Xung đột khốc liệt ở Sudan: Bên nào có ưu thế?
Các nhà phân tích cảnh báo, xung đột ở Sudan, đặc biệt là ở thủ đô Khartoum còn kéo dài và đẫm máu.
Tuy nhiên, một bên sở hữu kho vũ khí dồi dào hơn có cơ hội chiến thắng cao hơn.
Không quân Sudan oanh tạc nhiều vị trí ở thủ đô Khartoum (ảnh: Aljazeera)
Dẫn lời các chuyên gia phân tích, Aljazeera đưa tin, xung đột ở Sudan giữa Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF) và quân đội Sudan sẽ còn kéo dài bởi lực lượng 2 bên hiện tương đương nhau.
Tuy nhiên, theo thời gian, quân đội Sudan có khả năng thắng thế trong xung đột cao hơn. Quân đội Sudan sở hữu các máy bay chiến đấu, ném bom – thứ mà lực lượng RSF không có. Quân đội Sudan cũng nhận được sự hỗ trợ về hậu cần từ Ai Cập.
Các máy bay quân sự của quân đội Sudan đang ném bom nhiều khu vực ở Khartoum và sân bay trong thành phố, nơi RSF bố trí những trận địa pháo.
Ở chiều ngược lại, RSF nhận được hỗ trợ từ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).
“Ai Cập và UAE giúp những đội quân ở Sudan lớn mạnh như hiện tại. Những đội quân này chống lại lời kêu gọi về chính quyền dân sự và chống lẫn nhau”, Jonas Horner – chuyên gia phân tích Sudan tại Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế ( Crisis Group) – nhận xét.
Video đang HOT
Tướng Al-Burhan (phải) và tướng Dagalo (trái) – lãnh đạo hai phe quân sự đang đối đầu tại Sudan (ảnh: Reuters)
Xung đột ở Khartoum có nguy cơ lan rộng ra nhiều tỉnh (ảnh: Aljazeera)
“Cuộc chiến ở Khartoum sẽ kéo dài và đẫm máu, nhưng quân đội sẽ kiểm soát được thành phố này. Họ có kho vũ khí lớn hơn”, Sharath Srinivasan – chuyên gia phân tích tại Đại học Cambridge (Anh) – nói với Aljazeera.
Theo ông Srinivasan, sau khi thất bại, lực lượng RSF có thể rút lui về căn cứ địa ở tỉnh Darfur (phía Tây Sudan). Từ Darfur, RSF có thể kiểm soát thêm một số vùng đất nhỏ khác.
“Khả năng gây thiệt hại cho đối phương của quân đội Sudan là cao hơn. Nhưng RSF vẫn có thể tiếp cận một số khu vực khác ở Sudan”, ông Srinivasan nói.
Theo ông Srinivasan, thủ lĩnh RSF, tướng Mohamad Hamdan Dagalo, và tư lệnh quân đội Sudan – tướng Abdel Fattah Al-Burhan – đang chơi một trò chơi “có tổng bằng không”. Hai lực lượng này chỉ có thể đánh bại, chứ không đủ sức để triệt tiêu hoàn toàn đối phương.
Hôm 17/4, tướng Abdel Fattah Al-Burhan đã ra lệnh giải thể RSF.
Năm 2013, Tổng thống Sudan lúc bấy giờ là Omar al-Bashir đã giao nhiệm vụ chỉ huy RSF cho tướng Dagalo. RSF có nhiệm vụ ngăn chặn đảo chính và dập tắt những phe phái quân sự ở Sudan.
6 năm sau, RSF hợp tác với quân đội Sudan để lật đổ ông Omar al-Bashir.
Sau cuộc đảo chính, ông Dagalo và tướng Al-Burhan cùng điều hành Sudan. Nhưng ông Dagalo có quyền lực thấp hơn 1 bậc, theo Aljazeera.
Tây Ban Nha điều máy bay quân sự sơ tán công dân khỏi Sudan (ảnh: Reuters)
Mâu thuẫn nổ ra từ đầu năm nay, khi quân đội muốn sáp nhập RSF nhưng không tìm được tiếng nói chung về vấn đề chia sẻ quyền lực. Hiện ông Dagalo và tướng Al-Burhan là “kẻ thù không đội trời chung”.
Theo một số chuyên gia, để nhanh chóng chấm dứt xung đột ở Sudan, cộng đồng quốc tế phải gây áp lực nhằm thực hiện lệnh ngừng bắn và ngăn bên thứ 3 tham chiến.
Tuy nhiên, các nước có ảnh hưởng như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản cùng Liên minh châu Âu (EU) đang “bận rộn” tìm cách sơ tán quan chức, công dân khỏi Sudan.
Theo Liên hợp quốc, cuộc chiến kéo dài từ ngày 15/4 đã khiến ít nhất 427 người ở Sudan thiệt mạng. Hàng triệu người ở Khartoum buộc phải ở trong nhà trong điều kiện thiếu thốn nước, thực phẩm và lo lắng cho mạng sống của mình.
Tác động của cuộc xung đột ở Sudan với các nước láng giềng
Những lo lắng đang gia tăng giữa các nước láng giềng của Sudan khi cuộc giao tranh tiếp diễn. Nam Sudan, Chad và Ai Cập đều phụ thuộc vào sự ổn định ở Sudan, cho dù đó là vì lý do kinh tế, nhân đạo hay an ninh.
