà Nội. Trong đó, Hội đóng vai trò đối tác, cố vấn và hỗ trợ TokyoLife hướng dẫn, tuyển dụng người khuyết tật tham gia lao động tại công ty.
2 tháng sau, xưởng may “Thiên thần” ra đời với sự tham gia ban đầu của 30 nhân sự. Nơi đây chắp cánh cho người khuyết tật tham gia làm việc tại công ty, giúp tạo công ăn việc làm ổn định cho họ.
Các bạn được hướng dẫn chi tiết tại xưởng may “Thiên thần”.
Lần lượt sau đó là sự ra mắt của Ngôi nhà “Thiên thần” Thái Hà – cửa hàng đầu tiên trên hệ thống được vận hành bởi hơn 80% lao động là người khuyết tật; Xưởng móc thú bông “Thiên thần” – chào đón và đem lại niềm vui cho các thành viên gặp khó khăn về tâm lý; Nhà “Thiên thần” Cầu Giấy; Nhà “Thiên thần” số 4 ở Đà Nẵng – ngôi nhà “Thiên thần” đầu tiên có mặt tại thành phố biển miền trung; Quán cà-phê “Thiên thần” vận hành bởi người khuyết tật ở Đà Nẵng…
Với dự án TokyoLife Angels, cung cấp việc làm cho người khuyết tật là ưu tiên hàng đầu. Đặc biệt, khi người khuyết tật phải chịu nhiều khó khăn và bất lợi trong cuộc sống, cũng như thường xuyên bị tách biệt khỏi xã hội. Tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm của người khuyết tật có thể khiến tinh thần, thể chất cũng như cuộc sống của người khuyết tật thêm phần khó khăn.
Việt Nam hiện có hơn 7 triệu người khuyết tật, chiếm hơn 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên, trong đó người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng chiếm khoảng 28,9%, khoảng 10% người khuyết tật thuộc hộ nghèo và cận nghèo.
Chàng trai Thái Ngọc Lâm (bị điếc), 22 tuổi thích thú với môi trường làm việc tại xưởng may.
Ra đời đầu tiên, xưởng may “Thiên thần” trở thành nơi đào tạo nghề miễn phí và trả mức lương trên mức trung bình cho người khuyết tật. Ngoài ra, người khuyết tật lao động được thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo đúng quy định. Đồng thời thực hiện nhiều chế độ phúc lợi khác như hỗ trợ ăn trưa, chỗ ở miễn phí, thưởng tiền vào các ngày lễ, Tết…
Đến nay, TokyoLife đang có hơn 142 người khuyết tật làm việc ở hầu hết các khâu như may vá, dịch vụ khách hàng, IT, đào tạo, bán hàng… ở khắp các chi nhánh trên cả nước. Ở đây, họ được gọi là những “Thiên thần” bởi theo như đại diện TokyoLife “người khuyết tật dạy chúng tôi về tình yêu thương, sự gắn kết và lòng tử tế”.
Theo như người đại diện, mong muốn cuối cùng của TokyoLife là giúp các bạn khuyết tật có được cái “nghề”, sau đó các bạn có thể hoàn toàn tự chủ trong cuộc sống và đem lại giá trị cho xã hội.
“Ngôi nhà thứ hai” của người đàn ông một tay
Anh Hồ Văn Xếp (33 tuổi) là một người khuyết tật mất đi một bàn tay trái. Ở quê nhà Huế, anh từng làm công việc tự do, thu nhập chới với từ 2-3 triệu/tháng, có tháng còn không được chừng này. Sinh hoạt cuộc sống của anh rất khó khăn. Các công việc cho người khuyết tật cũng thường không ổn định, làm vài ba tháng lại dừng hoạt động.
Sau đó một thời gian, chàng trai chưa vợ tham gia Hội người khuyết tật và được giới thiệu ra Hà Nội làm việc. Vì còn độc thân và mang trong mình ước muốn đổi đời, năm 2019, anh Xếp quyết định rời xa nơi “chôn rau cắt rốn” để ra Hà Nội tìm kiếm cơ hội mới.
Đến với xưởng may “Thiên thần”, anh được các anh chị trong xưởng dạy nghề tận tình, sau khoảng thời gian ngắn, anh Xếp đã có thể may các đồ đơn giản như khẩu trang và áo.
Anh Xếp cùng chiếc máy may thân quen mỗi ngày.