Bạo lực và giao tranh đã bùng phát ở Sudan do cạnh tranh quyền lực giữa các phe phái. Ảnh: AFP
Trong tuần qua ở Sudan, vốn đã bất ổn về chính trị trong nhiều năm, hai vị tướng quyền lực nhất cùng các lực lượng của họ đã xung đột trực tiếp để tranh giành quyền lực.
Theo các chuyên gia, bạo lực bùng phát giữa các lực lượng trung thành với người đứng đầu quân đội Sudan Abdel Fattah al-Burhan và Tướng Mohamed Hamdan Daglo, được biết đến với cái tên Hemedti, chỉ huy nhóm RSF bán quân sự, chỉ làm tăng mất ổn định khu vực.
Marina Peter, người sáng lập Diễn đàn Sudan và Nam Sudan, nhận định với tờ Deutsche Welle (Đức) ngày 23/4 rằng: "Sudan là trung tâm của các cuộc khủng hoảng và xung đột liên tục kéo dài. Khi một cuộc xung đột nổ ra ở quốc gia này, các nước trong khu vực như Ai Cập, Libya, Chad, CH Trung Phi, Nam Sudan, Ethiopia, Eritrea, thậm chí ở bên kia Biển Đỏ là Saudi Arabia, luôn bị ảnh hưởng".
Theo vị chuyên gia trên, tất cả các quốc gia này đều phụ thuộc vào mối quan hệ tốt đẹp với Sudan, nhưng đặc biệt là Nam Sudan, quốc gia đã tuyên bố độc lập năm 2011. Đồng quan điểm trên, Gerrit Kurtz từ nhóm nghiên cứu châu Phi và Trung Đông tại Viện Các vấn đề An ninh và Quốc tế của Đức ở Berlin cho rằng Nam Sudan phụ thuộc vào ngoại tệ từ việc bán dầu thô, chiếm khoảng 95% doanh thu trong lĩnh vực công. Sudan rất quan trọng đối với những mặt hàng xuất khẩu này, vì có đường ống dẫn dầu chạy qua Sudan đến Biển Đỏ. Chính phủ Nam Sudan do đó rất quan tâm đến việc đảm bảo rằng mối liên hệ này được duy trì.
Với Chad, nguy cơ về một cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng tăng do xung đột ở Sudan. Quân đội Chad mới đây báo cáo rằng họ đã tước vũ khí của 320 chiến binh bán quân sự từ Sudan vượt qua biên giới. Trong khi đó, Bộ trưởng Truyền thông Chad Aziz Mahamat Saleh lưu ý những người tị nạn từ các khu vực giao tranh ở phía Tây Sudan đã đến Chad, bất chấp thực tế là biên giới dài 1.500 km với Sudan đã bị đóng cửa.
Ông Saleh nói: "Chad có văn hóa hiếu khách và không thể đóng kín biên giới của mình. Vì vậy, chúng tôi kêu gọi các đối tác quốc tế hỗ trợ chúng tôi trong cuộc khủng hoảng nhân đạo đang cận kề này".
Theo ông Saleh, Chad đã đón hơn 500.000 người tị nạn và nước này lo ngại cuộc chiến đang diễn ra có thể tác động lâu dài đến toàn bộ khu vực Sahel, bao gồm cả thương mại giữa hai nước.
Về phần mình, Ai Cập cũng có mối quan hệ lịch sử lâu dài với Sudan, không chỉ với tư cách là một đối tác thương mại. Quay trở lại thời kỳ Pharaon, Sudan là một phần của Ai Cập và sau đó cả hai quốc gia đều nằm dưới sự thống trị của thực dân Anh.
Chuyên gia Kurtz nói: "Ai Cập và Sudan có nền văn hóa tương đồng và một số giới thượng lưu Sudan có mối quan hệ gần gũi với Ai Cập: Nhiều người Sudan đã học ở Ai Cập và các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang Sudan đã được huấn luyện ở ở Ai Cập. Khi cuộc xung đột nổ ra, các thành viên của Lực lượng Không quân Ai Cập đang ở Sudan để hỗ trợ huấn luyện".
Với mối quan hệ gần gũi, đặc biệt là về phía lực lượng vũ trang và quân đội, ông Kurtz cho rằng chính quyền quân sự ở Ai Cập có xu hướng coi chính phủ quân sự của Sudan là đồng minh.
Một yếu tố khác là những tranh chấp về nguồn nước sông Nile, trở nên gay gắt hơn kể từ khi Ethiopia xây đập ở thượng nguồn để cung cấp năng lượng cho nhà máy thủy điện GERD khổng lồ của nước này. Chuyên gia Kurtz nêu rõ Ai Cập muốn "đưa Sudan vào phe của mình trong cuộc tranh chấp này".
Do những tác động trên, ngay khi xung đột nổ ra ở Sudan, cả Ai Cập và Nam Sudan đều đề nghị làm trung gian hòa giải và đây chỉ là bằng chứng nữa cho thấy các nước láng giềng của Sudan có lợi ích chung đối với sự ổn định của nước này.
Giao tranh tại Sudan: Hàng nghìn người nước ngoài sơ tán Trong ngày 23/4, sân bay chính tại thủ đô Khartoum là điểm nóng giao tranh giữa quân đội Sudan và nhóm bán quân sự Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RFS). Sân bay này đang nằm dưới sự kiểm soát của RSF. Các công dân nước ngoài chuẩn bị đáp máy bay sơ tán tránh xung đột tại căn cứ không quân của Pháp...