Dù với cánh tay khuyết tật nhưng từng công đoạn trong thao tác may vá được anh thuần thục mà không để lại vết chỉ lệch nào. Vì bị khuyết tật tay bẩm sinh từ nhỏ, anh Xếp không cảm thấy khó khăn với công việc may vá, khi mà đối với anh, làm việc với một cánh tay đã trở thành thói quen, vẫn có thể làm việc bình thường như những người khác.
Trải qua 4 năm, cuộc sống anh Xếp đã ổn định với mức thu nhập tốt hơn. Nói về phát triển tương lai với nghề này, anh Xếp cho biết hiện tại chưa thể biết trước, nhưng anh tiếp tục muốn làm việc tại xưởng may, và nếu vài năm sau sức khỏe bảo đảm, anh sẽ mở một cửa tiệm nhỏ cho bản thân.
Nói những điều thầm kín, anh Xếp chia sẻ: “Tôi cũng từng chán nản với bản thân và chưa từng đi xin công việc của người bình thường vì ngại ngùng và tự ti. Nhưng khi làm việc tại xưởng may “Thiên thần”, tôi được hòa đồng cùng những người cùng cảnh ngộ, trở nên tự tin hơn và cho đến hiện tại, công việc này đã làm hài lòng cuộc sống mới của bản thân”.
Anh Xếp vừa nói vừa sắp xếp chồng khẩu trang vuông vắn: “Môi trường làm việc ở đây rất tử tế, công ty có những chế độ ưu đãi rất tốt. Ngoài ra, mọi người cũng giúp đỡ lẫn nhau trong công việc, dù có những chỗ tôi không hiểu nhưng các bạn sẵn sàng giúp đỡ. Tôi cảm thấy đây là nơi làm việc rất tuyệt vời”.
Người đàn ông 33 tuổi ấy đặc biệt cảm thấy ấn tượng với các đồng nghiệp nơi đây. Theo anh, có rất nhiều tấm gương như các chị phải vừa chăm sóc gia đình vừa đi làm khiến anh nể phục sự nỗ lực, từ đấy cũng tạo cho anh động lực để cố gắng hơn.
Anh có thể làm việc hiệu quả dù thiếu đi một phần cơ thể.
Nhìn xa hơn trong tương lai, anh Xếp cho biết muốn được duy trì công việc này, đặc biệt với một người khuyết tật như anh bị giới hạn sức khỏe với những công việc khác. Ngoài ra, không có bằng cấp thì đi xin việc rất khó khăn. Anh mong muốn, công ty tạo điều kiện cho những người khuyết tật được làm việc lâu dài.
Nếu gặp những người khuyết tật khác, anh chắc chắn sẽ giới thiệu vào công ty khi cùng là người khuyết tật như nhau. “Tôi cũng muốn họ có công ăn việc làm như mình để cuộc sống đỡ khổ hơn”, anh nói.
Cuộc sống tại nhà trọ của công ty là môi trường sinh hoạt chung, nấu ăn theo nhóm. Lâu lâu lại có liên hoan, mấy anh em quây quần bên nhau. Đối với anh Xếp, đồng nghiệp là gia đình thứ hai khi anh xa nhà và không có thời gian về quê.
Anh Hồ Văn Xếp hy vọng, TokyoLife sẽ ngày càng có thể tuyển dụng thêm nhiều người khuyết tật để họ có việc làm ổn định, mong cho công ty ngày càng phát triển để không chỉ những người khuyết tật mà những người bình thường cũng sẽ muốn vào đây làm.
Mỗi sáng thức dậy anh đều tìm được động lực cho bản thân, mong rằng bản thân giữ được sức khỏe để có thể làm việc mỗi ngày.
Môi trường làm việc tại Xưởng may “Thiên thần”.
“Giải thưởng hành động vì cộng đồng – Human Act Prize” do báo Báo Nhân Dân chỉ đạo tổ chức, với sự tham gia đồng hành của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng sự phối hợp tổ chức của Công ty Cổ phần VCCorp nhằm tôn vinh các cá nhân, tổ chức có những đóng góp tích cực cho xã hội thông qua những sáng kiến, dự án cộng đồng uy tín, mang lại hiệu quả lâu dài và bền vững.
Không chỉ tôn vinh và lan tỏa, Giải thưởng Hành động vì cộng đồng Human Act Prize còn ra đời với mục tiêu đồng hành, định hướng và kết nối mọi cá nhân và tập thể đã, đang và sẽ mang trên vai trách nhiệm vì cộng đồng trong hành trình của họ.
Kết nối những trái tim đam mê hoạt động tình nguyện
Những người đam mê hoạt động tình nguyện có dịp hội ngộ tại Liên hoan câu lạc bộ (CLB), đội, nhóm tình nguyện toàn tỉnh lần thứ IV do Tỉnh Đoàn-Hội Liên hiệp thanh niên (LHTN) Việt Nam tỉnh Gia Lai, Ban Thường trực Mạng lưới Tình nguyện Quốc gia khu vực Tây Nguyên, Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh tổ chức vào ngày 14-10 tại Quảng trường Đại Đoàn Kết, TP. Pleiku. Mỗi CLB, đội, nhóm có hình thức hoạt động khác nhau nhưng đều chung tinh thần sẻ chia, nhiệt huyết vì cộng đồng.
Tạo dựng hệ sinh thái tình nguyện
Trong số 23 CLB, đội, nhóm tình nguyện tham gia liên hoan, CLB Tấm lòng vàng An Khê đã có 12 năm hoạt động. Câu lạc bộ đã triển khai hiệu quả một số dự án như: hỗ trợ định kỳ cho 25 trẻ mồ côi được đến trường; chương trình "Nồi cháo yêu thương" và "Bát cơm ngàn nhà" thực hiện tại Trung tâm Y tế huyện Đak Pơ; địa chỉ nhân đạo chăm sóc 25 người khuyết tật, khiếm thị...
Cùng với những dự án dài hơi, CLB còn tổ chức các chuyến tình nguyện về vùng khó. Riêng từ đầu năm đến nay, CLB đã thực hiện các hoạt động tình nguyện trị giá hơn 600 triệu đồng. Chủ nhiệm CLB Phan Thị Nhung cho hay: "Nhờ uy tín và sự minh bạch, CLB nhận được sự hỗ trợ, chia sẻ của nhiều Mạnh Thường Quân".
Câu lạc bộ Kỹ năng sống thuộc Trường Cao đẳng Gia Lai tham gia liên hoan để học hỏi kinh nghiệm trong hoạt động tình nguyện. Ảnh: P.L
Với 8 năm thành lập, nhóm tình nguyện Chung tay Gia Lai cũng có nhiều hoạt động ý nghĩa. Nổi bật là việc kêu gọi xây dựng nhà nhân ái, nhà tình nghĩa cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ hơn 25.000 cây giống các loại cho hộ nghèo ở huyện Ia Grai. Cùng với đó, nhóm kêu gọi nguồn lực để hỗ trợ cho 12 trường hợp bị tai nạn, bệnh hiểm nghèo... với tổng kinh phí trên 280 triệu đồng.
Anh Nguyễn Chí Nguyên-Trưởng nhóm tình nguyện Chung tay Gia Lai-chia sẻ: "Các thành viên trong nhóm hoạt động trên tinh thần tự nguyện. Qua mỗi hoạt động, các thành viên đều phấn khởi vì có thể sẻ chia, giúp đỡ cho người cần giúp".
Câu lạc bộ Kỹ năng sống thuộc Trường Cao đẳng Gia Lai khá mới, đối tượng tham gia chủ yếu là sinh viên. Để duy trì hoạt động, CLB triển khai Dự án "Tấm handmade" để bán vật phẩm gây quỹ, đồng thời hướng đến việc lan tỏa lối sống xanh, ý thức bảo vệ môi trường cho thanh thiếu nhi. Cùng với đó, CLB tổ chức bồi dưỡng, rèn luyện kỹ năng cho các thành viên thông qua những hoạt động tình nguyện như: giáo dục kỹ năng sống cho 100 thiếu nhi TP. Pleiku; sửa chữa xe đạp miễn phí cho trẻ ở Làng trẻ em SOS Pleiku.
Chị Trịnh Thị Phượng-Chủ nhiệm CLB-tâm sự: "Những hoạt động tình nguyện giúp các bạn trẻ có thêm kiến thức, vốn sống và bài học về sự yêu thương để nỗ lực hơn trong học tập, phấn đấu thành người có ích cho xã hội".
Tôn vinh những điển hình
Tại liên hoan, các CLB, đội, nhóm đã giao lưu, chia sẻ về các dự án tình nguyện, kinh nghiệm tổ chức hoạt động, kêu gọi các nguồn lực xã hội hóa, minh bạch trong thu-chi. Nhiều "thủ lĩnh" CLB, đội, nhóm tình nguyện từng nhận Giải thưởng tình nguyện Quốc gia trao đổi những kinh nghiệm trong công tác tổ chức và triển khai hoạt động.
Anh Đỗ Đức Thanh-Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh tặng bằng khen cho các thủ lĩnh tiêu biểu trong phong trào tình nguyện. Ảnh P.L
Anh Đỗ Đức Thanh-Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh: Mỗi CLB, đội, nhóm tình nguyện có hoạt động hướng đến những đối tượng khác nhau nhưng đều có điểm chung là tinh thần sẻ chia vì cộng đồng. Sự chung tay của các CLB, đội, nhóm tình nguyện đã góp phần cùng địa phương xây dựng nông thôn mới, chăm lo những mảnh đời khó khăn, bất hạnh. Bên cạnh đó, CLB, đội, nhóm chính là nơi phát hiện, bồi dưỡng những nhân tố tích cực để bổ sung cho phong trào Đoàn-Hội ở địa phương, góp phần mở rộng mặt trận đoàn kết tập hợp thanh niên.
Trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở, đại diện các CLB, đội nhóm cũng đề xuất một số vấn đề như: Tỉnh Đoàn-Hội LHTN Việt Nam tỉnh cần kết nối các CLB, đội, nhóm tình nguyện để tổ chức nhiều hoạt động quy mô; những CLB có bề dày kinh nghiệm có thể hỗ trợ cho CLB mới hoạt động; cần xây dựng được một hệ sinh thái tình nguyện...
Anh Nguyễn Đắc Kiên Bình-Trưởng nhóm từ thiện Chư Prông-cho biết: "Thực tế, một số CLB hoạt động chưa có chiều sâu, kỹ năng yếu nên chưa tạo được dấu ấn. Chính vì thế, Hội LHTN Việt Nam tỉnh cần tổ chức tập huấn, liên hoan nhằm kết nối để các CLB giao lưu học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau; đồng thời, định kỳ tổ chức hoạt động quy mô, có sự tham gia của các CLB, huy động nguồn lực nhiều hơn".
Trong khuôn khổ liên hoan, các CLB, đội, nhóm tình nguyện đã đi bộ hưởng ứng chương trình "Những bước chân vì cộng đồng" và tham gia các trò chơi team building. Những tiết mục văn nghệ, nhảy dân vũ, nhảy hiện đại... giúp liên hoan thêm sôi động. Dịp này, Tỉnh Đoàn-Hội LHTN Việt Nam tỉnh cùng các CLB, đội, nhóm tình nguyện cũng đã trao tặng 140 suất ăn cùng một số nhu yếu phẩm cho các đối tượng đang được chăm sóc tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh; tặng 1 công trình sân chơi cho thiếu nhi Trường Tiểu học Đinh Núp (xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ). Riêng BIDV Gia Lai tặng 10 suất quà (mỗi suất trị giá 500 ngàn đồng) cho người dân có hoàn cảnh khó khăn ở TP. Pleiku.
Nhằm tôn vinh, biểu dương những người cống hiến trong công tác tình nguyện, Ủy ban Hội LHTN Việt Nam tỉnh đã tặng bằng khen cho 21 tập thể và 24 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào "Tôi yêu Tổ quốc" năm 2023. Đồng thời, Ủy ban Hội LHTN Việt Nam tỉnh tặng bằng khen cho 4 tấm gương tiêu biểu "Tỏa sáng nghị lực Việt" cấp tỉnh năm 2023; Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh tặng giấy khen cho 8 tấm gương người khuyết tật tiêu biểu vươn lên trong cuộc sống năm 2023.
Là nhân vật vừa được tuyên dương gương tiêu biểu "Tỏa sáng nghị lực Việt" vừa là cá nhân tiêu biểu trong phong trào "Tôi yêu Tổ quốc tôi", anh Nay Djruêng-Trưởng nhóm tình nguyện Đi qua mùa rẫy-bày tỏ: "Tôi rất vui khi nhận được sự động viên của Ủy ban Hội LHTN Việt Nam tỉnh. Những hoạt động tại liên hoan mang đến cho tôi nhiều trải nghiệm thú vị và học hỏi được nhiều kinh nghiệm hoạt động của các CLB. Qua liên hoan này, tôi muốn gửi gắm một thông điệp: "Bất kỳ ai cũng có thể tham gia hoạt động tình nguyện, chỉ cần có tinh thần nhiệt huyết và tấm lòng sẻ chia với cộng đồng".
Chuyện tình ngàn cây số của cặp đôi không lành lặn Cô gái ở Kon Tum vượt hơn 1.500 cây số ra Hà Giang thăm người gặp gỡ trên mạng xã hội và đã tìm được "nửa kia" của đời mình. Đi tìm tình yêu Căn nhà nhỏ trông rất bình yên của vợ chồng anh Hoàng Đức Linh (24 tuổi) và chị Y Khot nằm ở đầu thôn Kà Bầy, xã Sa Bình,...